Hướng đi mới trong hợp tác song phương Nga – Việt

© Ảnh : TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtHoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Bình Dương.
Hoạt động bốc dỡ hàng hóa xuất nhập khẩu tại cảng Bình Dương. - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.01.2023
Đăng ký
HÀ NỘI (Sputnik) – Kim ngạch thương mại song Nga – Việt còn khá khiêm tốn với tiềm năng và quan hệ hợp tác của hai nước. Song dựa trên truyền thống hợp tác, doanh nghiệp hai nước vẫn luôn tìm thấy cơ hội và tự tin rằng, cán cân thương mại sẽ cán đích 10 tỷ USD trong năm 2025.
Nền móng hợp tác công nghiệp Việt Nam và Liên bang Nga đã được xây dựng từ thế kỷ trước. Hai nước thành lập Ủy ban liên Chính phủ Việt - Nga về hợp tác kinh tế - thương mại và khoa học - kỹ thuật vào năm 1992, thành lập Liên doanh dầu khí đầu tiên Vietsopetro năm 1993, hoàn thành Nhà máy thủy điện Hòa Bình năm 1994,…
Kể từ đó đến nay, cơ chế hợp tác song phương đã được hoàn thiện bằng nhiều văn kiện được ký kết ở cấp Nhà nước, các Hiệp định liên Chính phủ về các dự án trong lĩnh vực dầu khí, cùng nhiều văn kiện hợp tác được ký kết cấp Bộ, cấp địa phương trên các lĩnh vực kinh tế. Các văn kiện nêu trên là những nền tảng pháp lý quan trọng để thúc đẩy hợp tác trong lĩnh vực thương mại, năng lượng, công nghiệp và nhiều lĩnh vực quan trọng khác. Từ đó, quan hệ kinh tế giữa hai nước được thúc đẩy mạnh mẽ, trọng tâm là phát triển quan hệ kinh tế - thương mại - đầu tư, một trong những trụ cột của mối quan hệ hợp tác toàn diện Liên bang Nga - Việt Nam.

Kế thừa và vun đắp

Theo số liệu của Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam, tính đến tháng 11 năm 2022, Liên bang Nga có 164 dự án đầu tư vào Việt Nam với tổng mức đầu tư đạt 965,8 triệu USD, đứng thứ 27 trong tổng số 141 quốc gia và vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Các dự án của Liên Bang Nga tập trung chủ yếu vào lĩnh vực khai khoáng; dịch vụ lưu trú và ăn uống; công nghiệp chế biến, chế tạo.
Ở chiều ngược lại, Việt Nam đã đầu tư sang Liên bang Nga 5 dự án với tổng vốn đầu tư 528 triệu USD trong lĩnh vực công nghiệp chế biến, chế tạo. Dự án quan trọng và tiềm năng nhất hiện nay là Dự án thăm dò và khai thác dầu khí 4 Lô tại Khu tự trị Nhenhetxki của Công ty liên doanh Rusvietpetro và Dự án xây dựng trang trại nuôi bò và sản xuất sữa của Tập đoàn TH trị giá 2,7 tỷ USD, mô hình trang trại có quy mô dự kiến khoảng 6.000 con bò tại tỉnh Kaluga.
Là một trong những tỉnh đứng đầu Liên bang Nga về phát triển kinh tế và thu hút đầu tư, Phó Thống đốc tỉnh Kaluga Vladimir Igorevich Popov đánh giá cao triển vọng phát triển quan hệ hợp tác giữa vùng Kaluga và nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Trao đổi với Sputnik, ông Vladimir Popov cho rằng, tiềm năng phát triển hợp tác giữa Vùng Kaluga và Việt Nam là rất rõ ràng. Thương mại song phương đang tăng lên hàng năm. Số lượng các công ty sẵn sàng hợp tác phát triển cũng ngày càng nhiều. Chỉ tính riêng tại triển lãm này, 5 công ty vừa và nhỏ của Kaluga đã đồng loạt giới thiệu sản phẩm của mình cho người tiêu dùng Việt Nam.
“Cần nhấn mạnh rằng, tiềm năng hợp tác song phương vẫn còn rất lớn. Hiện chúng tôi có cụm doanh nghiệp ngành công nghiệp ô tô Kaluga đang hợp tác với các nhà cung cấp linh kiện của Việt Nam. Đồng thời, chúng tôi cũng đang cùng nhau phát triển xuất nhập khẩu trong các ngành công nghiệp nhẹ, giấy, nhiên liệu và năng lượng và thực phẩm”, Phó Thống đốc nói.
Hợp tác giữa Nga và Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.12.2022
Việt - Nga cần lưu tâm điều gì trong chính sách “Hướng Đông”?
Các mối quan hệ song phương được duy trì thường xuyên và ở mức cao nhất. Đáng nói, sự hợp tác được thực hiện không chỉ trong lĩnh vực thương mại và kinh tế. Trong khuôn khổ của thỏa thuận được ký kết ba năm trước giữa Chính quyền tỉnh Kaluga và Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Thuận, sự hợp tác trong lĩnh vực văn hóa xã hội, khoa học và giáo dục đang phát triển tích cực.
“Một số lĩnh vực đầy hứa hẹn để đầu tư, từ ngành công nghệ thông tin và kỹ thuật cơ khí đến ngành xây dựng và công nghệ hạt nhân. Hiện đã và đang có sinh viên từ Việt Nam theo học tại Viện Năng lượng Nguyên tử Obninsk và Đại học Bang Kaluga”, ông Vladimir Popov nêu rõ.
Về phía Việt Nam, chia sẻ với Sputnik, ông Trần Văn Tám - Phó Tổng thư ký TW Hội hữu nghị Việt – Nga bày tỏ, mặc dù có nhiều khó khăn trong việc thúc đẩy giao thương giữa Nga và Việt Nam do đại dịch và tình hình chính trị phức tạp; song nhu cầu và phát triển đầu tư và thương mại của các doanh nghiệp hai bên vẫn diễn ra rất tích cực. Hàng năm, có nhiều doanh nghiệp hai bên liên lạc gủi thư, điện thoại, tìm kiếm đối, tư vấn pháp lý, môi trường kinh doanh của Việt Nam để đầu tư làm ăn.
“Mục tiêu vào năm 2025, cán cân thương mại của Nga và Việt Nam kỳ vọng sẽ cán đích 10 tỷ USD”, ông Tám tin tưởng.

Hướng đầu tư mới vào Việt Nam

Là một trong các nền kinh tế phát triển nhanh hàng đầu khu vực Đông Nam Á, dân số gần 100 triệu người, nhu cầu năng lượng và nhu cầu điện của Việt Nam luôn tăng ở mức cao nhiều năm liên tục. Bên cạnh đó, Việt Nam cũng là nước nhiệt đới với bờ biển dài hơn 3.200 km, tổng diện tích biển khoảng 1 triệu km2, mực nước biển thấp và tốc độ gió thổi thường xuyên ở mức cao, Việt Nam được đánh giá là có tiềm năng điện gió và điện gió ngoài khơi rất lớn.
Bên cạnh phát triển nguồn điện từ năng lượng tái tạo, định hướng của Chính phủ Việt Nam là xây dựng ngành công nghiệp nội địa về sản xuất, chế tạo các thiết bị về năng lượng tái tạo nhằm nâng cao tính độc lập tự chủ, giảm giá thành. Đây cũng có thể là một định hướng mới cho hợp tác song phương Việt Nam - Liên Bang Nga trong lĩnh vực năng lượng.
Song song với đó, theo Chiến lược phát triển công nghiệp Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035, các nhóm ngành công nghiệp được lựa chọn ưu tiên phát triển, gồm: ngành Công nghiệp chế biến, chế tạo; điện tử, viễn thông, công nghệ số, năng lượng mới và năng lượng tái tạo.
Việt Nam hiện đã có khoảng 2.000 doanh nghiệp sản xuất phụ tùng, linh kiện, tạo công ăn việc làm cho hơn 600.000 lao động. Công nghiệp hỗ trợ của Việt Nam đã ngày càng tăng cường tính liên kết, tham gia vững chắc hơn trong chuỗi cung ứng cho những ngành sản xuất chủ lực của Việt Nam như dệt may, da giày, điện tử, công nghiệp chế biến nông sản… Năng lực sản xuất công nghiệp trong nước hiện nay đang được dần cải thiện rõ rệt, tăng dần tỷ lệ nội địa hóa; các sản phẩm có hàm lượng công nghệ, độ chính xác ngày càng cao, góp phần nâng cao giá trị gia tăng.
ngành công nghiệp dệt may Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.06.2022
Nga muốn nội địa hóa sản phẩm dệt may tại Việt Nam
Đáng chú ý, tại Diễn Diễn đàn “Đối thoại doanh nghiệp Việt - Nga 2022”, Thứ trưởng Bộ Công Thương Việt Nam Đặng Hoàng An gợi mở hướng hợp tác mới, phù hợp tiêu chí và điều kiện của hai nước.
“Doanh nghiệp hai nước có thể hợp tác trên các lĩnh vực truyền thống và các lĩnh vực mới, như năng lượng tái tạo, kinh tế tuần hoàn, phát triển xanh, chuyển đổi số; tăng cường hợp tác công nghiệp hỗ trợ cho những lĩnh vực hợp tác”.
Thời gian tới, doanh nghiệp hai nước có thể tập trung chú trọng hợp tác, tăng cường tiếp xúc trực tiếp giữa các doanh nghiệp thông qua các diễn đàn, sự kiện xúc tiến thương mại do các cơ quan Chính phủ và phi Chính phủ tổ chức. Đây sẽ là cơ hội để doanh nghiệp hai nước tăng cường tiếp xúc trực tiếp, đồng thời là dịp Chính phủ hai nước lắng nghe, chia sẻ nhằm tháo gỡ khó khăn, tìm giải pháp hỗ trợ nhằm “tăng tốc” đưa tiềm năng và quan hệ hợp tác của hai nước đi vào thực tiễn.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала