Việt Nam sẽ giúp EU giảm phụ thuộc vào các nước giàu tài nguyên?

© Sputnik / Evgeny Biyatov / Chuyển đến kho ảnhNhà điều hành sản xuất dầu
Nhà điều hành sản xuất dầu - Sputnik Việt Nam, 1920, 16.12.2022
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) - Trong bối cảnh các nước EU cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm cho nền kinh tế tại Hội nghị thượng đỉnh Brusels, với vai trò dẫn dắt trong khối ASEAN, Việt Nam đang làm gì để tận dụng cơ hội này?
Trả lời phỏng vấn Sputnik, Đại tá Nguyễn Minh Tâm, Nguyên Giám đốc Trung tâm thông tin khoa học và tư liệu giáo khoa, Học viện Chính trị Công an Nhân dân đã đưa ra nhận định, phân tích của mình về vấn đề này.

EU không muốn “chậm chân” tiếp cận ASEAN, Việt Nam tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt

Sputnik: Thưa Đại tá, đây là lần đầu tiên EU, ASEAN tổ chức Hội nghị Thượng đỉnh. Điều này có ý nghĩa đặc biệt thế nào trong bối cảnh hiện nay? Đặc biệt, về vai trò của Việt Nam trong Hội nghị lần này ?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu, Bộ công an, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Khoảng 10 năm sau khi ASEAN được thành lập, năm 1977, Cộng đồng kinh tế Châu Âu (EEC), tiền thân của Liên minh Châu Âu hiện nay và ASEAN, đã thiết lập các quan hệ đối tác đầu tiên. Ba năm sau, quan hệ này được thể chế hóa bằng Hiệp định Hợp tác ASEAN-EU. Trong 27 năm sau đó, vì nhiều lý do khách quan như những bất ổn chính trị ở Thái Lan, Philippines, Indonesia, Malasyia, các quốc gia sáng lập ASEAN mối quan hệ này, ảnh hưởng tiêu cực của cuộc cạnh tranh địa chiến lược Mỹ - Trung Quốc, ảnh hưởng từ sự sụp đổ của Liên bang Xô Viết cũng như khối xã hội chủ nghĩa Đông Âu.v.v… đã buộc các nước EEC phải tập trung củng cố vị trí và phát huy ảnh hưởng của mình trên địa bàn “lục địa già” và đạt được Hiệp ước Maastricht vào ngày 7-2-1992 về việc thành lập Liên minh Châu Âu (EU). Hiệp ước có hiệu lực từ ngày 1-11-1993.
Tới năm 2007, ASEAN và EU mới tổ chức được Hội nghị cấp Bộ trưởng ngoại giao tại Đức và ra Tuyên bố chung Nuremberg nâng cấp quan hệ hai bên lên mức “Đối tác tăg cường”. Tuy nhiên, cũng phải chờ tới tháng 12 năm 2020, bằng một Hội nghị trực tuyến cấp Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23, được tổ chức theo sáng kiến của Việt Nam, khi đó giữ vai trò Chủ tịch luân phiên ASEAN, EU và ASEAN mới đạt thỏa thuận nâng cấp quan hệ lên mức “Đối tác chiến lược”. Với sự dẫn dắt của Việt Nam, Hội nghị Bộ trưởng ngoại giao ASEAN-EU lần thứ 23 đã mở ra một chương mới cho quan hệ ASEAN-EU. Và khi Hội nghị thượng đỉnh ASEAN-EU lần đầu tiên được tổ chức tại Trụ sở Hội đồng Châu Âu, Brussels, Vương quốc Bỉ, nhiều vấn đề quan trọng cơ bản và cụ thể mới được hai bên bàn thảo ở cấp lãnh đạo cao nhất.
EU thống nhất với ASEAN tổ chức Hội nghị thượng đỉnh trực tiếp lần này không chỉ nhằm kỷ niệm 45 năm ngày thiết lập quan hệ ASEAN – EU mà còn nhằm nhiều mục tiêu chiến lược. Vì một lẽ đơn giản là EU không muốn bị “chậm chân” khi tiếp cận Khu vực Đông Nam Á so với các đối tác, đồng thời cũng là đối thủ cạnh tranh với họ như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc. Ấn Độ và kể cả Mỹ, những cường quốc kinh tế hàng đầu thế giới.
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Đại lễ đường Hội đồng Nhân dân ở Bắc Kinh - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.11.2022
Thăm Trung Quốc và Việt Nam, Olaf Scholz tìm đường cứu mình và Đông tiến
Trong hơn 30 năm quan hệ EU – ASEAN gần như “dẫm chân tại chỗ” thì ASEAN đã phát triển các cơ chế ASEAN+ hướng về khu vực Đông Á vốn có rất nhiều tiềm năng phát triển. Các quan hệ đối tác chiến lược ASEAN – Trung Quốc, ASEAN – Nhật Bản, ASEAN – Hàn Quốc đã nổi lên như những biểu tượng của hợp tác hòa bình, thịnh vượng ở khi vựa kinh tế tăng trưởng năng động nhất thế giới hiện nay. Đặc biệt là Trung Quốc và ASEAN đã thống nhất thành lập “Khu vực mậu dịch tự do ASEAN - Trung Quốc” (ACFTA). Trong khi đó thì mãi tới tháng 9 năm 2021, EU mới công bố Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của riêng mình. Theo đó, họ xác định tới 7 trọng tâm chiến lược gồm có:
1.
Đảm bảo thịnh vượng chung, phát triển bền vững;
2.
Thúc đẩy chuyển đổi xanh;
3.
Hợp tác quản trị đại dương;
4.
Tăng cường quản trị kinh tế số;
5.
Thúc đẩy kết nối khu vực;
6.
Duy trì an ninh, quốc phòng trong khu vực
7.
Bảo đảm an ninh con người.
Đáng chú ý là trong Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của EU, họ đã đặt Khu vực Đông Nam Á mà trung tâm là khối ASEAN ngang hàng với Ấn Độ, Nhật Bản và Trung Quốc. Điều này cho thấy tầm quan trọng địa chiến lược, địa chính trị của ASEAN đối với toàn cầu.
Sau một nhiệm kỳ Chủ tịch luân phiên rất thành công năm 2020, đặc biệt là sự dẫn dắt để đi đến khai mở “xa lộ kinh tế” EU-ASEAN bằng việc nâng cấp quan hệ ASEAN-EU, Việt Nam chắc chắn sẽ tiếp tục đóng vai trò dẫn dắt khối ASEAN tại Hội nghị thượng đỉnh Brusels năm nay. Sở dĩ Việt Nam có thể làm được điều này vì ba điều kiện quan trọng dưới đây:
Thứ nhất, Việt Nam là quốc gia duy nhất trong khối ASEAN có tới hai Hiệp định hợp tác kinh tế toàn diên song phương với EU. Đó là Hiệp định thương mại tự do EVFTA và Hiệp định bảo hộ đầu tư FVIPA. Hai Hiệp định này bảo đảm cho Việt Nam có vị thế là cầu nối giữa EU và ASEAN cả về trước mắt và lâu dài.
Thủ tướng Phạm Minh Chính dự Hội nghị Cấp cao ASEAN- Ấn Độ lần thứ 19 - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.11.2022
Việt Nam với những kiến nghị rất có giá trị tại Thượng đỉnh ASEAN 40 và 41
Thứ hai, Việt Nam là quốc gia ASEAN có nhiều quan hệ đối tác chiến lược với các quốc gia được coi là trụ cột của EU gồm Đức, Pháp, Tây Ban Nha, Italia, Hà Lan, Bỉ. Trung đó, Đức và Tây Ban Nha cũng là hai đối tác chủ chốt của EU với ASEAN. Việt Nam cũng có quan hệ đối tác toàn diện với nhiều thành viên khác của EU như Đan Mạch, Hungary.v.v… Việt Nam cũng vẫn giữ các mối quan hệ đối tác truyền thống với các thành viên EU vốn trước đây là các nước xã hội chủ nghĩa như Ba Lan, Bulgaria, Romania, Séc, Slovakia, Serbia.v.v… Nhiều nước trong số này đã coi Việt Nam là đối tác hàng đầu tại Đông Nam Á.
Thứ ba, Việt Nam luôn tuân thủ nguyên tắc đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ đối ngoại nhưng vẫn giữ vững tính độc lập, tự chủ của mình để trở thành bạn bè tin cậy của các nước trên thế giới và thể hiện sự đóng góp tích cực, có trách nhiệm đối với cộng đồng quốc tế. Nguyên tắc này đã được các quốc gia ASEAN chấp nhận, tạo nên sự tôn trọng của các nước, các tổ chức quốc tế đối với Cộng đồng ASEAN.
Thứ tư, chủ trương “Thích ứng chủ động, gắn kết chặt chẽ” được Việt Nam đề xướng tại Hội nghị thượng đỉnh ASEAN tháng 11 năm 2020 đã giúp cho ASEAN mở rộng tầm nhìn cả về không gian và thời gian, giúp khai thác và phát huy hơn nữa tiềm năng của toàn khối ASEAN khi đặt quan hệ đối tác chiến lược với các tổ chức, cộng đồng lớn trên thế giới nhằm vừa phát triển kinh tế xã hội, vừa bảo đảm môi trường hòa bình và an ninh cho khu vực để hước đến sự thịnh vượng.

Đạt thỏa thuận gói tài chính 15,5 tỉ USD, Việt Nam được và mất gì?

Sputnik: Việt Nam đã đạt thỏa thuận gói tài chính 15,5 tỉ USD từ các nước G7 nhằm giảm phụ thuộc vào than. Theo ông, Việt Nam được và mất gì nếu dự án này đi vào triển khai?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu, Bộ công an, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Tháng 3-2015, Tổ chức phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) đã có báo cáo đặc biệt về quản lý rủi ro thiên tai do biến đổi khí hậu gây ra ở Việt Nam. Theo đó, Việt Nam được đánh giá là một trong những quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của thiên tai và biến đổi khí hậu. Đặc biệt, trong những năm gần đây, các thiên tai mang tính cực đoan đã xảy ra nhiều hơn, gây thiệt hại nhiều hơn về người và ảnh hưởng đáng kể đến nền kinh tế đất nước. Bản bảo cáo cũng lưu ý tới vấn đề biến đổi của các hiện tượng khí hậu cực đoan trong tương lai do biến đổi khí hậu; sự tương tác giữa các yếu tố khí hậu, môi trường và con người. Trong đó, vấn đề giảm phát thải khí nhà kính (chủ yếu là carbon và các hợp chất của nó) được đặc biệt quan tâm.
Tại Hội nghị COP26 tháng 12-2021 tổ chức tại Glasgow (Anh Quốc), Việt Nam đã cùng gần 150 quốc gia cam kết đưa mức phát thải ròng về “0” vào đến năm 2050; cùng với hơn 100 quốc gia tham gia cam kết giảm phát thải khí methane toàn cầu vào năm 2030 so với năm 2010; cùng 141 quốc gia tham gia Tuyên bố Glasgow của các nhà lãnh đạo về rừng và sử dụng đất và cùng gần 50 quốc gia tham gia tuyên bố toàn cầu về chuyển đổi điện than sang năng lượng sạch. Vì vậy, vấn đề chuyển đổi nguồn năng lượng có vai trò đặc biệt quan trọng để giảm phát thải khí nhà kính và đó là một trong những nhiệm vụ bắt buộc mà Việt Nam phải triển khai sớm.
Tuy nhiên, để đạt được những mục tiêu đã cam kết, Việt Nam cần có nguồn kinh phí rất lớn. Một mặt để xây dựng và các trung tâm năng lượng sạch như các “khu rừng” điện gió, các “cánh đồng” điện mặt trời, mở rộng và nâng cấp hệ thống nhà máy thủy điện, hệ thống nhàm máy điện dùng khí đốt LPG và LNG; tối ưu hóa hệ thống truyền tải để giảm thiểu hao tổn năng lượng.v.v… Mặt khác, việc chuyển đổi nền nông nghiệp theo xu hướng giảm thiểu phát thải khí metal, tận dụng nguồn năng lượng từ loại khí biogas này trong sinh hoạt và đời sống. Đây cũng là những nhiệm vụ đòi hỏi nguồn kinh phí rất lớn nhằm giảm phát thải khí nhà kính từ nông nghiệp, bao gồm khí CO2, CH4 và N2O, hiện đang chiếm tới 13,8% tổng lượng phát thải khí nhà kính của Việt Nam.
Phó Phát ngôn Bộ Ngoại giao Phạm Thu Hằng - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.12.2022
Kế hoạch sử dụng gói tài chính khí hậu 15 tỷ USD của Việt Nam
Thêm vào đó, do nguồn than trong nước về cơ bản đã được khám phá và khai thác, trữ lượng ngày một giảm. Việt Nam đang phải bỏ ra những khoản kinh phí đáng kể để nhập khẩu nhiều than để vận hành các nhà máy nhiệt điện. Bên cạnh đó, một số nhà máy nhiệt điện dùng than của Việt Nam như Phả Lại 1, Uông Bí, Cao Ngạn… có công nghệ cũ, hao phí nhiên liệu lớn và phát thải nhiều CO2, cần loại bỏ vì không còn khả năng nâng cấp công nghệ.
Trên những căn cứ đó, gói tài chính hơn 15 tỉ USD để giảm phụ thuộc vào than mà Việt Nam ký kết với EU sẽ đem lại một nguồn lực đáng kể để Việt Nam thúc đẩy việc chuyển đổi sang sử dụng nguồn năng lượng sạch cũng như giảm phát tán các nguồn thải hiện đang gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng ở nhiều đô thị Việt Nam cũng như chuyển đổi sang một nền công nghiệp hữu cơ xanh, sạch và hiệu quả. Nếu dự án này được thực hiện thì về tổng thể, Việt Nam sẽ được lợi rất nhiều. Còn vấn đề mất thì phải tính đến cơ chế, lộ trình, thủ tục để giải ngân và thực hiện chứ chưa thể kết luận ngay bây giờ.

EU tìm mọi cách đa dạng hóa nguồn cung

Sputnik: Một trong những nội dung chính lần này là EU sẽ khuyến khích các nước Đông Nam Á hoàn thành vai trò chính trong chuỗi cung ứng dựa trên ý tưởng “giao hữu” giữa các quốc gia. Hơn nữa, Hiệp định với Việt Nam là Hiệp định Thương mại tự do thứ hai mà EU đã ký kết với một quốc gia thành viên ASEAN. Dựa trên cơ sở này, theo ông,Việt Nam có thể tận dụng lợi thế này như thế nào để mở rộng chuỗi cung ứng của mình cho các nước EU, vốn đang bị phụ thuộc vào các nước giàu tài nguyên?
Đại tá Nguyễn Minh Tâm, nguyên giám đốc Trung tâm thông tin và tư liệu, Bộ công an, nhà phân tích các vấn đề chính trị và quân sự:
Vâng ! Đây chính là một lợi thế rất lớn của Việt Nam. Với tư cách là một trong 2 quốc ga ASEAN có Hiệp định thương mại tự do (FTA) ký kết với Liên minh Châu Âu, nước còn lại là Singapore. Trong khi Hiệp định ESFTA giữa Singapore với EU tập trung vào hai vấn đề sản phẩm công nghệ cao giao thương hàng hải do vị trí cửa ngõ của Singapore kết nối Biển Đông với Ấn Độ Dương thì Hiệp định EVFTA giữa Việt Nam với EU có phổ rộng hơn rất nhiều, không chỉ có vấn đề đối với các sản phẩm công nghệ cao và giao thương hàng hải mà còn bao gồm một loạt các cam kết tự do trao đổi, lưu thông, phân phối khác. Trong đó, có nhiều lĩnh vực mà Việt Nam có thế mạnh như dầu khí, thủy hải sản, sản phẩm nông nghiệp… và đương nhiên là có cả sản phẩm công nghệ cao.
Hơn nữa, Việt Nam còn là quốc gia Đông Nam Á duy nhất có Hiệp định bảo hộ đầu tư EVIPA với EU, các quốc gia khác thường gộp vấn đề bảo hộ đầu tư (IPA) vào vấn đề tự do thương mại (FTA) nên một khi vấn đề bảo hộ đầu tư gặp rắc rối sẽ ảnh hưởng tiêu cực đến vấn đề tự do thương mại và ngược lại. Việc Việt Nam tách hai vấn đề này làm hai hiệp định khác nhau sẽ tạo thuận lợi lớn hơn cho vấn đề tự do thương mại, đồng thời cơ sở hành lang pháp lý để quản lý vấn đề đầu tư, đặc biệt là đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam.
Ở thời điểm hiện tại và trong tương lai gần, các nước EU cũng như nhiều quốc gia khác trên thế giới đang có xu hướng đa dạng hóa nguồn cung để bảo đảm cho nền kinh tế của họ không quá phục thuộc vào nguồn cung và có thể gặp rủi ro khi các “nguồn cung” có vấn đề. Thực ra, trước đây Việt Nam cũng đã tính đến trường hợp đó, đã và đang xúc tiến đa dạng nguồn cung nên hiểu rất rõ nhu cầu này của các nước EU và nhiều quốc gia khác.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Bình Dương. - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2022
Việt Nam thành nút thắt quan trọng trong chuỗi cung ứng của Mỹ
Nguồn tài nguyên của Việt Nam và các nước ASEAN vẫn còn chưa được khám phá và khai thác hết. Nhưng để tận dụng được các nguồn tài nguyên ấy thì càn có công nghệ cao. Trong khi đó thì các quốc gia EU, nhất là các quốc gia “đầu tàu kinh tế” của khối này có thế mạnh vượt trội về công nghệ. Họ hoàn toàn có khả năng thông qua Việt Nam để tiếp cận những nguồn tài nguyên mà họ đang cần ở khu vực Đông Nam Á, trong đó, không chỉ có dầu mỏ, khí đốt mà còn có một loạt các nguyên liệu chiến lược khác như titan, đất hiếm.v.v…
Như vậy, đúng như Thủ tướng Phạm Minh Chính đã nhiều lần phát biểu, tư duy hợp tác để phát triển ưu việt nhất hiện này là “lợi ích hài hòa, rủi ro chia sẻ? Với tư duy đó, cộng với nhu cầu cấp thiết của EU, Việt Nam còn nhiều cơ hội, nhiều dư địa để mở rộng chuỗi cung ứng cho các nước EU. Và để đổi lại, các nước EU cũng cần chia sẻ lợi ích của họ cho Việt Nam một cách hài hòa cũng như chia sẻ những rủi ro có thể xảy ra đối với bên này hay bên kia một cách công bằng, bình đẳng trên cơ sở tôn trọng độc lập, chủ quyền, quyền tự quyết của các bên, hành động một cách minh bạch và công khai.
Xin cảm ơn Đại tá đã dành thời gian trả lời phỏng vấn của Sputnik!
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала