TP.HCM: 4 huyện có thể lên quận trong 10 năm tới

Đến năm 2030, các huyện ở TP.HCM hầu hết không còn làm nông nghiệp. Bốn huyện là Nhà Bè, Bình Chánh, Hóc Môn và Củ Chi cần tìm định hướng phát triển lên quận.
Sputnik

“Đất thì còn nhiều nhưng còn làm nông nghiệp không?”

Ngày 30/11, phát biểu tại Hội nghị lần thứ 34 của Ban Chấp hành Đảng bộ TP.HCM khóa X, Bí thư Thành ủy Nguyễn Thiện Nhân thông tin về tình hình lao động trong lĩnh vực nông nghiệp và nguồn lực đất đai.

Ông Nhân cho biết hiện người lao động trong lĩnh vực nông nghiệp của thành phố ngày càng giảm. 

“Theo nguyên tắc, huyện phải có nhiều đất nông nghiệp và có sản xuất nông nghiệp. Đất thì còn nhiều nhưng còn làm nông nghiệp không”, - Bí thư Nhân đặt câu hỏi.

Ông Nhân cho biết, tại 5 huyện của thành phố, tỷ lệ hộ làm nông nghiệp và diện tích đất nông nghiệp có sự chênh lệch lớn, do đó cần tính toán lại việc quy hoạch đất nông nghiệp và định hướng phát triển của các địa phương. Việc này giúp giải quyết nhu cầu của người dân, phát triển kinh tế nhờ nguồn lực đất đai và tránh các hệ lụy.

Được biết, huyện Củ Chi có diện tích 43.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 14.000 ha - chiếm 32% - nhưng theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 4% hộ dân làm nông nghiệp.

Tại huyện Hóc Môn, diện tích đất là gần 11.000 ha, trong đó đất nông nghiệp 2.200 ha - chiếm 21% - nhưng theo dự báo đến năm 2025 chỉ còn 0,6% hộ dân, đến năm 2030 còn hơn 600 người làm nông nghiệp. 

TP.HCM: 4 huyện có thể lên quận trong 10 năm tới

Bí thư Nhân nhấn mạnh vấn đề của huyện Bình Chánh. Nơi đây có diện tích đất là 25.000 ha, đất nông nghiệp là 7.900 ha chiếm 31%. Đến năm 2025, theo dự báo, huyện này chỉ còn 0,4% hộ dân tại đây sản xuất nông nghiệp. 

Huyện Nhà Bè có diện tích hơn 10.000 ha, trong đó đất nông nghiệp còn 350 ha - chiếm 3%, đến năm 2025 chỉ có 109 hộ làm nông nghiệp - chiếm tỉ lệ 0,1%.

“Nếu có huyện nào lên quận chắc Nhà Bè là đầu tiên vì hầu như không còn hộ nào làm nông nghiệp”, - Bí thư Thành ủy TP.HCM Nguyễn Thiện Nhân nói.

Trong khi đó, huyện Cần Giờ có diện tích đất nông nghiệp, lâm nghiệp chiếm 60%, đến năm 2025 còn khoảng 3.000 hộ làm nông nghiệp, chiếm 18% số hộ. Cần Giờ là địa phương duy nhất của TP.HCM còn tỷ lệ người làm nông nghiệp phù hợp với cơ cấu của một huyện.

Thành phố cần phải quy hoạch chuyển thành đất đô thị

Theo ông Nhân, bài toán của huyện trên địa bàn là người có đất vốn được giao làm nông nghiệp nhưng không làm nông nghiệp nên người dân sẽ chuyển đổi và đang chuyển đổi. Bởi người dân không có nhu cầu làm nông nghiệp, trong khi chờ quy hoạch không được nên xảy ra nguy cơ chuyển đổi đất bất hợp pháp. 

TP.HCM: 4 huyện có thể lên quận trong 10 năm tới
“Thành phố cần phải quy hoạch chuyển thành đất đô thị. Thực hiện việc này, nhà nước sẽ thu được tiền, còn người dân được chuyển đổi đất hợp pháp”, - ông Nhân nói

Từ những lý do trên, Bí thư Nhân yêu cầu trong năm 2019, Chủ tịch UBND của 5 huyện trên cần thảo luận với Sở Nông nghiệp, Sở Công Thương, Sở Quy hoạch Kiến trúc tìm định hướng phát triển trong 10 năm tới. 

“Đến năm 2030, có lẽ chỉ còn Cần Giờ chắc chắn vẫn là huyện, 4 huyện còn lại sẽ phải tính và nếu thấy cần thiết thì phải có lộ trình 10 năm để huyện thành quận hoặc quận có nông nghiệp”, - người đứng đầu Thành ủy TP.HCM chỉ đạo.

Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM vào năm 2017, sau khi ra soát thực trạng kinh tế - xã hội, hạ tầng và các tiêu chí, các huyện Bình Chánh, Nhà Bè, Hóc Môn chỉ còn thiếu một số tiêu chí để đạt điều kiện thành lập quận.

Thảo luận