Ngân hàng Nhà nước Việt Nam lý giải việc không hỗ trợ lãi suất vay bằng ngoại tệ

© Sputnik / Taras IvanovNgân hàng Nhà nước Việt Nam
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.01.2023
Đăng ký
Chủ trương xuyên suốt của Việt Nam trong điều hành chính sách tiền tệ được xác định là chống đô la hóa, dần chuyển từ quan hệ huy động - cho vay sang quan hệ mua bán ngoại tệ, nâng cao vị thế đồng nội tệ (VND).
Ngân hàng Nhà nước lý giải việc không thực hiện hỗ trợ lãi suất bằng đồng USD là do việc triển khai sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, qua đó có thể gây ra áp lực tới tỷ giá trong nước và mục tiêu chính sách tiền tệ.

Việt Nam quyết liệt chống đô la hoá nền kinh tế

Cử tri tỉnh Tiền Giang vừa có kiến nghị gửi Ngân hàng Nhà nước liên quan đến việc xem xét hỗ trợ lãi suất cho vay bằng USD đối với các doanh nghiệp tham gia hoạt động xuất nhập khẩu.
Theo cử tri Tiền Giang, Nghị định số 31/2022/NĐ-CP ngày 20/5/2022 của Chính phủ về hỗ trợ lãi suất từ ngân sách nhà nước đối với khoản vay của doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh có hỗ trợ lãi suất khi cho vay bằng đồng Việt Nam nhưng chưa tính đến việc hỗ trợ lãi suất USD cho các doanh nghiệp này.
Đồng thời, cử tri cũng đề nghị xem xét, mở rộng ngành nghề được hỗ trợ lãi suất theo Nghị định số 31/2022/NĐ-CP.
Nguyên nhân là do nhiều ngành, nghề khác cũng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19 chứ không riêng gì các ngành nghề được quy định tại Nghị định.
Trả lời về vấn đề này, Ngân hàng Nhà nước cho biết, thực hiện chủ trương của Chính phủ đã và đang triển khai đồng bộ các biện pháp để hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế (chính sách chống đô la hoá nền kinh tế - PV), trong đó có việc kiểm soát chặt chẽ hoạt động cho vay bằng ngoại tệ, dần chuyển từ quan hệ vay mượn sang quan hệ mua bán nhằm ổn định thị trường ngoại tệ và tăng niềm tin của người dân vào đồng nội tệ.
Câu chuyện chống đô la hoá nền kinh tế được cơ quan quản lý và chuyên gia bàn bạc, thảo luận nhiều năm qua.
Thực tế, không chỉ ở Việt Nam, mà ở nhiều quốc gia, người dân vẫn đang cầm một lượng USD khá lớn, mặc dù tỷ lệ tiền gửi USD/tổng tiền gửi đã giảm đáng kể.
Do đó, câu hỏi đặt ra là làm sao có thể tận dụng khố lượng USD này một cách hiệu quả nhất trong khi vẫn phải gắn với đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô, để người dân thay vì tìm “hầm trú ẩn” là vàng, USD thì sẽ chuyển sang lựa chọn kênh đầu tư kinh doanh an toàn hơn.
Để dân thấy được sức mạnh của đồng nội tệ và lựa chọn kênh đầu tư này thì phải cho người dân thấy được môi trường kinh doanh đang tốt lên, tương lai cũng có cơ hội phát triển tốt, rằng "cầm VND vẫn phải có lợi hơn USD" và đảm bảo an toàn hệ thống tài chính ngân hàng. Do đó, quyết sách chống đô la hoá nền kinh tế là cần thiết và đúng đắn.
"Việc triển khai hỗ trợ lãi suất cho vay ngoại tệ sẽ làm tăng nhu cầu ngoại tệ, đặc biệt là trong bối cảnh thị trường quốc tế diễn biến phức tạp có thể gây ra áp lực tới tỷ giá trong nước và mục tiêu chính sách tiền tệ, làm giảm hiệu lực các chính sách hạn chế tình trạng đô la hóa đang được triển khai hiện nay”, - NHNN lý giải.
Cạnh đó, theo nhà điều hành, trên thực tế, lãi suất cho vay bằng ngoại tệ thường thấp hơn so với lãi suất cho vay bằng đồng Việt Nam.
"Do đó, khi vay vốn bằng ngoại tệ, doanh nghiệp đã được vay với mức lãi suất thấp hơn so với việc vay vốn bằng đồng Việt Nam", - Ngân hàng Nhà nước lưu ý.
Theo đó, NHNN cho rằng, việc hỗ trợ lãi suất tại Nghị định số 31/2022/NĐ-CP áp dụng đối với khoản vay bằng VND là phù hợp với chủ trương chung của Chính phủ về hạn chế tình trạng đô la hóa nền kinh tế trong thời gian qua.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.01.2023
Lãi suất ngân hàng SCB cao nhất hệ thống, Ngân hàng Nhà nước sẽ dò động thái của Fed

Mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất cho vay

Đối với kiến nghị mở rộng đối tượng được hỗ trợ lãi suất cho vay, Ngân hàng Nhà nước cho biết "sẽ ghi nhận" để phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư (cơ quan đầu mối tham mưu về đối tượng được hỗ trợ lãi suất) xem xét, đánh giá trước khi trình cấp có thẩm quyền quyết định.
Trước đó, cập nhật kết quả triển khai gói hỗ trợ lãi suất, Ngân hàng Nhà nước cho biết, đến cuối tháng 11/2022, doanh số cho vay của gói hỗ trợ lãi suất trên mới chỉ đạt gần 30.000 tỷ đồng, dư nợ gần 23.000 tỷ đồng với số tiền hỗ trợ lãi suất gần 78 tỷ đồng.
Đây là một con số rất nhỏ trong gói hỗ trợ lên tới 40.000 tỷ đồng mà Chính phủ đưa ra.
Ngân hàng Nhà nước khẳng định, kết quả này chưa như kỳ vọng, nguyên nhân chủ yếu là do quá trình triển khai còn gặp một số khó khăn, vướng mắc.
Cụ thể, một số khách hàng không muốn tham gia hỗ trợ lãi suất do e ngại công tác thanh tra, kiểm tra, kiểm toán; ngân hàng và khách hàng đều khó đánh giá, xác định “khả năng phục hồi” theo Nghị quyết 43/2022/QH15 của Quốc hội và Nghị định 31 của Chính phủ; nhiều hộ sản xuất, kinh doanh không có đăng ký hộ kinh doanh theo quy định nên không thuộc đối tượng được hỗ trợ.
"Ngoài ra, việc xác định, bóc tách dư nợ vay hỗ trợ lãi suất trong trường hợp khách hàng vay kinh doanh nhiều mục đích khác nhau cũng là "nút thắt" khiến gói hỗ trợ lãi suất khó triển khai", - nhà điều hành lưu ý.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала