Việt Nam: Chưa giàu đã già

© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.08.2022
Đăng ký
Khi nào Việt Nam trở thành quốc gia dân số già và phải đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”?
Việt Nam đang đối mặt với nguy cơ già hóa dân số ngày càng lớn và nhanh hơn dự báo của World Bank, chất lượng lao động còn thấp trước khi kịp đưa đất nước “hóa rồng” vào top các quốc gia phát triển tiên tiến hàng đầu khu vực và thế giới.
Sáng 20/8, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì Hội nghị trực tuyến toàn quốc về “Phát triển thị trường lao động linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập” với sự tham gia của cả đại diện Ngân hàng Thế giới (WB), Điều phối viên thường trú của Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, Trưởng Đại diện thường trú Chương trình Phát triển của LHQ (UNDP) tại Việt Nam, Tổ chức Hợp tác phát triển Đức (GIZ), Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), VCCI…

Việt Nam đối diện nguy cơ chưa giàu đã già

Thông tin đáng chú ý được Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) đưa ra tại hội nghị, đó là dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và đối mặt với nguy cơ “già trước khi giàu”.

“Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn già hóa dân số năm 2011 với 10,1% dân số là người cao tuổi, tỷ lệ này tăng lên 13,3% dân số năm 2020. Dự báo đến năm 2039, Việt Nam sẽ trở thành quốc gia dân số già và đối mặt với nguy cơ già trước khi giàu”, - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói.

Bộ trưởng Đào Ngọc Dung cho biết, thị trường lao động Việt Nam hiện có trên 51,6 triệu người, chất lượng việc làm ngày càng được cải thiện, tỷ lệ qua đào tạo tăng qua từng năm, tỷ lệ lao động qua đào tạo có bằng cấp, chứng chỉ đạt 26,2%. Đáng chú ý, theo Bộ trường, cơ cấu lao động có bước chuyển dịch tích cực theo hướng giảm tỷ trọng lao động khu vực nông nghiệp, tăng tỷ trọng lao động khu vực công nghiệp và dịch vụ. Việt Nam cũng giảm tỷ trọng việc làm dễ bị tổn thương, tăng tỷ lệ việc làm được bảo vệ; tiền lương và thu nhập của người lao động được cải thiện rõ rệt; năng suất lao động và tính cạnh tranh của lực lượng lao động được nâng lên. Đẩy mạnh giải quyết việc làm góp phần duy trì tỷ lệ thất nghiệp chung của cả nước luôn dao động trong khoảng 2,2 - 2,3%.

“Tuy nhiên, thị trường lao động nước ta còn chưa phát triển kịp với tốc độ và yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, tính thích ứng, chủ động, linh hoạt kém, nhất là trước những “cú sốc” như đại dịch COVID-19 vừa qua đã bộc lộ những bất cập của thị trường lao động Việt Nam đang phải đối mặt”, - Bộ trưởng thẳng thắn.

Ông Dung dẫn chứng các vấn đề như áp lực giải quyết việc làm cho gần 2 triệu lao động rời khỏi thị trường lao động; tình trạng khan hiếm lao động cục bộ ở một số ngành, lĩnh vực, địa bàn còn tồn tại; chưa có giải pháp để nâng tầm, khai thác và thu hút lao động tại chỗ hiệu quả; tiềm ẩn nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng, thiếu hụt lao động cho giai đoạn phục hồi và phát triển; sự thiếu hụt các kỹ năng của người lao động để duy trì việc làm hoặc chuyển đổi nghề, thích ứng với tình hình sau đại dịch; thiếu cơ sở dữ liệu điện tử trong quản lý lao động, nhu cầu kỹ năng tương lai.
Theo Bộ trưởng Bộ Lao động, cuộc cách mạng công nghiệp sẽ ảnh hưởng tới cơ cấu việc làm và yêu cầu về kỹ năng trình độ cũng sẽ thay đổi nhanh chóng, do đó, nếu cung lao động không đáp ứng kịp thời, người lao động trong nước có thể bị gạt ra ngoài lề của nền kinh tế toàn cầu mới. Chính vì vậy, mà theo Bộ trưởng, cần rà soát, đánh giá nhu cầu nhân lực theo từng ngành, lĩnh vực, vùng để kịp thời kết nối việc cung ứng nhân lực.

“Đặc biệt là đánh giá nhu cầu nhân lực của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam”, - Bộ trưởng Đào Ngọc Dung lưu ý, đồng thời đề xuất, ngành giáo dục cần làm tốt phân luồng học sinh sau trung học, sớm ban hành nghị quyết của Chính phủ miễn học phí giáo dục nghề nghiệp đối với các ngành nghề có nhu cầu nhân lực lớn cho phục hồi kinh tế.

© Ảnh : TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.08.2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động

Thị trường lao động Việt Nam: Tốc độ già hóa nhanh hơn dự báo

Đối với vấn đề già hóa dân số, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cũng cho biết, tốc độ già hóa dân số của Việt Nam nhanh hơn dự báo.

“Trước đây Ngân hàng Thế giới dự báo Việt Nam bắt đầu già hóa dân số sau năm 2030 nhưng hiện nay đã diễn ra, làm giảm lực lượng lao động. Nếu chúng ta không tranh thủ, tăng tốc nhanh, với chính sách mạnh hơn để tận dụng thời cơ dân số vàng thì chúng ta chưa giàu đã già”, - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đồng tình với quan điểm của WB và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội.

Ông Dũng cũng nêu thêm về hạn chế của thị trường lao động, đó là việc phân bố lao động không đồng đều giữa các vùng miền, địa phương; chất lượng lao động thấp, chỉ có hơn 26% lao động qua đào tạo, có chứng chỉ, nhất là lao động quản lý, tay nghề cao rất thiếu, không đáp ứng cho thu hút đầu tư FDI công nghệ cao; năng suất lao động rất thấp, theo các đánh giá quốc tế. Cùng với đó, trong giai đoạn hiện nay có tình trạng mất việc làm, thiếu hụt lao động cục bộ một số địa phương và lĩnh vực.
Theo ông Phạm Tấn Công, Chủ tịch Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết công nhân, lao động phổ thông là đối tượng doanh nghiệp dễ tuyển dụng nhất (62%), trong khi nguồn lao động chất lượng cao như kế toán, cán bộ kỹ thuật, giám đốc điều hành rất khó tuyển. Theo ông Công, việc này ảnh hưởng tới sự phát triển của doanh nghiệp cũng như nguy cơ mất dòng đầu tư FDI dịch chuyển sau dịch COVID-19. Đặc biệt, đại diện VCCI cũng nhấn mạnh rằng, Việt Nam có dân số vàng nhưng chất lượng lao động chưa phải là vàng, do đó, VCCI kiến nghị cần có kéo dài chính sách hỗ trợ người lao động, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi COVID-19 như chính sách đào tạo lại, ưu đãi thuế cho doanh nghiệp khi đào tạo nội bộ, đào tạo lại cho người lao động.

Việt Nam thiếu lao động chất lượng cao

Phát biểu tại Hội nghị, đại diện Ngân hàng Thế giới đánh giá, Việt Nam luôn coi trọng giáo dục phổ thông, tuy nhiên hệ thống giáo dục của Việt Nam vẫn chưa sẵn sàng để có thể tận dụng được hết tiềm năng của thanh thiếu niên tốt nghiệp phổ thông.
WB cũng chỉ ra một số thách thức và một số giải pháp về vai trò của việc làm, kỹ năng và giáo dục cao học đối với việc đạt được phát triển bền vững của Việt Nam. Đầu tiên, Việt Nam có lực lượng lao động có kỹ năng chưa cao. Đây là vấn đề của giáo dục đào tạo nghề bậc trung cấp và cao học.

“Về kỹ năng của lao động, hiện tại, Việt Nam đứng thứ 116/141 nước về kỹ năng của học sinh tốt nghiệp trong Báo cáo về cạnh tranh toàn cầu, thấp hơn nhiều so với một số nước, trong đó có Singapore đứng thứ 79”, - đại diện Ngân hàng Thế giới nhấn mạnh.

Theo WB, năm 2019 đã có cuộc điều tra trong các doanh nghiệp của Việt Nam, cho thấy nhiều doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tuyển dụng người lao động có chất lượng. 73% doanh nghiệp có báo cáo rằng họ gặp khó khăn trong tuyển dụng những lao động cho vị trí quản lý, 61% gặp khó khăn để tuyển dụng người lao động có kỹ năng phù hợp. Con số này cho thấy có khoảng cách lớn giữa cung và cầu lao động Việt Nam. Trong bảng điều tra về lao động Việt Nam năm 2020, chỉ rất ít đơn vị của Việt Nam hoàn tất giáo dục đào tạo nghề thuộc giáo dục cao học. Điều này do người Việt chưa được tiếp cận với giáo dục cao học.

“Tỷ lệ lao động tốt nghiệp đại học và cao học ở Việt Nam khoảng 26,8%, thấp hơn con số 51,3% của các nước thu nhập trung bình”, - WB lưu ý.

Về kỹ năng, 17% lao động Việt Nam có bằng đại học và trên đại học, phần còn lại trung bình lao động được đào tạo trong vòng 8 năm. Theo WB, Việt Nam muốn tăng cường chất lượng lao động tới năm 2050 nhưng với đà này thì chỉ 15% lực lượng lao động được tiếp cận giáo dục đại học vào năm 2030, thấp hơn nhiều so với các quốc gia ở châu Á khác. WB đề nghị Việt Nam tiếp tục tăng cường chất lượng của giáo dục đào tạo để phục vụ cho nhu cầu việc làm cũng như tương lai của các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp cũng nên đóng vai trò linh hoạt hơn trong vấn đề này để giúp Việt Nam đạt được tham vọng. Việt Nam cũng cần đào tạo lao động là học sinh về những kỹ năng mới như kỹ năng số, kỹ năng xã hội, kỹ năng học tập chất lượng cao và kỹ năng phát triển xanh bền vững.
Sản xuất đồ điện gia dụng tại nhà máy của Công ty TNHH Panasonic Life Solutions Việt Nam, Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.08.2022
Việt Nam chi thêm 1.155 tỉ đồng hỗ trợ người lao động

Vì sao lao động nhà nước dịch chuyển sang tư nhân?

Phát biểu kết luận Hội nghị, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho biết, để phát triển thị trường lao động Việt Nam, cần đi tìm câu trả lời cho những trăn trở của nhiều người.

“Chẳng hạn như vì sao một lực lượng lớn lao động chất lượng cao được đào tạo ở nước ngoài không muốn quay về Việt Nam làm việc? Vì sao thời gian gần đây có một số lao động thuộc khu vực nhà nước có xu hướng chuyển dịch ra khu vực tư nhân? Vì sao người dân một số địa phương phải xa gia đình, con nhỏ, bố mẹ già, thậm chí bỏ đất đai, ruộng vườn để đi làm ở nơi khác?”, - Thủ tướng nêu.

Theo người đứng đầu Chính phủ, thị trường lao động Việt Nam vẫn còn manh mún, chưa chuyên nghiệp, thiếu tính linh hoạt, chưa thật bền vững; công tác nghiên cứu, dự báo, khớp nối cung cầu và cập nhật hệ thống thông tin thị trường lao động chưa thực sự hiệu quả. Việt Nam muốn có những ngành công nghiệp phát triển, ứng dụng khoa học công nghệ, sở hữu những phát minh, sáng chế mới, những công nghệ tiên tiến nhất thì phải có được lao động chất lượng cao, được đào tạo bài bản, làm chủ được công nghệ.
Do đó, cần có cơ chế đào tạo, cải cách tiền lương, tạo môi trường làm việc tốt để thu hút nguồn nhân lực chất lượng cao trong khu vực nhà nước, thu hút, giữ chân những lao động có trình độ, kỹ năng tay nghề cao để chính họ trở thành nguồn động lực thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững. Thời gian tới, cần quan tâm tới việc dịch chuyển lao động và đổi mới toàn diện hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp theo hướng mở, linh hoạt để nâng cao chất lượng giáo dục – đào tạo, nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, tận dụng thời cơ dân số vàng, phục vụ quá trình chuyển dịch cơ cấu kinh tế.
© TTXVN - Dương Văn GiangThủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.08.2022
Thủ tướng Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị toàn quốc về phát triển thị trường lao động
Thủ tướng yêu cầu thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ về công tác hướng nghiệp, phân luồng học sinh sau trung học và rà soát, đánh giá sắp xếp tổ chức, đầu tư nâng cao năng lực của hệ thống đào tạo, giáo dục nghề nghiệp, nhất là đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, cần tập trung tháo gỡ những khó khăn vướng mắc trong kết nối giáo dục nghề nghiệp với doanh nghiệp; xây dựng chính sách ưu đãi cho học tập, nâng cao kỹ năng nghề nghiệp, đánh giá công nhận trình độ kỹ năng cho người lao động.

“Đẩy mạnh đào tạo, đào tạo lại, đào tạo bổ sung, đào tạo tại doanh nghiệp để thu hút hiệu quả lao động tại chỗ nhằm giải quyết triệt để vấn đề thiếu hụt nhân lực cục bộ, vấn đề đứt gãy lao động phục vụ phục hồi kinh tế nhanh và bền vững”, - Thủ tướng nhấn mạnh.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала