Ông Phạm Bình Minh: GDP Việt Nam tăng cao nhất trong 10 năm, đã có phương án xử lý SCB

© AFP 2023 / Manan Vatsyayana Thành phố Hà Nội
 Thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.01.2023
Đăng ký
MOSKVA (Sputnik) - Theo Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, Việt Nam đạt tăng trưởng GDP cao nhất trong 10 năm qua với con số kỷ lục 8,02%.
Cạnh đó, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã phê duyệt đề án cơ cấu lại ngân hàng gắn với xử lý nợ xấu, đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý với các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB).

Việt Nam tăng trưởng cao nhất trong 10 năm qua

Sáng ngày 3/1, Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh thay mặt Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trình bày Báo cáo về công tác chỉ đạo, điều hành của Chính phủ; tình hình và kết quả kinh tế-xã hội năm 2022; phương hướng và nhiệm vụ phát triển kinh tế-xã hội năm 2023 tại Hội nghị trực tuyến của Chính phủ với các địa phương.
Báo cáo nêu rõ, trong 15 chỉ tiêu kế hoạch chủ yếu, có 13 chỉ tiêu đạt và vượt, 1 chỉ tiêu xấp xỉ đạt, 1 chỉ tiêu không đạt.
Theo đó, Chính phủ Việt Nam đã chủ động, linh hoạt, kiên định mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế.
Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, trong nước, triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả nhiều nhiệm vụ, giải pháp, nhất là về tiền tệ (bảo đảm thanh khoản, cung tín dụng, điều chỉnh phù hợp tỉ giá, lãi suất), tài khóa (giãn, miễn giảm thuế, tiền thuê đất, phí, lệ phí) để thực hiện nhất quán các mục tiêu nên trên.
"Thực hiện chính sách tiền tệ chắc chắn, chủ động, linh hoạt, hiệu quả, phối hợp đồng bộ, hài hòa với chính sách tài khóa mở rộng hợp lý, có trọng tâm, trọng điểm và các chính sách khác; bảo đảm sự cân bằng, hài hòa, hợp lý giữa tỉ giá và lãi suất, giữa tăng trưởng và lạm phát; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những sai phạm, bất cập về tín dụng, ngân hàng, các thị trường chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, bất động sản", - Phó Thủ tướng nêu rõ.
Ông Phạm Bình Minh nêu rõ, những giải pháp linh hoạt, kịp thời, đúng thời điểm của Chính phủ đã góp phần giữ vững sự ổn định trong điều kiện bất định, giữ thế chủ động trước những diễn biến phức tạp, khó lường, tạo động lực thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế-xã hội.
Nhờ đó, tình hình kinh tế vĩ mô tiếp tục được duy trì ổn định; lạm phát được kiểm soát, chỉ số giá tiêu dùng bình quân cả năm tăng 3,15%.
"Tăng trưởng GDP đạt 8,02%, mức cao nhất trong hơn 10 năm qua", - Phó Thủ tướng nhấn mạnh, cùng với đó, các cân đối lớn của nền kinh tế được bảo đảm.
Cụ thể, mặt bằng lãi suất được điều chỉnh phù hợp; thị trường ngoại tệ tương đối ổn định, tỉ giá được điều chỉnh linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường trong và ngoài nước; tăng trưởng tín dụng đạt 12,87%. Thu NSNN vượt 26,4% dự toán, tăng 13,8% so với năm 2021; tỉ lệ bội chi NSNN/GDP giảm. Tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu đạt 732,5 tỷ USD; trong đó xuất khẩu 371,85 tỷ USD, tăng 10,6%; xuất siêu năm thứ 7 liên tiếp, đạt 11,2 tỷ USD.
Tổng vốn đầu tư thực hiện toàn xã hội đạt trên 3,2 triệu tỷ đồng, tăng 11,2%, trong đó, vốn FDI thực hiện đạt 22,4 tỷ USD, tăng 13,5%, cao nhất trong 5 năm qua. Khu vực nông nghiệp tiếp tục phát triển ổn định, khẳng định vai trò trụ đỡ của nền kinh tế, bảo đảm an ninh lương thực quốc gia; xuất khẩu nông, lâm, thủy sản đạt kỷ lục trên 53,2 tỷ USD, trong đó xuất khẩu gạo 7,12 triệu tấn; trên 73% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.
"Sản xuất công nghiệp tăng 7,69%, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 8,1%, tiếp tục là động lực tăng trưởng; an ninh năng lượng được bảo đảm. Khu vực dịch vụ phục hồi mạnh mẽ, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 19,8%", - báo cáo của Chính phủ thể hiện.
Thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp phát triển du lịch; có trên 102 triệu lượt khách trong nước và 3,7triệu lượt khách quốc tế. Nhiều mô hình, phương thức kinh doanh mới được phát triển, thương mại điện tử tăng gần 20% so với cùng kỳ.
Việt Nam cũng đẩy nhanh tiến độ nhiều công trình, dự án hạ tầng quan trọng quốc gia; ưu tiên bố trí vốn đầu tư kết cấu hạ tầng giao thông cho vùng đồng bằng sông Cửu Long, Tây Nguyên, Nam Trung Bộ, miền núi phía bắc, khu kinh tế động lực... Hoàn thành và đưa vào sử dụng 310 km đường bộ cao tốc, thông xe kỹ thuật 255 km; khởi công 12 dự án thành phần cao tốc Bắc Nam phía đông giai đoạn 2021-2025 (chuẩn bị triển khai trên toàn tuyến vào quý I năm 2023 và nhiều tuyến cao tốc liên kết vùng), dự án cầu Rạch Miễu 2, Đường vành đai phía tây TP. Cần Thơ, Nhà ga T3 Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất, Cảng hàng không Điện Biên…
Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công; tích cực triển khai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia. Rà soát, chấn chỉnh, có giải pháp xử lý kịp thời các khó khăn, vướng mắc, điểm nghẽn và đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đi đôi với bảo đảm chất lượng công trình và hiệu quả sử dụng vốn ODA, chống lãng phí, thất thoát, tham nhũng.

Đã có phương án xử lý ngân hàng yếu kém và SCB

Năm 2022, Phó thủ tướng Phạm Bình Minh, năm 2022 đã giải quyết nhiều vấn đề tồn đọng trong nhiều năm qua. Trong đó, Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt và chỉ đạo quyết liệt triển khai thực hiện Đề án cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2021 – 2025.
"Khẩn trương đề xuất cấp có thẩm quyền cơ chế xử lý đối với các tổ chức tín dụng yếu kém và ngân hàng SCB", - Phó Thủ tướng cho biết và nhấn mạnh, tăng cường thanh tra, giám sát, có biện pháp quyết liệt để bảo đảm thanh khoản và an toàn hệ thống các tổ chức tín dụng.
Như Sputnik đã thông tin, sau vụ bắt bà chủ Vạn Thịnh Phát Trương Mỹ Lan cùng đồng phạm, cũng như sự cố tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB), Ngân hàng Nhà nước đã đưa SCB vào diện kiểm soát đặc biệt nhằm để ổn định hoạt động, hạn chế tác động tiêu cực đến ngân hàng và hệ thống các tổ chức tín dụng.
Ngân hàng SCB vốn được hợp nhất bởi ba ngân hàng: SCB, Đệ Nhất (FCB) và Việt Nam Tín Nghĩa (TNB) và là nhà băng tư nhân có tổng tài sản lớn nhất trong nhóm ngân hàng ngoài quốc doanh của Việt Nam, đồng thời, nằm trong nhóm 5 tổ chức tín dụng có quy mô tài sản lớn nhất thị trường hiện nay.
Ngoài SCB, Chính phủ cũng kiến nghị tái cơ cấu Ngân hàng phát triển Việt Nam (VDB). Bốn ngân hàng yếu kém thuộc diện tái cơ cấu hiện nay gồm Ngân hàng Đông Á (DongABank) và 3 ngân hàng mua bắt buộc là Xây dựng (CB), Đại Dương (Oceanbank), Dầu khí toàn cầu (GPBank).

‘Đã nói là làm’

Cùng với đó, Chính phủ đã trình cấp có thẩm quyền phương án xử lý 8/12 dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả.
Trong đó có dự án Nhiệt điện Thái Bình 2, Nhiệt điện Long Phú, Sông Hậu 1, cụm dự án khí điện Lô B - Ô Môn, dự án đường sắt đô thị tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh, chủ trương phá sản SBIC và trình Bộ Chính trị phương án xử lý đối với các dự án, đất đai trong các kết luận thanh tra, kiểm tra, bản án tại một số tỉnh, thành phố; báo cáo Bộ Chính trị, Quốc hội chuyển vốn vay về cho vay lại, bảo lãnh Chính phủ thành vốn cấp phát ngân sách nhà nước cho các dự án VEC, VIDIFI.
"Tập trung chấn chỉnh, xử lý sai phạm, tháo gỡ vướng mắc cho các thị trường trái phiếu doanh nghiệp, chứng khoán, bất động sản; thúc đẩy phát triển thị trường lao động", - Phó Thủ tướng nhắc lại quan điểm lãnh đạo, chỉ đạo của Chính phủ năm 2022.
 Thành phố Hồ Chí Minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.01.2023
Năm 2022: Kinh tế Việt Nam tăng trưởng top đầu thế giới
Cơ bản giữ ổn định mặt bằng giá cả, bảo đảm cân đối cung - cầu, nhất là các mặt hàng thiết yếu. Điều hành giá xăng, dầu theo giá thị trường; tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách giảm thuế nhập khẩu, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng, dầu; điều chỉnh phù hợp chi phí kinh doanh; chỉ đạo quyết liệt thúc đẩy sản xuất của 2 nhà máy lọc, hóa dầu trong nước và chủ động nhập khẩu xăng dầu theo cung - cầu; cơ bản giải quyết tình trạng thiếu hụt xăng, dầu cục bộ thời gian qua.
Như Sputnik đề cập, phát biểu hôm nay, Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ rõ, 2023 là năm bản lề thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế xã hội 5 năm 2021-2025 nên cần sự nỗ lực, quyết tâm cao nhất. Lãnh đạo Chính phủ yêu cầu, các bộ, ngành, địa phương cần "biến nguy thành cơ", vừa xử lý hiệu quả các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết những vấn đề tồn đọng kéo dài, kịp thời ứng phó những vấn đề mới phát sinh... Việc này nhằm tạo nền tảng mang tính căn cơ, lâu dài cho phát triển bền vững.
"Tinh thần đã nói là làm, đã cam kết là phải thực hiện, có hiệu quả, sản phẩm được lượng hoá, cân đong, đo, đếm được", - Thủ tướng Phạm Minh Chính nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала