Bộ trưởng Tô Lâm: Phát hiện 313 vụ phạm tội tham nhũng

Ngành công an đã chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng.
Sputnik

Quốc hội tiếp tục phiên làm việc kỳ họp thứ 14 với phần trình bày của Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm về công tác phòng ngừa, chống tội phạm và vi phạm pháp luật năm 2020.

Năm 2020, lực lượng công an đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ.

Tội phạm về tham nhũng ít hơn năm ngoái

Bộ trưởng Công an cho biết từ tháng 10-2019 đến nay, Chính phủ đã tập trung xây dựng trình Quốc hội thông qua 21 dự án luật, cho ý kiến sáu dự án luật và ba nghị quyết chỉ đạo công tác đấu tranh, phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, bảo đảm trật tự, an toàn xã hội.

“Thủ tướng và các Bộ trưởng, trưởng ngành, Chủ tịch UBND các địa phương ban hành nhiều chương trình, kế hoạch, công điện chỉ đạo, đôn đốc giải quyết những vấn đề phức tạp nổi lên về an ninh, trật tự; trực tiếp chỉ đạo sâu, sát nhiều vụ án, vụ việc nổi cộm; tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc, góp phần nâng cao hiệu quả công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật” - bộ trưởng Tô Lâm nói.

Về công tác phòng ngừa tội phạm, đến nay Bộ Công an đã bố trí lực lượng công an chính quy đảm nhiệm chức danh công an xã tại 100% các xã trong toàn quốc, góp phần phòng ngừa, giải quyết tình hình ngay từ địa bàn cơ sở.

Hà Nội là “bộ mặt” của Việt Nam: Cần tăng cường kiểm soát quyền lực, chống tham nhũng

Về an ninh quốc gia, Chính phủ đã ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 51 của Bộ Chính trị về “Chiến lược bảo vệ An ninh quốc gia”.

“Qua đấu tranh cho thấy các thế lực thù địch trong và ngoài nước vẫn tiếp tục gia tăng các hoạt động chống phá trên nhiều lĩnh vực, nhất là trong thời điểm tổ chức Đại hội đảng các cấp tiến tới Đại hội đảng toàn quốc lần thứ XIII. Tình hình khiếu kiện diễn biến phức tạp; lộ, lọt bí mật nhà nước trên không gian mạng còn nhiều; tình trạng người nước ngoài nhập cảnh trái phép diễn biến phức tạp” - Bộ trưởng Bộ Công an nói.

Về công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, cơ quan chức năng đã phát hiện 22.105 vụ phạm tội và vi phạm pháp luật về trật tự quản lý kinh tế (nhiều hơn 38,56%), 313 vụ phạm tội, vi phạm pháp luật về tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (ít hơn 2,49%).

Tội phạm liên quan đến dịch COVID-19

Theo bộ trưởng toàn ngành đã tập trung chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án tham nhũng, kinh tế lớn, góp phần duy trì khí thế mạnh mẽ trong công tác phòng, chống tham nhũng; phát hiện xử lý nghiêm các hành vi vi phạm liên quan đến phòng, chống dịch bệnh COVID-19 để trục lợi.

“Qua công tác đấu tranh cho thấy, tội phạm, vi phạm pháp luật về kinh tế, tham nhũng vẫn phức tạp tại một số lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhạy cảm (quản lý, sử dụng đất đai, quản lý tài sản công, đầu tư công, tài chính, ngân hàng, thuế, chứng khoán…).
Ngoài ra phát sinh một số loại tội phạm, vi phạm liên quan đến công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 như thu gom, đầu cơ để tăng giá, buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua biên giới; sản xuất hàng giả là hàng hóa, trang thiết bị phục vụ phòng bệnh, lợi dụng công tác phòng, chống dịch bệnh để trục lợi…" - Bộ trưởng Công an cho hay.

Ông Nguyễn Đức Chung có tên trong báo cáo phòng chống tham nhũng của Chính phủ Việt Nam
Nhận định về kết quả phòng chống tội phạm thời gian qua, theo Bộ trưởng Tô Lâm trong bối cảnh có nhiều khó khăn, thách thức lớn, Chính phủ đã chỉ đạo quyết liệt công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật đạt được kết quả tích cực.

Tuy nhiên ông cũng thừa nhận tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật vẫn còn diễn biến phức tạp. Công tác quản lý nhà nước trên nhiều lĩnh vực còn một số tồn tại, thiếu sót, còn kẽ hở cho tội phạm lợi dụng hoạt động. Công tác phòng ngừa tội phạm chưa mang lại hiệu quả thực chất.

Tỷ lệ giải quyết tin báo, tố giác tội phạm, kiến nghị khởi tố chưa đạt chỉ tiêu đề ra, còn vi phạm trong hoạt động điều tra, xử lý tội phạm; vi phạm hành chính còn diễn ra phổ biến trên các lĩnh vực của đời sống xã hội, công tác quản lý cư trú, hoạt động xuất, nhập cảnh của người nước ngoài tại Việt Nam còn sơ hở, thiếu sót…

5 đại án lớn làm ‘đau đầu’ Ban Chỉ đạo phòng chống tham nhũng của Việt Nam
Theo ông, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế nêu trên chủ yếu là do tình hình thế giới, khu vực diễn biến phức tạp, nhất là đại dịch Covid-19 đã tác động mạnh đến tình hình trong nước. Ngoài ra hệ thống các văn bản pháp luật vẫn đang được hoàn thiện; các nguồn lực cho công tác phòng, chống tội phạm, vi phạm pháp luật chưa đáp ứng yêu cầu thực tiễn.

Cạnh đó trình độ nghiệp vụ, tinh thần trách nhiệm của một số cán bộ thực thi pháp luật còn hạn chế, thậm chí có sai phạm, tiêu cực trong thực hiện nhiệm vụ... làm ảnh hưởng đến hiệu lực, hiệu quả thi hành pháp luật.

Theo đó, Chính phủ đã đề ra 9 giải pháp để tăng cường công tác phòng chống tội phạm, khắc phục những hạn chế tồn tại trong công tác này. Trong đó, có việc tập trung xây dựng, hoàn thiện thể chế, cơ chế, chính sách pháp luật về phòng chống tội phạm; thực hiện các giải pháp phòng ngừa; mở đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm.

Thảo luận