Thu ngân sách tăng cao, Việt Nam đang vay nợ ra sao?

© Ảnh : TTXVN - Phạm Thị HậuBộ Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2023
Bộ Tài chính triển khai nhiệm vụ tài chính-ngân sách nhà nước năm 2023 - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.12.2022
Đăng ký
Thông tin từ Bộ Tài chính cho hay, tạm tính đến ngày 15/12, thu ngân sách nhà nước của Việt Nam đã vượt 19,8% dự toán với con số 1,69 triệu tỷ đồng, cao hơn 78.000 tỷ đồng so với đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại kỳ họp thứ 4 diễn ra hồi tháng 10, tháng 11.
Trong đó, thu ngân sách trung ương vượt 19,3% dự toán, thu ngân sách địa phương vượt 20,4% dự toán. Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đã nhận định một số vấn đề liên quan đến tình hình thu NSNN 2022, nợ công, nợ Chính phủ và kế hoạch cho năm 2023.

Thu NSNN tăng vọt

Nhìn lại năm 2022, theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc, trong bối cảnh tình hình kinh tế - xã hội có nhiều khó khăn, ngành tài chính đã hoàn thành xuất sắc, toàn diện các nhiệm vụ tài chính - ngân sách nhà nước; điều hành chính sách tài khóa chủ động, linh hoạt.
Đồng thời, tiếp tục thực hiện miễn, giảm, gia hạn thuế phí, tiền thuê đất, kịp thời hỗ trợ doanh nghiệp và người dân phục hồi sản xuất kinh doanh sau dịch bệnh.
“Kết quả thu ngân sách nhà nước vượt mức dự toán được giao, chi quản lý chặt chẽ, tiết kiệm, đảm bảo nguồn lực hỗ trợ phục hồi kinh tế, kiểm soát chặt chẽ bội chi và nợ công trong phạm vi Quốc hội cho phép”, Bộ trưởng nêu rõ.
Giá cả và thị trường được điều hành linh hoạt, góp phần kiểm soát lạm phát, giảm chi phí cho doanh nghiệp và người dân. Các thị trường tài chính tiếp tục được củng cố, tháo gỡ, xử lý kịp thời các khó khăn vướng mắc để thị trường chứng khoán phát triển lành mạnh, công khai, minh bạch; kỷ cương, kỷ luật tài chính được tăng cường.
Nhìn lại năm 2022, trong bối cảnh còn nhiều khó khăn do ảnh hưởng nghiêm trọng của đại dịch COVID-19 trong 2 năm từ 2020 - 2021, các vấn đề phát sinh trong điều hành tác động không thuận lợi đến việc phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Trao đổi với TTXVN, Bộ trưởng Tài chính cho hay, trong bối cảnh đó, ngành tài chính đã chủ động, quyết liệt thực hiện có hiệu quả các nhiệm vụ được giao. Đến nay, các nhiệm vụ tài chính - ngân sách năm 2022 đã hoàn thành thắng lợi các mục tiêu đặt ra.
Điều này được thể hiện trên một số mặt như hoàn thiện thể chế đã được Bộ Tài chính thực hiện chủ động, đáp ứng được yêu cầu về tiến độ, đảm bảo chất lượng, thể chế hóa các đường lối, chủ trương của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước và hội nhập quốc tế.
Đồng thời, Bộ Tài chính đã điều hành quyết liệt thu, chi ngân sách nhà nước, phấn đấu tăng thu, quản lý chi chặt chẽ, triệt để tiết kiệm, hiệu quả, chủ động tham mưu gói phục hồi kinh tế với quy mô 347 nghìn tỷ đồng tập trung đầu tư cơ sở hạ tầng, an sinh xã hội, chuyển đổi số.
Cùng đó, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cắt giảm 10% chi thường xuyên so định mức phân bổ ngân sách, thực hiện các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất.
“Đến ngày 15/12, thu ngân sách nhà nước đã vượt 19,8% so với dự toán, cao hơn 78 nghìn tỷ đồng so với số đánh giá thực hiện cả năm đã báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10,11/2022)”, Bộ trưởng nhấn mạnh.
Qua đó đảm bảo nguồn lực hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; bù đắp số giảm thu ngân sách nhà nước do thực hiện các chính sách miễn, giảm thuế, phí, lệ phí; đảm bảo đầy đủ nguồn lực chi đầu tư phát triển và thực hiện các nhiệm vụ kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng, các chính sách an sinh xã hội mà không phải tăng bội chi ngân sách nhà nước.
Nói thêm về các giải pháp miễn giảm các khoản thuế, phí, lệ phí và tiền thuê đất để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19, Bộ Tài chính cho hay, trong năm 2020, tổng quy mô các giải pháp hỗ trợ khoảng 129 nghìn tỷ đồng. Năm 2021, giá trị hỗ trợ với tổng quy mô khoảng 145 nghìn tỷ đồng.
Năm 2022, các giải pháp về thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp, người dân với giá trị tiền thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí dự kiến khoảng 233,5 nghìn tỷ đồng bao gồm cả số giảm thuế bảo vệ môi trường đối với các mặt hàng xăng, dầu, mỡ nhờn. Số tiền được gia hạn khoảng 135 nghìn tỷ đồng; số tiền được miễn, giảm khoảng 98 nghìn tỷ đồng. Đến ngày 15/12, đã thực hiện miễn, giảm, gia hạn gần 200 nghìn tỷ đồng.
Bộ Tài chính đã trình Chính phủ trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội bổ sung từ nguồn tăng thu, cắt giảm, tiết kiệm chi ngân sách Trung ương năm 2021 số tiền 6.600 tỷ đồng để thực hiện chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động và 240 tỷ đồng để cân đối nguồn, giảm áp lực huy động vốn cho Chương trình phục hồi.
Đồng thời, yêu cầu các bộ, ngành, địa phương triệt để tiết kiệm 10% chi thường xuyên ngay từ khi giao dự toán, cắt giảm những khoản chi ngân sách Trung ương đã được giao nhưng chưa phân bổ để bổ sung nguồn lực thực hiện chương trình. Tổng số cắt giảm của các bộ, cơ quan Trung ương khoảng 533 tỷ đồng.

Nợ công Việt Nam ra sao?

Theo Bộ trưởng Phớc, việc quản lý, huy động và vay, trả nợ công đã bám sát các mục tiêu.
Tính đến cuối năm 2022, dư nợ công khoảng 43 - 44% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 40 - 41% GDP; dư nợ vay nước ngoài của quốc gia từ 40 - 41% GDP, nghĩa vụ trả nợ trực tiếp của Chính phủ từ 18 - 19% tổng thu ngân sách nhà nước.
“Tất cả đều trong phạm vi Quốc hội cho phép”, theo ông Phớc.
Liên quan đến thị trường trái phiếu doanh nghiệp, trước sai phạm của một số doanh nghiệp khiến thị trường trái phiếu doanh nghiệp diễn biến phức tạp, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về chào bán, giao dịch trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ tại thị trường trong nước và chào bán trái phiếu doanh nghiệp ra thị trường quốc tế.
Đồng thời, báo cáo Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ về các giải pháp ổn định thị trường trái phiếu doanh nghiệp, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp phát hành, đảm bảo quyền lợi nhà đầu tư trái phiếu hướng tới mục tiêu phát triển ổn định, an toàn cho thị trường trong trung và dài hạn.
Thu ngân sách của Việt Nam tăng vọt xuất phát từ doanh thu dầu thô tăng (do giá dầu tăng), thu từ thuế xuất nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT nhập khẩu tăng (nhờ hoạt động xuất nhập khẩu sôi động trở lại, vượt xa dự toán), thu từ nhà đất và chuyển nhượng bất động sản ở mức cao.
Việt Nam cũng tăng thu nhờ tăng cường quản lý thuế, xây dựng cơ sở dữ liệu hóa đơn điện tử, dẫn đến giảm gian lận thuế, giảm trốn thuế và thất thu thuế, hay là tăng thu thuế từ hoạt động mua bán online. Trong đó, 6 nhà cung cấp nước ngoài lớn như Meta (Facebook)*, Google, Microsoft, TikTok, Netflix, Apple chiếm 90% thị phần doanh thu dịch vụ thương mại điện tử kinh doanh trên nền tảng số xuyên biên giới tại Việt Nam đã thực hiện đăng ký thuế, khai thuế và nộp thuế tại Việt Nam trên tổng số 3.444 tỷ đồng từ các nhà cung cấp nước ngoài.
Tòa nhà Bộ Tài chính Việt Nam tại Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.12.2022
Sau thời kỳ tăng vọt, thu ngân sách của Việt Nam đang có dấu hiệu chững lại

Thu NSNN đối diện áp lực lớn

Theo Bộ trưởng, hiện thu nội địa đã hoàn thành và vượt dự toán Quốc hội, Chính phủ đã giao cho Bộ Tài chính.

“Đây không chỉ là kết quả thể hiện sự nỗ lực của ngành tài chính, cơ quan thuế các cấp mà là kết quả của cả hệ thống chính trị trong phòng chống dịch bệnh. Những quyết sách đúng đắn của Đảng, Nhà nước trong phục hồi kinh tế, kiểm soát lạm phát”, Bộ trưởng khẳng định.

Tuy nhiên, theo người đứng đầu Bộ Tài chính, từ quý III trở lại đây nền kinh tế đã bộc lộ một số khó khăn, khi tình hình thế giới và trong nước có nhiều biến động. Đó là những áp lực lớn cho việc triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách nhà nước trong năm 2023.
Để giảm thiểu tác động từ bên ngoài, kiềm chế lạm phát, Chính phủ đang nghiên cứu trình Quốc hội một số giải pháp tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp, kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tạo môi trường tốt cho doanh nghiệp phát triển.
“Trước mắt, có thể sẽ làm giảm thu nội địa năm 2023 so dự toán đã tính toán, tạo áp lực trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu ngân sách đối với ngành thuế trong năm 2023”, ông Phớc cho biết.
Trước những khó khăn trên, ngành tài chính đã xác định thu ngân sách sẽ phải đối diện với những áp lực lớn và đã sẵn sàng các kịch bản ứng phó trong triển khai thực hiện nhiệm vụ thu cho cả năm 2023 và giai đoạn 2023 - 2025 để hoàn thành mục tiêu thu ngân sách theo Nghị quyết của Quốc hội.
Để đạt được kết quả này, trong năm 2023, Bộ Tài chính sẽ tiếp tục bám sát chủ trương, định hướng của Đảng, các nghị quyết của Quốc hội, Chính phủ về chính sách tài khóa nhằm phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Bộ cũng nghiên cứu, rà soát và sửa đổi, bổ sung các luật về thuế theo Chiến lược Cải cách hệ thống thuế đến năm 2030. Đồng thời, tiếp tục thực hiện một số giải pháp để hỗ trợ cho doanh nghiệp, người dân.
Bộ Tài chính cũng chủ động rà soát lại nhu cầu chi và cơ cấu lại chi ngân sách nhà nước; sắp xếp các khoản chi theo thứ tự ưu tiên, thực hiện quản lý chi chặt chẽ, tiết kiệm, hiệu quả.
“Kiểm soát chặt chẽ bội chi, nợ công, cơ cấu nợ công trong giới hạn; sử dụng hiệu quả ngân quỹ nhà nước, tăng cường quản lý hoạt động của các quỹ tài chính nhà nước ngoài ngân sách”, người đứng đầu ngành Tài chính nêu rõ.
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.11.2022
Chính sách tiền tệ của Việt Nam lộ nhược điểm lớn
Ngoài ra, tiếp tục hoàn thiện hệ thống pháp luật về quản lý giá, điều hành linh hoạt giá cả trên cơ sở dự báo cung - cầu thị trường nhất là đối với các nhóm hàng năng lượng, vật liệu xây dựng, sắt thép...).
Đặc biệt, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc khẳng định sẽ thực hiện các biện pháp cần thiết để ổn định và phát triển thị trường vốn công khai, minh bạch, an toàn, bền vững nhằm khơi thông nguồn vốn trung và dài hạn cho đầu tư và phát triển, tập trung hoàn thiện khung pháp lý và thể chế, đẩy mạnh giám sát, nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, tạo dựng niềm tin của nhà đầu tư.
* Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm hoạt động ở Nga vì là tổ chức cực đoan.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала