Heo ăn chuối của Bầu Đức và heo ăn chay từ BaF: Ai sẽ thắng?

© Sputnik / Vitaliy Timkiv / Chuyển đến kho ảnhThịt heo
Thịt heo - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.10.2022
Đăng ký
Đối với mặt hàng thịt heo (thịt lợn), trên thị trường Việt Nam hiện đang có hai sản phẩm gây được sự chú ý với người tiêu dùng đó là ‘heo ăn chuối’ của tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai, và ‘heo ăn chay’ của Công ty cổ phần BaF Việt Nam (thuộc Tân Long Group).
Heo ăn chay khác với heo ăn chuối và heo thường như thế nào? Ngoài thức ăn chăn nuôi, chất lượng thịt heo còn phụ thuộc vào các yếu tố gì? Ai sẽ là người chiến thắng cuối cùng trong cuộc đua giành miếng bánh thị phần sản phẩm thịt heo tại Việt Nam?

HAGL của Bầu Đức thoát cửa tử nhờ “heo ăn chuối”

Ngày 17/9, Tập đoàn Hoàng Anh Gia Lai (mã HoSE - HAG) của doanh nhân Đoàn Nguyên Đức (tức Bầu Đức) đã chính thức ra mắt thương hiệu Bapi “Heo ăn chuối” và cửa hàng BapiMart đầu tiên ở Sài Gòn thu hút sự quan tâm rất lớn từ người tiêu dùng trong nước.
Sản phẩm chủ lực mà Hoàng Anh Gia Lai giới thiệu đợt này là thịt lợn mảnh cùng một số thực phẩm chế biến từ thịt heo như thịt nguội, chả lụa, xúc xích.
Hoàng Anh Gia Lai của Bầu Đức cũng giới thiệu “heo ăn chuối” là sản phẩm thịt thơm ngon và sạch do lợn ăn chuối sạch quanh năm ít mắc bệnh dịch hơn. Nhờ tận dụng được nguồn chuối thải loại làm thức ăn chăn nuôi cũng giúp “heo ăn chuối” giảm được giá thành sản xuất.
Thịt heo - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.10.2022
Heo ăn chuối có mang về cho bầu Đức doanh thu đột biến?
Chọn trồng chuối xuất khẩu và tận dụng để nuôi heo, theo chia sẻ của ông Đoàn Nguyên Đức, Hoàng Anh Gia Lai đã “thoát cửa tử”.
Với sự trợ giúp của tỷ phú Trần Bá Dương (THACO), HAGL đã thành công với bài toán “heo ăn chuối” khi đưa bột chuối vào thức ăn và bột chuối chiếm 40% tỷ trọng thức ăn của heo. Điều này giúp HAGL có lãi nhẹ vào năm 2021 và dự kiến lãi hơn 1.300-1.400 tỷ đồng trong năm 2022.

Sự xuất hiện của “heo ăn chay”từ BaF

Bên cạnh Hoàng Anh Gia Lai còn có một cái tên mới nổi khác là BAF - Công ty cổ phần BaF Việt Nam (thuộc Tân Long Group).
Thực tế, BAF ra mắt sản phẩm từ năm 2021, đến nay thịt thương hiệu của BAF đã có mặt tại 50 cửa hàng Siba Food và 250 cửa hàng Meat Shop. Hiện nay, BAF có quy mô đàn lợn hơn 300.000 con bao gồm lợn thịt và lợn giống, hai nhà máy thức ăn chăn nuôi và 15 trang trại rộng khắp khu vực phía Nam.Đáng chú ý, dự kiến quý 4 năm 2023, các trang trại sẽ hoạt động với tổng đàn là 1 triệu con.
Hôm 26/10 vừa qua, BAF cho ra mắt giới thiệu thương hiệu "heo ăn chay" BaF Meat. Doanh nghiệp cũng cho hay sẽ phân phối thịt và các sản phẩm chế biến khác từ thịt vào hệ thống chuỗi thực phẩm Siba Food.
Đoàn Nguyên Đức  - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.10.2022
“Sóng” ở HAGL, tin đồn bủa vây bầu Đức
Lý giải “heo ăn chay” là gì, BAF cho biết, đây là đàn heo chỉ ăn thức ăn (cám) được làm 100% nguyên liệu từ thực vật và gốc đạm thực vật. Nguyên liệu này được sản xuất trong nhà máy cám BAF, chỉ cung cấp cho đàn heo nuôi nội bộ.
BAF cũng nhấn mạnh, ‘heo ăn chay’ khác với heo thường ở chỗ con giống nhập khẩu từ Genesus (Canada), nuôi theo quy trình khép kín. Heo ăn nguồn "cám chay" không chứa các thành phần như bột xương thịt, bột huyết, bột lông vũ, bột cá…, giảm rủi ro nhiễm các loại vi khuẩn.
Thịt ‘heo ăn chay’ có màu đỏ hồng tự nhiên, độ đàn hồi tốt, tỉ lệ rỉ nước ít, khi luộc thịt sẽ thấy nước trong hơn, ít nổi bọt, thịt thơm vv…

Heo ăn chuối - Heo ăn chay có ngon hơn heo thường?

Có thể dễ dàng nhận thấy, điểm tương đồng trong hai sản phẩm heo ăn chuối và heo ăn chay chính là công thức thức ăn chăn nuôi không chứa các thành phần gốc đạm động vật, nghĩa là chỉ sử dụng 100% thức ăn từ thực vật.
Cũng nhờ vào công thức thức ăn chăn nuôi khác biệt, cả hai doanh nghiệp đều khẳng định rằng chất lượng thịt heo cao hơn, thơm, nạc nhiều, ít béo, ngọt.
Khi ra mắt thương hiệu heo ăn chay, ông Trương Sỹ Bá, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Tân Long lý giải vì sao chọn đầu tư "heo ăn chay".
Ông Bá kể, bắt nguồn từ chuyện trước đây thịt heo rất ngon, bây giờ cuộc sống hiện đại, để tìm được cảm giác ăn thịt thơm ngon như lúc xưa rất khó. Vào năm 2017, Tân Long Group là doanh nghiệp lớn trong ngành nguyên liệu nhập khẩu thức ăn chăn nuôi và xác định thử nghiệm ngành thức ăn chăn nuôi để biết bức tranh đó ra sao, nhưng cuối năm 2019 hoàn toàn thất vọng, bởi lúc đó heo hơn 18.000 đồng/kg, rẻ hơn rau, nên không dấn thân vào chăn nuôi.
Rồi đến lúc có dịch tả châu Phi, đàn heo ở Việt Nam giảm 50%. Tầng lớp chăn nuôi nhỏ lẻ không tái đàn được nữa, quy mô sẽ giảm xuống, dành chỗ cho chăn nuôi công nghiệp.
“Đây là xu hướng thế giới đã diễn biến rồi. BaF cung cấp con giống thức ăn chăn nuôi, hỗ trợ kỹ thuật tư vấn an toàn sinh học và thu mua cho người nông dân. Nếu dừng lại ở Feed - Farm là dừng lại bán heo hơi ra thị trường, sẽ rất khó cạnh tranh với khoảng 90% công ty hàng đầu bán heo hơi, phải chăng BaF là đối thủ cạnh tranh với người nuôi nhỏ lẻ? Nên chúng tôi làm luôn mô hình: Feed - Farm – Food”, - ông Bá nói.
Sau giết mổ, heo được phân phối ra thị trường bằng mô hình tươi, tăng hàm lượng chế biến sâu từ phụ phẩm thịt và hướng tới sản phẩm xuất khẩu chế biến.
© Depositphotos.com / Anna_ShepulovaThịt heo
Thịt heo - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.10.2022
Thịt heo
Đánh giá từ một chuyên gia chăn nuôi phía Nam với Doanh nghiệp và Kinh doanh cho biết việc tung ra thị trường sản phẩm “heo ăn chuối”, “heo ăn chay”, các doanh nghiệp có thể tạo ra điểm nhấn, sự khác biệt trong bối cảnh cạnh tranh.
“Tuy nhiên chất lượng thịt có được như lời đồn hay không còn phải xem xét công thức thức ăn chăn nuôi và giống”, - vị này nói.
Chuyên gia cũng lưu ý, việc cho heo ăn chuối không phải là chuyện lạ trong ngành chăn nuôi. Trong những thời điểm giá heo xuống, giá cám lên, nông hộ vẫn thường xuyên độn bột chuối, cây chuối vào cho heo ăn và thường áp dụng với heo bản địa.
“Còn trong quy mô công nghiệp, chuối chiếm tới 40% trong thức ăn cho heo sẽ có rất nhiều yếu tố phức tạp”, - chuyên gia lưu ý.
Do đó, để biết chất lượng thịt có ngon như doanh nghiệp mô tả hay không thì cần thời gian kiểm chứng. Thực tế, khu vực phía Nam chưa ghi nhận mô hình nào nuôi heo ăn chay theo quy mô lớn. Vị này cũng thẳng thắn, nếu chất lượng và sản phẩm không được như công bố thì đây có thể là cách doanh nghiệp quảng bá cho sản phẩm mới gia nhập thị trường.
Chuyên gia chăn nuôi cũng bày tỏ, doanh nghiệp hoàn toàn có thể sử dụng thực vật thay thế đạm động vật nhưng phải đảm bảo thức ăn chăn nuôi đầy đủ các nhóm chất như tinh bột, đạm, béo, xơ… thì heo mới có thể phát triển và sinh trưởng tốt.
Ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) cũng nhận định, thịt heo thơm ngon phụ thuộc yếu tố về giống và thức ăn.
Thịt heo - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.08.2020
Thịt heo. Những thủ thuật và bí quyết chế biến
Ông Trọng phân tích đối với dòng heo bản địa, đặc sản, người dân nuôi theo kiểu dân dã, thức ăn từ cám gạo và rau củ tận dụng cũng phải mất 8 tháng mới đạt được 30-40 kg. Loại heo này cho chất lượng thịt thơm ngon, có độ dai, không bở.
“Nếu doanh nghiệp muốn nuôi heo theo kiểu ăn chay (thuần thực vật) cũng được nhưng phải tính toán công thức phối trộn các loại thức ăn như ngô, đậu tương, cám gạo… cho phù hợp. Nếu con heo cần 15% đạm nhưng công thức phối chỉ đáp ứng 12% thì con heo sẽ phát triển kém, thời gian nuôi kéo dài thêm vài tháng nữa”, - chuyên gia lý giải.
Đối với công thức thức ăn chăn nuôi chứa 40% bột chuối của HAGL, ông Trọng đánh giá việc doanh nghiệp tận dụng được phụ phẩm nông nghiệp là rất tốt, song cần xem xét kỹ tỷ lệ các chất trong thức ăn chăn nuôi, đặc biệt là các chỉ số như axit amin, canxi, protein để đảm bảo heo sinh trưởng bình thường.

Ngành thịt heo ở Việt Nam đang là "mảnh đất màu mỡ"

Việt Nam nằm trong top 6 các nước sản xuất và tiêu thụ thịt heo lớn nhất thế giới, chỉ đứng sau Trung Quốc, EU, Mỹ, Nga, Brazil.
Trong khi đó, theo dự báo của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD), Việt Nam sẽ vươn lên vị trí thứ 2 châu Á về tiêu thụ thịt heo vào năm 2022. Vị trí này chỉ xếp sau Trung Quốc.
Thống kê cho thấy, nhu cầu tiêu thụ thịt heo trên đầu người của Việt Nam khoảng 27kg/người/năm, dự kiến năm 2023 tăng lên 35kg/người/năm. Năm 2021, sản lượng thịt heo của Việt Nam đạt gần 4,2 triệu tấn. Dự báo, con số này sẽ tăng lên 4,7 triệu tấn vào năm 2030, tương đương tốc độ tăng trưởng bình quân 3,1%/năm giai đoạn 2021-2030.
Có thể thấy, ngành thịt heo ở Việt Nam đang là "mảnh đất màu mỡ" cho các doanh nghiệp lớn. Hàng loạt các tập đoàn như HAGL, Thaiholdings, BAF… đã và đang gia nhập thị trường này.
Dù vậy, không như những đối thủ lớn như Dabaco, Masan MeatLife, HAGL và BaF đã có lối đi riêng với sản phẩm thịt heo được nuôi bằng thức ăn không chứa đạm động vật. Tuy nhiên, các doanh nghiệp này lại phải đối mặt với vấn đề nguồn nguyên liệu và giá thành sản phẩm chăn nuôi.
Theo ông Nguyễn Văn Trọng, các doanh nghiệp chăn nuôi theo hướng tuần hoàn, kết hợp trồng trọt và chăn nuôi sẽ có lợi thế hơn khi tham gia vào chuỗi sản xuất thịt heo ăn chay.
Thịt lợn  - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2020
Năm buồn của thịt heo: dịch tả toàn cầu sẽ làm cho thế giới bị thiếu thịt lợn
“Đầu ra của trồng trọt là đầu vào của chăn nuôi. Ngược lại, phế thải từ chăn nuôi có thể sử dụng làm phân bón cho cây trồng, tạo ra một vòng tuần hoàn khép kín, giúp doanh nghiệp giảm chi phí sản xuất. Chúng tôi luôn khuyến cáo doanh nghiệp sử dụng tối đa phụ phẩm nông nghiệp nhưng vẫn phải đảm bảo về tiêu chí dinh dưỡng”, - ông Trọng chia sẻ.
Ông Đoàn Nguyên Đức cho biết, khoảng 200.000 tấn chuối không đảm bảo tiêu chuẩn xuất khẩu của HAGL sẽ được sấy khô, nghiền thành bột và đem trộn với đạm thực vật để dùng làm thức ăn cho heo. Nhờ đó, chi phí nuôi heo của HAGL chỉ khoảng 38.000 đồng/kg.
Về phần mình, Chủ tịch BaF Trương Sỹ Bá cho biết, giá thành sản xuất thức ăn chăn nuôi của doanh nghiệp có tăng nhẹ vài phần trăm. Tuy nhiên, giá thành này không chênh lệch nhiều so với thức ăn hỗn hợp nhờ công ty có khả năng tối ưu công nghệ và quản trị.
Ngoài ra, BaF còn có thể tận dụng một phần phụ phẩm từ CTCP Tập đoàn Tân Long (chuyên về xuất khẩu gạo, cũng do ông Trương Sỹ Bá làm chủ) để kéo giảm giá thành sản xuất. Theo ông Bá, giá thành sản phẩm thịt heo ăn chay sẽ cao hơn 5-10% so với ngoài chợ, cạnh tranh trực tiếp với các sạp hàng.
Sang năm 2023, cả hai doanh nghiệp nói trên dự kiến sẽ mở 1.000 cửa hàng thịt thương hiệu Bapi Food (HAGL) và BaF Meat Shop. Rồi đây, thời gian sẽ trả lời cho câu hỏi, ai sẽ giành được ngôi vương trong ngành này.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала