Bảo hiểm khoản vay cần có quy định pháp luật

© iStock.com / DragonImagesCặp vợ chồng trẻ Việt Nam tại một nhà môi giới
Cặp vợ chồng trẻ Việt Nam tại một nhà môi giới - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.02.2023
Đăng ký
Việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm khoản vay trong khi chưa có luật quy định bắt buộc có thể khiến ngân hàng có hành vi đó phải chịu phạt hành chính từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu khách hàng có đơn thưa kiện họ. Việt Nam cần sửa đổi, bổ sung Luật liên quan đến bảo hiểm khoản vay.
Trong những ngày qua, báo chí Việt Nam đồng loạt hâm nóng lại chủ đề “vay ngân hàng, bị ép mua bảo hiểm”. Vấn đề được đề cập trước nhất là những góc khuất trong việc ngân hàng "gài" thế buộc người đi vay phải tự nguyện mua bảo hiểm nhân thọ khi vay vốn. Tuy nhiên, dường như báo chí Việt Nam cố tình bỏ qua hay lờ đi vấn đề cốt lõi, rất quan trọng cho việc bảo đảm sự ổn định của hệ thống tài chính – ngân hàng, đó là bảo hiểm khoản vay.
Phóng viên Sputnik đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề kinh tế - tài chính trong nước về chủ đề đang rất nóng nói trên. Cuộc đàm thoại xoay quanh vấn đề cấp thiết là bảo hiểm khoản vay.

Nợ xấu làm nóng lại vấn đề “bảo hiểm khoản vay”

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, vấn đề “vay ngân hàng, bị ép mua bảo hiểm” đã tồn tại từ lâu, sao tại thời điểm này nó lại được làm nóng lên như vậy? Ở đây chúng ta nói về vấn đề bảo hiểm khoản vay.
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề kinh tế - tài chính trong nước:
Sở dĩ vấn đề này đang nóng trở lại vì một nguyên nhân có bản nhất. Đó là nợ xấu. Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam công bố thì tại thời điểm cuối năm 2022, nợ xấu nội bảng là dưới 2%, cụ thể là 1,92%. Tuy nhiên, đây đã là một tỷ lệ báo động bởi nó diễn ra đồng loạt ở nhiều ngân hàng thương mại. Mấy tháng qua, nhiều ngân hàng trong hệ thống vừa công bố kết quả kinh doanh quý IV và cả năm 2022. Nó thấy nợ xấu đang có diễn biến gia tăng; chủ yếu là do bên vay mất khả năng thanh toán.
Những ngôi nhà mới gần Hồ Tây, Hà Nội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.02.2023
Doanh nghiệp bất động sản Việt Nam có thể vỡ nợ hàng loạt nếu Chính phủ không ra tay
Ví dụ dễ thấy nhất là Ngân hàng VPBank, tuy đạt lợi nhuận trước thuế gần 1 tỷ USD trong năm 2022 nhưng vẫn khó tránh nợ xấu hợp nhất (gồm công ty con trực thuộc Fe Credit), duy trì ở mức cao 4,73% tại thời điểm cuối 2022. Ngay cả khi VPBank tách bạch nợ xấu riêng lẻ của ngân hàng mẹ chỉ 2,19% thì nợ nhóm 4 (nghi ngờ khả năng thu hồi) và nhóm 5 (có nguy cơ mất vốn) cũng tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước. Một ngân hàng thương mại cổ phần khác là Saigonbank cũng có mức nợ xấu tăng từ 1,97% ở thời điểm đầu năm lên 2,12% ở thời điểm cuối năm 2022.
Còn với TPBank thì tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng nhẹ từ 0,82% hồi đầu năm lên 0,84% lúc cuối năm. Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,34% đầu năm lên 2,88%. Nhiều ngân hàng khác cũng không khá hơn: VIB có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ mức 2,32% đầu năm lên 2,45%; Tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của LienViet Post Bank tăng từ mức 1,37% đầu năm lên 1,46% tại thời điểm cuối năm 2022; Ngân hàng Bản Việt có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay tăng từ 2,53% đầu năm lên mức 2,79% vào cuối năm 2022; VietBank cũng có tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay xấp xỉ đầu năm ở mức 3,65% tính đến cuối năm 2022. Thậm chí, nợ xấu nội bảng của Ngân hàng dầu khí (PG Bank) tăng 7,3% lên 745 tỷ đồng đưa tỷ lệ nợ xấu trên tổng dư nợ cho vay của ngân hàng tăng từ 2,52% lên 2,56%.
Để cứu vãn tình thế và bảo đảm công bằng giữa bên cho vay và bên vay, vấn đề bảo hiểm khoản vay đã được đặt ra rất nóng.

Ngân hàng có thể phải chịu phạt hành chính nếu ép khách hàng mua bảo hiểm khoản vay

Sputnik: Hiện nay, vấn đề bảo hiểm khoản vay đang được đặt ra như thế nào khi công dân, doanh nghiệp đi vay tiền ngân hàng? Ông có bình luận gì về việc bị ép mua bảo hiểm?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề kinh tế - tài chính trong nước:
Thực ra thì một số báo chí Việt Namchủ yếu nhìn thấy một chiều hoặc nửa vời vấn đề giao dịch đặc trưng giữa ngân hàng và khách hàng. Đó là quan hệ giữa vay và cho vay. Trong cơ chế thị trường đầu tư, thị trường tài chính, thị trường tiền tệ, quan hệ này luôn phải ở trạng thái công bằng, bình đẳng giữa bên vay và bên cho vay trong mọi trường hợp. Và đó là cách tốt nhất để các bên giao dịch gồm ngân hàng và khách hàng cùng chia sẻ rủi ro nếu có.
Hơn mười năm về trước, để giúp người dân tin tưởng và yên tâm đối với việc gửi tiền tiết kiệm vào các ngân hàng, Quốc hội Việt Nam đã ban hành Luật Bảo hiểm tiền gửi (số 06/2012/QH13). Theo quy định tại Luật này, các ngân hàng buộc phải mua bảo hiểm tiền gửi. Số tiền đóng bảo hiểm tỷ lệ thuận với số tiền mà khách hàng gửi vào ngân hàng. Về nguyên tắc, trong trường hợp ngân hàng bị vỡ nợ, bị phá sản hoặc bị ngưng hoặc động bởi các lý do khác nhau, bên bảo hiểm sẽ trợ giúp ngân hàng (bên vay) thanh toán đầy đủ hoặc phần lớn số tiền gửi cho khách hàng.(bên cho vay).
Và hiện nay, vấn đề bảo hiểm khoản vay đang được đặt ra như một sự cân bằng quan hệ ở chiều ngược lại. Bảo hiểm khoản vay là một loại sản phẩm bảo hiểm được ra đời nhằm mục đích bảo đảm khả năng thanh toán cho khoản vay trong trường hợp người vay mất khả năng trả nợ. Bảo hiểm khoản vay sẽ được kích hoạt trong các trường hợp như:
Khi bên đi vay mất tích, bị thương tật toàn bộ vĩnh viễn khiến bản thân mất đi khả năng tạo ra thu nhập để trả nợ, nghĩa vụ trả nợ không bị chấm dứt mà tiếp tục tồn tại cho đến khi bên đi vay trả hết nợ cho bên cho vay.
Khi bên đi vay không may tử vong, nghĩa vụ trả nợ sẽ chuyển sang cho những người thừa kế của bên đi vay trong phạm vi di sản thừa kế bởi theo khoản 8 Điều 658 Bộ luật Dân sự 2015 “các khoản nợ đối với cá nhân, pháp nhân” là một trong những nghĩa vụ tài sản liên quan đến thừa kế cần được thanh toán.
Khi xảy ra các trường hợp nói trên, doanh nghiệp bảo hiểm sẽ thay mặt khách hàng hoặc người thân của khách hàng tiến hành thanh toán các khoản nợ mà người đó vay tại ngân hàng. Vì vậy, về nguyên tắc, việc mua bảo hiểm khoản vay là có lợi cho cả hai bên. Phía khách hàng vay tiền sẽ được doanh nghiệp bảo hiểm trợ giúp thanh toán nếu bị mất một phần hoặc toàn bộ khả năng thanh toán. Ngược lại, phía Ngân hàng cũng có được sự bảo đảm an toàn để họ có nhiều khả năng thu hồi vốn hơn nếu bên vay gặp những sự cố như đã nêu ở trên
Tuy việc mua bảo hiểm khoản vay hiện chưa được pháp luật quy định bắt buộc nhưng các ngân hàng thường khuyến nghị khách hàng mua bảo hiểm khoản vay cho tất cả các hợp đồng tín dụng, đặc biệt là các khoản vay tín chấp như vay tiêu dùng, khoản vay với số tiền vay cao và thời hạn dài như vay mua nhà. Việc mua bảo hiểm khoản vay thậm chí còn là một trong những tiêu chí quan trọng để các ngân hàng xét duyệt khoản vay cho khách hàng. Đó cũng là cách các ngân hàng bảo đảm an toàn, không chỉ cho họ mà còn cho cả hệ thống.
FLC group - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.02.2023
"Valentine buồn" của FLC: Mã cổ phiếu bị hủy niêm yết
Một số thông tin cho rằng các doanh nghiệp bảo hiểm có liên hệ chặt chẽ với doanh nghiệp ngân hàng nên “hợp lực với nhau” để bắt ép khách hàng là có thật. Nhưng đó chỉ là cách nhìn phiến diện, một chiều. Nếu chúng ta biết rằng một loạt các doanh nghiệp lớn đang vay của các ngân hàng thương mại những khoản tiền khổng lồ để kinh doanh nhưng đang bị nghi ngờ về khả năng thanh toán do vướng vào tham nhũng như Tân Hoàng Minh, FLC, Vạn Thịnh Phát AIC.v.v… thì chúng ta sẽ hiểu được bức tranh tổng thể và những nguy cơ đang đe dọa hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam.
Theo công bố từ các ngân hàng thì mức phí bảo hiểm khoản vay hiện nay là vừa phải. Thông thường thì nó sẽ được tính dựa trên khoản vay được ngân hàng hoặc tổ chức giải ngân, dao động từ 3 - 6% tùy từng ngân hàng, tổ chức tín dụng theo công thức: Phí bảo hiểm khoản vay = Mức bảo hiểm khoản vay x Tổng số tiền vay của hợp đồng”. Nghĩa là một khách hàng vay 200 triệu đồng thì sẽ phải đóng phí bảo hiểm cho khoản vay của họ là 8 triệu đồng. Tuy nhiên, việc “ép” khách hàng mua bảo hiểm khoản vay trong khi chưa có luật quy định bắt buộc có thể khiến ngân hàng có hành vi đó phải chịu phạt hành chính từ 40 triệu đồng đến 50 triệu đồng nếu khách hàng có đơn thưa kiện họ.

Cần có những quy định pháp luật

Sputnik: Hiện nay các cơ quan chức năng Việt Nam cần phải làm gì để giải quyết tình trạng “làm thì sai, không làm thì thiệt” này của ngân hàng?
Ông Nguyễn Hồng Long, chuyên gia về các vấn đề kinh tế - tài chính trong nước:
Mọi vấn đề phát sinh đều sẽ có cách giải quyết. Ngân hàng cũng có lý do để bảo đảm an toàn cho khoản tiền mà họ cho vay một khi người vay gặp rủi ro mất khả năng thanh toán. Trên quan điểm “lợi nhuận cùng hưởng, rủi ro chia sẻ”, cần có những quy định pháp luật để bảo đảm công bằng giữa bên cho vay và bên vay; đồng thời, phòng ngừa những tác động bất lợi không mong muốn nếu chẳng may, bên vay gặp sự cố mất khả năng thanh toán. Khi đó, doanh nghiệp bảo hiểm phải gánh lấy một phần trách nhiệm.
Trên tinh thần đó, cần sửa đổi, bổ sung Luật Kinh doanh bảo hiểm 2022. Hiện nay, tại Khoản 2, Điều 8 của Luật này có quy định 4 hình thức bảo hiểm bắt buộc gồm:
Bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới;
Bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc;
Bảo hiểm bắt buộc trong hoạt động đầu tư xây dựng;
Bảo hiểm bắt buộc quy định tại luật khác đáp ứng quy định tại khoản 1 Điều này.
Nếu Luật này được bổ sung hình thức bắt buộc đối với bảo hiểm khoản vay thì Thông tư số 36/2016/TT-NHNN ngày 30-12-2016 của Ngân hàng Nhà nước cũng sẽ sửa đổi Điều 7 và Điều 14 theo hướng quy định thêm việc bắt buộc đóng phí bảo hiểm khoản vay để cân đối, tương xứng với quy định bắt buộc đóng phí bảo hiểm tiền gửi của phía Ngân hàng.
Khu dân cư, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.11.2022
Bơm tiền cứu bất động sản, Việt Nam không thể làm theo Trung Quốc
Phương án thứ hai là sửa đổi Luật Bảo hiểm tiền gửi, bổ sung thêm quy định bảo hiểm khoản vay vào luật này.
Mặt khác, cần có thêm các quy định cụ thể về việc sử dụng phí bảo hiểm khoản vay đối với doanh nghiệp bảo hiểm và các bên có liên quan để các ngân hàng thoát khỏi cảnh “thả gà ra mà không bắt lại được”. Một khi có các quy định luật pháp chặt chẽ, hợp lý, hợp tình thì cả bên vay và bên cho vay sẽ không những cùng vui vẻ hợp tác để kinh doanh; mà còn phát huy được mặt mạnh của ngành kinh doanh bảo hiểm, phục vụ cho quốc kế dân sinh, hạn chế những tiêu cực phát sinh và xóa bỏ những tranh chấp không đáng có. Giải quyết tận gốc vấn đề bảo hiểm khoản vay cũng là cách để giảm thiểu tối đa các khoản nợ xấu trong hệ thống ngân hàng thương mại hiện nay.
Sputnik: Chân thành cảm ơn ông!
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала