Hạ lãi suất, tiền rẻ nhưng chưa phải dấu hiệu Việt Nam thừa tiền

© AP Photo / Chitose SuzukiĐồng Việt Nam
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.05.2023
Đăng ký
Ngân hàng thiếu tiền tức là nền kinh tế khan tiền, tức là tình hình mua bán gặp khó khăn, vòng quay tiền chậm lại.
Với động thái mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), lãi suất hạ nhiệt chưa phải là dấu hiệu của nền kinh tế thừa tiền.
Liên quan vấn đề lãi suất, trong công điện chiều 26/5, Thủ tướng Phạm Minh Chính tiếp tục yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tìm cách giảm thêm lãi suất.

NHNN hạ lãi suất không phải dấu hiệu nền kinh tế Việt Nam thừa tiền

Nhận định về động thái hạ lãi suất mới nhất của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), chuyên gia kinh tế, TS. Đinh Thế Hiển chia sẻ với Doanh nghiệp và Kinh doanh cho rằng, lãi suất giảm lúc này chưa phải dấu hiệu của nền kinh tế thừa tiền.
Tại thời điểm cuối năm 2022 khi lãi suất tăng, thị trường bất động sản ảm đạm chỉ có một phần là do người mua sợ mức lãi vay cao.
Vấn đề cần lưu ý là khi lãi suất tăng, tức ngân hàng thiếu tiền và phải tăng lãi suất để huy động tiền. Ngân hàng thiếu tiền có nghĩa dòng tiền đang bị kẹt, không xoay được. Nếu doanh nghiệp và người dân kinh doanh, buôn bán thuận lợi, có dòng tiền đều để trả nợ sẽ không xảy ra tình trạng này.
"Tuy nhiên, thời gian vừa qua, rất nhiều chủ thể trên thị trường bất động sản đi vay nhưng không trả nợ đúng hạn nên mới dẫn đến tình trạng ngân hàng bị thiếu tiền", - ông Hiển phân tích.
Chuyên gia chỉ rõ, ngân hàng thiếu tiền tức là nền kinh tế khan tiền, tức là tình hình mua bán gặp khó khăn, vòng quay tiền chậm lại. Còn với động thái mới đây của NHNN, nếu lãi suất giảm do ngân hàng thừa tiền thì thị trường bất động sản sẽ được hưởng lợi.
"Hiện nay dù tình trạng căng thẳng thanh khoản đã được giải quyết nhưng lãi suất hạ nhiệt chưa phải là dấu hiệu của nền kinh tế thừa tiền. Do đó, dòng tiền chưa thể ngay lập tức đổ vào các kênh đầu tư như chứng khoán và bất động sản", - TS. Đinh Thế Hiển nhận định.

"Chỉ lên tivi mới vay được"

Như Sputnik đề cập, chỉ trong vòng chưa đầy 3 tháng, Ngân hàng Nhà nước liên tiếp hạ lãi suất điều hành 3 lần.
Đây được coi là một động thái quyết liệt, kịp thời trong nỗ lực giảm mặt bằng lãi suất cho vay, hỗ trợ doanh nghiệp, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, vì sao bất chấp NHNN kêu gào các nhà băng thương mại hạ lãi suất, bản thân các ngân hàng cũng hứa sẽ hạ lãi cho vay, nhưng doanh nghiệp vẫn kêu khó trời vì khó tiếp cận vốn hay thậm chí là "chỉ vay được trên tivi" dù thời kỳ tiền rẻ đang trở lại?
Trong cuộc trao đổi với báo Lao động, TS. Đinh Thế Hiển chỉ ra rằng, cái khó hiện nay của doanh nghiệp không phải ở vấn đề lãi suất mà khó ở dòng tiền bán hàng.
Cụ thể, lãi suất điều hành giảm khiến lãi suất huy động bắt đầu giảm. Điều đó chứng tỏ cho biết hệ thống ngân hàng không chịu áp lực tăng từ việc huy động vốn. Vấn đề lạm phát và cân đối đều được giải toả.
Tuy nhiên, ở tầm vi mô, doanh nghiệp xuất khẩu khó ở việc đơn hàng xuất khẩu nên họ không có dòng tiền kinh doanh. Doanh nghiệp trong nước khó ở tiêu dùng nội địa.
"Các ngân hàng luôn đặt mục tiêu quản trị rủi ro. Khi nền kinh tế tốt, ngân hàng mời doanh nghiệp cho vay. Nhưng khi các doanh nghiệp gặp khó thì ngân hàng lại né", - ông nói thẳng.
Nhiều ngân hàng vẫn còn vốn và dư nợ tín dụng nhưng cho vay khó bởi các ngân hàng này chỉ cho vay các doanh nghiệp an toàn. Các doanh nghiệp khó khăn, doanh thu sụt giảm, kinh doanh không có lãi, cần vốn thực sự thì khó vay.
"Đó là lý do vì sao vĩ mô tốt dần lên nhưng trong vi mô, một số doanh nghiệp vẫn thấy chưa vay được, mà dường như chỉ lên tivi mới vay được", - ông Hiển chỉ rõ.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.05.2023
‘Cây gậy’ của Ngân hàng Nhà nước mất tác dụng?

Ổn định hệ thống tiền tệ

Trả lời về ý kiến rằng, NHNN đang phải điều hành chính sách tiền tệ đa mục tiêu, trong khi đó, để đạt được tăng trưởng kinh tế thì không thể chỉ dựa vào mỗi CSTT mà cần kết hợp cả tài khoá, TS. Đinh Thế Hiển đưa ra nhiều nhận định đáng chú ý.
Cụ thể, theo chuyên gia, Việt Nam chưa có hệ thống ngân hàng phát triển như một ngân hàng đại chúng thật sự.
"Từ năm 2007 đến nay, sau gần 20 năm nhưng hệ thống ngân hàng chỉ chuyển từ đại gia này sang tay các đại gia khác", - ông nói thẳng.
Theo ông Hiển, thời gian trước, các đại gia đứng sau ngân hàng có thể kể các tên như bà Hứa Thị Phấn, ông Phạm Công Danh, ông Trầm Bê… Một số ngân hàng chưa thực sự theo mô hình đại chúng để điều hành ngân hàng theo hướng quản trị rủi ro từ xa.
Năm 2023, nếu ngân hàng phát triển như một ngân hàng đại chúng thật sự thì đã không lâm vào tình cảnh khó khăn trong điều hoà vốn, không dồn hết vốn vào lĩnh vực bất động sản, dòng vốn đã không khó như thế này. Dòng vốn bị kẹt là do hệ thống ngân hàng chưa phát triển tương xứng với tính thị trường kinh doanh vốn.
Nói về giải pháp, ông Hiển cho rằng, nếu trước đây, vào thời điểm 1997 - 1998 xảy ra cơn bão tài chính châu Á hệ thống ngân hàng đa số thuộc sự quản lý của Nhà nước nên xử lý rất dễ.
"Nay, Việt Nam hội nhập lớn, độ mở kinh tế lớn, xuất khẩu mạnh, hệ thống ngân hàng có nhiều ngân hàng lớn ngoài ngân hàng Big4. Các giải pháp nhà nước chỉ mang tính tương đối chứ không thể áp dụng như trước", - TS. Đinh Thế Hiển bày tỏ.
Thêm nữa, vấn đề đặt ra là nếu hiện nay, Chính phủ cung tiền ra nền kinh tế thì các doanh nghiệp có hấp thụ được không? Doanh nghiệp xuất khẩu nhận nhiều tiền lúc này cũng không hấp thụ được do đơn hàng không có. Doanh nghiệp nội địa cung tiền ồ ạt cũng không tiêu hoá được vì thiếu thị trường tiêu thụ.
"Việc Chính phủ cần làm lúc này là ổn định hệ thống tiền tệ, hỗ trợ hạ tầng trọng điểm. Bản thân doanh nghiệp cần tiết giảm chi tiêu để xoay sở vượt qua giai đoạn khó khăn này", - chuyên gia khuyến nghị.

Thủ tướng yêu cầu NHNN giảm thêm lãi suất

Thủ tướng Phạm Minh Chính vừa ký Công điện số 470/CĐ-TTg ngày 26/5/2023 yêu cầu các Bộ ngành, địa phương tiếp tục thực hiện quyết liệt, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh của người dân, doanh nghiệp.
Công điện nhấn mạnh tình hình kinh tế thế giới đang tiếp tục biến động phức tạp, khó lường, tác động, ảnh hưởng tiêu cực đến sự phục hồi và triển vọng tăng trưởng kinh tế toàn cầu. Ở trong nước còn nhiều khó khăn, thách thức do chịu tác động kép cả từ các yếu tố bên ngoài và những hạn chế, bất cập nội tại của nền kinh tế.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.05.2023
Việt Nam ngược thế giới: Ngân hàng Nhà nước tính toán gì khi hạ lãi suất?
Trong công điện, Thủ tướng đánh giá Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có nhiều nỗ lực để góp phần kiểm soát lạm phát và chỉ đạo hạ lãi suất điều hành nhưng mặt bằng lãi suất, nhất là lãi suất cho vay kịp thời vẫn còn cao, các quy định tiếp cận vốn vẫn khó khăn, các gói hỗ trợ giải ngân chậm…
Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tiếp tục chỉ đạo quyết liệt việc rà soát, chỉ đạo hệ thống ngân hàng thương mại tiết giảm chi phí, ứng dụng chuyển đổi số, tăng cường quản lý hiệu quả, giảm thủ tục hành chính, đẩy mạnh đổi mới sáng tạo… để tiếp tục giảm lãi suất cho vay thiết thực, đúng đối tượng nhằm giải quyết khó khăn cho sản xuất, kinh doanh, nhất là về đứt gãy chuỗi cung ứng và chi phí sản xuất gia tăng, góp phần kết hợp hài hòa, hợp lý, hiệu quả giữa lao động giá rẻ và vốn có chi phí thấp, góp phần giảm chi phí, tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp, tạo điều kiện cho doanh nghiệp vừa phát triển theo chiều rộng, vừa phát triển theo chiều sâu.
Lãnh đạo Chính phủ cũng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước tiếp tục rà soát các gói tín dụng 40.000 tỷ đồng và 120.000 tỷ đồng với các điều kiện cho vay kịp thời, thuận lợi, thông thoáng, linh hoạt, khả thi, hợp lý hơn, đồng thời tăng cường giám sát kiểm tra, không để xảy ra trục lợi chính sách, vi phạm quy định pháp luật.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала