Mỹ khó tính hay Việt Nam chọn nhượng bộ trong đàm phán?

© Flickr / AndreaMột quầy bán trái cây Việt Nam
Một quầy bán trái cây Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.10.2022
Đăng ký
Vì sao phải mất đến hơn 5 năm đàm phán, Mỹ mới chấp nhận nhập khẩu bưởi Việt Nam, nông sản Việt tốt và mạnh về xuất khẩu là thế, sao vẫn có ‘những bàn thua’ đáng tiếc ở những thị trường lớn nhất thế giới?
Hàng nông sản, điển hình như các loại trái cây nhiệt đới vốn là thế mạnh của Việt Nam, nhưng rõ ràng đã có không ít ‘bàn thua’ trong quá trình đàm phán để xuất khẩu trái cây chính ngạch vào thị trường Hoa Kỳ, Bắc Mỹ hay EU trong khi hoa quả Mỹ vẫn đang ồ ạt vào Việt Nam.

5 năm đàm phán đưa bưởi Việt Nam vào Mỹ

Trái bưởi tươi của Việt Nam (citrus maxima) đã chính thức được Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA) đồng ý nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ từ ngày 4/10/2022.
Đây là chiến thắng xứng đáng của Việt Nam sau hơn 5 năm đàm phán kiên trì với một trong những thị trường khó tính nhất thế giới.
Như vậy, tính đến nay, trái bưởi tươi của Việt Nam là loại trái cây thứ 7 của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Mỹ sau xoài, nhãn, vải, thanh long, chôm chôm và vú sữa.
Ngày 17/10, Cục Bảo vệ thực vật, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) đã tổ chức Sự kiện công bố yêu cầu nhập khẩu quả bưởi tươi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ
Cùng với đó, Cục Bảo vệ thực vật đã công bố, sau hơn 5 năm đàm phán, Bộ Nông nghiệp Mỹ đã thông báo chính thức cho phép nhập khẩu trái bưởi tươi của Việt Nam.
Sầu riêng - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.07.2022
Sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc, Bắc Kinh vẫn “nắm dao đằng chuôi”
Tại sự kiện, để cụ thể hóa việc Hoa Kỳ cho phép nhập khẩu bưởi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ, Tiến sĩ Rebecca Stankiewicz Gabel, Giám đốc Chương trình tiền kiểm tra của Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ và Tiến sĩ Hoàng Trung, Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật đã ký một Chương trình xuất khẩu bưởi từ Việt Nam sang Hoa Kỳ.
Như vậy, với Chương trình xuất khẩu này, Cục Bảo vệ Thực vật sẽ phối hợp với các bên liên quan triển khai đồng bộ các giải pháp, đặc biệt sẽ tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Hoa Kỳ; thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu theo TCCS 774:2020/ TCCS 775:2020 và điều kiện nhập khẩu bưởi vào Hoa Kỳ.
Hai bên cũng giám sát chặt chẽ sinh vật gây hại (SVGH) và hướng dẫn phòng trừ tại vùng trồng, bảo đảm tránh tái lây nhiễm SVGH tại cơ sở đóng gói. Đồng thời, xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ đã được Mỹ công nhận và dưới sự giám sát của cán bộ kiểm dịch thực vật Hoa Kỳ và Cục Bảo vệ thực vật đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu đi Mỹ.

Thị trường Mỹ rất khó tính nhưng đây là cơ hội lớn cho bưởi Việt Nam

Như đã biết, Hoa Kỳ có quy định đặc biệt nghiêm ngặt. Vùng trồng và cơ sở xử lý trái bưởi tươi của Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ phải được đăng ký với Cục Bảo vệ thực vật và Cơ quan kiểm dịch động thực vật Mỹ (APHIS).
“Trái bưởi không được nhiễm đối tượng kiểm dịch thực vật mà Mỹ quan tâm, được xử lý chiếu xạ và được Cục Bảo vệ thực vật cấp giấy chứng nhận kiểm dịch thực vật”, - nhà chức trách cho biết.
Đồng thời, các vùng trồng, cơ sở đóng gói bưởi phải có biện pháp quản lý phù hợp để loại bỏ các đối tượng dịch hại Mỹ quan tâm bao gồm các loại ruồi đục quả Bactrocera dorsalis, Zeugodacus cucurbitae, sâu đục quả Prays endocarpa và các loại nấm Cylindrocarpon lichenicola, Phyllosticta citriasiana.
Để đạt tiêu chuẩn của Mỹ, Việt Nam cũng cần đặc biệt lưu ý trong việc áp dụng các biện pháp quản lý đối với nấm Cylindrocarpon lichenicola và Phyllosticta citriasiana, như loại bỏ tất cả quả rụng trước khi đưa vào nhà đóng gói, phải được làm sạch, xử lý nấm và phủ sáp toàn bộ quả.
Người dân đưa vải đi tiêu thụ.  - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.07.2022
Vải thiều không hạt giá 200 nghìn/kg có tạo nên kỳ tích?
Trái bưởi sẽ được xử lý chiếu xạ tại các cơ sở chiếu xạ được Mỹ công nhận dưới sự giám sát của APHIS và Cục Bảo vệ thực vật đối với tất cả các lô hàng xuất khẩu.
Nhằm triển khai chương trình xuất khẩu bưởi sang Mỹ, lãnh đạo Cục Bảo vệ thực vật khẳng định sẽ phối hợp với các bên liên quan tập trung tập huấn cho người sản xuất, các doanh nghiệp xuất khẩu bưởi về các yêu cầu nhập khẩu của Mỹ, cũng như thực hiện đăng ký, duy trì mã số vùng trồng xuất khẩu và điều kiện nhập khẩu bưởi vào Mỹ.
Trên thực tế, thị trường Mỹ có nhu cầu tiêu thụ lớn về trái cây, mỗi năm lên tới 12 triệu tấn. Sản xuất trái cây tươi nội địa của Hoa Kỳ hiện chỉ đáp ứng được 70% nhu cầu, 30% còn lại (tương đương với khoảng 3,6 triệu tấn) phải nhập khẩu. Đây là cơ hội rất lớn cho nông sản, trái cây Việt Nam.
Cục Bảo vệ Thực vật cho biết, Việt Nam có 105.400 ha trồng bưởi, sản lượng gần 905.000 tấn/năm, với các giống bưởi đa dạng, đặc trưng cho từng vùng miền như bưởi da xanh, bưởi Năm Roi, bưởi Diễn, bưởi Đoan Hùng, bưởi Phúc Trạch. Riêng Đồng bằng sông Cửu Long có khoảng 32.000 ha trồng bưởi, với sản lượng khoảng 369.000 tấn/năm.

“Đây là dư địa và cơ hội rất lớn cho trái cây Việt Nam nói chung và quả bưởi tươi nói riêng để tiếp cận thị trường Mỹ”, - đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn nhấn mạnh.

Vì sao vẫn có những ‘bàn thua’?

Dù là quốc gia giàu tiềm năng nhưng theo một nhà xuất khẩu trái cây hàng đầu thẳng thắn nhìn nhận, Việt Nam chịu không ít ‘bàn thua’ trong quá trình đàm phán để xuất khẩu trái cây chính ngạch vào thị trường Mỹ.
Cụ thể, từ góc độ của một doanh nghiệp hàng đầu có nhiều năm xuất khẩu trái cây vào những thị trường khó tính, ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Công ty Vina T&T Group chia sẻ tạp chí điện tử Kinh doanh cho biết, trong các loại trái cây tươi của Việt Nam được chính thức cấp phép xuất vào Mỹ chỉ có trái nhãn ‘đến nay là còn có vẻ được’, còn thanh long, vải, chôm chôm thì dường như lại “thua”.
Dẫn số liệu chứng thực với quả chôm chôm, theo số liệu của Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thì trong 6 tháng đầu năm, trái chôm chôm từ Việt Nam đến Mỹ chỉ đạt có 74.000 USD, giảm mạnh so với mức 450.000 USD của cùng kỳ năm 2021.
Trái nhãn, dù theo ông Tùng, là mặt hàng xuất khẩu ‘được’ vào Mỹ, nhưng đặc tính của nhãn Việt là vỏ mỏng, nhiều nước nên lại gặp khó khăn trong khâu bảo quản, khó vận chuyển dài ngày bằng đường biển đến Mỹ.
Cũng theo Trung tâm Nghiên cứu kinh doanh và Hỗ trợ doanh nghiệp (BSA), việc sử dụng đường hàng không để vận chuyển lại đẩy giá bán của nhãn lên cao, giảm khả năng cạnh tranh của sản phẩm. Do đó, nếu không có định hướng và đẩy mạnh các sản phẩm chế biến, nhãn Việt Nam sẽ khó tăng giá trị xuất khẩu cao hơn, cũng khó cạnh tranh hơn.
Các chuyên gia cho rằng, trong những “bàn thua” của một số loại trái cây được cấp phép xuất vào Mỹ thì một trong những nguyên nhân chủ yếu phải kể đến công nghệ bảo quản ở Việt Nam vẫn còn hạn chế.
quả vải  - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.12.2021
Vải đỏ Việt Nam lên kệ siêu thị Pháp: mở ra hướng phát triển mới cho trái cây Việt tại EU
Theo Tùng, bằng chính kinh nghiệm của mình, để xuất khẩu trái cây tươi hiệu quả vào thị trường xa như Mỹ thì công nghệ bảo quản dài ngày phải ‘cực kỳ tốt’.
Chuyên gia phân tích, nếu từ Việt Nam vận chuyển bằng đường biển sang cảng Long Beach (hải cảng lớn thứ hai của Mỹ về số lượng container bốc dỡ) với điều kiện chưa dịch bệnh là 17 ngày, cộng với thu hái trái là 21 ngày. Rồi từ Long Beach đi về các điểm bán buôn sỉ là mất 3 ngày, rồi từ bên sỉ đi vào các chợ, siêu thị tiếp tục mất thêm 3 ngày. Như vậy tổng cộng là 27 ngày hàng mới đến được.
Bối cảnh này đòi hỏi công nghệ bảo quản trái cây tươi của Việt Nam phải làm sao còn được phải ít nhất 10 ngày mới bán được tại Mỹ (gồm 3 ngày ở chợ bán và người tiêu dùng Mỹ mang về ăn được trong các ngày còn lại). Trong trường hợp ngược lại, nếu không đạt được khả năng bảo quản dài ngày như vậy, khi trái cây Việt sang đến Mỹ sẽ sớm hư hỏng, buộc phải đổ bỏ.
Chuyên gia cũng cho rằng, để bán được sản lượng lớn trái cây tươi vào Mỹ bắt buộc các doanh nghiệp Việt phải nâng cấp công nghệ bảo quản để vận chuyển dài ngày theo đường biển nhằm tiết giảm chi phí thay vì đi theo đường hàng không với chi phí đắt đỏ. Ví dụ, mỗi kg trái cây tươi xuất đi bằng đường hàng không qua tới Mỹ tiêu tốn hết 7 - 8 USD trong thời điểm này, nếu bán ra thị trường sẽ khó cạnh tranh với trái cây của các quốc gia khác có công nghệ bảo quản và vận chuyển tốt hơn.

Đàm phán “1 đổi 1”?

Nhìn nhận thẳng thắn vào việc trái cây Việt chưa tăng trưởng kỳ vọng ở thị trường Mỹ hay các địa bàn xuất khẩu tiềm năng lớn, chuyên gia lưu ý về mặt hạn chế trong đàm phán của Việt Nam.
“Cụ thể, cứ khi đàm phán một loại trái cây xuất chính ngạch sang Mỹ thì chúng ta lại đánh đổi một loại trái cây khác từ Mỹ nhập về thị trường Việt Nam một cách không tương xứng”, - theo ông Tùng.
Điều này có thể thấy rõ khi cam, táo, nho nhập từ Mỹ đang được bán rộng rãi tại nhiều siêu thị, cửa hàng trái cây ở Việt Nam dù có quan ngại có thể sẽ dần thay thế những loại trái cây đồng loại của thị trường nội địa.
Đắk Lắk xuất khẩu chính ngạch chuyến hàng sầu riêng đầu tiên sang Trung Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.09.2022
Hơn 100 tấn sầu riêng lần đầu tiên đi đường chính ngạch sang Trung Quốc
Nhượng bộ cũng là điều dễ hiểu trong đàm phán, nhưng theo lãnh đạo Vina T&T Group khuyến nghị, khi đàm phán, phía Việt Nam cần xác định loại trái cây đó có đủ sản lượng xuất hay không, vùng trồng có được quanh năm hay không và công nghệ bảo quản khi qua tới Mỹ với độ dài 45 - 50 ngày hay không.
“Bài học thất bại đã xảy ra với trái chôm chôm Việt khi rất dễ hư hỏng và chúng ta phải đánh đổi với một loại trái cây khác nhập về từ Mỹ đang tràn ngập thị trường Việt Nam”, - ông Tùng so sánh.
Đánh giá về việc bưởi Việt Nam chính thức được Hoa Kỳ đồng ý nhập khẩu, Tổng giám đốc Vina T&T Group Nguyễn Đình Tùng nhận định, bưởi sẽ là loại trái cây tiềm năng vào Mỹ.
Công nghệ bảo quản trái bưởi của Việt Nam đã được thời gian tới 90 ngày. Đồng thời, còn đa dạng sản phẩm với các loại bưởi rất ngon như bưởi da xanh Bến Tre, có chất lượng vượt trội so với bưởi Mexico hay bưởi Nam Mỹ và lại có quanh năm.
“Trong tháng 10 này, chúng ta chính thức xuất lô hàng bưởi đầu tiên vào Mỹ. Tôi đánh giá việc xuất khẩu bưởi có thể sẽ bù đắp lại trường hợp nhập khẩu cam, nho, táo của Mỹ vào Việt Nam và đang được tiêu thụ khá rộng rãi”, - ông Tùng nói.
Cùng với đó, theo chuyên gia, việc mở cửa cho sản phẩm bưởi tươi đến thị trường Mỹ cũng sẽ tạo cơ hội cho các sản phẩm chế biến từ bưởi khác như nước ép và vỏ bưởi sấy, hoặc các sản phẩm phi thực phẩm khác như tinh dầu bưởi tiến vào thị trường.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала