Đề xuất siết nhập khẩu thịt về Việt Nam vì một nghịch lý

© Sputnik / Alexandr Kondratyuk / Chuyển đến kho ảnhgia cầm
gia cầm - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2022
Đăng ký
Trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã chi trên 3 tỷ USD nhập khẩu các loại mặt hàng thịt. Tuy nhiên, trong nước, người dân đang chịu lỗ vì hàng nội địa giá rẻ nhưng ế ẩm, tiêu thụ khó khăn.
Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết, giải pháp trước mắt để giúp nông dân giảm lỗ chính là tăng cường xuất khẩu, hạn chế nhập khẩu sản phẩm thịt và kích cầu tiêu dùng nội địa.

Nghịch lý: Chi hàng tỷ USD nhập khẩu thịt nhưng trong nước vừa rẻ vừa ế

Ngày 8/12, Tổ điều hành Diễn đàn Kết nối nông sản 970 (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) đã tổ chức diễn đàn trực tuyến kết nối cung cầu chuỗi thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam Bộ.
Chia sẻ tại diễn đàn, ông Đinh Viết Tú, Phó Chi cục trưởng Chi cục Chế biến và phát triển thị trường nông sản Vùng I, thông tin nhiều dữ liệu đáng chú ý.
Theo đó, hiện nay bình quân người Việt Nam tiêu thụ 55 - 57kg thịt các loại/năm, 130 - 135 quả trứng/năm, chỉ bằng 70 - 80% so với các nước châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc.
Tổng lượng thịt Việt Nam sản xuất được khoảng 6,5 triệu tấn và trứng gia cầm, thủy cầm là 17 tỷ quả/năm.

“Phần lớn là sản xuất phục vụ tiêu thụ nội địa, tỷ lệ xuất khẩu chiếm rất thấp. Hiện chúng ta đang xuất khẩu thịt và trứng đi 26 nước, trong đó 4 thị trường lớn là Hồng Kông, Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc”, ông Đinh Viết Tú lưu ý.

Đáng chú ý, theo đại diện Bộ Nông nghiệp, trong 11 tháng năm 2022, Việt Nam đã nhập khẩu trên 3 tỷ USD về mặt hàng thịt. Trong đó, thịt lợn tươi chiếm thị phần lớn nhất, tiếp đến là các loại thịt khác và phụ phẩm gia cầm.
“Số lượng thịt và trứng sản xuất ra chủ yếu là tiêu thụ nội địa, thông qua hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, các cửa hàng tiện lợi, tiệm tạp hóa, cửa hàng nông sản an toàn và các chợ truyền thống”, ông Đinh Viết Tú bổ sung.
Trong bối cảnh người Việt Nam tiêu thụ thịt và trứng còn ít so với các nước châu Á. Sản lượng thịt, trứng được sản xuất ra chủ yếu tiêu thụ tại thị trường trong nước. Tuy nhiên, thời gian qua, nguồn cung tăng cao, khiến đầu ra của các sản phẩm thịt, trứng gặp khó khăn.

Nên hạn chế nhập khẩu?

Tại sự kiện, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho biết, qua 11 tháng theo dõi, đơn vị nhận thấy giá các sản phẩm chăn nuôi của Đông Nam Bộ biến động thất thường.
“Đặc biệt, giá gà công nghiệp chuyên thịt lông trắng biến động mạnh nhất”, ông Phương nói.
Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cho hay, trong 3 tháng đầu năm, người nuôi gà lông trắng chịu lỗ, từ tháng 5 đến tháng 9 giá đổi chiều tăng, người dân có lãi. Nhưng từ tháng 9 tới nay, giá lại giảm.
Thịt heo - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.07.2022
Danh sách càng dài hơn: Đã có tới 62 công ty Nga cung cấp thịt cho Việt Nam
Bình quân giá gà lông trắng xuất chuồng 31.800 đồng/kg, so với giá thành sản xuất người dân đang chịu lỗ hơn 1.000 đồng/kg. Tương tự, gà lông màu bà con chăn nuôi lỗi khoảng 1.800 đồng/kg.
Trong khi đó, trong 10 tháng năm nay, Việt Nam chi khoảng 237 triệu USD để nhập 211.000 tấn thịt gà. Còn xuất khẩu chỉ được 1.000 tấn với trị giá 2,2 triệu USD.
Ông Phương lưu ý, trong bối cảnh nguồn cung gia súc, gia cầm đang dồi dào, để giữ giá các sản phẩm không lao dốc, nhất là giá gà; các doanh nghiệp cần giảm nhập khẩu gà đông lạnh.
Về việc giảm giá bán để kích cầu, ông Phương cho rằng, doanh nghiệp cần tăng cường chế biến sâu sản phẩm thịt gia cầm, tạo nguồn dự trữ, đảm bảo đa dạng hóa sản phẩm, từ đó bình ổn thị trường cũng như nâng cao giá trị gia tăng.
“Phối hợp với Bộ Công Thương, Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam khuyến cáo các siêu thị giảm giá bán lẻ để kích cầu”, ông Phương khuyến khích.
Đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam cũng đề nghị ngân hàng hỗ trợ tín dụng, giúp nông dân vượt qua giai đoạn khó khăn này; các bộ, ngành, đơn vị nghiên cứu thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn.

Quy trình ngược ở Đồng Nai

Nêu ý kiến tại diễn đàn, chia sẻ riêng về nghịch lý ở tỉnh Đồng Nai, ông Nguyễn Trí Công, Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai thông tin, tỉnh hiện có 1,7 triệu gia cầm nhưng lại không có cơ sở giết mổ gia cầm tập trung.
Ông Công nêu quy trình ‘rất ngược’ ở địa phương mình, rằng sản phẩm của tỉnh phải ngược về Long An giết mổ và trở lại người tiêu dùng Đồng Nai, từ đó người tiêu dùng phải sử dụng giá cao, người chăn nuôi bán giá thấp.
Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai đề nghị, cần quan tâm quy hoạch, kêu gọi doanh nghiệp xây dựng khu giết mổ tập trung gia cầm quy mô lớn. Bên cạnh đó, Đồng Nai cần quan tâm môi trường, xử lý phân hữu cơ từ các trang trại để nâng cao giá trị.
Cũng theo ông Công, ngành chăn nuôi gia cầm hiện đang có 3 vấn đề cần giải quyết. Đầu tiên là khâu dự báo thị trường của tỉnh khá yếu.
“Người chăn nuôi hầu như không nắm được biến động thị trường, hầu hết sản xuất theo hướng rủi may, thị trường lên giá thì không được hưởng lợi, nhưng khi thị trường đi xuống thì họ gánh chịu là chính”, ông Công nói và nhấn mạnh công tác dự báo thị trường rất cần thiết.
Tiếp đó, công tác kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm còn bất cập. Việc truy xuất nguồn gốc là cơ sở quan trọng để đánh giá thực phẩm an toàn. Theo Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đồng Nai, các tỉnh thành cần tăng cường thanh tra, kiểm tra hơn nữa.
Mặt khác, hiện lãi suất ngân hàng rất biến động, lãi suất rất cao trong khi người nuôi vẫn đang chịu lỗ, từ việc trở thành đặc thù, Nhà nước có cơ chế để ngân hàng giữ nguyên lãi suất và có lãi suất trong thời gian dài để người chăn nuôi ổn định sản xuất.

Xây dựng chuỗi liên kết

Trên thực tế, chuỗi sản xuất - tiêu thụ thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ có sự khác nhau giữa các hình thức.
Cụ thể, không liên kết (thịt gia cầm 86%, trứng gia cầm 74%); có liên kết (thịt gia cầm 12%, trứng gia cầm 22%); hợp nhất (thịt gia cầm 2%, trứng gia cầm 4%). Giá trong chuỗi thịt không liên kết rẻ hơn 10%, lợi nhuận thấp hơn 10,9%.
Từ đặc điểm thị trường tiêu thụ chủ yếu là TP. Hồ Chí Minh và Bình Dương, để nâng cao giá trị chuỗi ngành hàng thịt và trứng gia cầm vùng Đông Nam bộ, ông Vũ Cường - Trưởng phòng Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi (Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản) cho rằng, cần tổ chức sản xuất theo chuỗi có liên kết hoặc hình thức hợp nhất.
Đặc biệt, cần thay đổi tư duy trong tổ chức sản xuất (dựa theo nhu cầu thị trường và theo hợp đồng liên kết). Đẩy mạnh đầu tư cho khâu chế biến nhằm đa dạng hóa sản phẩm, đáp ứng và thúc đẩy thị hiếu tiêu thụ.
Trong khi đó, theo Cục trưởng Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản Nguyễn Quốc Toản, Việt Nam hiện đang đối mặt với áp lực về nhập khẩu một số mặt hàng thịt đông lạnh, trong khi nguồn cung dồi dào.
“Chúng tôi kiến nghị Cục Chăn nuôi, thú y đánh giá toàn diện để tham mưu Bộ không chỉ về sản phẩm gia cầm mà còn các mặt hàng khác như thịt bò, lợn… để đề xuất hạn chế nhập khẩu, đảm bảo lợi ích cho người chăn nuôi trong nước”, ông Toản bày tỏ.
Đồng tình với quan điểm này, ông Đỗ Hữu Phương, đại diện Cục Chăn nuôi phía Nam nhấn mạnh, về lâu dài, cần kiểm tra rà soát, đánh giá thực trạng kênh phân phối để đảm bảo quyền lợi người tiêu dùng, người chăn nuôi.
“Cân nhắc thành lập quỹ bình ổn về giá thịt để hỗ trợ điều tiết thị trường tốt hơn và có giải pháp xuất khẩu thịt đối với các dự án chăn nuôi lớn”, ông Phương đề xuất.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала