Tiền Đồng VN suy yếu: Đừng tin lời FED, NHNN đã có ‘vũ khí’ chống lại cuộc chiến tiền tệ

© AFP 2023 / Manan VatsyayanaĐồng Việt Nam
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.09.2022
Đăng ký
Theo các chuyên gia, Đồng Việt Nam (VND) sẽ khó sụp đổ, Ngân hàng Nhà nước đã tìm được sách lược phù hợp và ‘vũ khí’ được đánh giá là hiệu quả và kịp thời, chống lại cuộc chiến tiền tệ và ngăn đà mất giá kỷ lục của tiền Đồng.
Bên cạnh đó, dù Đồng Việt Nam đang ghi nhận đà suy giảm kỷ lục do USD tăng quá mạnh sau động thái tăng lãi suất của FED, nhưng không thể phủ nhận một sự thật rằng, VND hiện vẫn là một trong những đồng tiền quốc gia ổn định nhất khu vực và trên thế giới.
Ngoài ra, theo đánh giá của giới quan sát, không nên quá tin vào lời FED nói vì chưa chắc nước Mỹ và FED đã hành động như những gì họ dự báo hay thể hiện.

Đồng USD đang mạnh chưa từng có

Đồng bạc xanh USD tiếp tục duy trì sức mạnh với đà tăng kỷ lục sau quyết định tăng 75 điểm cơ bản lãi suất của FED ngày 21 tháng 9.
Có thể thấy rằng, nhiều nước, sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1998, đã một lần nữa tái khởi động chiến dịch “bảo vệ tiền tệ quốc gia”.
Không chỉ Việt Nam có động thái tăng trần lãi suất để cứu tiền đồng, Nhật Bản cũng lần đầu tiên kể từ năm 1998 phải can thiệp để ngăn đà suy giảm kỷ lục của đồng Yên.
Nhiều phân tích cho thấy, việc đồng USD của Mỹ đang “mạnh chưa từng có” đã ảnh hưởng đến các đồng tiền như euro, bảng Anh và yen Nhật, hay thậm chí là cả nhân dân tệ của Trung Quốc. Đồng tiền chung châu Âu euro rơi xuống mức thấp nhất của 20 năm so với đồng USD, trong khi đồng bảng Anh cũng ở mức thấp nhất của 37 năm so với đồng USD.
Đồng yen chạm mức thấp nhất trong 24 năm sau khi giảm xuống dưới ngưỡng tâm lý 140 yen đổi 1 USD, như đã biết. Bên cạnh đó, đà tăng giá không ngừng của đồng USD đã vô hình tạo nên một cú sốc ở cả châu Á và châu Âu thông qua các cơ chế truyền dẫn thị trường cực kỳ nhạy cảm.
Đồng USD tăng mạnh gây áp lực không nhỏ lên VND. Tỷ giá trung tâm hôm nay (23/9) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) công bố ở mức 23.324 VND/USD, tăng 8 đồng so với mức niêm yết hôm qua 22/9.
Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.624 - 24.024 VND/USD. Tỷ giá mua bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức 22.550 - 23.700 VND/USD.
Trong sáng nay ngày 23 tháng 9, tỷ giá USD/VND tại các nhà băng trong nước được điều chỉnh không đồng nhất. Chiều tăng, Vietcombank và BIDV tăng lần lượt 20 và 5 đồng ở cả hai chiều mua bán.
Chiều giảm, Techcombank và VietinBank giảm tương ứng 10 và 3 đồng so với mức niêm yết cùng giờ sáng qua. Giá mua USD cũng đang nằm trong khoảng từ 23.535 – 23.570 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 23.830 – 23.967 VND/USD. Trong đó, Eximbank và Sacombank có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất nằm ở Eximbank. Ở thị trường tự do (chợ đen), đồng USD hiện được giao dịch ở mức 24.060 - 24.130 VND/USD, vượt ngưỡng 24.000 VND đổi 1 USD.
Cập nhật vào thời điểm 20h tối nay 23/9 của Sputnik cho thấy, tỷ giá USD/VND tại Vietcombank được giao dịch ở mức mua vào 23.535 VND/USD (tiền mặt), 23,565 VND/USD (chuyển khoản) và bán ra mốc 23.845 VND/USD.
̣Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.09.2022
USD nắm ngôi vương, Đồng Việt Nam vẫn mạnh và ‘mũi tên’ nhiều đích của Ngân hàng Nhà nước

“Tiền Đồng Việt Nam ít mất giá nhất trong khu vực và trên thế giới”

Ngày 23/9, tại cuộc họp báo của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN), về điều hành chính sách tiền tệ thời gian qua, ông Phạm Chí Quang, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước thông tin, từ đầu năm đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biến động khó lường, nhiều ngân hàng Trung ương tăng lãi suất, áp lực lạm phát gia tăng.

“Tuy nhiên, kinh tế Việt Nam có những kết quả tăng trưởng nhất định, lạm phát được kiểm soát, đóng góp vào thành công đó có vai trò quan trọng của chính sách tiền tệ”, - ông Quang nói.

Đặc biệt, đại diện Ngân hàng Nhà nước khẳng định, đồng Việt Nam vẫn là đồng tiền ít mất giá nhất trong khu vực và trên thế giới. Cụ thể, theo ông Phạm Chí Quang, 9 tháng năm 2022, VND là một trong những đồng tiền mất giá ít nhất so với các nước trong khu vực và trên thế giới (chỉ khoảng gần 4%).
Trong số đó, các đồng tiền mất giá mạnh so với USD như: TWD (-13,5 %); THB (-11,95%); JPY (-25,18%); KRW (-17,57%); PHP (-13,65%); MYR (-9,67%); INR (-7,44%); CNY (-10,9%); EUR (-13,49%); GBP (-20,02%).
Trước những tác động của tình hình thế giới và các chính sách tài chính tiền tệ của các nước đến nền kinh tế Việt Nam và tình hình nội tại của nền kinh tế trong nước, để thực hiện các mục tiêu đặt ra, NHNN quyết định điều chỉnh các mức lãi suất, có hiệu lực từ ngày 23/9, như Sputnik đã thông tin.
Theo đó, NHNN quyết định tăng lãi suất tái cấp vốn từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm; lãi suất tái chiết khấu từ 2,5%/năm lên 3,5%/năm; lãi suất cho vay qua đêm trong thanh toán điện tử liên ngân hàng và cho vay bù đắp thiếu hụt vốn trong thanh toán bù trừ của NHNN đối với tổ chức tín dụng (TCTD) từ 5,0%/năm lên 6,0%/năm.
Từ ngày 23/9, lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 1 tháng từ mức 0,2%/năm lên 0,5%/năm; lãi suất tối đa áp dụng đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,0%/năm lên 5,0%/năm, riêng lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND tại Quỹ tín dụng nhân dân, tổ chức tài chính vi mô từ 4,5%/năm lên 5,5%/năm…
Ông Quang khẳng định, thực hiện chủ trương của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ hỗ trợ doanh nghiệp và nền kinh tế phục hồi sau đại dịch, NHNN sẽ vận động các tổ chức tín dụng, đổi mới công nghệ, tăng hiệu quả quản trị, cắt giảm chi phí để giữ ổn định mặt bằng lãi suất cho vay và nghiên cứu giảm lãi suất ở một số lĩnh vực ưu tiên.
Nói về việc (FED) tăng lãi suất với tốc độ nhanh, mạnh hơn, Phó Vụ trưởng phụ trách Vụ Chính sách tiền tệ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam nhấn mạnh, trong quý III/2022, tỷ giá và thị trường ngoại tệ chịu nhiều áp lực do thị trường quốc tế diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ suy thoái gia tăng.
Cùng với đó, còn có áp lực lạm phát toàn cầu gia tăng; đồng USD quốc tế tăng giá mạnh; xu hướng tăng lãi suất của các ngân hàng Trung ương trên thế giới; căng thẳng Nga – Ukraina…

“Trong bối cảnh đó, NHNN tiếp tục chủ động điều hành tỷ giá, phù hợp, phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ khác nhằm ổn định thị trường ngoại tệ, góp phần kiểm soát lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô”, - ông Phạm Chí Quang lưu ý.

Đại diện Ngân hàng Nhà nước cũng bày tỏ, trong bối cảnh kinh tế, tiền tệ thế giới bất định và những thách thức khiến điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới sẽ rất khó khăn trong việc vừa phải kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, vừa hỗ trợ phục hồi kinh tế.

“Do đó, NHNN sẽ tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành linh hoạt, thận trọng và phối hợp đồng bộ các công cụ chính sách tiền tệ và phối hợp chặt chẽ với chính sách tài khóa, các chính sách kinh tế vĩ mô khác nhằm kiềm chế lạm phát, đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi kinh tế”, - ông Quang nhắc lại.

 Thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.09.2022
Kinh tế Việt Nam tăng vượt mong đợi, NHNN can thiệp thành công ‘cứu’ tiền Đồng

“Đây là cuộc chiến tiền tệ”

Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng ngày 22 tháng 9 đã tuyên bố, Ngân hàng Nhà nước sẽ theo sát diễn biến FED tăng lãi suất để điều hành phù hợp.
Theo người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước, trong bối cảnh nhiều khó khăn, thách thức, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ kiên trì các giải pháp theo mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô.

“Tuy nhiên, ổn định không có nghĩa là cố định”, - bà Hồng lưu ý rằng NHNN sẽ theo sát mọi diễn biến để điều hành phù hợp tình hình của Việt Nam.

Theo ông Phạm Chí Quang cho biết thêm, trong bối cảnh hiện nay rất khác so với trước.
“Đây là ‘cuộc chiến tiền tệ’ giữ cho đồng tiền Việt Nam không bị mất giá quá nhiều, giảm thiểu tác động của lạm phát toàn cầu tới nền kinh tế”, ông Quang nhấn mạnh và khẳng định, thời gian tới, NHNN tiếp tục theo dõi sát, thích ứng với các diễn biến thị trường trong và ngoài nước, điều hành lãi suất và tỷ giá phù hợp, linh hoạt.
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Tiền tệ cho rằng, nếu để mặt bằng lãi suất ổn định quá lâu trong khi các nước trên thế giới đều điều chỉnh tăng sẽ gây áp lực lớn tỷ giá và gây áp lực lên nền kinh tế vĩ mô. Theo ông Quang, trong bối cảnh lạm phát toàn cầu tăng rất cao, áp lực với Việt Nam về nhập khẩu lạm phát là rất lớn vì nền kinh tế có độ mở cao, doanh nghiệp trong nước chủ yếu nhập siêu.

“Vậy nên, việc để đồng Việt Nam mất giá lớn sẽ tác động tiêu cực đến nhập khẩu, tác động đến mặt bằng giá trong nước, nên ưu tiên lớn nhất trong điều hành chính sách tiền tệ phải cố gắng giữ tỷ giá ổn định, từ đó hạ nhiệt lạm phát”, - chuyên gia bày tỏ.

Theo ông Quang, phía NHNN thấy rằng cần phải điều chỉnh lãi suất để làm sao một mặt hóa giải những cú sốc kinh tế vĩ mô cũng như neo giữ được tâm lý kỳ vọng lạm phát của dân chúng và đạt được những mục tiêu về lạm phát mà NHNN, Chính phủ đặt ra từ đầu năm, qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô.

Đừng tin những gì FED nói, triển vọng của Việt Nam vẫn tích cực

Theo Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt NamNguyễn Thế Minh, đừng tin những gì FED nói. Trong khi bức tranh toàn cầu có thể xấu đi, nhưng triển vọng của Việt Nam vẫn đỡ tiêu cực hơn nhiều.
“Đừng tin những gì FED nói hãy nhìn vào những gì FED hành động”, ông Minh nói và ngụ ý rằng, cần phải hiểu, dự báo của FED chỉ mang tính tham khảo, chưa chắc họ đã hành động theo như vậy.
Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Namphân tích với Doanh nghiệp và Kinh doanh, FED nhận định kinh tế sẽ có thể xấu đi, đây là lo ngại của Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ khi tăng lãi suất quá nhanh quá mạnh, chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến nền kinh tế.

“Trước đó Fed đã rất lạc quan vào thời điểm đầu năm. Vì thế dự báo của FED không phải là điều chắc chắn và có thể thay đổi”, - ông Minh bày tỏ.

Chuyên gia đánh giá, tình hình lạm phát có dấu hiệu hạ nhiệt, không căng thẳng như trước. Vào đầu năm 2023, lạm phát sẽ còn lắng dịu và tình hình sẽ ổn hơn nhờ giá khí đốt dự báo tiếp tục giảm góp phần làm giảm lạm phát.
Theo ông Nguyễn Thế Minh, FED tăng lãi suất tất nhiên ảnh hưởng đến thị trường Việt Nam. Do Việt Nam là nước xuất khẩu nên khu vực này sẽ bị ảnh hưởng, xuất khẩu cũng ít nhiều chịu tác động. Lãi suất tăng lên cũng làm USD mạnh lên, ảnh hưởng đến tỷ giá USD/VND.
Cùng với đó, lạm phát cao vẫn khiến cho sức cầu thời gian tới yếu đi, trong khi đó Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào xuất khẩu. Do vậy, trong thời gian tới kinh tế còn chịu ảnh hưởng bởi việc lãi suất tăng, đặc biệt là những doanh nghiệp huy động vốn từ trái phiếu quốc tế lại càng chịu ảnh hưởng nặng hơn nữa. Ngoài ra, nợ công của Việt Nam cũng sẽ tăng lên, theo quan điểm của vị chuyên gia.
Giám đốc Phân tích Khối Khách hàng cá nhân của Công ty Chứng Khoán Yuanta Việt Namcũng chỉ rõ, chi phí vốn của nền kinh tế cũng bị tăng lên, không còn vốn rẻ như năm 2020, 2021, có thể thay đổi khẩu vị đầu tư của nhà đầu tư trong nền kinh tế.
Mặc dù vậy, ông Minh dự báo thị trường Việt Nam sẽ không chịu ảnh hưởng nặng nề do lạm phát vẫn có thể kiểm soát trong mức 4-4,5%. Bên cạnh đó, lãi suất của Việt Nam không có độ nhạy tương đồng với lãi suất của thế giới. Chuyên gia lưu ý, tất nhiên khi FED tăng lãi suất, Việt Nam sẽ tăng theo nhưng mức tăng ít hơn thế giới.

Tỷ giá USD/VND có thể tiếp tục tăng lên tuy nhiên Việt Nam vẫn có nguồn dự trữ để có thể kiểm soát được.Tình hình vĩ mô ổn định, đảm bảo được lạm phát thấp và tăng trưởng, sức khỏe VND vẫn rất tốt, tốt hơn nhiều so với nước khác”, - đại diện Yuanta đánh giá về những yếu tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.09.2022
Đồng tiền Việt Nam suy yếu kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước 'tiến thoái lưỡng nan'
Ông Minh cũng bày tỏ, nếu doanh nghiệp có chiến thuật phân tán rủi ro, ví dụ vừa vay nợ bằng USD, yen, Euro sẽ chịu ảnh hưởng ít hơn, so với vay hoàn toàn bằng USD.

“Nhìn chung bức tranh toàn cầu khá xấu, nhưng bức tranh của Việt Nam đỡ tiêu cực hơn, vẫn ổn hơn”, - Giám đốc Yuanta Việt Nam Nguyễn Thế Minh nhận định.

Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала