Sự kiện ‘thiên nga đen’ và tâm lý đám đông kéo chứng khoán Việt Nam suy giảm kỷ lục

© Sputnik / Dmitry Makeev / Chuyển đến kho ảnhThiên nga đen
Thiên nga đen - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.11.2022
Đăng ký
Hiệu ứng “thiên nga đen”, tâm lý đám đông đẩy thị trường chứng khoán Việt Nam giảm kỷ lục, tiếp tục rơi vào vòng xoáy biến động phức tạp. Đà bán tháo cổ phiếu nhóm bất động sản, hàng loạt cuộc call-margin bán giải chấp để thu hồi vốn cho thấy sự bất an của nhà đầu tư.
Trước hết, cần phải hiểu, hiệu ứng “Thiên nga đen” là gì. “Thiên nga đen” là thuật ngữ được dùng để chỉ một sự kiện xảy ra ngoài tầm dự đoán về một tình huống thông thường và có khả năng để lại những hậu quả nghiêm trọng.
Một sự kiện “thiên nga đen” có xác suất xảy ra vô cùng hiếm, song để lại hậu quả nặng nề và chỉ được ý thức một cách muộn màng khi nó đã thực sự xảy ra. Khái niệm “thiên nga đen” - Black Swan - được đặt ra bởi một giáo sư tài chính, cựu thương nhân phố Wall, Nassim Nicholas Taleb.

“Thiên nga đen” và tâm lý đám đông

Hiệu ứng “thiên nga đen” và “tâm lý đám đông” bao trùm lên thị trường chứng khoán Việt.
Giới phân tích cho rằng, áp lực bán tháp, giải chấp tăng cao trong quá trình thị trường giảm điểm đồng thời xen với nhiều biến động thời gian qua như xu hướng tăng lãi suất, thắt chặt nguồn vốn tín dụng, tăng cường xử lý các vi phạm về trái phiếu, chứng khoán, bất động sản, gây ra tâm lý tiêu cực của nhà đầu tư.
Đối với thị trường chứng khoán Việt Nam, các sự kiện “thiên nga đen” và tâm lý đám đông thời gian qua đã khiến cổ phiếu của không chỉ các doanh nghiệp có vi phạm (FLC, Tân Hoàng Minh, Vạn Thịnh Phát…) mà nhiều cổ phiếu cùng lĩnh vực khác đều bị bán tháo vì “tâm lý đám đông”, “tâm lý mỏng manh” lo ngại, thận trọng sẽ có các đợt xử lý lan rộng.
Diễn biến của thị trường chứng khoán cũng do đó mà khó lường và tiêu cực. Vòng xoáy khủng hoảng càng sâu hơn khi thị trường thiếu các lực cầu sau khi hàng loạt công ty chứng khoán đua nhau xử lý bán giải chấp cổ phiếu margin để thu hồi vốn.
Tính đến cuối tháng 10/2022, thị trường chứng khoán Việt Nam được ước tính đã giảm 31,3% điểm kể từ đầu năm – mức giảm của hệ số P/E ước tính năm 2022 của Vn-Index cũng tương đương mức 31,3% cho thấy xu hướng yếu đi của lợi nhuận trong tương lai trước đà càn quét của lạm phát, lãi suất tăng cao.
Chứng khoán SSI ước tính cho biết, hệ số định giá P/E năm 2022 và 2023 trên VN-Index hiện nay đang ở mức 9,8 lần và 8,3 lần vào ngày 2/11. Đồng thời, theo Dòng vốn kinh doanh dẫn số liệu của SSI cho thấy, diễn biến của thị trường chứng khoán Việt Nam trong tháng 9 và tháng 10 cho thấy tâm lý nhà đầu tư đã xuống mức rất thấp trước các sự kiện “thiên nga đen” trong nước cũng như khả năng thị trường đã rơi vào trạng thái quá bán.
Theo SSI, thông thường, tâm lý bi quan thái quá có thể chỉ là một chỉ báo gợi ý thị trường sẽ có các nhịp hồi phục tạm thời sau đó. Tuy vậy, diễn biến hiện tại của các yếu tố tác động lớn như tỷ giá, xu hướng tăng lãi suất kể cả rủi ro thanh khoản trên thị trường trái phiếu doanh nghiệp chưa thể hỗ trợ thị trường cổ phiếu có nhịp phục hồi bền vững.
TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV vừa công bố báo cáo về thị trường chứng khoán Việt Nam, trong đó, có bàn đến nguyên nhân vì sao VN-Index sụt giảm nghiêm trọng cũng như giải pháp có thể hướng đến để tìm “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.
Theo báo cáo, trong bối cảnh kinh tế vĩ mô trong nước tương đối tốt và ổn định so với thế giới, sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp cũng tương đối khả quan, song gần đây thị trường chứng khoán Việt Nam có xu hướng sụt giảm mạnh, khiến người dân cũng như các nhà đầu tư có phần hoang mang, lo lắng.
Tâm lý bất ổn của nhiều nhà đầu tư có thể dẫn đến những phản ứng thái quá, gây ra những hệ lụy tiêu cực cho bản thân nhà đầu tư, thị trường tài chính cũng như nền kinh tế nói chung.
Theo TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu, sự sụt giảm của thị trường chứng khoán trong nước đang trái ngược với diễn biến kinh tế vĩ mô của Việt Nam năm 2022, khi tăng trưởng đạt mức cao, GDP quý III/2022 tăng 13,67% so với cùng kỳ năm trước, và GDP chín tháng đầu năm 2022 tăng 8,83% so với cùng kỳ năm trước, là mức tăng cao nhất của chín tháng trong giai đoạn 2011-2022.
Lạm phát kiểm soát ở mức thấp (CPI bình quân tăng khoảng 3,3%) so với thế giới (8,8%). Tình hình sản xuất - kinh doanh, khả năng sinh lời của doanh nghiệp niêm yết cũng tương đối khả quan.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.11.2022
SCB làm việc với Bộ Công an, Chứng khoán Tân Việt về trái phiếu doanh nghiệp
Số liệu từ báo cáo tài chính cho thấy lợi nhuận trước thuế của 200 doanh nghiệp lớn nhất trên thị trường chứng khoán Việt Nam trong 9 tháng đầu năm 2022 tăng 22% so với cùng kỳ. Vậy tại sao thị trường sụt giảm mạnh trong bối cảnh kinh tế khá tích cực như vậy?

Vì sao chứng khoán Việt Nam suy giảm mạnh?

Lý giải nguyên nhân thị trường chứng khoán Việt Nam sụt giảm mạnh, TS. Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu nhận định, có nhiều lý do dẫn đến xu hướng sụt giảm nghiêm trọng thời gian qua.
Thứ nhất, thị trường đang bước vào giai đoạn điều chỉnh giảm mạnh sau hơn 2 năm tăng khá nóng, rủi ro, thách thức gia tăng đối với nền kinh tế toàn cầu cũng như Việt Nam, dòng tiền đổ vào thị trường chứng khoán Việt Nam cũng sụt giảm mạnh, áp lực giải chấp tăng lên.
Bên cạnh các yếu tố kỹ thuật hay dòng tiền, niềm tin của nhà đầu tư “đang bị khủng hoảng nặng nề”, theo TS. Cấn Văn Lực, cũng như tâm lý đám đông đang gây trạng thái bi quan quá đà. Các chuyên gia nhìn nhận, niềm tin của nhà đầu tư chứng khoán hiện đang giảm mạnh.
“Những vụ việc vi phạm pháp luật, khởi tố lãnh đạo của một số doanh nghiệp lớn cùng các biện pháp chấn chỉnh thị trường chứng khoán và bất động sản trong thời gian qua, tin đồn thất thiệt trên mạng xã hội “được coi là các sự kiện thiên nga đen” với thị trường tài chính”, TS. Cấn Văn Lực nêu quan điểm.
Đặc biệt, không chỉ cố phiếu của các doanh nghiệp vi phạm mà còn cả các cổ phiếu khác cũng bị bán tháo do tâm lý lo ngại, thận trọng lan rộng, dẫn đến nhiều giá cổ phiếu giảm sàn.
“Tâm lý thận trọng, ngại rủi ro tăng lên dẫn đến nhiều nhà đầu tư lựa chọn những kênh đầu tư ít rủi ro hơn, an toàn hơn”, chuyên gia lưu ý việc này dẫn đến hiện tượng thị trường "ngủ đông" với giá trị giao dịch bình quân mỗi phiên trên sàn HoSE trong 6 tháng gần nhất chỉ đạt khoảng 15.000 tỷ VND, riêng tháng 10/2022 chỉ đạt 10.200 tỷ VND/phiên (giảm 40-50% so với mức bình quân hơn 21.000 tỷ VND/phiên năm 2021).
Cùng với đó, việc thanh khoản thị trường sụt giảm mạnh tạo ra vòng xoáy tác động tiêu cực đến tâm lý nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu (lo không bán được), sẵn sàng bán bằng mọi giá, từ đó kéo giá cổ phiếu tiếp tục giảm sâu.
“Chất lượng nhà đầu tư còn thấp và tâm lý đám đông là một khó khăn mà thị trường chứng khoán Việt Nam đã và đang đối mặt”, báo cáo của TS.Cấn Văn Lực và nhóm nghiên cứu chỉ rõ.
Chuyên gia nhận xét, tác động của tâm lý đám đông trên thị trường chứng khoán Việt Nam còn đặc biệt mạnh hơn so với những quốc gia khác. Nguyên nhân là do cơ cấu nhà đầu tư ở Việt Nam có điểm khác biệt khi nhà đầu tư cá nhân chiếm tới 80% giao dịch trên thị trường (trong khi tỉ lệ này ở những quốc gia phát triển chỉ khoảng 40–50%). Theo thống kê, nhà đầu tư cá nhân cũng chiếm tỷ trọng khá lớn, nắm giữ 33% lượng trái phiếu doanh nghiệp tại Việt Nam, trong khi ở Ấn Độ là 5%, Hàn Quốc là 1%...).
“Đặc điểm của nhóm nhà đầu tư cá nhân là đưa ra quyết định đầu tư đôi khi không dựa trên lý trí hay phân tích tài chính kỹ lưỡng, mà chủ yếu theo đám đông, thậm chí là tin đồn”, chuyên gia bày tỏ.
Cùng với đó, tỷ lệ sử dụng đòn bẩy tài chính khá cao cùng với tâm lý đám đông, đã tạo ra vòng xoáy giá xuống – bán giải chấp, khiến thị trường càng chịu áp lực bán mạnh mỗi khi có sự điều chỉnh.
Nhóm nghiên cứu cũng nhấn mạnh, thị trường chứng khoán Việt Nam cũng đã xuất hiện tình trạng một số doanh nghiệp thổi giá dẫn đến bị khởi tố, khiến nhà đầu tư mất niềm tin vào những đánh giá, phân tích khách quan.
“Họ thường xuyên chuyển đổi trạng thái rất nhanh từ "hưng phấn quá mức" đến "bi quan quá đà" mỗi khi thị trường có điều chỉnh”, kết quả đánh giá chỉ rõ.
Trong khi đó, Fiinpro, dư nợ cho vay ký quỹ của các công ty chứng khoán tính đến cuối quý 3/2022 ở mức 165.000 tỷ VND (mặc dù giảm 18% so với cuối năm 2021, song vẫn là mức khá cao so với giai đoạn trước năm 2019). Với lãi suất tăng, nghĩa vụ trả nợ tăng, giá cổ phiếu giảm mạnh, một số nhà đầu tư sở hữu nhiều cổ phiếu đã phải bán giải chấp (hiện tượng force sell) để bù đắp phần sụt giảm của giá cổ phiếu dùng thế chấp cho các khoản vay ký quỹ, cũng là để hạ tỷ lệ nợ về mức an toàn theo quy định.
Vòng xoáy giải chấp này đã diễn ra rất mạnh trong tháng 10 vừa qua và tiếp tục kéo sang tháng 11 khi mới đây hàng loạt Chủ tịch các doanh nghiệp lớn cũng bị bán giải chấp.

“Ánh sáng nơi cuối đường hầm”

Bàn về triển vọng thị trường hết năm 2022, và 2023, chuyên gia vẫn tin rằng, sẽ có “ánh sáng nơi cuối đường hầm”.
Theo TS. Cấn Văn Lực cùng nhóm nghiên cứu Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, bất chấp những khó khăn, rủi ro và thách thức khiến thị trường sụt giảm mạnh thời gian qua, thị trường chứng khoán Việt Nam vẫn có triển vọng phục hồi trong tháng cuối năm 2022 và tăng trưởng tích cực hơn năm 2023 (khoảng 15-20%).
TS. Cấn Văn Lực cùng các chuyên gia đưa ra 5 động lực chính. Thứ nhất, kinh tế Việt Nam năm 2023 dự báo tăng trưởng chậm lại, song vẫn ở mức khá cao- khoảng 8% năm 2022 và 6-6,5% năm 2023, trong bối cảnh nhiều kinh tế toàn cầu đang gặp nhiều khó khăn và đứng trước nguy cơ suy thoái.
Thứ hai, các nền tảng kinh tế vĩ mô và cân đối lớn cơ bản được giữ vững, trong tầm kiểm soát. Cụ thể, Việt Nam vẫn giữ được các nền tảng kinh tế vĩ mô như lạm phát ở mức khá thấp, lãi suất và tỷ giá tăng trong tầm kiểm soát. Tính đến ngày 31/10/2022, tỷ giá đã tăng khoảng 8,85%, tức là VND đã mất giá 8,85% so với USD, tính từ đầu năm.
Tương tự, CPI bình quân 10 tháng đầu năm tăng 2,89% so cùng kỳ, cả năm 2022 dự báo tăng khoảng 3,3% (bình quân toàn cầu là 8,8%) và năm 2023 khoảng 4-4,5% (bình quân toàn cầu khoảng 6,5%). Nợ công, nợ nước ngoài, thâm hụt ngân sách và nghĩa vụ trả nợ của Chính phủ dù trong xu hướng tăng lên trong trung hạn nhưng cơ bản vẫn trong ngưỡng an toàn.
Рыбацкая лодка в море - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.11.2022
Giảm hơn 40 điểm: Chứng khoán Việt đưa nhà đầu tư "ra đảo xa"
Thứ ba, nền kinh tế thực, nhất là hoạt động của doanh nghiệp cơ bản vẫn khả quan, dù khó khăn hơn. Lợi nhuận trước thuế của trên 200 doanh nghiệp niêm yết trong 9 tháng đầu năm tăng 22% so cùng kỳ, cả năm 2022 dự báo tăng khoảng 18% và năm 2023 dự báo tăng khoảng 10-15%.
Thứ tư, các tổ chức xếp hạng tín nhiệm quốc tế đánh giá triển vọng Việt Nam ở dạng "tích cực" trong trung hạn. Điển hình, như cuối tháng 10, Fitch Ratings xếp hạng nhà phát hành ngoại tệ dài hạn của Việt Nam ở mức BB với triển vọng tích cực. Moody’s cũng đã nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam từ mức Ba3 lên mức Ba2, với triển vọng ổn định do đánh giá cao sức mạnh nội tại của kinh tế Việt Nam và khả năng chống chịu tốt hơn của nền kinh tế (như Sputnik đã thông tin trước đó).
Thứ năm, giá chứng khoán Việt Nam đang ở mức khá hấp dẫn khi chỉ số PE của thị trường đang ở vùng trũng thấp sau thời gian điều chỉnh giảm. Theo đó, chỉ số PE của VNIndex hiện đang ở mức 10,2, ngang với vùng đáy lịch sử trong giai đoạn dịch Covid-19, thấp hơn so với hầu hết các thị trường khác trên thế giới.
TS. Cấn Văn Lực lưu ý, ở đây, vấn đề nghiêm trọng nhất của thị trường chứng khoán Việt Nam chính là “sự suy giảm niềm tin”. Do đó, các chuyên gia kiến nghị cơ quan chức năng, chủ thể phát hành, cần nhanh chóng giải quyết, đảm bảo quyền lợi chính đáng của nhà đầu tư, xử nghiêm cũng như giải quyết kịp thời các vụ việc vi phạm quy định, tung tin đồn thất thiệt trên thị trường chứng khoán vừa qua.
Các chính sách, giải pháp cần nhất quán, rõ ràng, có lộ trình và công khai cập nhật tình hình triển khai. Về lâu dài, cần xây dựng và nhất quán thực hiện chương trình giáo dục tài chính để nâng cao năng lực của nhà đầu tư, giúp họ đưa ra quyết định đầu tư, sử dụng đòn bẩy tài chính hợp lý, giảm thiểu tâm lý đám đông.
“Chú trọng phát triển nhà đầu tư cá nhân và tổ chức chuyên nghiệp, phát triển các quỹ đầu tư, quỹ hưu trí, quỹ tín thác bất động sản…. Các quỹ này cũng có thể đóng vai trò dẫn dắt thị trường, hạn chế tình trạng tăng nóng hay giảm sâu do sự hứng phấn hay bi quan quá mức của một số nhà đầu tư”, chuyên gia kiến nghị.
Việt Nam cũng cần quan tâm kiểm soát rủi ro hệ thống, có tính liên thông giữa ngân hàng – chứng khoán – bảo hiểm - bất động sản. Thực tiễn chứng minh 4 lĩnh vực này có mối quan hệ tương tác qua lại chặt chẽ với nhau.
“Một số vụ việc vi phạm trên thị trường chứng khoán vừa qua đã cho thấy tính phức tạp, liên thông trong mối quan hệ này, các cơ quan chức năng cần tăng cường phối hợp chính sách hiệu quả, nhìn nhận các hiện tượng, trao đổi thông tin và quản lý, giám sát hệ thống tài chính – BĐS trong mối quan hệ tổng thể, trước mắt và lâu dài, thay vì rời rạc, cục bộ, giật cục và ngắn hạn”, nhóm nghiên cứu nhấn mạnh.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала