Điện thoại và linh kiện “made in Vietnam” tiếp tục giữ ‘ngôi vương’ xuất khẩu

© Depositphotos.com / alexeynovikovMade in Vietnam
Made in Vietnam - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2022
Đăng ký
Điện thoại và linh kiện “made in Vietnam” tiếp tục dẫn đầu trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam.
Theo Tổng cục Thống kê, thời kỳ từ 2011 đến 2021, nhóm hàng điện thoại và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao, bình quân tăng 34% trong giai đoạn 10 năm này.

‘Ngôi vương’

Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Thống kê Việt Nam (GSO), trong 11 tháng năm 2022, có 8 mặt hàng đạt kim ngạch xuất khẩu trên 10 tỷ USD, chiếm 70,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Trong đó, điện thoại và linh kiện “made in Vietnam” có giá trị xuất khẩu lớn nhất, đạt 55,4 tỷ USD, tăng 6,6% so với cùng kỳ năm trước.
Với kết quả ấn tượng này, nhóm hàng điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững vị trí là nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam, chiếm tỷ trọng 16,2% tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước trong 11 tháng năm 2022.
“Điện thoại và linh kiện điện tử vững vàng ở vị trí số 1 trong nhóm các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam”, Tổng cục Thống kê nhấn mạnh.
Tổng cục Thống kê lưu ý, công nghiệp điện tử là ngành sản xuất có vị trí then chốt trong nền kinh tế và tác động lan tỏa mạnh mẽ đến các ngành công nghiệp khác của Việt Nam.
Ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam chủ yếu sản xuất sản phẩm như điện thoại các loại, máy tính bảng, bo mạch chủ, màn hình, tivi, camera, thiết bị máy văn phòng và các sản phẩm quang học…
“Trong những năm qua, nhờ tốc độ tăng trưởng ấn tượng, nhóm hàng điện thoại và linh kiện đã vươn lên trở thành nhóm hàng có kim ngạch xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2013”, GSO khẳng định.

Tăng tốc

Kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của các thị trường chủ yếu đều đạt tốc độ tăng cao.
Trong đó, kim ngạch xuất khẩu sang Trung Quốc ước đạt 13,2 tỷ USD, tăng 11,4% so với cùng kỳ năm trước, Hàn Quốc ước đạt 4,4 tỷ USD, tăng 10,8%...
Số liệu thống kê cho thấy đà tăng trưởng mạnh của nhóm hàng mũi nhọn này. Nếu như năm 2010, kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng này chỉ đạt 2,3 tỷ USD, chiếm 3,2% tổng kim ngạch xuất khẩu (khi đó hàng dệt may giữ vị trí dẫn đầu, đạt 11,2 tỷ USD, tỷ trọng chiếm 15,5%) thì đến hết năm 2021 đã tăng hơn 25 lần, đạt gần 58 tỷ USD.
Tổng cục Thống kê nêu rõ, trong suốt giai đoạn 2011 - 2021, nhóm hàng điện thoại và linh kiện liên tục đạt tốc độ tăng cao. Đơn cử như 2011 tăng 177,2%; năm 2012 tăng 99,3%; năm 2013 tăng 66,7%...
Riêng năm 2020 giảm 1,5% do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19 nhưng đến năm 2021 tăng trở lại 12,4%. Bình quân cả giai đoạn 2011 - 2021 nhóm ngành này có mức tăng 34%.
Đặc biệt, GSO cho hay, trong thời gian 4 năm từ 2010 - 2013, giá trị kim ngạch xuất khẩu của nhóm hàng điện thoại và linh kiện tăng 9,2 lần.
Năm 2013, giá trị xuất khẩu nhóm hàng điện thoại và linh kiện đạt 21,3 tỷ USD, chính thức vượt qua mặt hàng dệt may (giá trị xuất khẩu đạt 17,9 tỷ USD) để trở thành nhóm hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Đến năm 2021, mặc dù nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn của dịch Covid-19 nhưng nhóm hàng này vẫn đạt tốc độ tăng cao và ổn định vững chắc, giá trị xuất khẩu tiếp tục tăng mạnh, ước đạt 57,5 tỷ USD và chiếm 17,1% tổng kim ngạch xuất khẩu.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.11.2022
Giảm sản lượng điện thoại “made in Vietnam”, Samsung đang tính toán điều gì?

Chiến lược phát triển

Theo Tổng cục Thống kê, để thúc đẩy ngành công nghiệp điện tử phát triển nhanh, bền vững, cần xác định rõ chiến lược phát triển của ngành. Trong đó, chú trọng tới việc xác định sản phẩm cốt lõi, có sức đột phá.

Công nghiệp điện tử là ngành công nghiệp trọng yếu trong nền kinh tế quốc dân do đó cần có kế hoạch phát triển dài hạn, có sự quan tâm đầu tư, xem xét ưu đãi hỗ trợ đầu tư đối với các doanh nghiệp”, GSO cho biết.

Tổng cục Thống kê cũng khuyến nghị cần hỗ trợ cho các công đoạn nghiên cứu, sản xuất thử nghiệm sản phẩm và các chương trình xúc tiến thương mại.
Bên cạnh đó, cần rà soát, hoàn thiện chính sách pháp luật, đặc biệt là quy định cụ thể về hàng hóa xuất xứ Việt Nam, thực hiện các giải pháp nhằm mở rộng thị trường trong nước và xuất khẩu.
Như Sputnik đã thông tin, Nghị quyết 29-NQ/TW định hướng tư duy mới về công nghiệp hoá hiện đại hoá nêu rõ, giai đoạn 2021 - 2030 là thúc đẩy ứng dụng mạnh mẽ khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, nâng cao năng lực tự chủ về sản xuất, công nghệ và thị trường, bảo vệ và phát huy tốt thị trường trong nước; chuyển dịch cơ cấu nội ngành công nghiệp sang các ngành có tính nền tảng, ưu tiên, mũi nhọn, có hàm lượng công nghệ và giá trị gia tăng cao.
Theo Trưởng ban Kinh tế Trung ương Trần Tuấn Anh, Trung ương đã phân tích, đánh giá và thống nhất cao cần tập trung xây dựng và triển khai Chương trình quốc gia về nâng cao năng lực độc lập, tự chủ, tự lực, tự cường của nền sản xuất Việt Nam đến năm 2045 (Make in Vietnam 2045); Chương trình phát triển công nghiệp hỗ trợ đến năm 2030.
Việt Nam sẽ tập trung vào các ngành công nghiệp nền tảng bao gồm Luyện kim (ưu tiên phát triển thép hợp kim, thép đặc chủng phục vụ công nghiệp chế tạo máy thế hệ mới, nhất là cho quốc phòng, an ninh); Cơ khí chế tạo (ưu tiên phát triển cơ khí chế tạo cho sản xuất máy nông nghiệp, ô tô, tàu biển, thiết bị công trình, thiết bị năng lượng, thiết bị điện, thiết bị y tế); Hoá chất (ưu tiên phát triển các loại hoá chất cơ bản, hoá dầu, hoá dược, phân bón); Công nghiệp năng lượng (ưu tiên phát triển công nghiệp năng lượng tái tạo, năng lượng mới); Vật liệu (ưu tiên phát triển vật liệu mới); Công nghệ số (ưu tiên phát triển trí tuệ nhân tạo, dữ liệu lớn, chuỗi khối, điện toán đám mây, Internet vạn vật, thiết bị điện tử - viễn thông, thiết kế và sản xuất chíp bán dẫn).
Sản xuất chip - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.11.2022
Chip “made in Vietnam”: Cơ hội để Việt Nam thành trung tâm công nghiệp bán dẫn thế giới
Ngành công nghiệp ưu tiên, công nghiệp mũi nhọn là: Công nghiệp sản xuất rô bốt, ô tô, thiết bị tích hợp vận hành tự động, điều khiển từ xa; công nghiệp chế biến, chế tạo phục vụ nông nghiệp; công nghiệp sinh học (tập trung vào gen, dược phẩm và các chế phẩm sinh học); công nghiệp dệt may, da giày ở các khâu tạo giá trị gia tăng cao dựa trên quy trình sản xuất thông minh, tự động hoá.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала