4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đem về 38 tỷ USD, Samsung Thái Nguyên vẫn dẫn đầu

© Ảnh : SamMobileNhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV)
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.09.2022
Đăng ký
Việt Nam tiếp tục khẳng định vị thế công xưởng sản xuất lớn nhất thế giới của Samsung với hơn 50% sản lượng điện thoại smartphone Samsung toàn cầu được sản xuất tại Việt Nam.
Trong nửa đầu năm 2022, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đem về gần 38 tỷ đô la. Đáng chú ý, Samsung tiếp tục củng cố vị thế ‘cứ điểm sản xuất số 1 toàn cầu’ của Việt Nam khi đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu 69 tỷ USD và đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam.

4 nhà máy Samsung tại Việt Nam thu về 38 tỷ USD nửa đầu 2022

Theo dữ liệu được Tập đoàn Samsung Electronics (Hàn Quốc) vừa công bố trong báo cáo tài chính chi tiết quý 2 năm 2022 cho thấy, 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đem về gần 38 tỷ đô la cho ông lớn Hàn Quốc trong nửa đầu năm 2022 và tiếp tục củng cố vị thế “công xưởng sản xuất điện thoại thông minh (smartphone) số 1 toàn cầu) của Samsung.
Báo cáo tài chính chi tiết quý 2 năm 2022 cũng cho thấy cụ thể kết quả kinh doanh của các nhà máy hoạt động tại Việt Nam.
Theo báo cáo của Samsung, tổng doanh thu của 4 nhà máy tại Việt Nam gồm: Samsung Thái Nguyên, Samsung Bắc Ninh, Samsung Display Việt Nam và Samsung HCMC CE Complex trong quý 2 đạt17,9 tỷ USD, giảm hơn 10% so với quý 1 nhưng lại tăng 30% so với cùng kỳ năm ngoái 2021.
Báo cáo về tình hình lợi nhuận, Samsung cho biết, 4 nhà máy tại Thái Nguyên, Bắc Ninh, Display Việt Nam và Samsung HCMC đạt 1,31 tỷ USD trong quý 2/2022, cũng giảm so với quý 1/2022 nhưng tăng so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong số này, nhà máy Samsung Thái Nguyên tiếp tục đóng góp lớn nhất cả về doanh thu với mốc 7,9 tỷ USD và lợi nhuận 0,77 tỷ USD.
Xếp thứ hai là nhà máy Samsung Bắc Ninh với mức 4,7 tỷ USD doanh thu và 0,4 tỷ USD lợi nhuận.
Nhà máy Samsung Display Việt Nam đạt doanh thu 4,1 tỷ USD, lợi nhuận 0,04 tỷ USD.
Nhà máy Samsung HCMC CE Complex đạt doanh thu 1,3 tỷ USD, lợi nhuận 0,1 tỷ USD.
Tính gộp cả 6 tháng đầu năm 2022, tổng doanh thu của 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam là 37,9 tỷ USD và lợi nhuận là 2,74 tỷ USD.
Сông nghệ 5G - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.08.2022
Samsung, Qualcomm sẽ giúp Việt Nam phát triển 5G

Samsung tiếp tục đầu tư vào Việt Nam

Như Sputnik đã thông tin, trong chuyến thăm Việt Nam đầu tháng 8 vừa qua, Tổng Giám đốc tập đoàn Samsung Electronics đã có cuộc gặp trực tiếp với Thủ tướng Phạm Minh Chính bàn nhiều vấn đề quan trọng về việc tiếp tục mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh tại Việt Nam.
Tại cuộc gặp, hai bên nhấn mạnh rằng, trong tổng thể mối quan hệ Việt Nam – Hàn Quốc, hợp tác đầu tư của Samsung là “điển hình tốt đẹp và hiệu quả”.
Báo cáo với Thủ tướng Phạm Minh Chính, Tổng giám đốc Samsung Điện tử Roh Tae-Moon cho biết 6 tháng đầu năm nay, tổng kim ngạch xuất khẩu của Samsung Việt Nam đạt mức 34,3 tỷ USD, tăng khoảng 18% so với cùng kỳ năm ngoái.
Cũng theo Tổng giám đốc Roh Tae-Moon, Samsung đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chíp bán dẫn và sẽ sản xuất đại trà từ tháng 7/2023 tại nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên.
Gã khổng lồ Hàn Quốc này cũng dự kiến khánh thành Trung tâm R&D tại Hà Nội vào cuối năm 2022, đầu năm 2023, đây cũng là trung tâm R&D của Tập đoàn không chỉ cho Việt Nam mà còn cho cả khu vực Đông Nam Á, hiện đã hoàn thành khoảng 85%.
Ông Roh Tae-Moon cũng cho biết Samsung dự kiến hỗ trợ nâng cao năng lực cạnh tranh cho 50 doanh nghiệp Việt Nam thông qua phát triển mô hình nhà máy thông minh.
Samsung cũng đẩy mạnh hợp tác với các trường đại học, cơ sở nghiên cứu của Việt Nam; đề nghị phía Việt Nam tiếp tục quan tâm đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho các doanh nghiệp, giới thiệu về thế mạnh và các hoạt động của Hàn Quốc trong việc vận động đăng cai Triển lãm thế giới EXPO 2030.
Đặc biệt nhất là trong năm 2022, Samsung đặt mục tiêu kim ngạch xuất khẩu đạt 69 tỷ USD, đầu tư thêm 3,3 tỷ USD tại Việt Nam.

Việt Nam khẳng định vị thế cứ điểm sản xuất chiến lược toàn cầu của Samsung

Như Sputnik đề cập, vào đầu năm nay, Samsung cũng đã rót thêm 920 triệu USD đầu tư vào Việt Nam với mục đích mở động sản xuất, bao gồm sản xuất bảng mạch và mô-đun cảm ứng. Những động thái hết sức rõ rệt cho cam kết tiếp tục đầu tư và mở rộng cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất toàn cầu của Samsung ở Việt Nam.
Trong các tuyên bố chính thức của mình, Chính phủ Việt Nam cam kết tạo mọi điều kiện thuận lợi, cải thiện môi trường đầu tư cho các nhà đầu tư nước ngoài nói chung và Samsung nói riêng.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng khẳng định, “sẽ xem xét nghiêm túc và tích cực giải quyết” các kiến nghị của Samsung, trong đó có việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu của các doanh nghiệp, nhà đầu tư tại Việt Nam.
Phát biểu với lãnh đạo cao tầng của Samsung, Thủ tướng Phạm Minh Chính mong muốn Samsung tiếp tục góp ý về thể chế, cơ chế, chính sách và mở rộng các hoạt động đầu tư, kinh doanh.
Đặc biệt, lãnh đạo Chính phủ kỳ vọng rằng Samsung luôn coi Việt Nam là cứ điểm quan trọng, chiến lược toàn cầu toàn diện hơn nữa về sản xuất, nghiên cứu - phát triển các sản phẩm chủ lực ra thị trường quốc tế.
Theo Thủ tướng, đây sẽ là đóng góp thiết thực kỷ niệm dịp 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam – Hàn Quốc (1992-2022), góp phần đưa quan hệ giữa hai nước lên tầm cao mới, ngày càng đi vào chiều sâu, thực chất, hiệu quả hơn.
Thủ tướng Phạm Minh Chính cũng đề nghị Samsung tiếp tục nghiên cứu mở rộng đầu tư nhà máy sản xuất sản phẩm bán dẫn – vốn là 1 trong 3 mảng hoạt động thế mạnh của Samsung cùng với 2 mảng thiết bị di động và điện tử gia dụng đã hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.
Qua đó sẽ góp phần khép kín "chuỗi sản xuất" trong lĩnh vực điện, điện tử của Tập đoàn tại Việt Nam, đồng thời, nỗ lực đẩy nhanh quá trình xây dựng Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) tại Hà Nội, phấn đấu hoàn thành vào cuối năm 2022.
Giám đốc Boeing Việt Nam Michael Nguyễn phát biểu tại Diễn đàn Hàng không Vũ trụ Boeing tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.08.2022
Boeing muốn phát triển chuỗi cung ứng ở Việt Nam và tái lập hiện tượng Samsung, Intel
Người đứng đầu Chính phủ Việt Nam cũng mong Samsung tiếp tục thể hiện vai trò dẫn dắt, đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ đào tạo, tăng cường năng lực cho các doanh nghiệp Việt Nam để thời gian tới có nhiều doanh nghiệp Việt Nam có thể tham gia nhiều hơn, sâu hơn vào chuỗi cung ứng, hệ sinh thái phát triển của Samsung, qua đó tăng cường tỉ lệ nội địa hóa, giá trị gia tăng sản xuất trong nước.
Đáng chú ý, Thủ tướng cũng mong Samsung tăng cường đào tạo và sử dụng nhân lực người Việt Nam cho các vị trí cấp cao của doanh nghiệp.
Trong bối cảnh dòng vốn FDI trên thế giới đang có xu hướng tái cơ cấu đầu tư và tái định vị lại chuỗi cung ứng, chuỗi giá trị, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị Samsung hỗ trợ và là cây cầu đưa các doanh nghiệp Hàn Quốc nói riêng và thế giới nói chung đến Việt Nam đầu tư trong thời gian tới nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng và nâng cao vị thế của Việt Nam trong chuỗi giá trị sản xuất.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала