Bách Hoá Xanh xin lỗi sau khi rau Trung Quốc ‘đội lốt’ VietGap bị phanh phui

© Fotolia / KortaRau
Rau - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.09.2022
Đăng ký
Hệ thống bán lẻ Bách Hoá Xanh (thuộc CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động) vừa chính thức lên tiếng xin lỗi khách hàng vì để xảy ra việc sản phẩm nấm nhập từ Trung Quốc được bày bán trong chuỗi với nhãn VietGap.
Đáng chú ý, không riêng Bách Hoá Xanh, các hệ thống khác như WinCommerce, TikiNGON và 3Sạch ở Việt Nam hiện cũng đang đối mặt với tình trạng tương tự.

Rau Trung Quốc ‘đội lốt’ rau VietGap, Bách Hoá Xanh xin lỗi

Ngày 21/9, CTCP Đầu tư Thế Giới Di Động (mã: MWG) đã gửi thông cáo chính thức, phản hồi về một bài viết trên tờ Tuổi Trẻ liên quan đến chuỗi siêu thị Bách Hoá Xanh.
Theo đó, Công ty CP Sản xuất thương mại Đông A (TP Thủ Đức, TP.HCM) đã nhập nấm từ Trung Quốc về rồi xé bỏ bao bì, gắn mác VietGap, sau đó phân phối tại hệ thống Bách Hóa Xanh. Cùng ngày, Công ty CP thương mại Bách Hóa Xanh thừa nhận ký hợp đồng với Đông A từ ngày 8/6 nhưng chỉ nhập sản phẩm nấm. Mặt hàng này của Đông A chỉ chiếm 3% tổng sản lượng nấm bán trong chuỗi.
"Chúng tôi gửi lời xin lỗi tới các khách hàng của Bách Hóa Xanh. Qua sự việc này, chúng tôi nhận thấy trách nhiệm và sự cần thiết phải làm tốt hơn nữa, chặt chẽ hơn nữa trong việc kiểm soát tốt nguồn gốc và chất lượng hàng hóa", - đại diện Bách Hóa Xanh lên tiếng sau vụ việc.
Doanh nghiệp này cũng cho biết đã “ngay lập tức” thu hồi và ngưng bán toàn bộ hàng hóa của Đông Á, đồng thời yêu cầu Đông Á giải trình về chất lượng, nguồn gốc sản phẩm cũng như quy trình cung ứng.
rau quả  - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.08.2022
Việt Nam nhập khẩu rau quả nhiều nhất từ Trung Quốc
Bách Hoá Xanh cũng hứa sẽ rà soát toàn bộ nhà cung cấp khác của hệ thống để kiểm soát chặt chẽ nguồn hàng hóa nhập vào.
“Thông qua sự việc này, Bách Hóa Xanh sẽ rà soát toàn bộ các nhà cung cấp khác để kiểm soát chặt chẽ nguồn gốc hàng hóa đầu vào. Đối với bất kỳ nhà cung cấp nào, tiêu chuẩn quan trọng nhất mà Bách Hóa Xanh yêu cầu là chất lượng, vệ sinh, an toàn hàng hóa”, - Bách Hoá Xanh nói.
Hệ thống bán lẻ này cũng khẳng định, hàng nhập khẩu phải tuân theo quy định của Nhà nước Việt Nam, đảm bảo đúng nguồn gốc hàng hóa, tiêu chuẩn chất lượng đăng ký với cơ quan kiểm duyệt, không được giao hàng giả, hàng lậu, thay đổi nguồn gốc sản phẩm.
“Bách Hóa Xanh duy trì chủ trương và chính sách không khoan nhượng đối với bất kỳ hành vi vi phạm nào của nhà cung cấp”, - phía Bách Hoá Xanh nhấn mạnh.

‘Rau sạch’ ở loạt hệ thống bán lẻ của WinCommerce, TikiNGON và 3Sạch

Trước đó, Báo Tuổi Trẻ cũng nêu tên 3 hệ thống bán lẻ khác gồm WinCommerce, TikiNGON, 3Sạch có hàng hóa của các nhà cung cấp là Công ty CP Đầu tư và Sản xuất Nông Sản Trình Nhi và Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm.
Cụ thể, trong thời gian từ tháng 8 đến giữa tháng 9, cơ sở sơ chế rau đặt tại Công ty TNHH MTV Viager (phường Bình Chiểu, TP Thủ Đức, TP.HCM) đã "phù phép" rau từ chợ đầu mối thành "rau sạch Đà Lạt", chuẩn VietGAP. Những sản phẩm này sau đó được dán nhãn của Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi (còn gọi là Trình Nhi Foods, TNFoods) và đưa đến tiêu thụ tại một số cửa hàng thuộc WinCommerce, 3 Sạch và TikiNGON.
Sau khi vụ việc được phanh phui, các hệ thống bán lẻ nói trên sau đó cho biết đã rút hàng hóa và ngừng hợp tác với những nhà cung cấp vi phạm này. Đồng thời, 3Sạch khẳng định đã và đang liên hệ với tất cả khách hàng có hóa đơn mua rau của các đơn vị này để có biện pháp đền bù về tinh thần và vật chất.
Nguồn hàng các loại nông sản tại chợ Phùng Khoang, quận Nam Từ Liêm trong những ngày này rất dồi dào, giá cả giữ ổn định như những ngày bình thường trong năm - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.03.2022
Rau quả xuất khẩu sang Trung Quốc gặp khó: tiên trách kỷ, hậu trách nhân
"3Sạch, với trách nhiệm là đơn vị cung cấp sản phẩm này cho khách hàng chân thành xin lỗi những người dùng đã tin tưởng và đồng hành với chúng tôi trong thời gian qua. 3Sạch khẳng định sẽ phối hợp các cơ quan điều tra và tiến hành các thủ tục pháp lý với các nhà cung cấp vi phạm hợp đồng", - đại diện doanh nghiệp khẳng định.
Liên quan đến vụ việc, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng Ban quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và lãnh đạo Sở Công Thương TP.HCM cho biết sẽ phối hợp với quản lý thị trường vào cuộc kiểm tra. Công ty TNHH Nông sản Trình Nhi được thành lập từ năm 2003, với người đại diện pháp luật là ông Lê Quang Thành Liêm. Trụ sở chính công ty hiện đặt tại số 282A Phan Đình Phùng, phường 2, TP. Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng.
Trong khi đó, Công ty TNHH Nông sản sạch Hugofarm được thành lập cuối năm 2019. Trụ sở chính của công ty đặt tại số 205 ấp Bình Phú, xã Bình Phục Nhứt, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Người đại diện pháp luật là ông Trần Quốc Thịnh.
Chiều 20/9, cơ quan chức năng đã đến kiểm tra tại Công ty TNHH MTV Viager (một thành viên của Công ty Trình Nhi) về việc tuân thủ quy định về đăng ký kinh doanh, an toàn thực phẩm, về nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, niêm yết giá hàng hóa... Tuy nhiên, do chủ đơn vị vắng mặt vào thời điểm kiểm tra nên cơ quan chức năng phải tiếp tục điều tra, xác minh thêm.

Cục Quản lý Chất lượng vào cuộc

Ngay trong ngày 21/9, Cục Quản lý chất lượng nông lâm thủy sản (Nafiqad, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) đã có công văn gửi Ban An toàn thực phẩm TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh và sở nông nghiệp và phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố về việc điều tra, xác minh nội dung phản ánh của báo Tuổi Trẻ.
Theo đó, loạt bài viết với tiêu đề "Rau VietGAP dỏm 'biến hình' vào siêu thị" của báo Tuổi trẻ đăng tải thời gian qua đã phản ánh việc một số công ty có hành vi thu gom rau ở chợ đưa về đóng gói, dán nhãn VietGAP rồi bán cho các hệ thống siêu thị.
Hàng nông sản xuất khẩu qua đường chuyên dụng vận tải hàng hóa cửa khẩu Tân Thanh - Pò Chài - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.02.2022
Rau quả Trung Quốc tràn vào Việt Nam, nông sản Việt tắc đường thông quan
"Qua các bài viết của báo Tuổi Trẻ nêu cho thấy hiện tượng vi phạm các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm, ghi nhãn hàng hóa, truy xuất nguồn gốc ảnh hưởng đến sức khỏe và quyền lợi người tiêu dùng", - Nafiqad nêu rõ.
Nhằm mục đích ngăn chặn, phòng ngừa các vi phạm nói trên, Nafiqad đề nghị các đơn vị tăng cường tuyên truyền, phổ biến các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn thực phẩm, truy xuất nguồn gốc xuất xứ, ghi nhãn hàng hóa, quyền lợi người tiêu dùng.
Đồng thời, đẩy mạnh kiểm tra nguồn gốc xuất xứ hàng hóa, ghi nhãn hàng hóa trong các hoạt động thẩm định, thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch. Tiến hành thanh tra đột xuất khi nhận thấy có dấu hiệu vi phạm. Trường hợp phát hiện vi phạm, cần tổ chức điều tra, truy xuất, thu hồi, xử lý hàng hóa vi phạm và các tổ chức, cá nhân vi phạm theo đúng quy định của pháp luật.
Ngoài ra, Nafiqad đề nghị Ban Quản lý an toàn thực phẩm TP.HCM và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Lâm Đồng tổ chức điều tra, xác minh nội dung thông tin báo Tuổi Trẻ phản ánh tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh có trụ sở đóng trên địa bàn; thực hiện quản lý và truy xuất, thu hồi sản phẩm vi phạm, xử lý theo hướng dẫn.
Kết quả triển khai nội dung công văn nói trên phải được báo cáo về Nafiqad trước ngày 5/10.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала