Ai chăn dắt trẻ em múa lửa xin tiền ở TP.HCM?

© Ảnh : Vân TrangMủa lửa trên đường phố TP.HCM
Mủa lửa trên đường phố TP.HCM - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.05.2023
Đăng ký
Nếu đến những khu phố sầm uất ở TP.HCM vào buổi tối, bạn sẽ dễ dàng bắt gặp những đứa trẻ vị thành niên múa lửa biểu diễn để mưu sinh.
Tình trạng này không những gây nguy hiểm cho sức khoẻ của các em, mà còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ về hành vi vi phạm pháp luật của những kẻ chăn dắt, dùng đủ mọi thủ đoạn để kiếm tiền trên mồ hôi của những đứa trẻ "ăn chưa no, lo chưa tới".

Ngậm xăng, phun lửa, rồi ngậm cho lửa tắt…

Trong mấy năm gần đây, không khó để bắt gặp hình những đứa trẻ dưới tuổi vị thành niên mưu sinh bằng nghề phun lửa trên những cung đường, những khu phố ở TP.HCM, từ đêm tới rạng sáng.
Dụng cụ hành nghề của các em đơn giản chỉ là lon sữa, chai dầu, thanh kim loại. Từ khoảng 20h, khi dòng người đi chơi bắt đầu đông đúc cũng là lúc các em bắt đầu biểu diễn. Những đứa trẻ ngậm xăng vào họng, phun vào một cây mồi lửa để ngọn lửa bùng lên rực rỡ, rồi lại đưa cây mồi lửa vào họng, ngậm lại cho lửa tắt.
Ông Hồng Đức (phường Phạm Ngũ Lão), chủ một tiệm thuốc trên phố "Tây" Bùi Viện, cho biết nhiều năm nay chứng kiến các em làm đủ nghề mưu sinh như bán kẹo cao su, vé số, trái cây... trên con phố nổi tiếng sầm uất của thành phố. Thế nhưng, ông luôn cảm thấy nghề múa lửa là nguy hiểm nhất.
"Ngậm và hít dầu hôi sẽ ảnh hưởng nhiều tới hệ tiêu hóa, hô hấp, chưa kể nguy cơ bỏng nặng. Tôi thấy thương nên đôi khi cũng cho các em chút tiền. Tuy vậy, tôi không biết số tiền này có đến tay các em hay bị đối tượng chăn dắt lấy mất", - ông Đức nói với phóng viên Zing News.
Sự ái ngại của ông Hồng Đức cũng là nỗi lo của rất nhiều người. Khi nhìn những em bé ở độ tuổi "ăn chưa no, lo chưa tới", người ta vừa thương các em nhỏ phải vất vả kiếm sống, lại vừa lo lòng tốt của mình bị lợi dụng.

"Cho tiền 1-2 lần chưa hẳn là giúp các em. Quan trọng là cơ quan chức năng phải có giải pháp cụ thể để trẻ em được đến trường. Đó mới là điều quan trọng nhất giúp thay đổi tương lai các em", - một thực khách ở đường Vĩnh Khánh chia sẻ.

Hình ảnh lấy ý kiến tham gia của trẻ em vào dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) gây xôn xao mạng xã hội sáng 10/3 - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.03.2023
Lấy ý kiến của trẻ em về dự thảo Luật Đất đai có cần thiết?

Những tổn thương về sức khoẻ

Trao đổi với Zing về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Hải Công, Chủ nhiệm khoa Lao - Bệnh phổi (Bệnh viện Quân y 175) cho biết, việc biểu diễn múa lửa có thể dẫn đến tình trạng tổn thương hệ hô hấp, từ đó gây ra viêm phổi. Tình trạng này chủ yếu xảy ra khi bệnh nhân hít hoặc bị sặc dung dịch xăng, dầu khi ngậm vào miệng trong lúc biểu diễn múa lửa.
Theo vị bác sĩ, đặc tính chung của xăng, dầu là có trọng lượng phân tử nhẹ, dễ bay hơi, sức căng bề mặt thấp. Khi bệnh nhân bị sặc xăng, dầu vào đường hô hấp, các chất này sẽ nhanh chóng khuyếch tán, gây tổn thương lớp nhầy của đường thở. Lúc này, xăng, dầu sẽ kích thích phản ứng viêm, gây tổn thương niêm mạc, gây tổn thương lan rộng màng phế nang mao mạch. Điều này có thể dễ dàng dẫn đến tình trạng viêm phổi, thậm chí phù phổi, suy hô hấp.
Theo ông Công, bệnh viện từng tiếp nhận nhiều trường hợp bệnh nhân viêm phổi do hít phải xăng, dầu. Do phản ứng viêm, người bệnh xuất hiện một số triệu chứng như ho, khó thở, thậm chí ho ra máu, sốt. Từng có trường hợp phải điều trị hồi sức do tình trạng viêm lan rộng ra hai phổi, gây suy hô hấp cấp.
"Không nên ngậm hay biểu diễn xăng, dầu đối với cả người lớn lẫn trẻ em. Bởi đây là hóa chất độc hại, tiềm ẩn nguy hiểm khi người bệnh hít hay nuốt vào đường hô hấp", - chuyên gia khuyến cáo.
TS.BS Nguyễn Hải Công còn cho biết thêm, nếu nuốt xăng, dầu vào dạ dày, nạn nhân có thể bị ngộ độc tiêu hóa, chất độc thấm vào máu gây tổn thương hay ngộ độc hệ thần kinh.
Ông cũng lưu ý những gia đình đang lưu trữ xăng, dầu, người lớn cần đặt các dung môi này ở chỗ xa tầm với, tránh để trẻ em tiếp cận nhằm đảm bảo an toàn.

Vấn đề pháp lý và sự vào cuộc của cơ quan bảo vệ trẻ em

Theo Luật Trẻ em 2016, Việt Nam đang có từ 17 cơ quan bảo vệ, chăm sóc và thực thi những vấn đề chính sách, pháp luật cho trẻ em. Thế nhưng, tình trạng “những đứa trẻ phun lửa” vẫn diễn ra, năm này qua năm khác, như một thách thức trước cơ quan công quyền.
Luật sư Trần Thị Ngọc Nữ, Chi hội trưởng Chi hội luật sư (Hội Bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM), cho biết, về lâu dài, những đứa trẻ hành nghề múa lửa để mưu sinh phải chịu thiệt thòi rất lớn trong sự phát triển chung của xã hội.
Việc thiếu kiến thức văn hóa do phải mưu sinh từ nhỏ bằng nghề nguy hiểm có thể khiến đứa trẻ đường phố bị đưa đẩy, dễ sa vào các tệ nạn xã hội.
"Truyền thông nên quan tâm truyền tải thông điệp bảo vệ quyền trẻ em. Bên cạnh đó, lực lượng chức năng cần làm rõ liệu có ai đứng phía sau bóc lột sức lao động của các em hay không", - Zing dẫn lời bà Nữ cho biết.
Hội bảo vệ quyền trẻ em TP.HCM hiện đang triển khai các chương trình, đảm bảo tư vấn và bảo vệ quyền lợi cho các trường hợp trẻ em bị xâm hại đến quyền cũng như tính mạng, sức khoẻ.
Theo bà Ngọc Nữ, khi biết được trường hợp trẻ em bị lợi dụng múa lửa để đem lợi ích cho người khác, chi hội sẽ phân công người phối hợp và đề nghị cơ quan xử lý, đảm bảo tốt nhất cho trẻ em.
Nữ luật sư cũng đề nghị các địa phương cần kịp thời khảo sát qua mạng lưới tổ dân phố, khu phố... để nắm bắt những trường hợp trẻ em múa lửa mưu sinh. Từ đó, chính quyền địa phương cần đưa ra hướng giúp đỡ, phối hợp để giúp gia đình các em có công việc bền vững. Với trẻ em mồ côi, thiếu người nuôi dưỡng thì cần đưa các em vào trung tâm xã hội để tạo điều kiện, cơ hội học tập.
Trong một bài viết đăng trên tạp chí Người đưa tin hồi cuối năm 2022, nữ nhà văn Tống Phước Bảo cũng từng đặt câu hỏi, làm sao để TP.HCM không còn những đứa trẻ phun lửa, bán sức khỏe mình cho để rồi bị "đám chăn dắt ác ôn" trục lợi.
"Câu hỏi này thiết nghĩ phải là sự chung tay không những từ xã hội mà những cơ quan liên quan đến trẻ em. Cần một giải pháp mạnh mẽ để những đứa trẻ không gặp nguy hiểm và không bị tổn hại tinh thần lẫn thể xác", - nữ nhà văn kết luận.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала