Thư ký của ông Phạm Bình Minh đã đưa tiền hối lộ cho ai?

© Ảnh : CÔNG AN CUNG CẤP2 bị can Nguyễn Quang Linh và Phạm Trung Kiên
2 bị can Nguyễn Quang Linh và Phạm Trung Kiên - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.04.2023
Đăng ký
Hai trong số các bị can bị cáo buộc nhận hối lộ vụ "chuyến bay giải cứu" gồm thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên và Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng thường trực Phạm Bình Minh.
Trong đó, riêng ông Phạm Trung Kiên, thư ký của Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên được Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định nhận hối lộ số tiền lớn nhất trong vụ án "chuyến bay giải cứu" 42,6 tỷ đồng.
Còn ông Nguyễn Quang Linh (Trợ lý nguyên Phó Thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh) khai nhận đưa một phần tiền nhận hối lộ cho người khác. Bộ Công an đang làm rõ nội dung này.

"Bôi trơn"

Trong bối cảnh dịch Covid-19 bùng phát, với chính sách nhân đạo, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tổ chức các chuyến bay đưa công dân Việt Nam về nước. Có 5 bộ được giao nhiệm vụ phối hợp thực hiện các chuyến bay này, gồm Bộ Ngoại giao, Bộ Y tế, Bộ GTVT, Bộ Quốc phòng và Bộ Công an.
Tính đến hết tháng 1/2022, nhà chức trách đã cấp phép và tổ chức hơn 1.000 chuyến bay, đưa hơn 200.000 công dân về nước.
Trong quá trình triển khai thực hiện các chuyến bay nói trên, đã có sự chồng chéo, không rõ ràng về thẩm quyền. Lợi dụng kẽ hở đó, một số cá nhân ở các bộ, ngành đã gây khó khăn, nhũng nhiễu, làm khó doanh nghiệp, tạo cơ chế xin cho, từ đó buộc doanh nghiệp phải chi tiền "bôi trơn".
Vào cuộc điều tra, Cơ quan ANĐT Bộ Công an xác định có 21 bị can phạm tội nhận hối lộ, trong số này có Nguyễn Quang Linh (cựu Trợ lý Phó thủ tướng thường trực Chính phủ Phạm Bình Minh) và Phạm Trung Kiên (cựu Thư ký Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên).

Lời khai của thư ký ông Phạm Bình Minh

Kết luận điều tra cho biết, Văn phòng Chính phủ là đơn vị tập hợp, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay dựa trên đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Tuy nhiên, một số cá nhân tại Vụ Quan hệ quốc tế và lãnh đạo Văn phòng Chính phủ đã lợi dụng nhiệm vụ được giao, đề xuất lên lãnh đạo Chính phủ duyệt chủ trương cấp phép chuyến bay cho các doanh nghiệp, bỏ qua quy trình giám sát, đề xuất của tổ công tác 5 bộ.
Từ tháng 1/2021 đến tháng 10/2021, bị can Nguyễn Quang Linh, với vai trò là Trợ lý Phó Thủ tướng Thường trực Phạm Bình Minh, có nhiệm vụ tham mưu, đề xuất, trình Phó thủ tướng phê duyệt chuyến bay cho cơ quan, tổ chức. Nắm được thông tin này, một số doanh nghiệp đã tìm cách tiếp cận, nhờ bị can giải quyết thủ tục liên quan đến cấp phép chuyến bay.
Tháng 3/2021, bị can Linh trao đổi với Hoàng Anh Kiếm (lao động tự do, có quen biết trước đó với Linh) về việc giải quyết cho Công ty Lữ Hành Việt tổ chức 2 chuyến bay với chi phí 10.000 USD/chuyến, đồng thời hướng dẫn ông Kiếm chuẩn bị hồ sơ.
Sau đó, Linh chuyển hồ sơ mà Kiếm nộp cho chuyên viên Vụ Quan hệ quốc tế tham mưu, đề xuất lãnh đạo Chính phủ phê duyệt 2 chuyến bay. Cuối tháng 3/2021, Kiếm tiếp tục gặp bị can Linh, đặt vấn đề và được Linh giúp Công ty Lữ Hành Việt được duyệt thêm 16 chuyến bay.
Qua việc "giúp đỡ" này, Linh được ông Kiếm hối lộ nhiều lần, với tổng số tiền hơn 4,1 tỷ đồng. Đến đầu tháng 4/2021, tại phòng làm việc của mình ở Văn phòng Chính phủ, bị can Linh tiếp tục nhận hối lộ thêm 100 triệu đồng của một chủ doanh nghiệp khác sau khi doanh nghiệp đó được phê duyệt 10 chuyến bay.
Làm việc với công an, bị can Linh khai nhận, trong số tiền mình nhận hối lộ, đã đưa một phần cho người khác, theo thông tin được báo Thanh Niên nêu rõ. Cơ quan điều tra tiếp tục làm rõ nội dung này, xử lý trong giai đoạn sau của vụ án.
Đầu tháng 1/2023, tại kỳ họp bất thường thứ 2, Quốc hội bỏ phiếu kín quyết định việc cho thôi nhiệm vụ đại biểu Quốc hội khóa XV; phê chuẩn miễn nhiệm chức danh Phó Thủ tướng đối với ông Phạm Bình Minh, theo nguyện vọng cá nhân.
 Tham nhũng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.04.2023
Bàng hoàng với số lần nhận hối lộ của cựu thư ký thứ trưởng Bộ Y tế Việt Nam

Hơn 250 lần nhận hối lộ với gần 43 tỷ đồng

Bộ Y tế cũng là một trong các cơ quan cho ý kiến về việc phê duyệt hoặc không phê duyệt kế hoạch tổ chức chuyến bay theo đề xuất của Bộ Ngoại giao.
Bộ Y tế cũng có thẩm quyền chấp thuận cho khách lẻ được về nước theo đề nghị của các cá nhân, doanh nghiệp khác.
Với nhiệm vụ này, ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng kiêm Phó trưởng Ban chỉ đạo, thành viên tổ công tác 5 bộ, chịu trách nhiệm chuyển Cục Y tế dự phòng tham mưu, đề xuất sau khi nhận được văn bản xin ý kiến về chuyến bay.
Quy trình làm việc là, dự thảo văn bản trả lời sẽ được gửi thông qua bị can Phạm Trung Kiên (thư ký của ông Tuyên), tiếp đó ông Kiên sẽ trình ông Tuyên xem xét, duyệt ký.
Lợi dụng vị trí công việc của mình, ông Kiên đã tiếp xúc, yêu cầu các doanh nghiệp và cá nhân liên quan đến chuyến bay phải "bôi trơn" từ 50 - 200 triệu đồng/chuyến, hoặc từ 500.000 - 2 triệu đồng/khách; riêng với khách lẻ thì từ 7 - 15 triệu đồng/người.
Chỉ khi các doanh nghiệp chịu chi tiền thì ông Kiên mới giúp đỡ, không gây khó khăn và trình cấp trên (ông Tuyên) sớm ký công văn chấp thuận chuyến bay hoặc đồng ý để khách lẻ được về nước.
Bị can Kiên còn cùng bị can Vũ Anh Tuấn (cựu cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an) yêu cầu, gợi ý, chỉ dẫn để doanh nghiệp liên hệ, chi tiền cho Kiên, nhằm được Bộ Y tế chấp thuận chuyến bay, kịp thời trả lời văn bản.
Công an xác định, bị can Kiên đã nhận hối lộ hơn 250 lần, với tổng cộng gần 43 tỷ đồng bằng thủ đoạn trên. Phạm Trung Kiên chính là bị can bị cáo buộc nhận tiền "bôi trơn" nhiều nhất trong vụ án.
Vào tháng 5/2022, tại kỳ họp thứ 15, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã quyết định kỷ luật khiển trách Thứ trưởng Bộ Y tế Đỗ Xuân Tuyên do có vi phạm liên quan đến vụ kit test Việt Á.
Phong bì trong tay của một doanh nhân. - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.04.2023
Loạt quan chức lộ mặt vụ chuyến bay giải cứu: Có dấu hiệu nhận hối lộ tại Bộ Quốc phòng?

Sẽ tiếp tục điều tra giai đoạn 2

Kết luận điều tra cho biết, trong số 54 bị can bị đề nghị truy tố, ngoài hành vi đã được Cơ quan ANĐT làm rõ, nhiều người còn tự khai báo về việc đưa, nhận tiền hối lộ với một số cá nhân khác.
Chẳng hạn, bị can Nguyễn Quang Linh khai đã chuyển một phần trong số tiền mình nhận hối lộ cho người khác.
Hay như trường hợp ông Trần Văn Tân (cựu Phó chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam) nhận hối lộ 5 tỷ đồng, một số cá nhân khác tại tỉnh này cũng liên quan đến việc nhận tiền từ doanh nghiệp;
Ngoài ra, còn hàng loạt chủ doanh nghiệp khai đã chi tiền cho nhiều cá nhân khác ngoài 21 bị can vừa bị đề nghị truy tố về tội nhận hối lộ.
Cơ quan ANĐT Bộ Công an khẳng định, cơ quan chức năng sẽ tiếp tục điều tra dấu hiệu sai phạm tại một số bộ, ngành, doanh nghiệp liên quan đến "chuyến bay giải cứu" ở giai đoạn sau.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала