Căng thẳng Mỹ – Iran: Việt Nam rà soát lao động ở Trung Đông

Trước căng thẳng giữa Mỹ và Iran, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đề nghị các doanh nghiệp rà soát tình hình lao động, việc làm và sinh hoạt của người lao động Việt Nam ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi để lên các phương án ứng phó khi cần thiết.
Sputnik

Đảm bảo an toàn cho người lao động Việt Nam tại Trung Đông

Theo Cục Quản lý lao động ngoài nước, trong những ngày gần đây căng thẳng giữa Mỹ và Iran leo thang có thể dẫn đến xung đột vũ trang ở khu vực Trung Đông – Bắc Phi. Cụ thể, để đảm bảo an ninh, an toàn cho người lao động Việt Nam đang làm việc tại khu vực này, Cục Quản lý lao động ngoài nước đề nghị các doanh nghiệp thực hiện rà soát tình hình lao động, việc làm và sinh hoạt của lao động Việt Nam tại các nước trong khu vực.

Căng thẳng Mỹ – Iran: Việt Nam rà soát lao động ở Trung Đông

Các doanh nghiệp cần lập danh sách số lao động đang làm việc tại các nhà máy, xí nghiệp, công trình; số điện thoại, email, đầu mối liên hệ của các nhóm lao động và cán bộ đại diện doanh nghiệp tại thị trường gửi Ban Quản lý lao động tại địa bàn và Cục Quản lý lao động ngoài nước để theo dõi, quản lý va hỗ trợ khi cần thiết. Mỗi doanh nghiệp phải thiết lập đường dây nóng để theo dõi diễn biến tình hình, có biện pháp ứng phó với các tình huống phát sinh.

Cục Quản lý lao động ngoài nước yêu cầu các doanh nghiệp báo cáo những nội dung nêu trên về Cục trước ngày 13/1/2020.

Lao động sang làm việc tại khu vực Trung Đông có xu hướng giảm

Theo số liệu thống kê từ Cục Quản lý lao động ngoài nước, hiện có khoảng 27.000 lao động Việt Nam đang làm việc ở khu vực Trung Đông, chủ yếu tập trung tại UAE, Ả Rập Saudi, Qatar, Bahrain, Oman. Riêng năm 2019, các doanh nghiệp Việt Nam đưa hơn 1.100 lao động sang làm việc ở khu vực này.

Căng thẳng Mỹ – Iran: Việt Nam rà soát lao động ở Trung Đông

Được biết, với thị trường Trung Đông, lao động Việt Nam chủ yếu sang làm việc trong lĩnh vực xây dựng, cơ khí và giúp việc gia đình.

Những năm gần đây, lao động Việt Nam sang làm việc tại khu vực Trung Đông có xu hướng giảm khi thị trường này không còn là lựa chọn ưu tiên của người lao động do mức lương không quá cao, điều kiện làm việc khắc nghiệt và yếu tố an ninh không đảm bảo.

Thảo luận