Kinh tế xuất hiện tín hiệu xấu: Việt Nam làm gì để tăng trưởng ở top đầu thế giới?

© TTXVN - Nguyễn Vũ Thành ĐạtXuất siêu 2,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2023
Xuất siêu 2,82 tỷ USD trong 2 tháng đầu năm 2023 - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.03.2023
Đăng ký
Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu xuống thấp khiến số lượng đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sụt giảm.
Trong bối cảnh đó, tổng cục Thống kê nêu một số kiến nghị nhằm ổn định kinh tế vĩ mô Việt Nam trong bối cảnh tình hình trong nước và quốc tế còn nhiều khó khăn.

Diễn biến tích cực

Thông tin về bức tranh kinh tế - xã hội hai tháng đầu năm, bà Đỗ Thị Ngọc, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê chia sẻ với báo VietnamPlus (TTXVN) rằng, với quyết tâm tạo động lực đột phá để phát triển kinh tế theo mục tiêu đã đề ra, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo sát sao các bộ, ngành, địa phương tập trung triển khai thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm sau Tết Nguyên đán.
Theo bà Ngọc, nền kinh tế ghi nhận một số điểm khởi sắc trong nông nghiệp khi cả nước đã gieo cấy gần 2,7 triệu ha lúa đông xuân và chăn nuôi phát triển ổn định. Tính đến cuối tháng Hai, tổng số lợn cả nước tăng 8,6% so với cùng thời điểm năm trước.
Bên cạnh đó, hoạt động trồng rừng và khai thác gỗ phát triển tốt. Từ đầu năm đến nay, diện tích rừng trồng mới đạt 18,8 nghìn ha, tăng 4,8%. Sản lượng thủy sản đạt gần 1,2 triệu tấn, tăng 1,3%, trong đó sản lượng nuôi trồng đạt 666 nghìn tấn, tăng 2,8%.
"Chỉ số sản xuất của một số ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tháng Hai cũng tăng cao so với cùng kỳ năm trước, như lĩnh vực sản xuất đồ uống, than cốc, dầu mỏ tinh chế, thuốc-hóa...", - theo đại diện Tổng cục Thống kê.
Hoạt động thương mại, dịch vụ tiếp tục xu hướng tăng cao so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 13% (cùng kỳ năm 2022 tăng 0,9%) cùng với đó cán cân thương mại hàng hóa ước tính xuất siêu 2,82 tỷ USD (cùng kỳ năm trước nhập siêu 0,3 tỷ USD).
Khách quốc tế đến nước ta ước đạt 1,8 triệu lượt người và gấp gần 37 lần so với cùng kỳ năm trước, do nhiều chương trình du lịch quốc tế được đẩy mạnh khi dịch COVID-19 được kiểm soát. Hiện, lạm phát được kiểm soát ở mức phù hợp, bình quân hai tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước.

Tín hiệu xấu: Đơn hàng xuống thấp, xuất khẩu suy giảm

Nói về một số khó khăn của nền kinh tế, Vụ trưởng Vụ Thống kê Tổng hợp, Tổng cục Thống kê chỉ rõ:
"Nhu cầu tiêu dùng toàn cầu xuống thấp khiến số lượng đơn hàng và kim ngạch xuất khẩu sụt giảm".
Nhiều ngành công nghiệp trọng điểm bị ảnh hưởng, nhất là tại các địa phương có quy mô công nghiệp lớn (như: Quảng Ngãi giảm 8,4%; Vĩnh Phúc giảm 6,9%; Bình Dương giảm 3,8%; Thành phố Hồ Chí Minh giảm 2,5% ...). Thực tế này dẫn đến, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) hai tháng đầu năm đã giảm 6,3% so với cùng kỳ năm trước (như Sputnik đã đề cập trước đó).
Hoạt động xuất khẩu hàng hóa Việt Nam sang một số thị trường trọng điểm ghi nhận sự giảm sút. Cụ thể, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa sang thị trường EU giảm 4,2%; Hàn Quốc giảm 5,7%; Nhật Bản giảm 5,9%; ASEAN giảm 7,9%; Hoa Kỳ giảm 21%.
Bà Đỗ Thị Ngọc chia sẻ, trong bối cảnh thách thức, hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh bị ảnh hưởng nặng nề, khi chi phí đầu vào tăng cao, đơn hàng sụt giảm.
"Thậm chí, nhiều doanh nghiệp đã tạm dừng hoạt động để tìm hướng đi mới hoặc chờ làm thủ tục giải thể", - đại diện Tổng cục Thống kê bày tỏ.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, trong hai tháng đầu năm, số doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh có thời hạn xấp xỉ 39 nghìn doanh nghiệp, tăng 18,5% so với cùng kỳ năm và 9,4 nghìn doanh nghiệp đang chờ làm thủ tục giải thể, tăng 5,8%.
"Những khó khăn của kinh tế thế giới cũng khiến các nhà đầu tư nước ngoài chưa mở rộng quy mô các dự án hiện hữu tại Việt Nam", - theo bà Ngọc.
Tính đến cuối tháng Hai, vốn FDI đăng ký điều chỉnh đạt 535,4 triệu USD. Đây là mức thấp nhất so với cùng kỳ các năm 2019-2023 – theo Vụ trưởng Ngọc, đồng thời vốn FDI thực hiện trong hai tháng đã giảm 4,9% so với cùng kỳ năm trước. Điểm đáng lưu ý, lạm phát cơ bản hai tháng đầu năm 2023 tăng 5,08% cao hơn lạm phát chung 4,6%.
"Đây là một thách thức đối với việc điều hành chính sách tiền tệ, do đó cần điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt vừa đảm bảo kiểm soát lạm phát và hỗ trợ cho tăng trưởng", - chuyên gia lưu ý.
Cảng Hải Phòng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.02.2023
Khá bất ngờ khi nhiều mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam giảm mạnh

Giải pháp ổn định kinh tế vĩ mô

Kiến nghị phương hướng trong thời gian tới để tiếp tục giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, thực hiện chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ cần linh hoạt vừa đảm bảo kiềm chế lạm phát, vừa đảm bảo thúc đẩy tăng trưởng nền kinh tế, Tổng cục Thống kê đề xuất 6 giải pháp.
Theo Vụ trưởng Vụ Thống kê tổng hợp, thứ nhất là theo dõi sát và cập nhật kịp thời diễn biến tình hình thế giới, chính sách tài khóa, tiền tệ của các nước có quy mô kinh tế lớn, là đối tác thương mại, đầu tư quan trọng đối với Việt Nam.
Thứ hai, bà Đỗ Thị Ngọc nhấn mạnh, cần thường xuyên rà soát để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy mạnh hoạt động sản xuất, kinh doanh; có giải pháp hỗ trợ hiệu quả các doanh nghiệp thiếu vốn, giá nguyên liệu đầu vào tăng cao, khó khăn trong tiêu thụ sản phẩm...
"Chính phủ cần có giải pháp hỗ trợ kịp thời một số ngành, lĩnh vực bị tác động bất lợi do nhu cầu của thị trường thế giới suy giảm như: da giày, dệt may, sản xuất và chế biến gỗ", - đại diện Tổng cục Thống kê kiến nghị.
Thứ ba là theo dõi chặt chẽ diễn biến thị trường lao động, việc làm để có phương án hỗ trợ kịp thời doanh nghiệp khắc phục tình trạng thiếu lao động. Các cấp quản lý Nhà nước cần triển khai hiệu quả các giải pháp phù hợp kích cầu thương mại và dịch vụ, các chương trình xúc tiến, phát triển du lịch.
Mặt khác, công tác điều hành cần trú trọng đến các giải pháp để mở rộng, đa dạng hóa thị trường và sản phẩm xuất khẩu; khai thác hiệu quả các Hiệp định thương mại tự do (FTA) đã ký kết.

Chuyên gia cho rằng: "Trên cơ sở đó, các chính sách cũng cần điều chỉnh kịp thời nhằm tăng cường thu hút đầu tư trực tiếp của nước ngoài có chất lượng cao".

Thứ tư, Vụ trưởng Đỗ Thị Ngọc nêu rõ, cần quyết liệt triển khai nhanh, hiệu quả các nhiệm vụ, dự án đầu tư thuộc Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội năm 2023. Cụ thể là đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công đối với các dự án trọng điểm, có tính lan tỏa cao, nâng cấp cơ sở hạ tầng đồng bộ, trong đó tập trung vào các dự án chuyển tiếp, hoàn thành trong năm 2023 và đầu năm 2024.
"Muốn đạt được những điều này cần đẩy nhanh tiến độ hoàn thiện hồ sơ dự án, giao kế hoạch, giải phóng mặt bằng, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục về đầu tư công", - bà Ngọc lưu ý.
Thứ năm là tiếp tục tăng cường công tác phòng chống bệnh dịch cũng như chủ động phương án phòng chống thiên tai, cảnh báo mưa lũ, sạt lở, tác động của hạn hán, xâm nhập mặn nhằm hạn chế tối đa thiệt hại tới sản xuất và cuộc sống của người dân.
Cuối cùng là nâng cao hiệu quả công tác chỉ đạo, điều hành của các ngành, các cấp, siết chặt kỷ luật, kỷ cương hành chính trong quản lý nhà nước trên các lĩnh vực đồng thực hiện nghiêm quy chế làm việc, kỷ luật phát ngôn.
Một trong những giải pháp hỗ trợ khu vực doanh nghiệp phát triển sản xuất-kinh doanh hiệu quả nhất, đó là kiến tạo môi trường kinh doanh bình đẳng công khai, minh bạch.
"Các cấp quản lý cũng cần tăng cường thông tin, ngăn chặn, triệt phá các thông tin xấu, sai sự thật gây hoang mang cho người dân, tuyên truyền các hình ảnh đẹp về đất nước và con người Việt Nam", - Vụ trưởng nêu đề xuất.

Việt Nam vẫn nằm trong khu vực có tăng trưởng nhanh nhất thế giới

Phát biểu tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 hôm 3/3 vừa qua, báo cáo Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, bình quân 2 tháng đầu năm 2023, CPI tăng 4,6% so với cùng kỳ năm trước (mục tiêu cả năm theo Nghị quyết Quốc hội là khoảng 4,5%).
"Với sự nỗ lực, phấn đấu, khả năng cả năm sẽ kiểm soát được lạm phát theo mục tiêu của Quốc hội giao", - ông Dũng tin tưởng.
Bắc Giang tiếp tục dẫn đầu cả nước về thu hút vốn đầu tư - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.02.2023
Kinh tế Việt Nam xuất hiện điều chưa từng có trong hơn 20 năm qua
Nói về khó khăn, ông Dũng cho hay, do tác động của tình hình thế giới, hoạt động sản xuất kinh doanh trong nước, nhất là sản xuất công nghiệp, xuất nhập khẩu… gặp nhiều thách thức.
"Sức ép điều hành tăng trưởng kinh tế, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, các thị trường và kiểm soát lạm phát tăng cao. Thị trường, doanh nghiệp bất động sản tiếp tục đối mặt với nhiều khó khăn", - Bộ trưởng Dũng bày tỏ.
Lãnh đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư lưu ý, dù còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng các tổ chức quốc tế tiếp tục đánh giá tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2023 của Việt Nam sẽ đạt mức cao. Chẳng hạn IMF kỳ vọng Đông Nam Á sẽ là khu vực phát triển nhanh nhất thế giới, với 5 nền kinh tế lớn nhất trong đó có Việt Nam; Standard Chartered dự báo nền kinh tế Việt Nam sẽ có tốc độ tăng GDP đạt 7,2%....
Nhiều tổ chức, ngân hàng quốc tế như WB, IMF, ADB, UOB, Standard Chartered… tiếp tục đánh giá cao Việt Nam là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho các nhà đầu nước nước ngoài.
Chất lượng môi trường kinh doanh của Việt Nam có chuyển biến tích cực. Trình độ phát triển thị trường tăng 6 bậc, từ vị trí thứ 90 lên vị trí thứ 84. Chỉ số thành phần Tự do kinh doanh tăng 8,4 điểm. Tăng 2 bậc về Quyền tài sản, cải thiện 17 bậc về Cảm nhận tham nhũng.
Cải thiện xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Moody’s, S&P và Fitch (Fitch xếp hạng Việt Nam ở mức BB; triển vọng Tích cực. Moody’s nâng xếp hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, triển vọng Ổn định. S&P Global Ratings nâng bậc xếp hạng của Việt Nam lên BB+; triển vọng Ổn định).
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала