Vinhomes làm dự án, Khánh Hoà sốt đất, cò bất động sản đổ về dồn dập

© TTXVN - Đặng Anh TuấnDiễn ra tình trạng "cò đất" khuấy động vùng quê huyện Cam Lâm (Khánh Hòa)
Diễn ra tình trạng cò đất khuấy động vùng quê huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.04.2023
Đăng ký
Vinhomes sắp triển khai dự án Nhà ở xã hội Vinhomes Happy Home quy mô gần 90ha tại phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh với tổng vốn đầu tư lên đến trên 3.700 tỷ đồng.
Sau khi Thủ tướng Chính phủ quyết định phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, tại địa phương này bất ngờ nổi lên cơn sốt đất, giá đất tăng đột biến và "cò bất động sản" ồ ạt đổ về.
Lãnh đạo tỉnh Khánh Hoà đã khuyến cáo người dân cẩn trọng với tình trạng 'tạo sóng' sốt đất ảo.

Quy hoạch tỉnh Khánh Hoà

Ngày 29/3, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 318/QĐ-TTg phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050.
Theo quy hoạch, đến năm 2030, Khánh Hòa có 2 đô thị loại I là thành phố Nha Trang và Đô thị mới Cam Lâm; 1 đô thị loại II là thành phố Cam Ranh; 1 đô thị loại III, 2 đô thị loại IV và các đô thị loại V.
Trong đó, thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch-logistics; huyện Cam Lâm trở thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống.
Quy hoạch đặt mục tiêu đến năm 2030 Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương; trung tâm dịch vụ, du lịch biển quốc tế; một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước về kinh tế biển, công nghiệp công nghệ cao, khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo, đào tạo nguồn nhân lực và chăm sóc sức khỏe chất lượng cao; GRDP bình quân đầu người đạt nhóm 15 tỉnh, thành phố cao nhất cả nước; quy mô dân số toàn tỉnh khoảng 1,4 triệu người; số lao động có việc làm tăng thêm bình quân hàng năm khoảng 11.000-12.000 người; tỷ lệ lao động qua đào tạo 90%...
Tầm nhìn đến năm 2050, Khánh Hòa là một trung tâm kinh tế biển lớn của cả nước; là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực châu Á; một trong những đô thị ven biển thu hút khách du lịch và có môi trường đáng sống hàng đầu của châu lục; tốc độ tăng trưởng GRDP bình quân thời kỳ 2031-2050 đạt khoảng 5%/năm; GRDP bình quân đầu người đến năm 2050 đạt 690 triệu đồng; tỷ lệ đô thị hóa đạt 75-80%.

Dự án của Vinhomes

Trong một diễn biến liên quan, UBND tỉnh Khánh Hòa đã ban hành Quyết định số 664 về việc chấp thuận chủ trương đầu tư, chấp thuận nhà đầu tư thực hiện dự án khu nhà ở xã hội phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh cho Công ty CP Muối Cam Ranh.
Được biết, Công ty CP Muối Cam Ranh có trụ sở đặt tại cây số 15, Km 1497, phường Cam Nghĩa, TP. Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, và là công ty thuộc sở hữu của Công ty CP Vinhomes.
Dự án khu nhà ở xã hội vừa được chấp thuận đầu tư có tên gọi khác là Vinhomes Happy Home. Diện tích đất sử dụng cho dự án khoảng 87,6 ha; diện tích xây dựng nhà ở khoảng 77,1 ha, tổng vốn đầu tư là 3.756 tỷ đồng.
Dự án nhằm mục tiêu đầu tư xây dựng nhà ở xã hội để bán, cho thuê, cho thuê mua, đầu tư các công trình trường học, hạ tầng đảm bảo kết nối đồng bộ. Vinhomes Happy Home sẽ triển khai các nhà liên kế, nhà biệt thự, căn hộ chung cư theo quy định của pháp luật về nhà ở.
Với quyết định này, việc chủ đầu tư được dành 20% tổng diện tích đất để xây dựng nhà ở trong phạm vi dự án xây dựng nhà ở xã hội để đầu tư xây dựng công trình kinh doanh thương mại (kể cả nhà ở thương mại cao tầng hoặc thấp tầng) nhằm bù đắp chi phí đầu tư, góp phần giảm giá bán, giá cho thuê, thuê mua nhà ở xã hội và giảm kinh phí dịch vụ quản lý, vận hành nhà ở xã hội sau khi đầu tư thực hiện theo quy định của pháp luật.
Dự án Vinhomes Happy Home có thời gian hoạt động 50 năm. Tiến độ hoàn thành các thủ tục đầu tư để được cấp phép xây dựng là từ quý 2 năm 2023 đến quý 4 năm 2024.
Tiến độ xây dựng cơ bản và đưa công trình vào hoạt động hoặc khai thác vận hành dự kiến từ quý 4 năm 2023 đến quý 4 năm 2026.
Phấn đấu đến năm 2030, tổng số căn hộ các địa phương hoàn thành khoảng 1.062.200 căn. - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.04.2023
Việt Nam sẽ xây 1 triệu căn nhà ở xã hội cho công nhân và người thu nhập thấp

Cẩn trọng với tình trạng sốt đất ảo

Trước những diễn biến "nóng", này, hàng trăm môi giới và nhà đầu tư bất động sản tập trung về xã Cam An Bắc, huyện Cam Lâm, tỉnh Khánh Hòa để tìm kiếm cơ hội mua bán đất đã khiến cho thị trường nhà đất, BĐS ở địa phương này trở nên sôi động bất thường.
Cần lưu ý rằng, tình trạng này xuất hiện sau khi tỉnh Khánh Hòa công bố Quyết định Phê duyệt Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 – 2030, tầm nhìn đến năm 2050 mà Thủ tướng Chính phủ vừa ban hành.
Theo đó, huyện Cam Lâm được quy hoạch thành đô thị sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế vào năm 2030. Trong khi thực tế hiện nay, trung tâm huyện lỵ Cam Lâm chỉ là một thị trấn, mà cụ thể là Cam Đức.
Tại trung tâm xã Cam An Bắc, nhiều ô tô từ các tỉnh Đông Nam Bộ, Tây Nguyên và Hà Hội ra vào tấp nập trên đường Trần Hưng Đạo – trục đường chính của xã.
Bên trong các quán cà phê ven đường, hàng chục "cò đất" ngồi túm tụm bàn bạc, báo giá, "chốt" đất, chuông điện thoại reo liên tục. Bên ngoài, nhiều "cò đất" còn livestream quang cảnh người mua bán và giới thiệu thông tin đến khách hàng.
Theo chủ một quán cà phê nằm sát đường Trần Hưng Đạo, hai ngày qua, mỗi ngày quán có hàng trăm người ghé đến. Họ ngồi chia sẻ chuyện đất đai, đăng tải các hình ảnh, bản đồ, file quy hoạch lên mạng xã hội.
Hiện các lô đất mặt tiền đường đang được các "cò đất" giao dịch với giá từ 230 - 250 triệu đồng/m ngang đường chính. Trong khi đó, những lô đất trong đường nhánh, đường hẻm có giá thấp hơn, từ 130 -140 triệu đồng/m ngang.
Theo một người môi giới tên N. thông tin, hiện giá đất thổ cư dao động từ 180 – 300 triệu/ mét ngang đường Trần Hưng Đạo, thấp hơn từ 10-20 triệu đồng/m ngang so với thời điểm sốt đất năm 2021. Trong số người mua bán đất, có những chủ đất trước đây từng mua khi bị “cuốn” vào cơn sốt đất lần trước, nay muốn bán lại để sớm thu hồi vốn, trả nợ ngân hàng.
Việc giá đất vùng Cam Lâm tăng lên bắt đầu từ thông tin cho rằng, khu vực xã này sẽ trở thành khu tái định cư cho đô thị Cam Lâm. Nhiều người về đây đầu tư, nhiều người khác thì muốn bán.
Điều đáng nói là theo một chủ quán cà phê nằm sát đường Trần Hưng Đạo, đó chỉ là những thông tin phỏng đoán chứ chưa có quy hoạch chi tiết, chưa thấy bản đồ quy hoạch nào cả. Dù có rất nhiều người tập trung về đây nhưng chủ yếu là những người môi giới hoặc người bán, chứ chưa có người mua, cũng chưa thấy ai "chốt".
Trước đó, từng có thông tin xã Cam An Bắc quy hoạch làm 6 sân golf. Đến nay, lại có thông tin tại đây sẽ làm khu tái định cư. Có thông tin khác cho rằng địa phương này sẽ có một tuyến đường mở rộng tuyến Trần Hưng Đạo đi qua trung tâm xã và nơi đây sẽ là khu tái định cư… Tuy nhiên, tất cả những thông tin này đều chỉ dừng ở mức…tin đồn.
Những người môi giới cho biết, ở khu vực xã Cam An Bắc hiện tại, người ta chỉ mua đất thổ cư có sổ, nằm trong khu dân cư hiện hữu. Lúc cao điểm, giá đất tại đây biến động theo từng giờ. Tất cả đều theo tâm lý đám đông, người này vừa mua xong liền sang tay, "lướt sóng" có thể kiếm lời ngay.
Thủ Thiêm, TP. Thủ Đức. - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.03.2023
Năm 2023, người dân TP.HCM có đất bị thu hồi được bồi thường gấp 25 lần

Ngạc nhiên

Về những diễn biến trên, ông Đặng Ngọc Thế, Phó Chủ tịch UBND xã Cam An Bắc (huyện Cam Lâm) cho biết, xã đã nắm tình hình nhiều người môi giới, nhà đầu tư đến địa phương để giao dịch, nhưng chưa thấy có trường hợp nào lên cơ quan địa phương xác nhận việc mua bán.
Mấy năm trước, từng xảy ra tình trạng phân lô bán đất nền trên diện tích đất nông nghiệp nhưng địa phương đã quản lý và không để xảy ra tình trạng trên.
Đại diện chính quyền xã cũng tỏ ra ngạc nhiên, không biết vì sao nhiều người đổ về đây mua bán đất. Vừa qua, tỉnh đã công bố 2 quy hoạch được Thủ tướng Chính phủ ban hành, gồm Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050.
"Cho đến nay vẫn chưa có công bố quy hoạch Cam Lâm. Thế nhưng, các nhà môi giới đã tạo ra làn sóng ảo khiến hàng trăm người đổ dồn về địa phương. Hiện trên địa bàn xã không có tình trạng phân lô tách thửa bán đất nông nghiệp", - đại diện chính quyền nêu rõ.
Trong khi đó, ông Trần Đình Quý – Chủ tịch Hội môi giới bất động sản tỉnh Khánh Hoà thông tin với TTXVN cho rằng, đến lúc này vẫn chưa có bản vẽ chính thức về quy hoạch của Cam Lâm. Việc công khai các thông tin về quy hoạch là rất cần thiết để người dân có thể tham khảo nguồn tin chính thức.
Về phần mình, Chủ tịch UBND huyện Cam Lâm Ngô Văn Bảo khẳng định, hiện hồ sơ đất đai trong huyện chưa có phát sinh, biến động gì cả. Tất cả chỉ là suy đoán rồi tạo sóng sốt đất. UBND huyện khuyến cáo người dân và các nhà đầu tư hết sức cảnh giác, tránh "sập bẫy" khi chưa có quy hoạch chi tiết.
Toàn cảnh thành phố Hồ Chí Minh lúc hoàng hôn - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.02.2023
Dự thảo Luật Đất đai sửa đổi: Hết thời giàu nhanh từ đất?
Huyện Cam Lâm đang cho lực lượng chức năng theo dõi, giám sát vụ việc nói trên. Trường hợp có gì đột biến, chính quyền địa phương sẽ kịp thời vào cuộc xử lý, còn hiện nay thì việc họ làm cũng chưa vi phạm gì cả.
Để ngăn chặn việc lạm dụng đất và tạo sóng ảo bất động sản, UBND huyện Cam Lâm đã tạm dừng tiếp nhận giải quyết đối với hồ sơ chuyển đổi mục đích sử dụng đất.
Huyện cũng đã thực hiện hết chỉ tiêu sử dụng đất của UBND tỉnh Khánh Hòa về việc phê duyệt Kế hoạch sử dụng đất năm 2021 của huyện. Chính quyền địa phương khuyến cáo người dân cần cẩn trọng, tìm hiểu kỹ thông tin trước khi đầu tư vào thị trường bất động sản.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала