Bộ Công an đề xuất thêm dữ liệu ADN, giọng nói vào căn cước công dân

© Depositphotos.com / deosumDNA
DNA - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.03.2023
Đăng ký
Bộ Công an đề xuất thêm thông tin về dữ liệu ADN, mống mắt, giọng nói vào cơ sở dữ liệu căn cước.
Bộ Công an cũng đề nghị mở rộng đối tượng cấp CCCD với người dưới 14 tuổi bao gồm cả trẻ mới sinh - theo nhu cầu và không bắt buộc.

Vì sao Bộ Công an đề xuất thêm dữ liệu ADN, giọng nói vào căn cước?

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu họp thẩm định Luật Căn cước công dân (sửa đổi) do Bộ Công an chủ trì thực hiện việc sửa đổi, bổ sung Luật Căn cước công dân năm 2014, dự kiến có hiệu lực thi hành từ ngày 1/7/2024.
Trong các nội dung cần thẩm định, Bộ Công an đã đề xuất bổ sung các nhóm thông tin vào Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD.
Trong đó bao gồm thông tin sinh trắc học (mống mắt, ADN, giọng nói); thông tin về người không quốc tịch nhưng đã sinh sống ổn định, lâu dài tại Việt Nam (người gốc Việt được sinh ra tại Việt Nam hoặc người gốc Việt sinh ra tại nước ngoài, nhưng đã trở về Việt Nam sinh sống liên tục từ 5 năm trở lên).
Theo lý giải của Bộ Công an, việc thu thập thông tin sinh trắc học về mống mắt, ADN, giọng nói chỉ áp dụng đối với một số người có tiền án, tiền sự. Mục đích để phục vụ công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật.
Kết quả xét nghiệm DNA - Sputnik Việt Nam, 1920, 28.10.2022
Không công khai kết quả giám định ADN của 28 người Tịnh thất Bồng Lai
Bên cạnh đó, những thông tin sinh trắc học nêu trên sẽ do các cơ quan tiến hành tố tụng, cơ quan quản lý người bị áp dụng biện pháp xử lý hành chính (đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở cai nghiện bắt buộc…) thu thập trong quá trình xử lý vi phạm.
Sau đó, thông tin được chuyển cho cơ quan quản lý căn cước để cập nhật vào cơ sở dữ liệu công dân.
“Cơ quan quản lý căn cước công dân không trực tiếp thu thập thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói từ cá nhân”, - Bộ Công an nhấn mạnh.

CCCD bao gồm những thông tin gì?

Nếu đề xuất trên được thông qua, cơ sở dữ liệu căn cước công dân có thể được tích hợp 22 trường thông tin cá nhân của công dân.
Cụ thể, CCCD sẽ gồm họ, tên khai sinh; số định danh cá nhân; ngày/tháng/năm sinh; giới tính; nơi đăng ký khai sinh; quê quán; dân tộc; tôn giáo; quốc tịch; nhóm máu; số CMND 9 số; ngày cấp và thời hạn sử dụng của CMND/CCCD; họ, tên, số định danh cá nhân, quốc tịch của cha, mẹ, vợ, chồng hoặc người đại diện hợp pháp; nơi thường trú; nơi tạm trú; nơi ở hiện tại.
Đặc điểm nhân dạng; thông tin sinh trắc học (ảnh khuôn mặt, vân tay, mống mắt, ADN, giọng nói); tên gọi khác; nghề nghiệp (trừ lực lượng vũ trang nhân dân); trình độ học vấn; trạng thái của tài khoản định danh điện tử (khóa, mở, mức độ…).
Với nội dung này của dự thảo, Bộ Y tế đề nghị cân nhắc quy định theo hướng linh hoạt, không bắt buộc đối với thông tin sinh trắc học về ADN, giọng nói.

Khả thi?

Trong dự thảo luật CCCD sửa đổi, Bộ Công an đề nghị mở rộng đối tượng cấp CCCD với người dưới 14 tuổi (theo nhu cầu chứ không bắt buộc), bao gồm cả trẻ mới sinh.
Với đề xuất này, người đã được cấp thẻ CCCD sẽ phải thực hiện đổi thẻ khi đủ 14, 25, 40 và 60 tuổi; thay vì đủ 25, 40 và 60 tuổi như hiện nay.
Giải trình về đề xuất, Bộ Công an cho biết, tại dự thảo luật CCCD sửa đổi, Bộ Công an đã chỉnh lý theo hướng nhân dạng gồm thông tin về sinh trắc học và đặc điểm cá biệt khác, có tính ổn định của một người để phân biệt người này với người khác.
Việc cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi là bảo đảm tính khả thi, bởi hiện nay đã có sự thay đổi về công nghệ thu nhận sinh trắc học của cá nhân. Ví dụ, bộ thu nhận vân tay điện tử được sử dụng thay thế cho mực lăn tay, giúp thu nhận được vân tay của người từ đủ 5 tuổi trở lên mà vẫn bảo đảm yêu cầu về đối sánh dữ liệu sinh trắc học và quản lý nhà nước.
Đề xuất này còn phù hợp với quy định về xuất, nhập cảnh và các quy định pháp luật khác có liên quan; phù hợp với pháp luật của nhiều nước trên thế giới khi cấp CCCD cho công dân dưới 14 tuổi (Algeria, Argentina, Bỉ, Bhutan, Brunei, Chile, Colombia, Đức, Malaysia, Bồ Đào Nha, Thái Lan…).
Hộ chiếu. - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.06.2022
Việt Nam: Căn cước công dân gắn chip sẽ có cả dữ liệu ADN, giọng nói?
Bộ Công an nhấn mạnh, việc cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi sẽ góp phần giảm thiểu được giấy tờ, thủ tục hành chính; phát huy được giá trị của Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu CCCD và tiện ích của thẻ CCCD, định danh điện tử. Nhất là xác thực thông tin cá nhân; thực hiện công tác thống kê, phân tích, dự báo, thiết lập bản đồ số dân cư…
“Thẻ CCCD cấp cho người dưới 14 tuổi không thay thế cho việc cấp giấy khai sinh. UBND cấp xã vẫn thực hiện cấp giấy khai sinh cho công dân theo quy định của pháp luật hiện hành”, - Bộ Công an nêu rõ.
Tuy nhiên, Bộ Công an cho rằng, việc sử dụng giấy khai sinh với kích thước của tờ A4 dễ rách nát, hư hỏng, khó bảo quản và chỉ được cấp một lần trong suốt cuộc đời. Giấy này chỉ có các biện pháp bảo mật, chống làm giả sơ sài, lạc hậu, dễ bị làm giả và chứa được rất ít thông tin của công dân nên sẽ gây rất nhiều khó khăn, bất tiện.
Trong khi đó, thẻ CCCD với kích thước nhỏ gọn, chất liệu tốt, tính bảo mật cao và có thể được tích hợp thêm rất nhiều thông tin khác theo nhu cầu nên sẽ mang lại nhiều tiện ích trong việc đi lại, học tập, khám, chữa bệnh và thực hiện các giao dịch khác.
“Việc cấp thẻ CCCD lần đầu cho người dưới 14 tuổi là miễn phí. Khi công dân thực hiện cấp đổi, cấp lại thì mới phải nộp phí theo quy định, không phải tốn thêm chi phí cho Nhà nước”, - Bộ Công an cho biết.
Khi công dân sử dụng thẻ CCCD đã được tích hợp các thông tin trên giấy tờ khác sẽ tiết kiệm được chi phí liên quan đến việc sao y, chứng thực, bảo quản các loại giấy tờ này.

Cân nhắc kỹ

Theo dự thảo luật CCCD sửa đổi, trường hợp công dân từ đủ 14 tuổi trở lên bắt buộc phải làm CCCD, thủ tục cấp cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành.
Trường hợp dưới 14 tuổi, công dân hoặc cha, mẹ, người giám hộ có quyền đề nghị cơ quan quản lý căn cước cấp thẻ CCCD.
Với công dân dưới 6 tuổi, cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD cho công dân thông qua cổng dịch vụ công (không thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học). Nếu công dân chưa đăng ký khai sinh thì cha, mẹ hoặc người giám hộ thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD thông qua các thủ tục liên thông về đăng ký khai sinh trên cổng dịch vụ công.
Với công dân từ đủ 6 tuổi đến dưới 14 tuổi, cha, mẹ hoặc người giám hộ phải đưa công dân đó đến cơ quan quản lý căn cước để thu nhận đặc điểm nhân dạng và thông tin sinh trắc học khi thực hiện thủ tục cấp thẻ CCCD.
Tham gia góp ý dự thảo, Bộ Tư pháp nhận định dù đề xuất cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi là theo yêu cầu chứ không phải bắt buộc, nhưng để bảo đảm tính hợp lý, khả thi, thống nhất, tránh mâu thuẫn với nội tại các quy định thì cần cân nhắc kỹ một số vấn đề.
Thứ nhất, luật CCCD quy định CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân; nhân dạng là đặc điểm cá biệt và ổn định bên ngoài của một người để phân biệt người này với người khác.
“Trẻ em từ khi sinh ra đến dưới 14 tuổi là lứa tuổi phát triển mạnh, nhanh nên các đặc điểm nhân dạng chưa ổn định. Do đó, việc cấp CCCD cho nhóm này là chưa bảo đảm phù hợp với tính chất và quy định nêu trên”, - theo Bộ Tư pháp.
Long An: Tiếp tục đưa ra xét xử vụ án xảy ra tại Tịnh thất Bồng Lai - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.09.2022
Công an Long An lấy mẫu giám định ADN của 28 người ở Tịnh thất Bồng Lai
Ngoài ra, cấp CCCD cho người dưới 14 tuổi cũng phát sinh thêm thủ tục hành chính do trẻ em mới được sinh ra trong cùng một thời điểm phải cấp đồng thời nhiều loại giấy tờ khác nhau như: mã định danh cá nhân, giấy khai sinh và CCCD.
Điều này dẫn đến lãng phí nguồn lực thực hiện, tăng chi phí đối với người dân mỗi lần cấp, đổi thẻ CCCD và tăng gánh nặng với ngân sách nhà nước trong việc tổ chức triển khai.
Bộ Tư pháp giữ quan điểm, Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi do người đại diện theo pháp luật của người đó xác lập, thực hiện.
Chưa kể, thông lệ quốc tế cho thấy, hầu hết các quốc gia quản lý dân cư thông qua thẻ CCCD đều chỉ cấp cho công dân ở độ tuổi phát triển nhất định, đã có sự ổn định tương đối về đặc điểm nhân dạng, không cấp ngay từ khi công dân ra đời. Ví dụ, Hà Lan và Bỉ cấp căn cước cho người đủ 12 tuổi trở lên, Cộng hòa Czech cấp cho người đủ 15 tuổi trở lên, Indonesia cấp cho người đủ 17 tuổi trở lên.
Đồng quan điểm với Bộ Tư pháp, Bộ Nội vụ cũng đề nghị cân nhắc việc quy định cấp thẻ CCCD cho người dưới 14 tuổi.
Trường hợp cần thiết, cần có tổng kết, đánh giá và bổ sung cụ thể về số lượng người dưới 14 tuổi có nhu cầu cấp CCCD trong toàn quốc để bảo đảm tính khả thi, không làm phát sinh thủ tục cho người dân.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала