Việt Nam là "trọng tâm của trọng tâm" trong quan hệ Hàn Quốc với ASEAN

© Ảnh : Thống Nhất- TTXVNLễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc
Lễ đón Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm cấp Nhà nước tới Hàn Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2022
Đăng ký
Ngày 11/11/2022, Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol đã công bố chiến lược mới của nước này về Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, trong đó nêu bật trọng tâm thúc đẩy tự do, hòa bình và thịnh vượng tại một khu vực ngày càng gia tăng tầm quan trọng chiến lược.
Phát biểu tại Hội nghị Cấp cao Hiệp hội Các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN)-Hàn Quốc, Tổng thống Yoon Suk-yeol nêu rõ: “Hòa bình và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương có liên quan trực tiếp đến sự tồn tại và thịnh vượng của chúng ta. Tôi muốn góp phần xây dựng một khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do, hòa bình và thịnh vượng, thông qua sự đoàn kết và hợp tác với ASEAN và các quốc gia lớn khác”.

Ấn Độ Dương kết nối với Thái Bình Dương là khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ XXI

Sputnik: Tổng thống Hàn Quốc vừa tuyên bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của nước này. Hàn Quốc không rõ là nước thứ mấy đã có chiến lược liên quan đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Theo ông, khu vực ngày đóng vai trò quan trọng như thế nào trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ XXI?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế:
Hàn Quốc không phải là quốc gia duy nhất có “Chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương”. Tiếp theo Hàn Quốc, Ngày 29/11/2022, Canada cũng công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình với tổng số đầu tư khoảng 1,7 tỷ USD trong 5 năm.
© AFP 2023 / Phil NobleBộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2022
Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly
Phát biểu tại cuộc họp báo công bố chiến lược ở thành phố Vancouver, Bộ trưởng Ngoại giao Canada Melanie Joly nhấn mạnh: “Tương lai của Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là tương lai của chúng tôi và chúng tôi có vai trò trong việc định hình nó. Để làm được như vậy, chúng tôi cần phải là một đối tác thực sự đáng tin cậy”.
Bà Joly cho biết, chiến lược gửi một thông điệp rõ ràng tới khu vực rằng “Canada đang ở đây và có thể tin tưởng vào chúng tôi”.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc bắt đầu chuyến thăm cấp Nhà nước tới Đại Hàn Dân Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 08.12.2022
Chuyên gia Hàn Quốc: "Chúng tôi rất cần Việt Nam"
Còn Nhật Bản thì từ năm 2016, họ đã có “Tầm nhìn Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Cố Thủ tướng Abe đã đề xướng ý tưởng “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (Free and Open Indo-Pacific) trong bài phát biểu quan trọng của TICAD VI được tổ chức tại Kenya. Không chỉ Liên minh Châu Âu (EU) cũng có Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương mà một số quốc gia thành viên của khối này như Pháp, Đức, Hà Lan.v.v… cũng công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình.
Như vậy, Mỹ không phải là quốc gia “phát minh” ra “Chiến lược liên vùng Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” và cũng không phải là nước duy nhất có chiến lược này. Chúng ta còn thấy nhiều cường quốc Châu Á, Châu Âu khác cũng đã vạch ra chiến lược đối với địa bàn này từ lâu như Trung Quốc với “Sáng kiến Một vành đai – Một con đường”, đi trước cả Mỹ, Nga và các cường quốc khác; Liên bang Nga có “Đề án Đại Á - Âu”.
Sở dĩ các chiến lược này xuất hiện là vì Ấn Độ Dương kết nối với Thái Bình Dương là khu vực có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc định hình trật tự thế giới thế kỷ XXI, Vì thế, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương đã, đang là điểm đến và triển khai chiến lược của nhiều nước, nhất là đối với các nước lớn.
Vì vậy, việc Hàn Quốc công bố “Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương” của riêng mình cũng không phải là điều gì mới và quá đặc biệt. Tân tổng thống của nước này và bộ tham mưu của ông đã nhận thức được rằng, Khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương có dân số chiếm hơn một nửa dân số thế giới và nguồn tài nguyên thiên nhiên phong phú cùng nhiều tuyến đường biển quan trọng, có ý nghĩa “sống còn” đối với nền thương mại toàn cầu. Đây cũng là khu vực “phát triển năng động” khi có sự hiện diện của ba nền kinh tế hàng đầu thế giới là Mỹ, Trung Quốc, Nhật Bản và 07 trong số 08 thị trường phát triển nhanh, như: Ấn Độ, Trung Quốc, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN),… với GDP chiếm khoảng 60% GDP toàn cầu.
Tuy nhiên, khu vực này cũng là “điểm nóng” về tranh chấp chủ quyền biển, đảo, tài nguyên thiên nhiên, phổ biến vũ khí hạt nhân cùng các thách thức an ninh phi truyền thống, tiềm ẩn nhiều nguy cơ, ảnh hưởng không nhỏ đến an ninh, ổn định khu vực và thế giới. Nhiều phân tích chỉ ra rằng, Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương là khu vực có vị trí địa chiến lược cả về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh, nếu kiểm soát được khu vực này về cơ bản sẽ kiểm soát được thế giới. Chính vì vậy, các nước lớn, tổ chức khu vực, đặc biệt là các cường quốc đã và đang gia tăng ảnh hưởng tại khu vực quan trọng này bằng những chiến lược và kế hoạch cụ thể nhằm đạt được mục tiêu, lợi ích quốc gia.
© Ảnh : Thống Nhất- TTXVNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc
Bên cạnh đó, do vị thế của từng cường quốc, do đặc điểm kinh tế, văn hóa và các mối giao lưu từ truyền thống đến hiện đại của mỗi nước đối với “đại khu vực” này có nhiều điểm khác biệt nên nội hàm mục tiêu của các cường quốc trong chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ cũng khác hau.
Mỹ có ba mục tiêu cơ bản. Một là giữ vững vai trò “độc tôn” lãnh đạo thế giới trong bối cảnh Trung Quốc, Nga - “đối thủ cạnh tranh chiến lược hàng đầu” - đang đẩy mạnh các hoạt động tại khu vực. Hai là bảo vệ quyền lưu thông tự do về hàng hải và hàng không. Ba là đối phó hiệu quả với các thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống, bảo đảm an ninh, ổn định khu vực.
Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nhật Bản cũng gồm ba trụ cột nhưng nội dung rất khác với Mỹ. Trang web của Đại sứ quán Nhật Bản ở Việt Nam đã công bố 3 nội dung cơ bản gồm có:
Thượng tôn pháp luật tự do hàng hải, phổ cập và định hình thương mại tự do
Theo đuổi thịnh vượng kinh tế, nâng cao mối liên kết.
Đảm bảo hòa bình và ổn định.
Chiến lược của Liên minh Châu Âu (EU) có tham vọng rất lớn khi họ xác định tới 7 lĩnh vực ưu tiên, gồm:
Đảm bảo thịnh vượng chung, phát triển bền vững;
Thúc đẩy chuyển đổi xanh;
Hợp tác quản trị đại dương;
Tăng cường quản trị kinh tế số;
Thúc đẩy kết nối khu vực;
Duy trì an ninh, quốc phòng trong khu vực
Bảo đảm an ninh con người.
Trên cơ sở đó, EU đề xuất nhiều sáng kiến hợp tác có giá trị, như: Liên minh Xanh, Mạng lưới Ngoại giao mạng, Thỏa thuận Đối tác số sử dụng trí tuệ nhân tạo, v.v. Đối với các tranh chấp chủ quyền biển, đảo tại khu vực, EU ủng hộ các giải pháp đối thoại hòa bình, giải quyết bất đồng dựa trên luật pháp quốc tế; cam kết phối hợp với đồng minh, đối tác, bảo vệ tự do hàng hải và thương mại, xây dựng khu vực ổn định và phát triển.
Trung Quốc có chiến lược tổng hợp nhằm hình thành “chuỗi liên kết”, “chuỗi ngọc trai” hay “con đường tơ lụa trên biển” từ Trung Quốc đại lục đi qua eo biển: Mandab, Malacca, Hormuz, Lombok và các nước: Singapore, Campuchia, Myanmar, Bangladesh, Sri Lanka, Pakistan, Somalia đến Port Sudan trong khu vực Sừng châu Phi. Trên “chuỗi liên kết” này, Trung Quốc hợp tác chặt chẽ với nhiều quốc gia, đầu tư xây dựng các “đặc khu”, hành lang kinh tế, như: Trung Quốc - Pakistan; Trung Quốc - Ấn Độ - Myanmar - Bangladesh; trục kinh tế Nam Ninh (Trung Quốc) - Singapore với hai cánh là Hợp tác tiểu vùng Sông Mekong mở rộng và Hợp tác tiểu vùng Vịnh Bắc Bộ mở rộng, v.v. Các dự án kinh tế cùng với các liên kết, hợp tác trong Sáng kiến “vành đai và con đường”, Hiệp định Đối tác Kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) là cơ sở để Trung Quốc mở rộng ảnh hưởng về kinh tế, chính trị, an ninh; nâng cao uy tín, vị thế cường quốc cũng như gia tăng khả năng kiểm soát các địa bàn trọng yếu, các tuyến vận tải biển “yết hầu” tại khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Đối với Liên bang Nga thì Chiến lược Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương của Điện Kremlin tập trung vào các lĩnh vực: Đầu tư phát triển vùng Viễn Đông thành “Trung tâm phát triển quốc tế” - cầu nối thương mại giữa Nga với các nước trong khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương; tăng cường quan hệ chiến lược với các nước truyền thống, các liên minh, liên kết; trong đó, chú trọng xây dựng quan hệ “Đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc nhằm tạo “đối trọng” với Mỹ, hạn chế sức ép từ Mỹ và phương Tây. Nga cũng đẩy mạnh quan hệ hợp tác toàn diện với các nước, các tổ chức, diễn đàn hợp tác kinh tế, chính trị, an ninh trong khu vực và coi đây là một kênh quan trọng để Nga bảo vệ lợi ích quốc gia, gia tăng ảnh hưởng tại Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.12.2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm Hàn Quốc: Khách quý đến thăm nhà khi tuyết đầu mùa rơi

Chọn ASEAN làm trọng tâm trong các mối quan hệ và liên kết

Sputnik: Như vậy, sau Nga, Nhật, thì tới lượt Hàn Quốc có Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của mình với ASEAN là đối tác chính. Theo Chiến lược này của Hàn Quốc, ASEAN là đối tác chủ chốt chứ không phải là Mỹ. Tại sao lại ASEAN? Tại sao không phải là Mỹ?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế:
Điểm khác biệt lớn nhất của các Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Nga, Hàn Quốc và Nhật Bản là ở chỗ họ đã chọn ASEAN làm trọng tâm trong các mối quan hệ và liên kết. Trong khi đó thì Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, Trung Quốc và EU lại có tính phổ rộng với nhiều trọng tâm, không chỉ ASEAN mà còn có cả Ấn Độ, Trung Đông, vùng Sừng Châu Phi.v.v…
Sở dĩ Hàn Quốc không chọn Mỹ là đối tác chính trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của họ là vì chính Mỹ cũng có chiến lược này nhưng với các mục tiêu rất khác. Sự vênh nhau giữa các mục tiêu của Mỹ và Hàn Quốc sẽ biến hai nước này tuy là đồng minh chính trị và quân sự nhưng lại trở thành đối thủ cạnh tranh về kinh tế tại ASEAN, nơi mà Hàn Quốc có nhiều ưu thế hơn hẳn Mỹ về quan hệ kinh tế, đặc biệt là lĩnh vực đầu tư trực tiếp nước ngoài. Hàn Quốc không có “nhu cầu” cạnh tranh địa chiến lược toàn cầu như Mỹ. Mục tiêu của họ lấy phát triển khu vực và mở rộng ảnh hưởng nhờ “quyền lực mềm” là chính.
Lý do tiếp theo là “niềm tin chiến lược” của ASEAN đối với Hàn Quốc cao hơn hẳn mối quan hệ ASEAN – Mỹ. Chúng ta đều biết đến một Hội nghị Mỹ- ASEAN đã diễn ra trên đất Mỹ năm 2021 nhưng các kết quả thu được rất hạn chế. Trong hội nghị đó, Mỹ cam kết đầu tư hơn 153 triệu USD vào ASEAN. Con số đó nhỏ bé đến thảm hại khi so sánh với suất đầu tư từ 7 tỷ đến 7,8 tỷ USD của Hàn Quốc chỉ riêng đối với Việt Nam.
Sở dĩ Hàn Quốc chọn ASEAN làm trọng tâm vì cũng như Nga và Nhật Bản, họ nhận thức được “yết hầu logistic” tối quan trọng đối với nền kinh tế của họ chính là Biển Đông và các quốc gia ASEAN tiếp giáp với Biển Đông. Nga cũng coi trọng ASEAN bởi đó là “cửa ngõ giao thông quan trọng đối với vùng Viễn Đông của Nga. Đặc biệt là khi “cánh cửa phía Tây” gặp “trục trặc” và bị “đóng lại” như trong thời gian vừa qua thì Biển Đông và ASEAN lại càng quan trọng hơn đối với Nga.
© Ảnh : Hoàng Thống Nhất - TTXVNChủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2022
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc tiếp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Hàn Quốc
Riêng đối với Hàn Quốc, ngoài lý do bảo đảm an toàn, tự do hàng hải và hàng không ở khu vực ASEAN để làm cho huyết mạch giao thông đến Hàn Quốc được thông thoáng thì lý do thứ hai là Hàn Quốc là một trong các cường quốc kinh tế đầu tư rất lớn vào ASEAN và trở thành một trong những đối tác quan trọng hàng đầu của ASEAN. Trong 30 năm qua, quan hệ đối tác ASEAN - Hàn Quốc đã phát triển đầy ấn tượng, trải rộng trên các lĩnh vực chính trị - an ninh, kinh tế, văn hóa - xã hội và giao lưu nhân dân.
Hàn Quốc là đối tác thương mại và nhà đầu tư lớn thứ 5 của ASEAN, trong khi ASEAN là đối tác thương mại lớn thứ 2 của Hàn Quốc. Tổng kim ngạch thương mại hai chiều đạt 160,5 tỷ USD năm 2018, tăng 16 lần so với năm 1990. Đầu tư từ Hàn Quốc vào ASEAN đạt 6,6 tỷ USD trong năm 2018. Hai bên nhất trí tiếp tục đẩy mạnh trao đổi thương mại - đầu tư, tận dụng hiệu quả các lợi ích của Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Hàn Quốc, phấn đấu kim ngạch thương mại hai chiều đạt 200 tỷ USD vào năm 2020; phối hợp đề cao tự do hóa và liên kết kinh tế, nỗ lực ký kết Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP) trong năm 2020.

Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN được phân công phụ trách mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc.

Sputnik: Trong chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương Hàn Quốc vừa công bố, Việt Nam là cầu nối giữa Hàn Quốc và ASEAN. Theo ông thì vì sao Hàn Quốc đã chọn Việt Nam?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế:
Trong ASEAN thì Hàn Quốc đặt Việt Nam vào vị trí “trọng tâm của trọng tâm”. Điều này đã được Bộ trưởng Ngoại giao Hàn Quốc Park Jin khẳng định trong cuộc gặp với Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính ngày 18/10/2022 và được Tổng thống Hàn Quốc tái khẳng định khi cuộc hội đàm với Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc trong chuyến thăm và làm việc của Chủ tịch tại Hàn Quốc vừa qua. Sở dĩ Hàn Quốc theo đuổi chính sách này vì một lẽ đơn giản đầu tiên; đó là Việt Nam là quốc gia thành viên ASEAN được phân công phụ trách mối quan hệ đối tác chiến lược ASEAN - Hàn Quốc.
Từ khi hai nước thiết lập quan hệ đối tác chiến lược (2009), vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam đã tăng mạnh, ở mức cao: năm 2013 đạt 3,8 tỷ USD; năm 2014, đạt hơn 6,1 tỷ USD và Hàn Quốc đã trở thành nhà đầu tư vào Việt Nam lớn nhất. Năm 2015, số vốn đầu tư của Hàn Quốc vào Việt Nam là 6,72 tỷ USD; năm 2016 là 7,0 tỷ USD; năm 2017 đạt 8,49 tỷ USD; năm 2018 là 7,2 tỷ USD; năm 2019 là 7,92 tỷ USD. Năm 2020, do tác động của đại dịch COVID-19, vốn đầu tư giảm sâu nhưng vẫn đạt 3,9 tỷ USD. Đến năm 2021, số vốn mà Hàn Quốc đầu tư vào Việt Nam tăng trở lại, đạt 7,4 tỷ USD. Hiện tại, Hàn Quốc là nhà đầu FDI lớn nhất vào Việt Nam, chiếm 20,8% vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk - yeol tại buổi hội đàm
 - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.12.2022
Tổng thống Hàn Quốc và Việt Nam nhất trí hợp tác chiến lược
Trước mắt, hai bên đặt mục tiêu nâng kim ngạch thương mại song phương lên 100 tỷ USD vào năm 2023 và 150 tỷ USD vào năm 2030 theo hướng cân bằng; khuyến khích các doanh nghiệp Hàn Quốc đầu tư mới và mở rộng quy mô đầu tư vào Việt Nam, trong đó ưu tiên lĩnh vực công nghệ số, điện tử, năng lượng tái tạo, phát triển cơ sở hạ tầng, xây dựng các khu tổ hợp công nghệ chuyên sâu, khu công nghiệp, nông nghiệp chất lượng cao...
Về vị thế địa chiến lược, Việt Nam tuy không đóng vai trò “cửa ngõ của Biển Đông” như Singapore nhưng lại là quốc gia sở hữu tới 1/3 diện tích Biển Đông, lớn nhất trong số các quốc gia tiếp giáp Biển Đông. Việt Nam cũng có tiềm lực quân sự mạnh thứ hai trong số các quốc gia tiếp giáp Biển Đông (chỉ sau Indonesia) nhưng lại có vị trí địa quân sự quan trọng bậc nhất ở Biển Đông.

Sự gắn bó lịch sử

Sputnik: Chắc chắn còn một lý do rất quan trọng nữa là sự gắn bó lịch sử đặc biệt, sự gắn bó huyết thống…
Ông Nguyễn Minh Hoàng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế:
Đúng vậy, trong lịch sử, Việt Nam và Hàn Quốc có mối quan hệ gắn bó về huyết thống khi các vương công họ Lý ở Hàn Quốc có nguồn gốc từ Việt Nam. Đó là Lý Dương Côn, hoàng tử thứ ba của vua Lý Nhân Tông di cư sang Triều Tiên, sáng lập dòng họ Lý Tinh Thiện trong lịch sử bán đảo Triều Tiên với 3.657 người. Và kế tiếp là hoàng tử Lý Long Tường, con trai thứ 7 của vua Lý Anh Tông, ông tổ của gia tộc Lý Hoa Sơn ở Triều Tiên với 1.775 người. Năm 1253, Đại hãn Mông Cổ đem quân xâm lược Triều Tiên lần thứ hai. Quân Nguyên Mông do Đường Cơ chỉ huy tấn công Hoàng Hải cả đường thủy lẫn đường bộ. Lý Long Tường đã lãnh đạo quân dân trong vùng chống trả quân Nguyên Mông suốt 5 tháng ròng bằng binh pháp của Đại Việt do ông truyền dạy. Sau chiến công này, vua Cao Ly đổi tên “Trấn Sơn” thành “Hoa Sơn”, phong Lý Long Tường làm “Hoa Sơn Tướng Quân”. Nơi quân Nguyên Mông đầu hàng được gọi là “Thụ hàng môn”. Vua Triều Tiên đã cho lập bia tại đây để ghi nhớ chiến công của ông. Di tích này hiện nay vẫn tồn tại.
Và cuối cùng, cả trong lịch sử và hiện tại, đối với bất kỳ quốc gia nào, Việt Nam luôn giữa vai trò là cửa ngõ để tiếp cận Đông Nam Á, đặc biệt là các bán đảo Đông Dương, Mã Lai, gọi chung là “Đông Nam Á lục địa”, bao gồm Việt Nam, Thái Lan, Myanmar, Lào, Campuchia, Malaysia và Singapore, nghĩa là hơn một nửa khối ASEAN.

Việt Nam sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa Hàn Quốc và ASEAN

Sputnik: Việt Nam đã từng là “cầu nối” giữa Nga và ASEAN. Ông đánh giá khả năng Việt Nam thực hiện vai trò mới là “cầu nối” giữa Hàn Quốc và ASEAN như thế nào? Có những thuận lợi gì, khó khăn gì?
Ông Nguyễn Minh Hoàng, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế:
Việt Nam đã và đang là cầu nối giữa Nga và ASEAN. Tuy nhiên, nhiệm vụ này hiện đang gặp nhiều trắc trở do hậu quả của Đại dịch COVID-19 cũng như cuộc cạnh tranh địa chiến lược gay gắt giữa Mỹ và Nga trên địa bàn Châu Âu mà trọng điểm là chiến trường Ukraina. Trong khi đó thì tại ASEAN, Mỹ vẫn duy trì quan hệ đồng mình với Philippines và quan hệ đối tác chiến lược với Thái Lan, với Malaysia vốn là các đồng minh truyền thống của cả Mỹ và Anh. Đây chính là các cản trở lớn khi Nga muốn xâm nhập vào thị trường Đông Nam Á, ngay cả khi Nga có Myanmar là “cánh cửa” thứ hai sau Việt Nam.
Trong quá trình thực hiện các nhiệm vụ “cầu nối” giữa ASEAN với các cường quốc, các quốc gia đang phát triển bậc cao, Việt Nam có nhiều thuận lợi hơn các quốc gia ASEAN khác, với Hàn Quốc cũng vậy. Trước hết, Việt Nam là quốc gia được khối ASEAN giao đặc trách quan hệ với Hàn Quốc. Dù có khác biệt lớn về chế độ chính trị nhưng Việt Nam có quan hệ kinh tế rất khăng khít với Hàn Quốc về nhiều vấn đề kinh tế, văn hóa, xã hội. Có thể nói, sau hơn 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao, hai bên đã từ vị trí “cựu thù” để cố gắng khắc phục những khác biệt, phát huy những điểm tương đồng để xây dựng mối quan hệ đối tác chiến lược và hiện đã trở thành Đối tác chiến lược toàn diện.
Chủ tịch nước Việt Nam Nguyễn Xuân Phúc tại hội nghị cấp cao APEC ở Bangkok - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.12.2022
Kỳ vọng Việt Nam “cất cánh” sau chuyến thăm đầu tiên của Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đến Hàn Quốc
Khó khăn trong xây dựng quan hệ Việt – Hàn nói riêng và ASEAN - Hàn Quốc nói chung đến từ hai cường quốc Mỹ và Trung Quốc. Đây là hai đối thủ lớn nhất trên thế giới có những cạnh tranh địa chiến lược gay gắt nhất trên khu vực liên vùng Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Trung Quốc tuy có quan hệ kinh tế rất lớn với Hàn Quốc nhưng cũng không thể bỏ qua quan hệ với đồng minh Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Triều Tiên. Mỹ và Trung Quốc đối đầu gay gắt với nhau cũng vì tranh giành ảnh hưởng tại địa bàn ASEAN khiến cho tình hình chung trong khu vực có nhiều diễn biến phức tạp, khó dự báo.
Tuy nhiên, với những điểm tương đồng, những thế mạnh trong quan hệ giữa hai nước và đặc biệt là nhờ chính sách ngoại giao đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ quốc tế, chính sách cân bằng trong ứng xử với các cường quốc, tôi tin rằng, Việt Nam sẽ làm tốt vai trò cầu nối giữa Hàn Quốc và ASEAN, thậm chí còn hứa hẹn nhiều thành công hơn so với vai trò cầu nối giữa Nga với ASEAN.
Sputnik: Xin cảm ơn ông đã dành cho Sputnik những phân tích rất sâu và logic.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала