Ngân hàng Nhà nước tính toán gì với ‘nước cờ’ nới biên độ điều chỉnh tỷ giá?

© Fotolia / yuuCờ Vua
Cờ Vua - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.10.2022
Đăng ký
Chuyên gia bình luận về động thái can thiệp đáng chú ý của Ngân hàng nhà nước Việt Nam khi quyết định nới biên độ điều chỉnh tỷ giá, qua đó giúp giảm được nguy cơ đầu cơ USD.
Theo giới quan sát, do sức ép về tỷ giá quá lớn nên Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái. Tuy nhiên, có vẻ đây là nước cờ hay và bước đi hợp lý.

Giá USD tăng mạnh sau quyết định của Ngân hàng Nhà nước

Như Sputnik đã thông tin, sáng nay, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay của NHNN từ mức ±3% lên ±5% có hiệu lực ngay trong ngày hôm nay 17/10.
Với động thái này, ‘nước cờ’ của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam được đánh giá rất cao.
Theo các nhà quan sát, việc điều chỉnh biên độ từ ±3% lên ±5% sẽ là giải pháp hợp lý để hóa giải các khó khăn về cung cầu lãi suất, nhất là giảm được các hoạt động đầu cơ USD tại Việt Nam.
Cần nhấn mạnh rằng, đây là lần đầu tiên ngân hàng nhà nước tăng biên độ tỷ giá sau 7 năm. Lần gần nhất là tháng 8/2015, Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ tỷ giá từ +/-2% lên +/-3%.
Ngay sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt nam quyết định điều chỉnh biên độ tỷ giá giao ngay USD/VND từ mức ±3% lên ±5% vào sáng 17/10, tỷ giá có biến động mạnh.
Tỷ giá trung tâm sáng nay đã tăng 45 đồng/USD so với phiên ngày trước đó, lên mức 23.586 đồng/USD. Với việc nới biên độ tỷ giá, các ngân hàng thương mại sẽ được phép giao dịch USD với giá sàn (mức thấp nhất) 22.406 đồng và giá trần (mức cao nhất) 24.765 đồng.
Trong bối cảnh cả tỷ giá trung tâm lẫn biên độ điều chỉnh tỷ giá đều được điều chỉnh tăng lên, giá bán USD tại nhiều ngân hàng đã được nâng lên mức 24.500 đồng/USD, giá bán USD trên thị trường tự do đã vượt 24.500 đồng/USD.
Tại Ngân hàng Vietcombank, tỷ giá USD/VND được niêm yết ở mức 23.920-24.230 đồng/USD (mua - bán). Sau đó, Vietcombank tiếp tục tăng mạnh giá mua bán USD lên mức 24.160 - 24.460 đồng. BIDV cũng lần thứ 4 điều chỉnh tỷ giá trong buổi sáng lên 24.180 - 24.460 đồng. Trong khi đó, tại VietinBank, tỷ giá được niêm yết ở mức 23.905 đồng - 24.247 đồng/USD.
Ngoài ‘chợ đen’, giá đô la tự do hiện được giao dịch ở mức 24.250-24.330 đồng/USD (mua - bán), cao lịch sử.
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.10.2022
Tiền Việt mất giá kỷ lục, Ngân hàng Nhà nước sẽ bẻ lái tiền tệ ‘theo chiều gió’?

Lý giải ‘nước cờ’ của NHNN: Ngăn chặn đầu cơ USD

Như vậy, so với đầu năm nay, tỷ giá USD trên thị trường đã tăng 7%, cao hơn nhiều dự báo của các định chế tài chính và chuyên gia trước đó. Chỉ số đô la Mỹ (DXY), đo lường biến động của bạc xanh so với 6 đồng tiền chủ chốt (EUR, JPY, GBP, CAD, SEK, CHF), sáng nay theo giờ Việt Nam ở mức 113,023 điểm, giảm 0,275 điểm (-0,24%) so với thời điểm mở cửa.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cấp cao Học viện Tài chính, việc điều chỉnh biên độ giao ngay của Ngân hàng Nhà nước là “rất tốt”.
Ông Thịnh phân tích, thời gian qua, lạm phát tăng cao, các quốc gia trên thế giới đã điều chỉnh lãi suất rất nhiều – tính ra có tới 209 lượt điều chỉnh lãi suất của Ngân hàng Trung ương các nước. Đặc biệt, ở Mỹ cũng đã có ba lần điều chỉnh lãi suất đồng USD và làm cho chỉ số USD Index tăng mạnh.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, so với các đồng bạc của Thái Lan, bảng Anh, euro, giá USD đã tăng rất cao. Mặc dù vậy, để ổn định tỷ giá hối đoái như thời gian qua, theo chuyên gia bày tỏ quan điểm trên TTXVN, thì Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã phải nỗ lực rất nhiều nhằm vừa ổn định kinh tế vĩ mô, vừa tăng trưởng.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh, hiện nay, áp lực việc USD tăng giá đang là “quá lớn”, do đó, ông ủng hộ việc điều chỉnh biên độ giao ngay.
“Dù mong muốn ổn định tỷ giá nhưng do đồng đô la quá mạnh nên Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh”, ông Thịnh lý giải và nhấn mạnh trong thời gian vừa qua, Ngân hàng Nhà nước phải bán ra một lượng lớn đồng USD kèm với đó thực hiện nhiều giải pháp để ổn định tỷ giá hối đoái.
Theo PGS.TS Đinh Trọng Thịnh phân tích, khi điều chỉnh biên độ giao ngay, thì việc đầu tiên là chênh lệch giá USD ở thị trường chính thống và thị trường chợ đen sẽ giảm. Các ngân hàng thương mại có thể bán được USD giá cao, cũng có thể mua được USD giá thấp. Như vậy hoạt động đầu cơ USD được giảm đi.
“Do đó, các hoạt động mua bán USD từ ngân hàng để tuồn ra chợ đen để giao dịch lại sẽ được hạn chế”, chuyên gia lưu ý và cho biết thêm, khi Ngân hàng Nhà nước điều chỉnh biên độ giao dịch, sẽ có thêm nhiều dư địa để thực hiện các giải pháp tiền tệ khác nữa nhằm ổn định kinh tế vĩ mô.

Vì sao NHNN phải nới biên độ tỷ giá?

Theo quan điểm của TS. Lê Xuân Nghĩa, có hai nguyên nhân chính khiến Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá đồng thời nâng tỷ giá trung tâm.
Thứ nhất, USD đã tăng giá rất mạnh thời gian qua do Fed liên tục tăng lãi suất với cường độ cao. Hầu hết các đồng tiền trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD: Yên Nhật mất giá khoảng 40%, euro và bảng Anh mất giá khoảng 30%, Trung Quốc, quốc gia có mức độ mất giá nội tệ thấp nhất cũng mất giá khoảng 8%.
“Việc Việt Nam phải điều chỉnh giá trị đồng tiền là khó tránh. Bên cạnh giải pháp tăng lãi suất điều hành như Ngân hàng Nhà nước đã làm, việc phối hợp các chính sách khác, trong đó có chính sách điều chỉnh tỷ giá hối đoán để hạn chế bán ngoại tệ ra thị trường nhằm cân bằng cung cầu là cần thiết”, chuyên gia lý giải.
Theo TS. Lê Xuân Nghĩa, biên độ biến động tỷ giá +/-3% đã có từ năm 2015 và cần điều chỉnh cho phù hợp với tình hình mới.
Thứ hai, ông Nghĩa phân tích, Ngân hàng Nhà nước phải điều chỉnh biên độ tỷ giá còn có thể xuất phát từ sức ép từ cán cân vãng lai. Cụ thể, dù cán cân thương mại Việt Nam vẫn thặng dư tương đối, nhưng cán cân dịch vụ thâm hụt lớn trong khi cán cân tài chính cũng đang trong trạng thái yếu... Với các sức ép về tỷ giá lớn như vậy, Ngân hàng Nhà nước buộc phải áp dụng điều chỉnh tỷ giá trung tâm và biên độ tỷ giá hối đoái.
“Động thái nới biên độ tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước là nhằm cân bằng cung cầu thị trường trong bối cảnh áp lực với tỷ giá tăng mạnh”, TS. Lê Xuân Nghĩa cho biết.
Qua đó góp phần ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ thực hiện các mục tiêu đề ra tại Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết 43 của Quốc hội và Nghị quyết 11 của Chính phủ. Khẳng định với báo Đầu tư, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, Thủ tướng đã chỉ đạo phải điều hành chính sách tiền tệ linh hoạt, hiệu quả. Trong thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã thực hiện hàng loạt chính sách để bình ổn thị trường như: Bán hối phiếu Ngân hàng Nhà nước, sử dụng nghiệp vụ thị trường mở, mua bán ngoại tệ, tăng lãi suất.
Tuy vậy, trong tất cả các giải pháp, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, biện pháp quan trọng nhất vẫn là kiểm soát cung tiền. Nếu tăng cung tiền, lãi suất sẽ giảm nhưng tỷ giá sẽ tăng mạnh hơn.
“Hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã sử dụng tất cả các giải pháp. Còn duy nhất công cụ chưa áp dụng là tăng dự trữ bắt buộc do lo ngại ảnh hưởng đến vốn khả dụng cho vay của ngân hàng thương mại”, chuyên gia chỉ rõ.
Tuy nhiên, do Ngân hàng Nhà nước không nới room tín dụng nên cũng không cần tăng dự trữ bắt buộc vì sẽ hạn chế nguồn cho vay của các ngân hàng.
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.10.2022
Sau sự kiện SCB, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tăng tốc bơm tiền Đồng

Việt Nam phải kiên định

Như Ngân hàng Nhà nước trước đó cho biết, từ đầu năm 2022 đến nay, Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed) và nhiều Ngân hàng trung ương lớn đẩy mạnh lộ trình thắt chặt chính sách tiền tệ, tăng nhanh lãi suất điều hành, xung đột Nga-Ukraina làm chuỗi cung ứng toàn cầu tiếp tục gián đoạn, giá xăng dầu và hàng hóa tăng cao, lạm phát tại nhiều nền kinh tế vượt mức kiểm soát… gây biến động lớn trên thị trường quốc tế và trong nước.
Dù Việt Nam đồng đang sụt giảm kỷ lục nhưng theo số liệu thống kê của Ngân hàng Nhà nước, tỷ lệ mất giá của đồng Việt Nam so với đồng đô la Mỹ vẫn ở mức thấp hơn nhiều so với tỷ lệ mất giá của nhiều ngoại tệ khác.
Cụ thể, nếu tính đến ngày 20/9/2022, so với cuối năm 2021, nhiều đồng tiền chủ chốt trong khu vực và trên thế giới đã mất giá mạnh so với USD.
Trong đó, đồng tiền Đài Loan (TWD giảm 13,5%; đồng Baht Thái Lan (THB) giảm 11,95%; Yên Nhật Bản (JPY)giảm 25,18%; Won Hàn Quốc (KRW) giảm 17,57%; đồng Peso Philippines (PHP) giảm 13,65%; đồng Kyat của Myanmar (MYR) giảm 9,67%. Đồng Rupiah của Indonesia (INR) cũng giảm giá 7,44%; đồng Nhân dân tệ Trung Quốc (CNY) giảm 10,9%; Đồng tiền chung châu ÂuEuro (EUR) giảm 13,49%; đồng Bảng Anh (GBP) giảm 20,02%... Việc các đồng tiền trên thế giới mất giá so với USD chủ yếu do bị tác động bởi động thái tăng lãi suất liên tục của Cục Dự trữ liên bang Mỹ (Fed).
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho hay, nền kinh tế thế giới thời gian vừa qua có nhiều biến động khó lường ảnh hưởng lớn đến kinh tế trong nước.
Nền kinh tế Việt Nam có độ mở cửa lớn, sản xuất phụ thuộc nhiều vào nguyên vật liệu nhập khẩu trong khi giá cả thế giới tăng cao và có thể tiếp tục tăng nếu như diễn biến lạm phát thế giới chưa kiểm soát được.
Ngân hàng Nhà nước cũng nêu rõ, với nhiệm vụ điều hành chính sách tiền tệ, góp phần kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, hỗ trợ phục hồi tăng trưởng kinh tế, Ngân hàng Nhà nước “không thể chủ quan” với diễn biến của lạm phát và không thể chỉ kiểm soát lạm phát năm nay mà còn các năm sau. Đó là mục tiêu kiên định trong dài hạn.
Về biến động tỷ giá, GS. Hoàng Văn Cường, Phó Hiệu trưởng trường Đại học Kinh tế quốc dân cho rằng, từ nay đến cuối năm, áp lực về lạm phát không phải lớn, nhưng lớn nhất là áp lực về kiểm soát tỷ giá.
“Việt Nam phải kiên định giữ tỷ giá, nhưng không có nghĩa là cứng nhắc mà phải linh hoạt với thị trường”, - ông Cường phân tích.
Chuyên gia nhắc lại, nếu không ổn định được tỷ giá thì có thể dẫn đến nguy cơ dự trữ ngoại tệ chuyển thành dự trữ của cá nhân doanh nghiệp. Khi đó Việt Nam sẽ mất khả năng chủ động về nguồn ngoại tệ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала