“Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới không có ai chống đối”

© Ảnh : Vũ Minh Đức - TTXVNLễ kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh
Lễ kỷ niệm 35 năm UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh  - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.09.2022
Đăng ký
Đúng như lời tiên đoán của tờ Đoàn Kết từ nước Ý, Nghị quyết 24C/18.65 năm 1987 của UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ, không có phiếu chống và không có phiếu trắng.
Dưới đây là những điều chưa biết về phiên họp lịch sử của UNESCO tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam

Những khó khăn lịch sử

Chiều 6/9, Bộ Ngoại giao phối hợp với Bảo tàng Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo quốc tế "Di sản Hồ Chí Minh đối với nhân loại" theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.
Sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 35 năm UNESCO ra Nghị quyết tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Dự lễ có Ủy viên Bộ Chính trị, Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh; Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Nguyễn Trọng Nghĩa; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Phó chủ tịch nước Võ Thị Ánh Xuân; Tổng giám đốc UNESCO Audrey Azoulay.
Tại hội thảo, nguyên Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Dy Niên đeo trên ngực mình tấm thẻ mà ông đã đeo 35 năm về trước, khi ông làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, trưởng Phái đoàn Việt Nam tham gia Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng UNESCO ở Paris năm 1987.
Tại khoá họp diễn ra từ ngày 20/10 đến 20/11/1987, Đại Hội đồng UNESCO đã thông qua Nghị quyết 24C/18.65 ghi nhận "năm 1990 sẽ đánh dấu 100 năm kỷ niệm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Anh hùng giải phóng dân tộc và Nhà văn hóa kiệt xuất của Việt Nam".
Chính nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên là người đã trực tiếp chỉ đạo và tham gia xây dựng, đệ trình để UNESCO thông qua nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Kể lại về câu chuyện 35 năm trước, ông Niên cho biết được Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Phạm Văn Đồng giao trọng trách làm Chủ tịch Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam. Sau đó, ông tiếp tục được chỉ định là Trưởng đoàn Việt Nam đi dự Khóa họp lần thứ 24 của Đại Hội đồng UNESCO.
"Đó là một vinh dự vô cùng lớn đối với tôi, khi trên đã có quyết định trình lên UNESCO để vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh, Ủy ban Quốc gia UNESCO đã làm ngày làm đêm. Lúc đó, điều kiện vô cùng khó khăn, nên phải lấy cường độ lao động ra làm rất quyết liệt. Phải xây dựng đề án thật tốt, phải chuẩn bị những khả năng tốt nhất để có thể tôn vinh Bác Hồ tại kỳ họp”, báo Người lao động dẫn lời nguyên bộ trưởng.
Năm 1987, Việt Nam vẫn còn hết sức khó khăn khi kinh tế lạm phát 3 con số, bị bao vây cấm vận, quan hệ ngoại giao chưa được mở rộng và nhiều khó khăn rất lớn khác.
Trong bối cảnh đó, việc có thể tranh thủ được sự ủng hộ của tuyệt đại đa số các nước để tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh là điều không dễ dàng.
“Khi nhận nhiệm vụ trước các đồng chí lãnh đạo cấp cao, chúng tôi muốn quyết tâm làm thế nào để Chủ tịch Hồ Chí Minh được UNESCO tôn vinh với đa số tuyệt đối. Quyết tâm như vậy nhưng thực sự trong lòng rất lo, không biết mình có thể làm được hay không”, ông Niên hồi tưởng.

Cả thế giới yêu mến Bác Hồ

Đến Paris, phái đoàn Việt Nam có dịp tiếp xúc với các lực lượng tiến bộ của Pháp, những trí thức kiều bào, Ban thư ký UNESCO tại Paris để từ đó vạch kế hoạch vận động cho thật tốt, hiệu quả.
Đúng dịp đó, ông Niên còn nhận trách nhiệm làm Trưởng đoàn Việt Nam tại Đại hội đồng LHQ thay cho Bộ trưởng Ngoại giao Nguyễn Cơ Thạch, lúc đó đang bận công việc khác không thể đi được.
Vịnh Hạ Long ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.09.2022
Việt Nam là thành viên có trách nhiệm, uy tín của UNESCO
“Khi tôi đang dự họp Đại hội đồng LHQ thì nhận điện thượng khẩn của chị Phan Thị Phúc, lúc đó là Tổng thư ký Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam, điện từ Paris, nói rằng anh phải sang Paris gấp, tình hình đang rất cần và phải vận động hết sức quyết liệt mới có thể thành công được”, ông Niên cho biết.
Ngay sau đó, ông bay sang Paris gặp Tổng giám đốc UNESCO Amadou-Mahtar M'Bow, nguyên thủ tướng Sénégal, vốn là một người rất có cảm tình với Việt Nam.
Khi gặp mặt, thấy vẻ tư lự, đắn đo của ông ông Niên, ông M’Bow nói ngay:
"Chủ tịch Hồ Chí Minh không những là lãnh tụ của Việt Nam mà còn là lãnh tụ của nhân dân các nước đang đấu tranh cho hòa bình, và chiến đấu cho độc lập, tự do. Cho nên ông đừng lo, các nước Á, Phi, Lỹ La tinh sẽ ủng hộ Việt Nam. Những nước này chiếm tuyệt đại đa số phiếu ở UNESCO. Nên cần tiếp xúc sớm với họ để có sự ủng hộ tích cực".
Những diễn biến sau đó quả đúng như lời ông Tổng giám đốc UNESCO đã nói, các nước đều rất có cảm tình với Việt Nam và tôn kính Chủ tịch Hồ Chí Minh.

“Một đại biểu đến từ châu Phi nói với tôi rằng "Chúng tôi phải cảm ơn Việt Nam, cảm ơn Chủ tịch Hồ Chí Minh vì nếu các bạn không chiến đấu thắng lợi thì chúng tôi hôm nay không thể ngồi cùng với các nước tại diễn đàn này". Câu nói đó làm chúng tôi hết sức xúc động và hết sức cảm ơn, hết sức tin tưởng vào sự ủng hộ rất mạnh mẽ tại hội nghị lần này”, ông Niên nhớ lại.

Cuối cùng, Nghị quyết 24C/18.65 tôn vinh Chủ tịch Hồ Chí Minh đã được tuyệt đại đa số đại biểu ủng hộ, không có phiếu chống, không có phiếu trắng.
Điều này cũng đúng với lời tiên đoán tờ báo Đoàn Kết của Ý, với bài viết đăng trước thời điểm bỏ phiếu 8 năm: “Chủ tịch Hồ Chí Minh là người duy nhất trên thế giới không có ai chống đối”.
Theo quyết định của Đại hội đồng UNESCO, năm 1990 được chọn làm năm tổ chức các hoạt động kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh. Một hội thảo rất lớn được tổ chức ở Hà Nội, với 74 khách quốc tế đến từ 34 nước. Trong số đó, có nhiều nhân chứng lịch sử như thiếu tá Archimedes L.A.Patti, người bạn của Bác Hồ.
“Tại Paris, ở nơi tổ chức các cuộc họp của Đại hội đồng UNESCO cũng diễn ra hội thảo về Chủ tịch Hồ Chí Minh. Nhiều hoạt động khác cũng đã được tổ chức ở các nước để kỷ niệm 100 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh”, nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên kể.
Nhà thơ Nga Osip Emilyevich Mandelstam từng có những dòng viết về Chủ tịch Hồ Chí Minh như thế này:
“Ở Người toát lên hơi thở của văn hóa, có lẽ là một nền văn hóa tương lai. Trong giọng nói ấm áp của Nguyễn Ái Quốc, chúng ta như nghe thấy ngày mai, như thấy sự yên tĩnh mênh mông của tình hữu ái trên toàn thế giới”.
Nguyên Bộ trưởng Nguyễn Dy Niên nhấn mạnh, di sản Hồ Chí Minh là kho báu để người Việt Nam thể hiện sự giàu có và trí tuệ của dân tộc Việt Nam và của cả nhân loại.
Lễ đón nhận Bằng ghi danh Thực hành Then là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại và khai mạc Lễ hội Thành Tuyên năm 2022 - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.09.2022
Việt Nam có thêm di sản phi vật thể được UNESCO công nhận
Nghị quyết số 24C/18.65 của UNESCO về kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh khẳng định Bác Hồ "là một biểu tượng kiệt xuất về quyết tâm của cả một dân tộc, đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giải phóng dân tộc của nhân dân Việt Nam, góp phần vào cuộc đấu tranh chung của các dân tộc vì hòa bình, độc lập, dân chủ và tiến bộ xã hội".
Cũng theo UNESCO, Chủ tịch Hồ Chí Minh "là hiện thân của những khát vọng của các dân tộc trong việc khẳng định bản sắc dân tộc của mình và tiểu biểu cho việc thúc đẩy sự hiểu biết lẫn nhau".
Bà Audrey Azoulay - Tổng Giám đốc UNESCO - gọi Nghị quyết vinh danh Chủ tịch Hồ Chí Minh là một quyết định lịch sử của tổ chức này.
Theo bà, UNESCO luôn tôn vinh những nhân vật kiệt xuất, đã để lại dấu ấn mạnh mẽ, sâu sắc trong lịch sử nhân loại. Và Chủ tịch Hồ Chí Minh chính là người đã có nhiều đóng góp to lớn cho sự nghiệp vì hoà bình của nhân loại.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала