Cúng ông Công ông Táo 2023: Những lưu ý cần biết và kiêng kỵ nên tránh

© Ảnh : TTXVN - Lương Tuấn ĐứcNgười dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão
Người dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2023
Đăng ký
Lễ cúng ông Công ông Táo (hay Tết Táo quân, thường vào ngày 23 tháng Chạp Âm lịch hàng năm) là tập tục truyền thống, nét đẹp văn hóa lâu đời của người Việt.
Dân gian quan niệm, 23 tháng Chạp là ngày Táo Quân cưỡi cá chép bay về trời để bẩm báo mọi việc lớn nhỏ xảy ra trong gia đình gia chủ trong suốt năm vừa qua cho Ngọc Hoàng.
Cùng tham khảo cách cúng ông Công ông Táo, thời điểm cúng, mâm cúng cần chuẩn bị lễ vật gì, bài cúng, văn khấn, nên làm gì và kiêng kỵ gì khi cúng ông Công ông Táo được các nhà nghiên cứu văn hoá dân gian, chuyên gia phong thuỷ khuyến nghị.

Nên cúng ông Công ông Táo vào thời điểm nào?

Lễ cúng ông Công ông Táo theo tín ngưỡng cổ truyền Việt Nam thường được sắp xếp vào ngày 23 tháng Chạp âm lịch hàng năm.
Thông tin về thời điểm nên cúng ông Táo năm 2023, chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Thắng chia sẻ, theo lịch năm nay ngày ông Công ông Táo (23 tháng 12 âm lịch) vào ngày thứ Bảy ngày 14/1/2023 Dương lịch, đúng tiết tiểu hàn. Theo chuyên gia, tuỳ vào hoàn cảnh, điều kiện từng nhà, các gia đình hoàn toàn có thể cúng ông Công ông Táo trước ngày 23 tháng Chạp khoảng 1 - 2 ngày.
Dù thế, theo truyền thống người Việt, thời điểm cúng ông Công ông Táo đẹp nhất năm nay là vào khoảng 7h sáng đến 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.
“Không nên cúng muộn hơn 12 giờ trưa vì theo quan niệm giờ Ngọ là giờ ông Công ông Táo sẽ bay về trời”, chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Thắng khuyến nghị.
Thêm lưu ý nữa về thời điểm cúng ông Công ông Táo – đó là, dù mỗi gia đình bận đến đâu đi nữa cũng tuyệt đối không được cúng sau ngày 23 Âm lịch.
Chuyên gia lý giải, theo quan niệm tín ngưỡng dân gian, mỗi năm chỉ có một ngày Ngọc hoàng nghe các Táo báo cáo, do đó Táo quân cần phải lên thiên đình đúng giờ để kịp vào chầu. Nếu Táo nào lên thiên đình sớm thì phải chờ đến ngày thiết triều và táo nào lên muộn thì không tham gia được. Chính vì thế, các gia đình không nên cúng muộn sau ngày 23 tháng Chạp.
Cạnh đó, chuyên gia cũng lưu ý, không nên cúng ông Công ông Táo quá sớm, tuyệt đối tránh cúng vào đúng ngày rằm tháng Chạp mà nên từ ngày 20, 21 tháng Chạp trở đi. Trong thời gian cúng, khi hương cháy hết 2/3 là có thể hóa vàng mã, phóng sinh cá chép để tiễn ông Táo về trời.
© Ảnh : TTXVN - Lương Tuấn ĐứcNgười dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão
Người dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2023
Người dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão

Lễ vật và mâm cỗ cúng ông Táo cần những gì?

Theo nhà nghiên cứu văn hoá Phạm Đình Hải, tuỳ từng gia đình, lễ cúng ông Công, ông Táo được tiến hành từ ngày 17 đến ngày 23 tháng Chạp, lễ vật cũng tuỳ gia chủ nhưng thường phải có 3 bộ mũ áo, hài và cá chép.
Cơm cúng cũng tuỳ vào vùng miền, phong tục mỗi địa phương, lựa chọn cỗ chay hay mặn. Lễ chay gồm có cau trầu, nước và hoa quả các loại. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi, gà luộc, thịt heo và các món ăn cổ truyền khác.
Về bộ lễ vật đầy đủ phổ biến thường được khuyến dùng cúng ông Táo truyền thống, theo chuyên gia thường gồm: Mũ ông Công ba cỗ hay ba chiếc - Hai mũ đàn ông và một mũ đàn bà. Mũ dành cho các ông Táo thì có hai cánh chuồn, mũ Táo bà thì không có cánh chuồn. Nhiều người chỉ cúng một cỗ mũ ông Công (có hai cánh chuồn) để tượng trưng.
Cá chép - tượng trưng cho phương tiện di chuyển của ông Công, ông Táo. Có thể sử dụng cá chép giấy hoặc cá chép thật đều được. Người dân thường dùng cá chép sống thả trong chậu nước ngụ ý "cá chép hóa rồng" hay “cá chép về trời”. Tiền vàng, 1 chiếc áo, 1 đôi hia bằng giấy cho Táo, bánh kẹo…
Ngoài ra, cá chép nên chọn loại cá đỏ. Khi mua, để xem cá còn khỏe hay không, bạn có thể chạm nhẹ vào mặt nước đựng cá, xem cá phản ứng, bơi nhanh, quẫy mạnh chứng tỏ cá còn khỏe. Kỹ hơn, bạn có thể lật nhẹ mang cá lên xem, mang cá còn đỏ tươi, chứng tỏ cá khỏe.
Chuyên gia nghiên cứu văn hoá dân gian Nguyễn Hùng Vĩ cho hay, tại Việt Nam, phong tục cúng Táo quân cơ bản được thống nhất, cả về quan niệm, nghi thức, lễ vật và văn – sớ, chỉ có một vài yếu tố khác biệt mang tính dị bản trong sự tích ông Táo, vốn là thuộc tính của văn hóa dân gian.
Màu sắc của mũ, áo, hia cúng ông Táo tuỳ vào từng năm. Năm nay 2023- thuộc hành Kim – theo một số chuyên gia phong thuỷ, gia chủ nên chọn đồ cúng màu vàng sẽ phù hợp và mang lại nhiều may mắn, tài lộc hơn.
Mâm cỗ cúng ông Công ông Táo phụ thuộc vào văn hóa vùng miền, hoàn cảnh, điều kiện kinh tế, khẩu vị của mỗi gia đình. Gia chủ có thể chuẩn bị một đĩa gạo, một đĩa muối, 3 chén rượu, xôi, rau xào, thịt heo hay thịt gà, một bát canh, trái cây, cau trầu, hoa, vàng mã…
© Ảnh : TTXVN - Lương Tuấn ĐứcNgười dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão
Người dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão - Sputnik Việt Nam, 1920, 13.01.2023
Người dân Thủ đô chuẩn bị đồ cúng ông Công, ông Táo Xuân Quý Mão

Lưu ý khi cúng ông Công ông Táo

Theo nhà nghiên cứu Phạm Đình Hải, điều quan trọng nhất khi cúng ông Công ông Táo là chủ nhà phải thành tâm điểm lại những sai lầm, việc xấu đã phạm phải trong năm, đã xảy ra trong gia đình, kiểm điểm, sám hối, hứa quyết tâm sửa đổi lỗi lầm và cầu xin Táo quân chỉ tấu báo những điều tốt đẹp, mong Ngọc hoàng ban phúc cho gia đình.
Thậm chí, trước đây nhiều gia đình khi cúng Táo quân gọi hết con cháu đến nghe lời khấn, để cùng kiểm điểm với bố mẹ, cùng sám hối và biết phấn đấu, tu dưỡng trong năm mới. Hoặc trong bữa cơm sau lễ cúng Táo quân, ông bà, cha mẹ kể lại sự tích Táo quân và căn dặn con cháu phải ăn ở phúc đức, chăm ngoan, không được làm việc xấu, trung thực.
“Đây là điểm quan trọng nhất trong lễ cúng Táo quân vì nó mang tính giáo dục, tinh thần hướng thiện sâu sắc”, chuyên gia nhấn mạnh.
Cúng ông Táo không nên cúng tiền âm phủ. Theo nhà nghiên cứu văn hóa Trịnh Sinh, khi cúng ông Công ông Táo, gia chủ tuyệt đối không đốt tiền âm phủ. Vì ông Công ông Táo là thần tiên, không phải là vong hồn người âm. Ngoài ra, trong dịp này, nhiều gia đình cũng sẵn sàng bỏ hàng triệu đồng mua vàng mã về đốt.
“Họ tin rằng dâng mâm cao cỗ đầy sẽ được Táo quân ban nhiều phước lộc, bỏ qua những việc làm xấu trong năm. Tuy nhiên, điều này không chỉ gây tốn kém tiền của, không có lợi ích mà còn ảnh hưởng đến môi trường”, ông Sinh phân tích.
Không nên ném cá chép từ trên cao xuống. Theo Thượng tọa Thích Đức Thiện, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hội đồng trị sự, Giáo hội Phật Giáo Việt Nam, phóng sinh cá chép đúng cách mang ý nghĩa công đức rất lớn.
Tuy nhiên, cách phóng sinh cá chép cũng cần phải đúng cách. Khi thả cá nên dùng tay từ từ nghiêng miệng túi nilon hoặc đồ đựng cá xuống nước, để cá tự bơi ra. Hoặc đặt cá vào lòng bàn tay, thả nhẹ nhàng xuống nước.
“Tuyệt đối không đứng ở thành cầu hay các điểm trên cao ném cá xuống. Hành động đó rất xấu xí và cá thả xuống có thể không sống được. Thêm nữa, người dân cũng không nên phóng sinh cá ở những nơi môi trường bị ô nhiễm vì cá sẽ ít cơ hội sống sót”, Thượng toạ Thích Đức Thiện lưu ý.
Khi cúng ông Táo không nên đặt mâm cúng tuỳ tiện. Cụ thể, chuyên gia khuyến nghị, nếu gia chủ có ban thờ Táo quân ở dưới bếp thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây, nhưng vẫn cần có mâm lễ cúng ông Công ông Táo nữa ở ban thờ chính. Do theo quan niệm dân gian thì ông Công là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà. Cúng ông Công ông Táo thì phải chú ý điều này.
Cùng với đó, xét theo ý nghĩa tâm linh thì việc cúng lễ phải được thực hiện ở nơi sạch sẽ, trang nghiêm nhất trong nhà. Bếp là nơi đun nấu, dù có lau dọn sạch sẽ đến mấy thì cũng vẫn là không gian sinh hoạt chung, không đủ trang nghiêm. Trong khi ban thờ chính của gia đình là nơi thờ phụng các vị thần linh, đặt mâm lễ cúng ở đây thể hiện lòng thành kính của gia chủ với các vị thần linh. Khi cúng, cũng nên đặt cá chép ở cạnh khu vực thờ cúng.
Về mâm cúng ngày 23 tháng Chạp, GS. Trần Lâm Biền, chuyên gia nghiên cứu văn hóa dân gian cho rằng, mâm cỗ cúng ông Công ông Táo không cần thiết phải quá sang trọng, mâm cao cỗ đầy hay cúng bái những món vàng mã đắt tiền như xe máy, điện thoại, iPad, iPhones…
“Hiện có gia đình đốt nhiều vàng mã, có cả điện thoại iPhone, iPad, tiền đôla, xe ôtô giấy, sắm cá chép quý, đắt tiền với hy vọng lễ vật càng nhiều thì càng thiêng. Việc làm này không chỉ tốn kém tiền của mà còn ảnh hưởng rất lớn đến môi trường sống”, GS. Biền nói.
Điều cần tránh khi cúng ông Táo nữa là đừng chỉ mong cầu xin tài lộc, tình duyên. Theo các chuyên gia phong thủy, lễ cúng 23 tháng Chạp mang ý nghĩa tiễn ông Công ông Táo về trời để báo cáo việc lớn việc nhỏ trong năm của gia chủ với thiên đình. Vì thế việc cầu xin phú quý, sung túc hay tình duyên là không nên.

Văn khấn cúng ông Công ông Táo 2023

Bài cúng ông Công ông Táo 2023 theo sách "Văn khấn cổ truyền Việt Nam" của Nhà xuất bản Văn hóa Thông tin.
Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Con lạy chín phương Trời, mười phương Chư Phật, Chư Phật mười phương.
Con kính lạy ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân. Tín chủ (chúng) con là: …
Ngụ tại: …
Hôm nay, ngày 23 tháng Chạp, tín chủ chúng con thành tâm sắp sửa hương hoa phẩm luật, xiêm hài áo mũ, kính dâng tôn thần. Thắp nén tâm hương tín chủ con thành tâm kính bái.
Chúng con kính mời ngài Đông trù Tư mệnh Táo phủ Thần quân hiển linh trước án hưởng thụ lễ vật. Cúi xin Tôn thần gia ân xá tội cho mọi lỗi lầm trong năm qua gia chủ chúng con sai phạm.
Xin Tôn thần ban phước, phù hộ toàn gia chúng con, trai gái, già trẻ sức khỏe dồi dào, an khang thịnh vượng, vạn sự tốt lành. Chúng con lễ bạc tâm thành, kính lễ cầu xin, mong Tôn thần phù hộ độ trì.
Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật! Nam mô A Di Đà Phật!
Lưu ý, những thông tin trên đây mang tính chất tham khảo. Xét chung, theo các chuyên gia, nhà nghiên cứu văn hoá tín ngưỡng dân gian, lễ cúng ông Công ông Táo về trời không cần phải tổ chức cầu kỳ, phức tạp nhưng cần phải trang trọng, chu đáo, thể hiện được tấm lòng thành tâm của gia chủ.
bàn thờ - Sputnik Việt Nam, 1920, 23.01.2022
Cúng ông Công ông Táo năm 2022 như thế nào cho đúng?
Bên cạnh đó, trong nhịp sống hiện đại ngày nay, việc cúng ông Công ông Táo ngoài thiện tâm, còn cần thêm ý thức bảo vệ môi trường, sự cẩn trọng khi đốt vàng mã – vừa bảo tồn nét đẹp văn hoá tâm linh của người Việt, vừa tự nâng cao ý thức trong sinh hoạt văn hoá cộng động.
Chuyên gia khuyến nghị, việc chuẩn bị lễ cúng ông Táo đầy đủ, bài khấn, văn khấn trang nghiêm, thành tâm để tiễn ông Táo cưỡi cá chép lên trời chầu Ngọc Hoàng, báo cáo những việc trong gia đình của cả năm, giúp mỗi gia đình Việt Nam giữ bếp lửa nồng ấm hạnh phúc, mọi sự hạnh thông, đón năm mới với nhiều điều tốt đẹp cho năm mới.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала