Việt Nam đang đi ngược xu hướng ở châu Á

© AP Photo / Hau DinhContainer vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Container vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.09.2022
Đăng ký
Theo đánh giá của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng chững lại chung của những nền kinh tế khác ở châu Á.
Đặc biệt, IMF nhấn mạnh tỷ lệ lạm phát thấp của Việt Nam là “ngoại lệ” trong khu vực.

Việt Nam đi ngược xu hướng chung

IMF cũng giải mã cụ thể việc nâng dự báo tăng trưởng của nền kinh tế Việt Nam lên 7%, cao nhất trong nhóm ASEAN-6.
Trên cổng thông tin của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) ngày 6/9 đăng tải báo cáo đánh giá tích cực về triển vọng tăng trưởng kinh tế Việt Nam với nhận định cho rằng, Việt Nam trở thành ‘bệ đỡ’kéo xu hướng tăng trưởng yếu ở châu Á hứng khởi trở lại qua góc nhìn của bà Era Dabla-Norris- Trưởng đoàn Điều khoản IV, chuyên gia kinh tế cao cấp Federico J. Díez và Giacomo Magistretti, chuyên gia kinh tế trong nhóm Việt Nam của Vụ châu Á và Thái Bình Dương của IMF.
Trong đánh giá chi tiết về triển vọng tăng trưởng của Việt Nam, IMF cho rằng, Việt Nam đang đi ngược lại xu hướng “suy thoái chung” và tăng trưởng chậm chạp của những người hàng xóm trong khu vực.
“Triển vọng tăng trưởng lạc quan của Việt Nam đang đi ngược chiều với xu hướng chậm lại ở những nền kinh tế khác trong khu vực châu Á. Lạm phát tương đối thấp của Việt Nam cũng là một ngoại lệ trong khu vực”, các chuyên gia của IMF khẳng định.
Theo nhóm chuyên gia của Quỹ Tiền tệ Quốc tế, nửa đầu năm 2022, Việt Nam đã chứng kiến sự phục hồi kinh tế nhanh chóng, khi các biện pháp hạn chế được áp dụng để chống dịch Covid-19 trước đó được nới lỏng hoặc gỡ bỏ, cũng như việc Chính phủ quyết định áp dụng chiến lược sống chung với Covid-19, chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa SARS-CoV-2 quyết liệt.
IMF cho rằng, các chính sách hỗ trợ của Chính phủ như việc duy trì lãi suất thấp, thúc đẩy tăng trưởng tín dụng, kết hợp với Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của Chính phủ giúp tăng sản lượng ngành công nghiệp chế tạo và phục hồi hoạt động bán lẻ, du lịch, dịch vụ.
Cùng với đó, việc Quỹ Tiền tệ Quốc tế IMF nâng dự báo tăng trưởng của Việt Nam lên 7% trong năm 2022, cao hơn 1% so với mức dự báo công bố vào 3 tháng trước và cũng là lần điều chỉnh tăng mạnh duy nhất trong số các nền kinh tế lớn ở châu Á của IMF.
Đồng thời, IMF đã hạ dự báo tăng trưởng của Việt Nam năm 2023 còn 6,7%, giảm 0,5% so với dự báo trước đó. Tuy vậy, các dự báo tăng trưởng này của IMF đối với Việt Nam vẫn là khả quan so với viễn cảnh u ám chung của các nước khác, đồng thời, cũng là mức tăng trưởng nhanh nhất trong số các nền kinh tế lớn của châu Á. Đây cũng là mức tăng trưởng cao nhất trong nhóm ASEAN-6.
Cần lưu ý rằng, hồi tháng 4 năm nay, IMF công bố dự báo cho Indonesia, Thái Lan, Malaysia, Singapore và Philippines tăng trưởng GDP lần lượt là 5,4%; 3,3%; 5,6%; 3,7%; 6,5 vào năm 2022.
Đến tháng 7/2022, dự báo cho Indonesia được điều chỉnh giảm xuống còn 5,3%, Thái Lan còn 2,8%, Malaysia còn 5,1%, và Philippines lên 5,7%.
Để thấy được triển vọng lạc quan của Việt Nam cần phải so sánh với mức chung của châu Á. Trong báo cáo mới của mình, Quỹ Tiền tệ Quốc tế đã ước tính tăng trưởng của châu Á giảm xuống còn 4,2% năm 2022 và 4,6% cho năm 2023. Điều này được đề cập cụ thể tại Báo cáo cập nhật Triển vọng Kinh tế Thế giới mới nhất của IMF.
Đánh giá về áp lực lạm phát của Việt Nam, IMF cho rằng, lạm phát chủ yếu đến từ việc một số hàng hóa thiết yếu như nhiên liệu và các dịch vụ liên quan, chẳng hạn như vận tải, có biến động mạnh.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia của IMF, người tiêu dùng Việt Nam phần lớn đều “không bị ảnh hưởng” bởi sự gia tăng giá lương thực, thực phẩm toàn cầu.
Các chuyên gia lý giải, Việt Nam có nguồn cung trong nước dồi dào, giá thịt lợn giảm so với mức đích năm ngoái, giá gạo – lương thực chính ở Việt Nam – thực tế vẫn rẻ hơn so với các loại ngũ cốc khác như lúa mì – một mặt hàng đang rất nhạy cảm hiện nay kể từ sau xung đột Nga – Ukraina. Mức tăng giá đối với dịch vụ y tế hay giáo dục cũng là rất nhẹ,
Theo nhóm nghiên cứu của IMF, lạm phát của Việt Nam có thể tăng lên khi hoạt động kinh tế trở lại ở “mức độ tối đa”. Theo đó, chi phí vận chuyển cao hơn, các mặt hàng như phân bón, thức ăn chăn nuôi cũng có thể làm tăng giá dịch vụ hàng hóa cùng các dịch vụ liên quan, có thể gây thêm áp lực cho lạm phát.
Cờ của Hoa Kỳ và Trung Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.09.2022
Hai nền kinh tế lớn nhất thế giới đổ bao nhiêu tiền vào Việt Nam?

Sự suy thoái của Trung Quốc tác động đến Việt Nam

Ngoài các mặt sáng, triển vọng tích cực, lạc quan, tại báo cáo mới cập nhật, IMF cũng lưu ý rằng, sự phục hồi của Việt Nam có thể gặp phải nhiều khó khăn, thách thức do mức tăng trưởng của toàn thế giới giảm tốc.
Cụ thể, Báo cáo Triển vọng Kinh tế Thế giới của IMF đã hạ dự báo tăng trưởng xuống 3,2% trong năm nay và 2,9% vào năm sau trong bối cảnh tác động của xung đột Nga - Ukraina, sự suy thoái ở Trung Quốc và các nền kinh tế tiên tiến trên toàn cầu.

“Sự suy giảm này có nghĩa là nhu cầu đối với hàng xuất khẩu của Việt Nam giảm, đặc biệt là từ các đối tác thương mại quan trọng như Hoa Kỳ, Trung Quốc, Liên minh châu Âu (EU)”, - theo IMF.

Cùng với đó, việc Việt Nam đang siết chặt các quy định tài chính khi Hoa Kỳ và các nền kinh tế phát triển khác tăng lãi suất (điển hình như động thái của FED vừa qua) nhằm kiềm chế lạm phát, cũng sẽ làm tăng chi phí tài chính và gây ra hiện tượng dòng vốn đảo ngược, IMF lưu ý.
Quỹ Tiền tệ Quốc tế cũng nhận định rằng, các bất ổn của nền thương mại toàn cầu, thị trường tài chính khắp thế giới có thể tác động tiêu cực đến quá trình phục hồi, nhất là trong trường hợp một số ngành mất khả năng tiếp cận hàng hóa trung gian cần thiết do chuỗi cung ứng bị gián đoạn.

“Điều này có thể dẫn đến hạn chế đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam, lạm chậm tốc độ tăng trưởng sản xuất công nghệ, lĩnh vực chế biến”, - IMF phân tích.

Khuyến nghị của IMF đối với Việt Nam

Nhóm các chuyên gia Era Dabla-Norris, Federico J. Díez và Giacomo Magistretti của IMF khuyến nghị rằng, các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam cần thực hiện những thay đổi kịp thời.
Theo đó, chính sách tài khóa cần đi đầu trong việc hỗ trợ phục hồi, nhưng cũng cần được điều chỉnh linh hoạt để phù hợp với điều kiện kinh tế đang phát triển rất nhanh của đất nước.
Ngân hàng Trung ương – tức Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được khuyến khích nên tập trung vào rủi ro lạm phát gia tăng và cần sẵn sàng hành động “khi cần” cũng như phải luôn cam kết đạt được mục tiêu lạm phát.
Bên cạnh đó, các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tiếp tục quan tâm xử lý các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng và giám sát chặt chẽ những rủi ro tiềm ẩn trên thị trường bất động sản để đảm bảo ổn định nền tài chính đất nước.

“Ngay cả sau nhiều thập kỷ đạt được những thành tựu ấn tượng, Việt Nam vẫn phải đối mặt với một số thách thức và cần phải có những cải cách kinh tế sâu rộng nhằm đạt được các mục tiêu phát triển dài hạn”, - IMF lưu ý.

Chẳng hạn, tăng trưởng kinh tế tiềm năng của Việt Nam có thể bị giảm do chênh lệch hiệu suất giữa các doanh nghiệp có năng suất cao hưởng lợi từ đầu tư trực tiếp nước ngoài và các đơn vị kém năng suất hơn hay trì trệ hoạt động.
Các doanh nghiệp, đặc biệt là nhóm doanh nghiệp vừa và nhỏ,gặp phải nhiều rào cản như các quy định phức tạp, thủ tục hành chính rườm rà, khâu quản trị doanh nghiệp yếu kém, cơ sở hạ tầng không đáp ứng và khoảng cách rõ rệt trong kết nối kỹ thuật số, cải tiến, ứng dụng công nghệ, theo IMF.
IMF cũng khuyến khích Việt Nam nâng cao trình độ người lao động, cải thiện kỹ năng, khuyến khích phát triển các lĩnh vực phù hợp, đáp ứng nhu cầu nhà tuyển dụng, giảm chi phí liên quan để doanh nghiệp vận hành hiệu quả hơn.
Cờ Hoa Kỳ và Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.08.2022
Việt Nam gặp bất lợi lớn khi Mỹ chưa công nhận nền kinh tế thị trường
Trong báo cáo của mình, IMF cũng nêu khuyến nghị rằng, Việt Nam nên quan tâm đến các rủi ro về biến đổi khí hậu có thể được giải quyết thông qua các hành động chính sách cụ thể để đầu tư vào công nghệ thích ứng với phát triển xanh, giảm lượng khí thải carbon và đạt được chương trình nghị sự đầy tham vọng về môi trường của đất nước (mức phát thải ròng bằng 0 vào giữa thế kỷ này).

“Giải quyết được những thách thức này sẽ giúp Việt Nam tiếp tục phát huy tiềm năng, đạt tốc độ tăng trưởng cao, băng băng thẳng tiến trên con đường phát triển bền vững hướng tới vị thế một quốc gia có thu nhập cao hơn”, - IMF tin tưởng.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала