Đã đến lúc Việt Nam phá giá tiền Đồng?

© AFP 2023 / Hoang Dinh NamViệt Nam đồng.
Việt Nam đồng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.10.2022
Đăng ký
Đồng bạc xanh đô la Mỹ (USD) tăng không ngừng, khiến ngân hàng Trung ương nhiều nước buộc phải can thiệp tiền tệ, với quốc gia tăng trưởng thiên về xuất khẩu như Việt Nam, liệu đã đến lúc Ngân hàng Nhà nước phải chọn ‘nước cờ’ mạo hiểm hơn, phá giá đồng nội tệ VND?
Theo chuyên gia Nguyễn Minh Tuấn, CEO của AFA Capital, công ty chuyên về giải pháp tài chính doanh nghiệp và quản lý tài chính cá nhân, cho rằng chưa đến lúc phải phá giá tiền đồng mà cần kiểm soát thị trường liên ngân hàng và thị trường tự do thông qua trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng.

Đồng Việt Nam tiếp tục sụt giảm

Trong bối cảnh đồng bạc xanh Hoa Kỳ tăng quá mạnh và chưa có dấu hiệu chững lại, đồng nội tệ của Việt Nam tiếp tục sụt giảm.
Tỷ giá trung tâm hôm nay (3/10) được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Việt Nam công bố ở mức 23.412 VND/USD, tăng 12 đồng so với mức niêm yết chốt phiên hôm thứ Sáu tuần trước.
Áp dụng biên độ 3%, hiện tỷ giá USD các ngân hàng thương mại (NHTM) được phép giao dịch là từ 22.710 - 24.114 VND/USD. Tỷ giá bán tham khảo tại Sở giao dịch NHNN được duy trì ở mức mới là 23.925 VND/USD.
Các nhà băng thương mại của Việt Nam hôm nay có sự điều chỉnh tỷ giá khá trái chiều – tăng có giảm có. Điển hình như VietinBank và Techcombank nâng từ 7 đến 15 đồng ở cả hai chiều mua bán. Đáng kể hơn có Sacombank với 30 đồng ở giá bán. BIDV hạ tỷ giá xuống 10 đồng so với mức niêm yết kết phiên tuần qua.
Giá mua USD hiện nằm trong khoảng từ 23.700 – 23.723 VND/USD, còn khoảng bán ra ở mức 24.000 – 24.050 VND/USD. Trong đó, Techcombank có giá mua USD cao nhất còn giá bán USD thấp nhất thuộc về BIDV và Eximbank. Các ngân hàng ACB và Sacombank lần lượt niêm yết tỷ giá USD giao dịch bằng tiền mặt ở mức 23.750-24.050 đồng/USD và 23.765-24.060 đồng/USD.
Tính chung, so với cuối năm 2021, giá USD ngân hàng đã tăng khoảng 1.120 đồng/USD, tương đương tăng 4,9%. Trong khi đó, chỉ tính riêng từ tháng 9, giá USD đã tăng 1,8%. Mức tăng này đã vượt dự báo của nhiều nhóm phân tích về biến động tỷ giá VND/USD trong năm 2022, cho thấy sức nóng trên thị trường ngoại hối.
Trên thị trường tự do, giá USD tăng khá cao, được giao dịch quanh mốc 24.150 - 24.200 VND/USD.

Đã đến lúc Việt Nam phá giá VND?

Hiện đa số chuyên gia cho rằng, VND có thể mất giá 4-5% trong năm nay.Như Sputnik đã thông tin, trong tuần trước, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã có động thái mới trong điều hành tỷ giá là tăng giá bán USD lên 23.925 đồng.
Tính từ đầu năm đến nay, NHNN đã tăng tỷ giá đồng nội tệ của Việt Nam thêm 905 đồng, tương đương tăng 3,9%.
Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) nhận định, không loại trừ kịch bản xấu hơn đối với đà mất giá của tiền Đồng Việt nam đang xảy ra với việc chỉ số đồng USD tiếp tục tăng cao. Cùng với đó, kịch bản mất giá với tiền Đồng mà VDSC kỳ vọng cho cả năm 2022 khi đồng USD tăng mạnh là từ 4-5%.
Số liệu từ Tổng cục Thống kê công bố, GDP quý III/2023 tăng cao, đạt 13,67%, góp phần đưa tăng trưởng 9 tháng đầu năm đạt 8,83% (cao nhất từ năm 2011 đến nay). Tuy nhiên, tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam lại giảm (theo Tổng cục Thống kê, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa tháng 9/2022 ước đạt 29,94 tỷ USD, giảm 14,3% so với tháng trước), do đó, có ý kiến cho rằng đã đến lúc phải phá giá VND để hỗ trợ tăng trưởng xuất khẩu. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra ở đây là liệu phá giá đồng tiền có tốt cho xuất khẩu hay không?
Chia sẻ về vấn đề này tại talkshow “Tỷ giá toàn cảnh”, CEO AFA Capital Nguyễn Minh Tuấn cho rằng phải hiểu về cơ chế điều hành tỷ giá của Việt Nam, thì mới đưa ra nhận định phá giá hay không phá giá tiền đồng. Theo Doanh nghiệp và Kinh doanh dẫn phân tích của ông Tuấn cho hay, mức độ linh hoạt trong cơ chế điều hành tỷ giá sẽ phụ thuộc vào nền kinh tế, vốn hóa của nền kinh tế cũng như mức độ tham gia vào thương mại thế giới.
Trên thế giới, nhiều quốc gia có thương mại và kiểm soát dòng vốn thoải mái, thì họ đã thả nổi hoàn toàn tỷ giá như Mỹ, Nhật Bản. Một số trường hợp đồng nội tệ quá yếu và đã bị USD hóa hoàn toàn. Bên cạnh đó là những liên minh tiền tệ như EU, hoặc một số đồng tiền neo cố định như trường hợp của Hong Kong hay Brunei. Trong khi đó, hầu hết nước Đông Nam Á hay Đông Á điều hành tỷ giá theo cơ chế thả nổi có quản lý.
Riêng Việt Nam và Trung Quốc, cơ chế điều hành là thả nổi có quản lý nhưng trong một biên độ nhất định, khoảng +/-3%. Phân tích sâu hơn, theo ông Tuấn, về cách tính tỷ giá trung tâm, năm 2016, Ngân hàng Nhà nước dựa vào ba trụ cột là thị trường liên ngân hàng, biến động của rổ 8 đồng tiền tại các quốc gia có quan hệ thương mại đầu tư lớn với Việt Nam bao gồm USD, EUR, CNY, JPY, SGD, KRW, THB, TWD và các cân đối kinh tế vĩ mô tiền tệ phù hợp với mục tiêu chính sách tiền tệ.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 30.09.2022
Đồng nội tệ Việt Nam lao dốc, Ngân hàng Nhà nước tăng giá bán USD
CEO AFA Capital nhấn mạnh, trước năm 2016, Việt Nam giữ cơ chế tỷ giá cố định và không linh hoạt. Khi sức ép ở thị trường liên ngân hàng chạm trần, thì toàn bộ thị trường không giao dịch nữa và đợi Ngân hàng Nhà nước phá giá hoặc bán ra ngoại tệ.
Tuy nhiên, theo ông Tuấn, tại thời điểm đó, dự trữ ngoại hối của Việt Nam chưa linh hoạt nên cũng không có chuyện bán ngoại hối ra mà chỉ có “phá giá”. Điều này là tạo ra tâm lý cho người xuất khẩu có USD thì không muốn bán USD, còn tỷ giá ngoài chợ đen sẽ có hiện tượng găm giữ, chờ thời điểm NHNN phá giá đồng tiền.
Giới chuyên gia đánh giá cơ chế này khá cứng nhắc và không theo diễn biến thị trường. Chính vì vậy từ năm 2016 trở đi, cơ chế điều hành đã có sự thay đổi.

“Khi tỷ giá trung tâm tăng thì giá trần, giá sàn tăng và điều tiết của NHNN sẽ thông qua việc mua vào bán ra một cách linh hoạt tùy theo diễn biến trên thị trường”, - ông Tuấn lưu ý.

Trả lời cho câu hỏi với cơ chế này, Việt Nam điều hành dự trữ ngoại hối như thế nào và có sức ép gì, ông Nguyễn Minh Tuấn phân tích, có ba đối tác trên thị trường bao gồm thị trường liên ngân hàng, thị trường tự do và Ngân hàng Nhà nước sẽ tham gia vào các thị trường này.

“Ở thời điểm hiện tại muốn điều hành tỷ giá, chúng ta cần xem lại thị trường tự do và đường thông giữa ngân hàng thương mại và thị trường tự do. Đồng thời cần xem lại trạng thái ngoại hối của các ngân hàng, quy mô vốn của các ngân hàng”, - ông Tuấn nói.

Cũng theo vị chuyên gia, hiện không nên tranh luận phá giá hay không phá giá mà đầu tiên cần kiểm soát được thị trường ngoại hối thông qua hai thị trường - thị trường tự do và thị trường liên ngân hàng.

Biến động tỷ giá ảnh hưởng thế nào đến nợ công của Việt Nam?

Ông Nguyễn Minh Tuấn lưu ý, tỷ giá có ảnh hưởng đến lạm phát, nợ công và cán cân tổng thể xuất nhập khẩu.
Với những biểu hiện trên thị trường, chuyên gia nhấn mạnh, hiện chưa đến lúc Việt Nam phải dùng từ “phá giá” mà cần kiểm soát hai thị trường tự do và liên ngân hàng thông qua trạng thái ngoại tệ của các ngân hàng.

“Không nên để USD từ ngân hàng “tuồn” ra chợ đen và ngân hàng được mua ngoại tệ từ NHNN phải phục vụ nhu cầu thanh toán thật chứ không phải để đầu cơ”, - chuyên gia khẳng định.

Đánh giá về mối quan hệ giữa tỷ giá và lạm phát, ông Tuấn nhắc lại, từ năm 2016 trở đi, mỗi đợt tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng ngay đến lạm phát trong thời điểm đó. Tuy nhiên, đến thời điểm hiện tại, Chính phủ đang kiểm soát rất tốt lạm phát bằng cách giảm thuế đối với xăng dầu.

“Nếu chúng ta không kiểm soát điều này tốt, với áp lực tỷ giá tăng, lạm phát của năm 2023 sẽ là một vấn đề lớn và ảnh hưởng đến túi tiền của mọi người”, - ông Tuấn nêu quan điểm.

Đánh giá rộng hơn, chuyên gia cho rằng tỷ giá có ảnh hưởng đến tổng nợ công của Việt Nam, bao gồm đồng ngoại tệ và nội tệ.

“Nếu tỷ giá tăng thì VND mất giá đi và chúng ta sẽ phải mua ngoại tệ để trả nợ cộng với lãi suất sẽ khiến cho sức ép về nợ công lớn hơn”, - CEO AFA Capital chỉ rõ.

Ông Tuấn nhấn mạnh, nợ công so với GDP đang ở mức cho phép khoảng 60% nhưng đến năm 2021 con số này đã giảm xuống còn 43,1%. Hơn nữa, thị trường trái phiếu chính phủ rất phát triển trong thời gian gần đây, chính vì đó, nợ vay chính phủ đang chuyển dần về đồng nội tệ.

“Như vậy, nếu chúng ta kiểm soát tốt lạm phát và lãi suất, sẽ kiểm soát được nợ công và không bị phụ thuộc quá nhiều vào tỷ giá USD/VND”, - ông Tuấn bày tỏ.

Bên cạnh đó, tỷ giá tăng sẽ ảnh hưởng đến cán cân tổng thể và ngay thời điểm hiện tại, cán cân tổng thể của Việt Nam đang âm trong 6 tháng đầu năm 2022. Với cán cân vốn tài chính, khi lãi suất tăng, nhà đầu tư nước ngoài đầu tư vào Việt Nam phải có mức lãi suất tăng cao tương ứng thì họ mới đầu tư.
Hiện tại, dòng vốn đầu tư trực tiếp (FDI) và vốn đầu tư gián tiếp, tức dòng vốn của các nhà đầu tư nước ngoài trên thị trường chứng khoán đều đang giảm đi.

“Với cán cân vãng lai, cán cân gồm bốn cấu phần trong đó nổi bật là cán cân thương mại. Số suất nhập khẩu của Việt Nam cũng đang âm trong 6 tháng đầu năm, tức tiền ngoại tệ thu về thấp hơn so với ngoại tệ chi ra, điều đó sẽ tác động ngược lại đến tỷ giá”, - chuyên gia bổ sung thêm.

Theo đại diện Bộ Tài chính khẳng định trên báo Đấu thầu về tác động của diễn biến tỷ giá USD/VND tới nợ công của Việt Nam, biến động tỷ giá sẽ khiến nợ công Việt Nam giảm khoảng 2%.
Theo đại diện Bộ Tài chính, tính đến ngày 31/12/2021, dư nợ của Chính phủ ước khoảng 3.283 nghìn tỷ đồng. Trong đó, dư nợ bằng VND là 2.184 nghìn tỷ đồng, chiếm 66,5% tổng dư nợ; dư nợ bằng USD là 455 nghìn tỷ đồng, chiếm 13,9%; dư nợ bằng JPY là 346 nghìn tỷ đồng, chiếm 10,58%; dư nợ bằng EUR là 178 nghìn tỷ đồng, chiếm 5,5%; dư nợ bằng đồng tiền khác là 119 nghìn tỷ đồng, chiếm 4%.
Căn cứ theo tỷ giá bán tại Sở Giao dịch của Ngân hàng Nhà nước, từ đầu năm đến nay, USD đã tăng giá khoảng 3,5% so với VND, ước làm tăng dư nợ Chính phủ bằng USD quy VND khoảng 16 nghìn tỷ đồng. Trong khi đó, đồng EUR đã giảm giá khoảng 12,3% so với VND, ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng EUR quy VND khoảng 22 nghìn tỷ đồng. Đồng JPY giảm giá khoảng 14% so với VND, ước làm giảm dư nợ Chính phủ bằng JPY khoảng 48 nghìn tỷ đồng.
đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.09.2022
Đồng Việt Nam đang âm thầm tăng giá, khó sụp đổ

“Như vậy, tính riêng biến động tỷ giá của 3 đồng tiền chính (USD, JPY và EUR), dư nợ Chính phủ tính đến cuối năm 2022 ước giảm khoảng 54 nghìn tỷ đồng, tương ứng giảm khoảng 2% so với cuối năm 2021”, - theo đại diện Bộ Tài chính.

Đặc biệt, hiện các khoản vay trong nước của Chính phủ cũng có xu hướng tăng nhanh và chiếm vai trò chủ đạo, nợ nước ngoài giảm dần, từ đó giúp giảm rủi ro về tỷ giá, bảo đảm an toàn nợ công và an ninh tài chính quốc gia của Việt Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала