VNG được Tencent Trung Quốc hậu thuẫn: Giấc mơ Mỹ của kỳ lân công nghệ Việt Nam

© Ảnh : VNGСông ty VNG
Сông ty VNG  - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.01.2023
Đăng ký
Nikkei Asia gọi kỳ lân công nghệ Việt Nam VNG là công ty khởi nghiệp do Tencent (Đằng Tấn) của Trung Quốc hậu thuẫn. Hôm 5/1, VNG của ông Lê Hồng Minh đã chính thức chào sàn UpCOM với mức giá tham chiếu 240.000 đồng/ cổ phiếu VNZ.
Giới quan sát đang chờ xem VNG và nhà sáng lập Lê Hồng Minh tính toán đường đi nước bước như thế nào để thực hiện “giấc mơ Mỹ” của kỳ lân công nghệ Việt Nam.

‘Đáng chờ đợi’

Vừa qua, Nikkei Asia đã công bố danh sách 10 công ty châu Á đáng chờ đợi nhất năm 2023, trong đó điểm tên kỳ lân công nghệ đầu tiên của Việt Nam - VNG.
Được thành lập vào năm 2004 bởi ông Lê Hồng Minh, VNG khởi đầu là một nhà phát triển và phát hành trò chơi trực tuyến có tên là Vinagame.
Trong danh sách của Nikkei, VNG của Việt Nam được kỳ vọng bứt phá cùng với những ông lớn châu Á khác như Tập đoàn xe điện Trung Quốc - BYD; Công ty năng lượng Indika Energy của Indonesia; Tập đoàn Máy bay Thương mại Trung Quốc - COMAC; nhà sản xuất chip Rohm của Nhật Bản; CTCP VNG của Việt Nam; Công ty khởi nghiệp Aqumon có trụ sở ở Hồng Kông (Trung Quốc); Công ty vaccine Serum Institute of India (SII) của Ấn Độ; nền tảng truyền thông xã hội Xiaohongshu của Trung Quốc; nhà sản xuất chip lớn thứ 3 thế giới United Microelectronics Corp. (UMC) của Đài Loan (Trung Quốc); và hãng sản xuất ô tô Nidec của Nhật Bản…
Đánh giá về doanh nghiệp công nghệ Việt Nam, Nikkei cho rằng, VNG đã nổi lên như một trong những công ty thu hút được nhiều sự chú ý nhất tại Việt Nam, nhất là khi cổ phiếu của công ty mới được giao dịch trên sàn UpCOM. Thêm nữa, VNG hiện đang nhắm đến việc niêm yết tại Mỹ (IPO).
"Kỳ lân Việt Nam được Tencent (Trung Quốc) hậu thuẫn đã trở thành một trong những ngôi sao công nghệ đang lên của khu vực Đông Nam Á, cung cấp các dịch vụ từ trò chơi, nhắn tin và thanh toán di động cho đến trợ lý giọng nói trí tuệ nhân tạo và điện toán đám mây", - Nikkei khẳng định.
Như Sputnik đã thông tin, không chỉ là nhà phát triển game, VND đã mở rộng hoạt động sang nhiều lĩnh vực khác, trong đó đáng chú ý nhất là sự ra mắt của ứng dụng nhắn tin Zalo hồi năm 2012.
Ở Việt Nam, Zalo thậm chí còn vượt Facebook Messenger* của Meta vào năm 2020 và hiện có hơn 74 triệu người dùng tại thị trường trong nước. VNG đã tạo ra được ứng dụng không chỉ dùng để trò chuyện, mua sắm, gửi tiền và thanh toán hóa đơn và còn nhiều hơn thế.

Cái khó của VNG khi cổ phiếu chào sàn UpCOM giá cao

Sau 18 năm hình thành và phát triển, từ xuất phát điểm chỉ là một công ty về game, VNG đã trở thành tên tuổi đình đám, từng được xem là kỳ lân công nghệ, hoạt động trong nhiều lĩnh vực mà cốt lõi là trò chơi trực tuyến (ZingPlay), nền tảng liên kết (Zalo), tài chính và thanh toán (ZaloPay), thương mại dịch vụ đám mây (VNG Cloud) của Việt Nam.
Thực tế, thống kê của Bộ Thông tin & truyền thông cho thấy, tính đến tháng 2/2022, Zalo đã đạt 74,7 triệu người dùng hoạt động hằng tháng, vượt qua cả Facebook Messenger* (67,8 triệu người dùng).
Chỉ tính riêng mảng game, từ 2 năm trước, theo báo cáo thường niên, ZingPlay đã đạt 8 triệu người dùng mỗi tháng tại thị trường nước ngoài. Game Võ Lâm Truyền Kỳ Mobile tiếp tục giữ vững doanh thu đứng đầu trong dòng trò chơi trực tuyến kiếm hiệp với lượng người dùng mới hằng tháng xấp xỉ 350.000 người. Perfect World Mobile, PUBG Mobile VN... đều là các game phổ biến với lượng người chơi cao.
Tạp chí Nhịp cầu đầu tư dẫn ý kiến của ông Lê Hồng Minh, sáng lập kiêm CEO của VNG, thông tin rằng, bộ phận kinh doanh game chính là chìa khóa để VNG mở rộng ra quốc tế.
"VNG hiện có mặt tại 130 quốc gia và dự kiến đạt 320 triệu người dùng toàn cầu vào năm 2023", - CEO VNG Lê Hồng Minh nói.
Ông Vicente Nguyễn, CIO của AFC Vietnam Fund cho rằng, chính hệ thống dữ liệu (database) với hàng trăm triệu người dùng mới là tài sản giá trị của VNG. Do đó, dù VNG đang lỗ hơn 700 tỷ đồng thì khi đạt điểm hòa vốn, VNG vẫn có cơ hội nhanh chóng chuyển từ lỗ sang lãi. Đó là lý do cổ phiếu của công ty công nghệ này vẫn được nhà đầu tư chọn lựa.
Chuyên gia Đinh Thế Hiển khi nhận xét chung về nhóm cổ phiếu công nghệ đã lưu ý rằng, đầu tư vào công ty công nghệ đều ít nhiều có tính mạo hiểm. Mạo hiểm mà vẫn có thể kiểm soát rủi ro ở mức tốt nhất thì chỉ phù hợp với những nhà đầu tư chuyên nghiệp.

"Những người quan tâm đến cổ phiếu VNG có thể sẽ là những nhà đầu tư có kinh nghiệm, kiến thức, có tầm nhìn dài hạn và phải rất trường vốn. Còn nhà đầu tư cá nhân, nhỏ lẻ khó có động lực chú ý đến cổ phiếu của VNG", - ông Vicente Nguyễn thẳng thắn.

Cũng vì còn thua lỗ nên VNG chưa thể thỏa tiêu chí để niêm yết cổ phiếu trên sàn TP.HCM (HoSE) hay sàn Hà Nội (HNX). Kỳ lân công nghệ Việt Nam đã chọn lên sàn UPCoM nơi mà những ông lớn khác cũng đang tìm hướng khẳng định mình. Dữ liệu từ Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) cũng chứng minh, trong 100 cổ phiếu tăng giá mạnh năm 2022, có đến 75 mã đang giao dịch ở sàn UPCoM. UPCoM cũng là sàn có nhiều cổ phiếu giá trên 100.000 đồng nhất, chiếm 10 mã trong tổng 19 mã, tính cả 3 sàn.
Dù vậy, phần lớn đà tăng trên sàn UPCoM không thực chất và hạn chế của sàn này là thanh khoản của các cổ phiếu không cao. Với việc chào sàn ở mức giá trên 200.000 đồng/cp, theo các chuyên gia, cổ phiếu VNZ của VNG không có người bán và giá vẫn giữ ở mức chào sàn là điều có thể hiểu được.
Ông Vicente Nguyễn cho rằng, các cổ phiếu thị giá cao thường gặp thanh khoản thấp do kén nhà đầu tư.
"Tâm lý người Việt chỉ thích cổ phiếu có giá thấp, tương đối. Vì thế, nhiều khả năng VNG chỉ xem UPCoM là bước đệm và sẽ vẫn theo đuổi mục tiêu niêm yết sàn ngoại", - chuyên gia lưu ý.
Chẳng hạn cổ phiếu khác có thị giá hơn 200.000 đồng là VCF của Vinacafé Biên Hòa cũng ở tình trạng tương tự, với giao dịch chỉ vài trăm cổ phiếu mỗi phiên và thường xuyên trắng giao dịch.

Giấc mơ Mỹ của VNG, IPO ở Nasdaq là thách thức không nhỏ

Cũng như Sputnik đã đề cập, VNG ủ mộng chào sàn chứng khoán Mỹ từ rất lâu. Từ năm 2017, VNG đã phát đi thông tin niêm yết chứng khoán ở Mỹ, thể hiện qua việc công ty này ký biên bản ghi nhớ với Sàn Chứng khoán Nasdaq (Mỹ).
Tuy nhiên, giấc mơ Mỹ của kỳ lân công nghệ Việt Nam sẽ không dễ thực hiện.
"IPO ở Nasdaq là thách thức không nhỏ", - lãnh đạo VNG cũng từng thừa nhận.
Bởi, để niêm yết được trên Nasdaq, VNG phải đạt được những tiêu chuẩn rất nghiêm ngặt, từ kinh doanh, tài chính cho đến quản trị công ty...
Đến tháng 8/2022, VNG lên kế hoạch niêm yết cổ phiếu tại Mỹ thông qua việc sáp nhập với một SPAC (công ty mua lại có mục đích đặc biệt). Tuy nhiên, theo chia sẻ mới nhất của VNG, doanh nghiệp này đang hướng đến niêm yết thông qua hình thức IPO truyền thống, chứ không qua con đường SPAC.
Lắp ráp chip. - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.10.2022
Việt Nam ghi danh trên bản đồ công nghệ chip thế giới
VNG đang nỗ lực gọi vốn từ 200-300 triệu USD và dự kiến dùng tiền này để củng cố kế hoạch mở rộng hoạt động. Đồng thời, VNG đang tái cấu trúc hoạt động kinh doanh để tạo điều kiện dễ dàng hơn cho việc niêm yết tại Mỹ. Theo tạp chí Viettimes, trước khi lên sàn UPCOM, tính đến ngày 28/11/2022, VNG có 3 cổ đông lớn, gồm: VNG Limited (trụ sở tại Cayman Islands) sở hữu 49% vốn điều lệ, tương đương 61,1% số cổ phiếu đang lưu hành; CTCP Công nghệ BigV nắm 4,6% vốn điều lệ, chiếm 5,7% số cổ phiếu đang lưu hành; nhà sáng lập Lê Hồng Minh nắm 9,8% vốn điều lệ, tương đương 12,3% số cổ phiếu đang lưu hành.
Điểm đáng khen của VNG chính là sự dũng cảm. Như ông Lê Hồng Minh từng khẳng định, VNG muốn vươn tầm thế giới.
"VNG muốn trở thành một công ty công nghệ toàn cầu. Vì vậy, chúng tôi phải chơi cùng một sân và tiếp cận nền tảng nhà đầu tư tốt nhất, và cũng khắt khe nhất thế giới", - CEO VNG Lê Hồng Minh lý giải về toan tính IPO tại Mỹ của kỳ lân công nghệ Việt Nam.
* Meta (mạng xã hội Facebook và Instagram) bị cấm hoạt động ở Nga vì là tổ chức cực đoan.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала