Ai đúng ai sai vụ cô gái mặc hở lưng bị TikToker quay clip đăng lên mạng?

© Ảnh : Ảnh chụp màn hìnhBức ảnh cô gái Việt Nam ăn mặc hở hang, video gây chú ý mạng
Bức ảnh cô gái Việt Nam ăn mặc hở hang, video gây chú ý mạng - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.08.2022
Đăng ký
Việc một TikToker tự ý quay clip một cô gái mặc áo hở lưng đưa lên mạng xã hội với bình luận khiếm nhã đã thu hút nhiều ý kiến trái chiều của cộng đồng mạng.
Trong khi một số cho rằng việc ăn mặc hở hang ở nơi công cộng là phản cảm, thì số khác cho rằng cô gái có quyền mặc bất cứ thứ gì cô thích, miễn không vi phạm pháp luật.
Liên quan đến vụ việc, luật sư Đặng Văn Cường đã có một số chia sẻ về vấn đề pháp lý xoay quanh vấn đề này.

TikToker “kém duyên”

Vừa qua, khi đang di chuyển trên đường Xã Đàn (Hà Nội), một TikToker vô tình nhìn thấy một bạn gái mặc chiếc áo cắt xẻ táo bạo, gần như hở toàn bộ phần lưng.
Chàng trai này đã bám theo chiếc xe chở cô gái và dùng điện thoại quay lại rồi đăng tải lên mạng xã hội Tiktok.

Không hiểu sao nhiều ông lại để người yêu mặc thế này ra đường được, - chàng trai chú thích.

Video này đã gây ra nhiều ý kiến trái chiều trên mạng xã hội. Trong khi một số cho rằng việc ăn mặc hở hang ở nơi công cộng là phản cảm, thì số khác cho rằng cô gái có quyền mặc bất cứ thứ gì cô thích, miễn không vi phạm pháp luật.
Sự việc đã phát triển thành vấn đề liên quan đến pháp luật khi cô gái trong đoạn clip cho rằng nam thanh niên quay lén đã vi phạm quyền riêng tư và bôi nhọ cô. Cô gái này yêu cầu nam thanh niên phải xóa video, đồng thời phải xin lỗi công khai nếu không muốn chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cô gái cũng đã quay một video phản hồi lại video của nam thanh niên. Theo đó, cô gái cho rằng, dù là chồng hay bạn trai thì cũng không có quyền kiểm soát mình. Theo cô, bản thân có quyền chọn trang phục như vậy vì cô thích, và chàng trai nọ không có quyền sử dụng hình ảnh của cô đăng lên mạng khi chưa được cho phép.

Đầu tiên, mình mặc như thế ra đường là vì mình thích. Thứ hai, mình không phải xin phép để mặc gì. Người chở mình trong video có thể là chồng, người yêu hay bạn mình, nhưng dù ở vị trí nào họ cũng không có quyền kiểm soát mình, - cô gái nói.

Người quay video sau đó đã phải gỡ đoạn clip xuống và biện hộ: "Mình chỉ quay vu vơ thôi".

Có vi phạm pháp luật?

Liên quan đến vụ việc, TS. LS Đặng Văn Cường (Văn phòng Luật sư Chính Pháp) cho rằng, cô gái trong video có thể đã đúng nếu như nội dung đăng tải sử dụng hình ảnh của cô mà không có sự cho phép và gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm, uy tín của cô gái.
Theo ông, hiến pháp và pháp luật Việt Nam ghi nhận quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với các vấn đề xã hội. Đồng thời, hiến pháp và pháp luật Việt Nam cũng ghi nhận, bảo đảm và bảo vệ quyền tự do nhân thân, trong đó có quyền tự do hình ảnh của mỗi cá nhân.

“Việc bày tỏ thái độ quan điểm của mình đối với người khác và các vấn đề xã hội là quyền tự do ngôn luận. Tuy nhiên việc sử dụng hình ảnh, thông tin của cá nhân thì phải được người có hình ảnh đó đồng ý”, - luật sư cho biết.

Theo Khoản 1, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2015, cá nhân có quyền đối với hình ảnh của mình. Việc sử dụng hình ảnh của cá nhân phải được người đó đồng ý. Khi sử dụng hình ảnh của người khác vì mục đích thương mại thì phải trả thù lao cho người có hình ảnh, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác. Theo luật sư chia sẻ với Dân Trí, mỗi cá nhân đều có quyền tự do lựa chọn trang phục ăn mặc. Người khác cũng có quyền bày tỏ quan điểm thái độ của mình đối với cách ăn mặc của họ, tuy nhiên không được phép xúc phạm danh dự, nhân phẩm của người khác.

“Đồng thời, việc sử dụng hình ảnh của người khác nơi công cộng có thể không cần xin phép nhưng nếu việc sử dụng hình ảnh đó gây ảnh hưởng đến danh dự nhân phẩm uy tín của người có hình ảnh thì đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật”, - luật sư Đặng Văn Cường phân tích.

Căn cứ vào điểm b, Khoản 2, Điều 32 Bộ luật Dân sự, nam thanh niên quay video đang lên tiktok có quyền sử dụng những hình ảnh của người khác nơi công cộng nhưng nếu không làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì không cần phải xin phép.
Trường hợp tự ý chụp ảnh, ghi hình người khác nơi công cộng để sử dụng nhưng lại gây tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh thì đây là hành vi trái với quy định của pháp luật.
Theo luật sư, vấn đề nằm ở chỗ, khi đưa những hình ảnh, thông tin đó lên mạng xã hội, TikToker đó có quan điểm thái độ như thế nào. Nếu quan điểm, thái độ của người đăng tải hình ảnh đó làm tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín của người có hình ảnh, đây sẽ là căn cứ để xác định việc sử dụng hình ảnh đó có vi phạm pháp luật hay không.
Nếu sử dụng hình ảnh của người khác kèm theo bình luận ác ý, dẫn đến nhiều người khác vào bình luận, thậm chí chửi bới xúc phạm đến người có hình ảnh, khiến họ bị tổn hại đến danh dự, nhân phẩm, uy tín thì đây là việc sử dụng hình ảnh không được phép, trái quy định pháp luật.

“Trong sự việc này, nếu cô gái cảm thấy bị tổn thương, bị xúc phạm, bị ảnh hưởng đến uy tín thì hoàn toàn có quyền yêu cầu người có hình ảnh đó phải gỡ bỏ, cải chính và xin lỗi. Nếu hành vi đăng video của TikToker gây thiệt hại thì còn có thể yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật, căn cứ vào quy định tại Khoản 3, Điều 32 Bộ luật Dân sự”, - luật sư phân tích.

Điều 101 Nghị định 15/2020/NĐ-CP đã quy định rõ, hành vi lợi dụng mạng xã hội để cung cấp, chia sẻ thông tin giả mạo, thông tin sai sự thật, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của cơ quan, tổ chức, danh dự, nhân phẩm của cá nhân có thể bị phạt hành chính ở mức 10 - 20 triệu đồng.
Theo luật sư, quy định này là nhằm bảo vệ danh dự, nhân phẩmm uy tín của công dân, bảo vệ quyền tự do nhân thân và tự do hình ảnh của công dân trước pháp luật.
Điều này không mâu thuẫn với quyền tự do ngôn luận, tự do bày tỏ quan điểm thái độ ý kiến của mình đối với các vấn đề xã hội.

“Pháp luật quy định nhiều quyền tự do dân chủ, trong đó quyền tự do này có thể bị giới hạn bởi quyền tự do khác, quyền của chủ thể này bị giới hạn bởi quyền của chủ thể khác. Bởi vậy trong xã hội có pháp luật thì vi của con người sẽ được đánh giá bởi những chuẩn mực pháp luật và chuẩn mực đạo đức xã hội”, - luật sư nhấn mạnh.

TikTok - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.07.2022
TikTok cắt giảm kinh doanh ở phương Tây để tập trung vào châu Á

Dù có khoả thân cũng không bị phạt?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam ngày càng ghi nhận quyền tự do cá nhân, trong đó có quyền tự do thân thể, tự do về trang phục. Việc ăn mặc khêu gợi nơi công cộng, thậm chí cho dù có phản cảm đi nữa thì cũng chỉ là vấn đề xã hội, có thể bị chê trách chứ không bị xử lý bởi các chế tài của pháp luật.
Thậm chí, dù cho có khỏa thân nơi công cộng hiện nay cũng không bị xử phạt vi phạm hành chính. Chỉ có những hành vi gây rối trật tự công cộng thì mới bị xử phạt hành chính theo quy định tại nghị định 144/2021/ NĐ-CP về xử phạt hành chính trong lĩnh vực an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Những hành vi ăn mặc hở hang, phản cảm, thậm chí khỏa thân nơi công cộng mà không được coi là gây rối trật tự công cộng thì cũng không bị xử phạt mà chỉ có thể bị xã hội cười chê bởi đó là lĩnh vực, phạm trù đạo đức xã hội, không có sự can thiệp bởi pháp luật, - luật sư chia sẻ.

Pháp luật cho phép mọi người được sử dụng hình ảnh của người khác nơi công cộng, nhưng nếu việc sử dụng hình ảnh đó gây ra những tổn thương về tâm lý, ảnh hưởng đến danh dự của người có hình ảnh thì hành vi này lại không được phép.
Theo luật sư Cường, vụ việc trên sẽ là bài học cho những ai thường xuyên hoạt động trên mạng xã hội và sử dụng những hình ảnh nơi công cộng để phục vụ cho mục đích cá nhân hoặc để bày tỏ quan điểm thái độ cá nhân.

“Việc sử dụng hình ảnh của người khác phải tuân thủ quy định tại Điều 32 Bộ luật Dân sự. Dù thuộc trường hợp không phải xin phép theo Khoản 2, Điều 32 thì việc sử dụng hình ảnh đó cũng không được phép nhằm xúc phạm danh dự nhân phẩm, gây tổn hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của người có hình ảnh”, - luật sư kết luận.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала