VOV & VTC phát hiện hàng trăm trường hợp vi phạm bản quyền ASIAD 2018

Chỉ sau 2 ngày chính thức lên sóng ASIAD 2018, VOV và VTC đã phát hiện rất nhiều trường hợp vi phạm bản quyền, - Goal/VN cho biết.
Sputnik

Theo nguồn tin từ Đài Truyền hình Kỹ thuật số VTC, chỉ sau 2 ngày chính thức lên sóng ASIAD 2018, đơn vị này đã phát hiện 260 trường hợp vi phạm bản quyền ASIAD 2018, nhiều nhất là trên Facebook lên đến 185 tài khoản vi phạm, trên YouTube cũng phát hiện 35 kênh vi phạm và 38 trang web phát lậu cũng bị nhóm rà soát đưa vào danh sách vi phạm bản quyền. Hình thức vi phạm chủ yếu là phát trực tiếp (livestream) các môn thi đấu trong khuôn khổ ASIAD, chủ yếu là các môn có vận động viên Việt Nam thi đấu.

HLV Alfakeer Muhannad (Olympic Syria): ‘Việt Nam rất giỏi phá lối chơi của đối phương!’

Đặc biệt, trong trận Olympic Việt Nam gặp Olympic Bahrain tối 23.8 bùng phát hiện tượng nhiều kênh phát lậu cả trên web, YouTube và Facebook. Có tới 130 link YouTube và Facebook livestream trận đấu hôm đã bị đội ngũ của VTC phát hiện và report.

Theo ông Nguyễn Lê Tân, Phó Giám đốc Trung tâm Nội dung số — Đài VTC, trong hai ngày đầu tiên lên sóng ASIAD, VTC đã ghi nhận tương đối nhiều kênh phát lậu. Trước đó, VTC đã chủ động làm việc với YouTube để thiết lập chế độ chặn tự động với các tài khoản tại Việt Nam vi phạm bản quyền. Tuy nhiên, rất nhiều tài khoản vẫn cố tình dùng thủ thuật lách bộ lọc tự động của YouTube.

Họ lấy nhiều luồng tín hiệu khác nhau, lúc thì VTC3, lúc VTC1, lúc lại lấy từ VOVTV hoặc từ ngoài lãnh thổ Việt Nam. Sau đó họ tìm các cách xử lý về âm thanh, hình ảnh để bộ lọc của YouTube không thể tức thì phát hiện. VTC bắt buộc phải kết hợp cả report thủ công để ngăn chặn triệt để hơn.  

Cú hẫng cần thiết của Olympic Việt Nam

Trước đó, khi VOV/VTC chưa có bản quyền ASIAD, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã rà soát và phát hiện một số trang có tên miền.vn đã phát trực tiếp (livestream) hai trận đấu đầu tiên của Olympic Việt Nam với Pakistan và Nepal. Cục đã gửi văn bản cho 3 doanh nghiệp của Việt Nam có cung cấp dịch vụ hosting cho các trang web để yêu cầu rà soát tính pháp lý và đảm bảo nội dung cung cấp phù hợp với quy định của pháp luật về quản lý nội dung thông tin trên Internet và nội dung truyền hình.

Cụ thể, Cục Phát thanh truyền hình và Thông tin điện tử đã yêu cầu VNG thực hiện rà soát đối với trang talktv.vn, FPT rà soát trang bongdapro.vn, công ty Long Vân Soft Solution JSC rà soát trang tv.beeb.vn và báo cáo về Cục trước ngày 27.8.2018. Nếu xác minh được vi phạm của các trang này sẽ tiếp tục có biện pháp xử lý.

Thảo luận