Người đóng thuế thu nhập cá nhân không được mua nhà xã hội: Đại biểu QH nói gì?

HÀ NỘI (Sputnik) - Liên quan đến đề xuất công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp nếu thuộc diện phải nộp thuế thu nhập sẽ không được mua nhà ở xã hội, nhiều đại biểu Quốc hội cho rằng việc giới hạn như vậy không phù hợp.
Sputnik
Thẩm tra về nội dung này, Uỷ ban Pháp luật cho biết, một số ý kiến đề nghị cân nhắc không áp dụng chính sách này đối với nhóm "người lao động có thu nhập thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân" để bảo đảm việc thực thi chính sách hướng đến nhóm người có thu nhập thấp, có khó khăn về chỗ ở.
Liên quan đến vấn đề này, thảo luận tại tổ, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, Thành ủy viên, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội TPHCM cho rằng: Tại Khoản 6, Điều 73 của dự thảo Luật Nhà ở sửa đổi, tôi đề nghị quy định theo hướng, công nhân, người lao động có thu nhập không thuộc diện phải nộp thuế thu nhập theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân được quyền mua nhà ở xã hội để đảm bảo mọi công nhân và người lao động các loại hình doanh nghiệp đều được hưởng chính sách được mua nhà ở xã hội.
Kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV: Thảo luận tổ về dự án Luật Nhà ở (sửa đổi)
Bà Tuyết cho rằng: Quy định công nhân đang làm việc tại công ty trong khu công nghiệp là đối tượng được xem xét mua nhà ở xã hội nếu đảm bảo họ không phải là đối tượng nộp thuế thu nhập cá nhân là quy định không áp dụng được!
Chính vì vậy, bà Tuyết kiến nghị Quốc hội cần xem xét điều mức đóng và nâng mức giảm trừ gia cảnh cá nhân vì nhiều công nhân, người lao động cho biết mức đóng bảo hiểm xã hội đã lạc hậu, và phần thu nhập của người lao động hiện cao hơn mức họ nộp thuế thu nhập cá nhân.
"Cần xem xét lại quy định về mức thu nhập cá nhân phải đóng thuế thu nhập cá nhân hiện nay, vì theo ý kiến của rất nhiều công nhân, người lao động, quy định này đến thời điểm hiện nay đã lạc hậu. Phần thu nhập của người lao động có thể vượt mức để phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhưng với thu nhập đó, họ phải nuôi thêm 2 đứa con. Và mức chi phí hiện nay cho các hàng hóa đảm bảo thiết yếu đảm bảo cho đời sống của họ thì lại không có dư. Nếu giữ quy định này, họ sẽ không có tiền để mua nhà được. Do đó, cần xem xét điều chỉnh phù hợp, tạo điều kiện cho công nhân, người lao động có cơ hội sở hữu nhà của riêng mình", bà Tuyết đề nghị.
Việt Nam sẽ xây 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp
Tương tự, đại biểu Trần Thị Hồng Thanh (Ninh Bình) cũng cho rằng có những đối tượng có thể vẫn nộp thuế thu nhập cá nhân, nhưng họ sống ở các thành phố lớn như Hà Nội, TP.HCM tiêu dùng đắt đỏ.
Trong khi đó, các thành phố có giá nhà cao, công nhân, người lao động không đủ tích lũy để trở thành đối tượng này được hưởng cơ chế mua nhà ở xã hội. Vì vậy, nếu đưa ra quy định này là không phù hợp.
Nữ đại biểu dẫn chứng thêm, quy định mức giảm trừ gia cảnh 11 triệu đồng/tháng và mỗi người phụ thuộc là 4,4 triệu đồng/tháng duy trì từ năm 2020 đến nay đã lỗi thời.
Trong khi các mặt hàng tiêu dùng, chi phí sinh hoạt đã tăng, nên sẽ là áp lực rất lớn cho người dân trong chi tiêu, đặc biệt tại các thành phố lớn, chứ chưa nói đến việc mua nhà.
Do đó, đại biểu Thanh cho rằng cần mở thêm đối tượng để gia tăng việc tiếp cận nhà ở xã hội, đảm bảo tính linh hoạt hơn.
Cũng liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Trần Hoàng Ngân, (đoàn đại biểu Quốc hội TP.HCM) cho rằng, nên mở phạm vi cho người lao động thuộc diện phải đóng thuế thu nhập cá nhân được mua nhà ở xã hội là hợp lý bởi hiện nay ngưỡng đóng thuế thu nhập thấp, trong khi họ phải đóng mức giảm trừ gia cảnh (vợ con), đáng lẽ ra cần phải biểu dương trong xã hội.
Thêm nữa, ông nói quy định đối tượng công nhân trong khu công nghiệp sẽ bỏ sót 80-90% đối tượng công nhân, người lao động được hưởng chính sách. Ông đề nghị bổ sung vào dự thảo áp dụng cho tất cả công nhân.
Cũng theo ông Ngân, trong khi dự án nhà ở xã hội bán và cho thuê xây dựng ít ỏi, nhà trọ của người dân đang đóng vai trò quan trọng trong việc giải quyết chỗ ở cho công nhân, người lao động ở các thành phố lớn.
Bộ Xây dựng yêu cầu Đồng Nai chịu trách nhiệm cho các vướng mắc liên quan đến dự án NƠXH
Do vậy, ông Ngân đề nghị quy định vấn đề nhà trọ vào trong luật để chuẩn hóa đầu tư nhà trọ, vừa huy động sức dân vào đầu tư mô hình này, vừa đảm bảo người lao động được thuê những phòng trọ đảm bảo chất lượng sinh hoạt tối thiểu.
Đại biểu Bùi Sỹ Hoàn (đoàn Hải Dương) cho biết, về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, khoản 6 Điều 73 quy định công nhân, người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong khu công nghiệp được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội.
Đại biểu cho rằng, hiện nay, các cụm doanh nghiệp đang xuất hiện nhiều, phát triển nhanh, thu hút nhiều lao động. Để đảm bảo đủ điều kiện cần thiết đáp ứng nhu cầu về nhà ở xã hội, cần bổ sung thêm đối tượng công nhân, người lao động, chuyên gia đang làm việc tại các doanh nghiệp tại các cụm công nghiệp.
Đại biểu phản ánh, thực tế hiện nay việc đáp ứng nhu cầu nhà ở của công nhân trong các khu công nghiệp đều được triển khai, thu hút đầu tư xây dựng nhà ở xã hội theo Luật Nhà ở năm 2014. Việc đáp ứng nhu cầu thuê của doanh nghiệp, công nhân là việc rất quan trọng.
Thảo luận