Ngân hàng thừa tiền, Việt Nam quay lại thời tiền rẻ

© Ảnh : Lao ĐộngTiền VND
Tiền VND - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.04.2023
Đăng ký
Giai đoạn tiền rẻ (hay còn gọi là thời kỳ tiền rẻ) là khi lãi suất rất thấp và vay tiền rất dễ dàng. Thời kỳ tiền rẻ thường xảy ra sau khi các chính sách tiền tệ được nới lỏng và ngân hàng tăng cường cho vay để kích thích hoạt động kinh tế.
Thực tế, các đợt giảm lãi suất liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang ảnh hưởng mạnh đến thị trường tiền tệ, đặc biệt là trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2).

Trở về thời kỳ tiền rẻ

Cụ thể, sau hai lần giảm lãi suất từ nhà điều hành, lãi suất cho vay giữa các ngân hàng đã liên tục giảm từ mức trên 6%/năm vào giữa tháng 3 xuống còn dưới 1%/năm hiện tại ở kỳ hạn qua đêm. Đây là mức lãi suất cho vay qua đêm thấp nhất từ giữa tháng 7/2022 đến nay.
Việc lãi suất cho vay qua đêm giảm xuống còn dưới 1%/năm cũng đưa vùng lãi suất này trở lại mức thấp tương đương với thời kỳ "tiền rẻ" mà NHNN đã duy trì từ đầu năm 2020 đến giữa năm 2022, trong giai đoạn nền kinh tế chịu ảnh hưởng lớn từ dịch bệnh Covid-19.
Ngoài việc giảm lãi suất cho vay chéo kỳ hạn siêu ngắn, các mức lãi suất cho vay kỳ hạn 1 tuần và 2 tuần trên thị trường liên ngân hàng cũng đã giảm liên tục từ mức 6-7%/năm vào tháng 3, xuống vùng 1-3%/năm hiện tại.
Lãi suất liên ngân hàng là một chỉ báo quan trọng để đánh giá tình trạng thanh khoản ngắn hạn của hệ thống ngân hàng. Việc giảm lãi suất liên tục và đạt mức 1%/năm cho thấy thanh khoản của các ngân hàng hiện đang ở mức dư thừa lớn, tương tự như trong giai đoạn từ năm 2020 đến giữa năm 2022.
Thêm vào đó, việc NHNN liên tục «ế» vốn trên thị trường mở cũng cho thấy tình trạng dư thừa thanh khoản của hệ thống ngân hàng.
Sau khi dừng phát hành tín phiếu hút tiền từ trung tuần tháng 3, nhà điều hành vẫn duy trì mua giấy tờ có giá kỳ hạn để hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng trong nửa sau của tháng. Dòng tiền này cũng được NHNN nâng kỳ hạn từ 7 ngày lên 28 ngày nhằm hỗ trợ thanh khoản dài hạn hơn cho các ngân hàng.
Tuy nhiên, sau vài phiên giao dịch khối lượng thấp (khoảng vài trăm tỷ đồng/phiên), dòng vốn này của NHNN rơi vào ế ẩm khi 2 tuần gần nhất không phát sinh giao dịch mới, theo thông tin trên Zing. Trong phiên gần nhất hôm 3/4, dù đã nâng kỳ hạn bơm tiền lên 35 ngày, vẫn không có ngân hàng nào tiếp nhận dòng tiền này từ NHNN.

Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn

Tại cuộc họp báo mới đây về hoạt động ngân hàng quý I/2023, ông Phạm Chí Quang - Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) thông báo rằng hệ thống ngân hàng hiện đang có dư thừa về thanh khoản lớn.
"Thanh khoản ngân hàng đang dư thừa lớn", - ông Quang nói.
Điều này thể hiện qua 2 chỉ tiêu. Một là, số dư tiền gửi của các tổ chức tín dụng tại NHNN vượt xa mức dự trữ bắt buộc và diễn biến này đã kéo dài từ tháng 2 đến nay. Hai là, lãi suất liên ngân hàng giảm rất mạnh, hiện lãi suất qua đêm chỉ còn khoảng 0,7-1,2%/năm.
"Không thể nói ngân hàng không muốn tăng trưởng tín dụng, tuy nhiên nhu cầu tín dụng đang rất khó khăn khiến ngân hàng khó đẩy vốn ra", - ông Quang bày tỏ.
Trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam tại trung tâm Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.03.2023
Ngân hàng Nhà nước sắp làm gì?

Thừa tiền nhưng không cho vay được

Đại diện NHNN cho rằng một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng dư thừa thanh khoản trong hệ thống ngân hàng hiện nay là do tăng trưởng tín dụng trong quý I không đạt kỳ vọng.
Theo báo cáo của NHNN, tăng trưởng tín dụng của toàn bộ nền kinh tế trong quý I chỉ đạt 2,06% so với cuối năm 2022, mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua. Với mức tăng này, toàn bộ hệ thống ngân hàng đã cho vay ròng ra nền kinh tế khoảng 245.600 tỷ đồng trong quý đầu năm.
Trước đó, như Sputnik đã thông tin, Phó Thống đốc thường trực NHNN Đào Minh Tú cho biết rằng mức tăng trưởng tín dụng quý I chỉ đạt 2,06%, không đạt kỳ vọng và do nhiều nguyên nhân cả khách quan và chủ quan.
Trong đó, các biến động của thị trường trong nước và thế giới đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp và dẫn đến khó khăn trong việc vay vốn của một số lĩnh vực. Ngoài ra, tăng trưởng tín dụng thấp cũng do đây là giai đoạn đầu năm, khiến một số dự án và hoạt động đầu tư bị gián đoạn do kỳ nghỉ Tết Nguyên đán.
"Thông thường tăng trưởng tín dụng đầu năm đều thấp hơn so với các quý khác, nhưng mức tăng trưởng không đạt kỳ vọng trong quý I cũng là yếu tố để đánh giá những khó khăn của các doanh nghiệp, lĩnh vực kinh tế hiện nay", - ông Tú cho biết.
Không những việc tín dụng tăng thấp, thanh khoản hệ thống dư thừa lớn cũng có phần nguyên nhân từ hoạt động mua ngoại tệ của NHNN trong quý đầu năm 2023.
Tại phiên họp với lãnh đạo Chính phủ ngày 3 tháng 4, Thống đốc NHNN Nguyễn Thị Hồng cho biết, NHNN đã điều tiết mua 4 tỷ USD trong quý I, đồng nghĩa bơm tiền đồng ra để giúp hệ thống hiện nay dồi dào thanh khoản. Nếu tạm tính theo giá mua USD của Sở giao dịch NHNN ở mức 23.450 đồng/USD, việc nhà điều hành mua vào 4 tỷ USD tương đương việc bơm gần 94.000 tỷ đồng ra thị trường trong quý I.
Thống đốc NHNN còn cho biết thêm, hiện tiền gửi tại hệ thống ngân hàng đã tăng cao trở lại sau Tết Nguyên đán.
Từ khoảng năm 2020 đến giữa năm 2022, khi lãi suất liên ngân hàng giảm về gần 0%/năm, thanh khoản hệ thống ngân hàng đã liên tục bổ sung tiền VND thông qua nghiệp vụ mua ngoại tệ từ nhà điều hành.
Dây chuyền sản xuất hiện đại tại Công ty TNHH SAMKWANG VINA, vốn đầu tư của Hàn Quốc, tại khu công nghiệp Quang Châu. - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.03.2023
UOB: Tăng trưởng GDP Việt Nam sẽ không như dự báo của Chính phủ

NHNN chủ động đi trước

Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ Phạm Chí Quang cho hay, những cú sốc đến từ việc ngân hàng Mỹ và châu Âu sụp đổ thời gian qua không tác động nhiều đến Việt Nam.
Theo ông Quang, giới chức Mỹ và châu Âu đã có giải pháp nhanh chóng ổn định thị trường tài chính toàn cầu. Sự lan toả khủng hoảng của các ngân hàng này không còn tác động nhiều trên thị trường toàn cầu nữa, tâm lý nhà đầu tư đã ổn định.
Tại Việt Nam, các biến động trên thị trường trọng điểm như thị trường tiền tệ, chứng khoán không có biến động lớn hay cú sốc khiến nhà đầu tư rút tiền.
Đối với hệ thống ngân hàng của Việt Nam, tác động các cuộc khủng hoảng tại Mỹ và châu Âu không nhiều. Thanh khoản và chất lượng tài sản, chuẩn mực quản trị ngân hàng hiện đã cao hơn nhiều so với giai đoạn năm 2008.
"Ngân hàng Nhà nước chưa cần can thiệp gì mà bản thân ngân hàng có bước đệm tốt, sức khỏe ngân hàng trong nước đủ để chống chọi với các cú sốc ngoài thị trường", - ông Phạm Chí Quang cho hay.
Dù vậy, Vụ trưởng Phạm Chí Quang cũng lưu ý, biến động nhanh chóng của thị trường quốc tế cùng với việc Fed đảo chiều nhanh đã tác động lớn tới quá trình điều hành chính sách tiền tệ của các nước nhỏ và có nền kinh tế mở như Việt Nam.
"Ngân hàng Nhà nước chủ động đi trước giảm 1 bước lãi suất chính sách", - ông Quang cho biết và lưu ý đây là bước quan trọng để định hướng lãi suất điều hành, thể hiện sự tự tin của Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước trong công cuộc kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала