Việt Nam: Xuất khẩu thủy sản vượt 10 tỷ USD, lập kỷ lục trong 20 năm

CC0 / Pixabay / Tôm
Tôm - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.12.2022
Đăng ký
Chỉ trong 11 tháng năm 2022, xuất khẩu thuỷ sản Việt Nam đã vượt mốc 10 tỷ USD, lập kỷ lục chưa từng có trong hơn 20 năm qua.
Tuy vậy, trong bối cảnh kinh tế thế giới xấu đi, tình hình xuất khẩu thủy được dự báo sẽ chững lại trong thời gian tới, khi sức mua và tỷ lệ đơn đặt hàng giảm.

Xuất khẩu thuỷ sản lập kỷ lục

Tối 10/12, tại khách sạn Sheraton, quận 1, TP.HCM, Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) đã tổ chức Lễ mừng xuất khẩu thủy sản đạt 10 tỷ USD.
Theo VASEP, trong năm 2022, ngành thủy sản đặt chỉ tiêu kế hoạch xuất khẩu đạt 10 tỷ USD. Tuy nhiên, chỉ đến hết tháng 11, xuất khẩu thủy sản cả nước đã đạt mức 10,17 tỷ USD.
Dự kiến trong cả năm 2022, xuất khẩu thủy sản Việt Nam có thể chạm ngưỡng 11 tỷ USD, tăng 25% so với năm ngoái. Đây là mức kỷ lục của ngành thủy sản Việt Nam trong hơn 20 năm qua.
Trong đó, mặt hàng tôm lần đầu tiên vượt mốc 4 tỷ USD, giữ vị trí số một trong xuất khẩu thủy sản Việt Nam, chiếm tỷ trọng 39% tổng giá trị xuất khẩu của 11 tháng.
Xếp tiếp theo là cá tra với kim ngạch 2,3 tỷ USD (chiếm 22,4%). Tiếp đó là cá các loại khác với kim ngạch 1,9 tỷ USD, chiếm 18,4%; cá ngừ đạt 941 triệu USD, chiếm 9,2%; mực, bạch tuộc đạt 704 triệu USD, chiếm 6,9%...
Thị trường lớn nhất của thủy sản Việt Nam trong 11 tháng qua gọi tên Hoa Kỳ với kim ngạch trên 2 tỷ USD. Các thị trường xếp ngay sau đó lần lượt là Trung Quốc (bao gồm Hong Kong) với khoảng 1,6 tỷ USD; Nhật Bản khoảng 1,6 tỷ USD; EU khoảng 1,2 tỷ USD. Tính cả Nhật Bản, khối thị trường CPTPP đạt khoảng 2,7 tỷ USD.

Dự báo xuất khẩu sẽ chững lại

Theo đại diện VASEP, xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục chủ yếu là nhờ tăng trưởng mạnh trong 3 quý đầu năm do những thuận lợi về nhu cầu thị trường, giá xuất khẩu tăng, nguồn nguyên liệu đảm bảo đủ cung ứng cho các đơn hàng.
Ông Phùng Đức Tiến - Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn - nhận định rằng, so với kim ngạch chỉ đạt 8,9 tỷ USD năm 2021, kết quả năm nay cho thấy sự nỗ lực rất lớn của các ngành thủy sản.
Thứ trưởng Phùng Đức Tiến cho biết, ngành thủy sản đặt mục tiêu tới năm 2030 xuất khẩu đạt 14 tỷ USD. Để làm được điều này, toàn ngành phải xoay chuyển thực tế bằng cách đi vào chế biến sâu, sử dụng nguồn nguyên liệu có thể truy xuất nguồn gốc và tăng cường xúc tiến thương mại linh hoạt với các thị trường tiềm năng.
Về phần mình, Tổng thư ký VASEP Trương Đình Hòe đánh giá, thuỷ sản Việt Nam vẫn còn nhiều thách thức về vấn đề con giống, thức ăn và quy hoạch diện tích đất nuôi trồng thủy sản.
Với tình hình kinh tế toàn cầu đang xấu đi, lạm phát diễn ra và tỷ giá biến động, VASEP nhận thấy, tình hình xuất khẩu thủy sản đang chững lại khi sức mua và tỷ lệ đơn đặt hàng giảm.
Trong thời gian tới, lượng hàng tồn kho được dự báo sẽ tăng trong khi khâu bảo quản, lưu kho và hậu cần nói chung (logistics) vẫn là điểm yếu của nhiều doanh nghiệp Việt.
Bên cạnh đó, Việt Nam còn phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt từ những đối thủ có chi phí và giá bán rẻ như Ecuador hay Ấn Độ.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала