4 nhà máy đem về 71 tỷ USD, đã tới lúc Samsung đầu tư công nghệ bán dẫn ở Việt Nam?

© Ảnh : Press service of Samsung Việt Nam Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) tại Bắc Ninh - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.03.2023
Đăng ký
Trong năm 2022, tổng doanh thu 4 nhà máy của Samsung Electronics tại Việt Nam đạt 71,3 tỷ USD. Đặc biệt, lợi nhuận cả năm của 4 nhà máy đạt tới 4,7 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm qua.
Với thế mạnh của “cứ điểm sản xuất điện thoại lớn nhất thế giới của Samsung”, Việt Nam đang ngày càng chứng minh vai trò chiến lược của mình. Ở chiều ngược lại, Hà Nội tiếp tục đề nghị Samsung quan tâm đầu tư công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.

4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đạt doanh thu hơn 71 tỷ USD

Vừa qua, tập đoàn Samsung Electronics của Hàn Quốc đã công bố báo cáo tài chính năm 2022.
Theo đó, tổng doanh thu năm ngoái của tập đoàn đạt 234 tỷ USD, với lợi nhuận 43 tỷ USD. Như vậy, doanh thu Samsung đã tăng trưởng 8,3% và lợi nhuận tăng trưởng 39,5% so với năm trước.
Trong báo cáo, Samsung cũng công bố chi tiết kết quả kinh doanh của 4 nhà máy tại Việt Nam, gồm Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên, Samsung Display Vietnam và Samsung Electronics HCMC CE Complex.
Cụ thể, trong quý 4/2022, tổng doanh thu 4 nhà máy này là 14,7 tỷ USD, doanh thu cả năm đạt 71,3 tỷ USD, giảm nhẹ so với năm 2021.
Đặc biệt, trong quý 4/2022, Samsung Display Vietnam lần đầu tiên vượt qua cả Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên, trở thành nhà máy có doanh thu cao nhất tại Việt Nam với 5,4 tỷ USD, theo thông tin được Nhịp sống thị trường nêu. Trước kia, ngôi đầu về doanh thu thường thuộc về Samsung Thái Nguyên. Tuy vậy, trong quý 4 vừa qua, Samsung Thái Nguyên chỉ đem về 4,9 tỷ USD.
Cửa hàng sản phẩm Samsung tại Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 12.02.2023
Thêm tín hiệu Samsung không đưa dây chuyền sản xuất khỏi Việt Nam
Về lợi nhuận, tổng lợi nhuận 4 nhà máy Samsung tại Việt Nam trong quý cuối cùng của năm 2022 là 0,7 tỷ USD, thấp nhất 8 quý.
Mặc dù vậy, lợi nhuận cả năm của 4 nhà máy vẫn đạt 4,7 tỷ USD, cao nhất trong vòng 5 năm nhờ kết quả tốt trong 3 quý trước đó.
Samsung Display Vietnam cũng lần đầu tiên trở thành nơi có mức lãi lớn nhất, đạt 0,46 tỷ USD, gấp 4 lần so với Samsung Bắc Ninh và Samsung Thái Nguyên. Đây là mức lợi nhuận cao thứ 2 lịch sử của Samsung Display Vietnam.
Đáng chú ý, Samsung Electronics HCMC CE Complex ghi nhận mức lỗ khoảng 61 triệu USD trong kỳ vừa qua.
Năm 2022, giá trị xuất khẩu của Samsung đạt 65 tỷ USD, chiếm 8,9% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Kết quả tích cực này đã đóng góp quan trọng vào quá trình hồi phục và phát triển kinh tế của Việt Nam.
Tháng 12 năm ngoái, Samsung đã khánh thành Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Hà Nội, với quy mô lớn nhất khu vực Đông Nam Á. Đây là cơ sở quan trọng để ông lớn hàng đầu Hàn Quốc phát triển bền vững, lâu dài tại Việt Nam, như Sputnik thông tin trước đó.

‘Đầu tư vào Việt Nam là quyết định thành công’

Đáng chú ý, theo Cổng TTĐT Quốc hội, chiều 28/2, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đã có buổi tiếp ông Park Hark Kyu, Tổng giám đốc phụ trách tài chính Samsung Electronics.
Tại buổi tiếp, đồng chí Vương Đình Huệ chúc mừng thành công của Samsung tại Việt Nam thời gian qua, đánh giá cao kết quả hoạt động kinh doanh của các nhà máy Samsung tại Việt Nam.
Về phần mình, ông Park Hark Kyu bày tỏ cảm ơn Chủ tịch Quốc hội đã dành thời gian cho cuộc tiếp, nhấn mạnh năm 2022 có ý nghĩa quan trọng khi hai nước kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao và nâng cấp lên quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện.
Samsung Electronics Co. - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.01.2023
Con số để lộ tầm quan trọng của Samsung với kinh tế Việt Nam
Việt Nam và Hàn Quốc còn phát triển mối quan hệ gần gũi thông qua những hoạt động trao đổi đoàn trong lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa…
Từ khi Samsung chính thức đầu tư vào Việt Nam năm 2008, đến nay nhà máy ở Bắc Ninh đã thành lập được 15 năm, Thái Nguyên được 10 năm.
Ông Park Hark Kyu cho rằng, doanh nghiệp đã vượt qua tất cả khó khăn, khẳng định với sự hợp tác tích cực của Việt Nam.
“Việc Samsung lựa chọn đầu tư vào Việt Nam là quyết định hết sức thành công”, - ông Park Hark Kyu khẳng định trong cuộc gặp gỡ với Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ.

Đề nghị Samsung đầu tư công nghệ bán dẫn ở Việt Nam

Với những đóng góp quan trọng từ các nhà máy Samsung tại Việt Nam, thời gian qua, nhiều lãnh đạo đất nước đã nhiều lần gợi mở với tập đoàn Samsung nội dung thành lập nhà máy chip bán dẫn tại Việt Nam.
Trước đó, ngày 5/8/2022, tại cuộc gặp giữa ông Roh Tae-moon, Tổng giám đốc Tập đoàn Samsung Electronics với Thủ tướng Phạm Minh Chính, phía Samsung cho biết đang chuẩn bị các điều kiện để sản xuất thử các sản phẩm lưới bóng chip bán dẫn tại Việt Nam.
Trong khi đó, tại quê nhà Hàn Quốc, giới chuyên gia và truyền thông xứ sở kim chi cũng đồng loạt đưa tin về khả năng Samsung xây cơ sở sản xuất chip bán dẫn đầu tiên tại Việt Nam.
Dự án Công ty SEHC tại Khu công nghệ cao TP.HCM - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.12.2022
Samsung sẽ xây nhà máy chip bán dẫn tại Việt Nam?
Cũng cần lưu ý rằng, Việt Nam đã có kinh nghiệm thu hút gã khổng lồ bán dẫn Intel của Hoa Kỳ xây dựng nhà máy (tại Khu công nghệ cao, Q.9, TP.HCM). Đây được xem là tiền đề quan trọng để Samsung phát triển công nghệ bán dẫn ở Việt Nam.
Trở lại cuộc gặp giữa Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ với ông Park Hark Kyu, đại diện ông lớn Hàn Quốc tái khẳng định, Samsung sẽ nỗ lực hết sức để Trung tâm R&D trở thành trung tâm phát triển toàn cầu.
Theo ông, Samsung có thể đầu tư lâu dài và sẽ còn gặt hái thành công tại Việt Nam.
Đại diện Samsung nhấn mạnh, Quốc hội và Chính phủ Việt Nam đã xây dựng môi trường đầu tư rất tốt, và Samsung sẽ nỗ lực hết sức để đóng góp với tư cách là doanh nghiệp đầu tư lớn nhất và lâu dài tại Việt Nam.
Cũng tại buổi làm việc, hai bên đã trao đổi một vài vấn đề liên quan đến việc áp dụng thuế suất tối thiểu toàn cầu.
Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ cảm ơn những ý kiến và chia sẻ của Tổng giám đốc Samsung Electronics, đồng thời khẳng định Việt Nam luôn quan tâm bảo vệ lợi ích chính đáng của các nhà đầu tư nước ngoài, trong đó có Samsung; quan tâm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, tăng cường năng lực cạnh tranh và tạo mọi điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư làm ăn lâu dài tại Việt Nam.
Đồng chí Vương Đình Huệ đánh giá cao Samsung đã quan tâm đầu tư tại Việt Nam, phát triển các đối tác công nghiệp hỗ trợ trong hệ sinh thái Samsung tại Việt Nam, hoàn thành xây dựng Trung tâm R&D tại Hà Nội.
Đặc biệt, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị Samsung tiếp tục quan tâm đầu tư nghiên cứu, phát triển công nghệ bán dẫn tại Việt Nam.
Về vấn đề thuế tối thiểu toàn cầu của Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế (OECD), Chủ tịch Quốc hội cho biết, Việt Nam đã rất chủ động và đang tích cực nghiên cứu vấn đề này để nội luật hóa, trong đó có việc thúc đẩy tiến trình sửa đổi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp.
Nhà máy Samsung Electronics Việt Nam (SEV) - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.09.2022
4 nhà máy Samsung tại Việt Nam đem về 38 tỷ USD, Samsung Thái Nguyên vẫn dẫn đầu
Chủ tịch Quốc hội lưu ý, có một số vấn đề mang tính nguyên tắc khi hoàn thiện khung khổ pháp lý, rà soát các biện pháp ưu đãi bổ sung cho các nhà đầu tư.
Theo đó, Việt Nam phải tuân thủ cam kết về thuế tối thiểu toàn cầu của OECD, bảo đảm tính công khai, minh bạch, công bằng vì quy định về thuế tối thiểu toàn cầu chỉ áp dụng cho các công ty đa quốc gia có doanh thu lớn.
Người đứng đầu cơ quan lập pháp của Việt Nam nhấn mạnh, việc bảo vệ lợi ích của các nhà đầu tư lớn phải trên cơ sở không làm phương hại tới lợi ích của các nhà đầu tư nhỏ hơn; bảo đảm lợi ích chính đáng của cả nhà đầu tư và nhà nước.
Cùng với đó là tuyệt đối không đẩy rủi ro vi phạm quy định về thuế tối thiểu toàn cầu và rủi ro về ngân sách cho Chính phủ Việt Nam, quy định của pháp luật phải bảo đảm đơn giản và dễ thực thi.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала