Giảm sản lượng điện thoại “made in Vietnam”, Samsung đang tính toán điều gì?

© Ảnh : SamMobileNhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV)
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.11.2022
Đăng ký
Theo Reuters, xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam giảm ngay trước kỳ mua sắm Giáng sinh khi Samsung - gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc - buộc phải cắt giảm sản lượng smartphone “made in Vietnam”.
Những ‘cơn gió ngược’ từ các nền kinh tế phương Tây như lạm phát, suy thoái, nhu cầu tiêu dùng giảm, lãi suất tăng cao cùng bất ổn chính trị là những lý do có thể buộc các nhà sản xuất điện thoại lớn trên thế giới như Samsung phải điều chỉnh lại chiến lược kinh doanh, sản xuất của mình.

Thích ứng

Dữ liệu chính thức từ nhà chức trách cho biết, sản xuất và xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam bất ngờ giảm trong tháng 11/2022 trước Giáng sinh - kỳ mua sắm bận rộn nhất năm.
Theo truyền thông, đây là dấu hiệu mới cho thấy nhà sản xuất lớn nhất của Việt Nam, Samsung Electronics đang buộc phải thích ứng với thực tế nhu cầu tiêu dùng toàn cầu suy giảm trong bối cảnh hiện nay.
Việc bị ép vào tình thế phải cắt giảm sản lượng hiển nhiên là điều mà không một nhà sản xuất nào mong muốn. Samsung cũng không phải ngoại lệ.
Như Sputnik đề cập, Việt Nam là cứ điểm sản xuất điện thoại toàn cầu của Samsung. Bất chấp các biến động kinh tế thế giới cũng như khó khăn hiện hữu trong nội tại ngành sản xuất điện thoại thông minh, Samsung vẫn luôn khẳng định cam kết đầu tư làm ăn lâu dài và không thay đổi niềm tin đối với Việt Nam.
Trong suốt nhiều năm qua, gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc đã sản xuất khoảng một nửa số điện thoại thông minh của mình tại Việt Nam, chiếm gần 1/5 tổng kim ngạch xuất khẩu của đất nước.
Số liệu mới nhất được Tổng cục Hải quan công bố, lũy kế tới nửa đầu tháng 11, điện thoại và linh kiện vẫn là nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch hơn 52 tỷ USD.
Tuy nhiên, nửa đầu tháng này, xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đạt 2,38 tỷ USD, giảm 290 triệu USD, tương ứng giảm 10,9% so với nửa cuối tháng 10.
Dù vậy, lũy kế từ đầu năm đến 15/11, nhóm hàng mũi nhọn này vẫn duy trì đà tăng trưởng khả quan, giữ vị thế nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam. Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện trong năm 2022 của Việt Nam đạt 52,75 tỷ USD, tăng 7,8% so với cùng kỳ năm ngoái, tăng trưởng 3,8 tỷ USD.

Samsung đang tính toán gì?

Việc giảm sản lượng điện thoại của Samsung cũng phù hợp với những gì mà các nguồn tin trong ngành cũng như từ phía nhân viên của Samsung chia sẻ với Reuters - Samsung đã cắt giảm sản lượng điện thoại thông minh ở Việt Nam lần thứ hai trong năm 2022.
Hiện chưa rõ đợt cắt giảm sản lượng điện thoại ở Việt Nam phản ánh xu hướng suy giảm sản lượng sản xuất chung của Samsung hay sẽ có sự chuyển hướng dây chuyền sản xuất sang quốc gia khác, ấn phẩm lưu ý.
Nhà máy Samsung tại Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.11.2022
Cắt giảm lượng điện thoại “Made in Vietnam”, Samsung đưa dây chuyền sản xuất đi đâu?
Như đã biết, Samsung, nhà đầu tư FDI lớn hàng đầu Việt Nam, đã đầu tư khoảng 18 tỷ USD vào 6 nhà máy ở Việt Nam, với ít nhất hai trong số này tập trung vào việc sản xuất, lắp ráp điện thoại thông minh của gã khổng lồ điện tử Hàn Quốc.
Phía Samsung cũng từ chối bình luận với Reuters về vấn đề này.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê (GSO) Việt Nam cho biết, quốc gia Đông Nam Á này, một cường quốc sản xuất hàng điện tử trong khu vực, ghi nhận sản lượng điện thoại thông minh giảm 9,3% xuống ở mức 20,6 triệu chiếc trong tháng 11 so với cùng kỳ một năm trước đó.
Luỹ kế tổng sản lượng smartphone 11 tháng đầu năm cũng giảm 6,1%. Tổng cục Thống kê cho biết, giá trị xuất khẩu điện thoại thông minh của Việt Nam trong tháng 11 đã giảm 1% so với tháng trước (tháng 10/2022) và giảm 0,7% so với cùng kỳ năm ngoái 2021.
Dữ liệu của Tổng cục Thống kê cũng chỉ ra rằng, danh mục sản xuất điện tử tiêu dùng đã giảm gần 20% tháng 11, với sản lượng hàng tháng cũng giảm tháng thứ ba liên tiếp.
Cần lưu ý rằng, hầu hết các sản phẩm điện thoại thông minh được sản xuất ở Việt Nam đều chủ yếu dành cho thị trường phương Tây, với xu hướng sản lượng thường tăng trong những tuần trước Giáng sinh - kỳ mua sắm rộn ràng nhất năm.
Tuy nhiên, năm nay, kỳ vọng về nhu cầu của người tiêu dùng thấp hơn đã thúc đẩy các công ty hạn chế sản xuất, cắt giảm sản lượng rõ rệt.
Dù vậy, nếu lạm phát ở châu Âu và các khu vực nhập khẩu khác vẫn leo thang, nhu cầu tiêu dùng suy giảm, việc cắt giảm sản lượng điện thoại - một mặt hàng vốn được coi là ‘xa xỉ phẩm’ có thể còn tồi tệ hơn.

Samsung cắt giảm sản lượng điện thoại “made in Vietnam”

Theo Reuters, đầu tháng 11, một nguồn tin thân cận trong ngành cho biết Samsung đã buộc phải tiếp tục cắt giảm sản lượng đáng kể sau khi thu hẹp hoạt động kinh doanh sản xuất tại Việt Nam. Trước đó, họ cũng giảm sản lượng trong nửa đầu năm 2022.
Trong khi đó, theo ấn phẩm, nguồn tin từ chính phủ Việt Nam xác nhận Samsung đã cắt giảm sản xuất tại quốc gia Đông Nam Á này hai lần từ đầu năm đến nay.
Như vậy, với động thái cắt giảm sản lượng điện thoại “made in Vietnam” mới nhất này, có thể kéo giảm tỷ trọng đóng góp của Việt Nam trong tổng sản lượng Samsung từ 50% xuống 40%.
Nhà máy Thuong Dinh Shoe tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.11.2022
Chuyện gì đang xảy ra với ‘Samsung’ của ngành da giày Việt Nam?
Ba nhân viên của Samsung ở Việt Nam cũng xác nhận về đợt cắt giảm này với Reuters, trong đó, có một người lưu ý rằng các công nhân của công ty được phép nghỉ theo mùa mặc dù Giáng sinh đang đến gần, trái ngược hoàn toàn với những năm trước trong bối cảnh đơn hàng sụt giảm.
Khi đất nước phải đối mặt với những cơn gió ngược từ suy thoái toàn cầu, tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong tháng 11 cũng giảm 8,4% so với cùng kỳ năm trước đó xuống còn 29,18 tỷ USD, theo dữ liệu của Tổng cục Thống kê.
Ở chiều ngược lại, nhập khẩu cũng giảm 7,3%, báo hiệu khả năng tiếp tục cắt giảm sản xuất vì linh kiện và nguyên liệu sử dụng cho các sản phẩm xuất khẩu thường được nhập khẩu rồi sau đó tiến hành lắp ráp tại Việt Nam.
Đây là xu thế khó tránh trong bối cảnh nhu cầu tiêu dùng trên khắp thế giứoi đang giảm tốc rõ rệt như hiện nay.

‘Không thay đổi niềm tin’

Như Sputnik đã thông tin, hôm 23/11, ông Choi Joo Ho, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam phát biểu tại vòng thi GSAT (Global Samsung Aptitude Test) cho các Kỹ sư và Cử nhân tốt nghiệp Đại học, nhấn mạnh, Samsung giữ vững cam kết đầu tư lâu dài ở Việt Nam.
“Năm 2022 là một năm đặc biệt với Samsung. Đây không chỉ là năm đầu tiên chúng tôi tổ chức liên tiếp ba kỳ thi tuyển dụng quy mô lớn mà còn là năm Samsung thực hiện các kế hoạch mở rộng đầu tư và phát triển mới của mình. Chúng tôi tin rằng nguồn nhân lực chất lượng cao sẽ đồng hành cùng Samsung đóng góp nhiều hơn nữa cho sự phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam trong tương lai. Samsung giữ vững niềm tin vào Việt Nam và không thay đổi chiến lược đầu tư của mình”, ông Choi Joo Ho nói.
Lãnh đạo Samsung Việt Nam cũng khẳng định, việc Samsung liên tục tuyển dụng quy mô lớn cũng là minh chứng rõ nét nhất cho những thành công trong hoạt động đầu tư, nghiên cứu – phát triển và sản xuất – kinh doanh tại Việt Nam.
Hiện, Samsung Việt Nam vẫn tiếp nối thành công và không ngừng mở rộng các hoạt động này. Nếu như đến cuối năm 2021, lũy kế vốn đầu tư của Samsung tại Việt Nam đạt 18,2 tỷ USD, thì đến năm 2022 con số này dự kiến sẽ vượt trên 20 tỷ USD.
“Cơ sở trung tâm R&D mới tại Hà Nội của Samsung với quy mô đầu tư lên tới 220 triệu USD đang hoàn thiện và sẽ được khánh thành vào cuối năm 2022, đúng với cam kết với Chính phủ Việt Nam”, Tổng Giám đốc Samsung Việt Nam cho biết.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала