BYD tính xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam: Xe điện Trung Quốc bắt đầu cuộc chơi

© Ảnh : Xpeng Xpeng G9
Xpeng G9  - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.05.2023
Đăng ký
Thời gian qua, không ít các thương hiệu ô tô trung Quốc muốn tiến vào thị trường Việt Nam, nhất là các hãng xe điện.
Tuy nhiên, kinh nghiệm thực tế cho thấy, để có được vị trí vững chắc ở thị trường Việt Nam, các hãng xe Trung Quốc sẽ còn phải cố gắng rất nhiều.

Xe điện Trung Quốc muốn tiến vào Việt Nam

Sau cuộc gặp ngày 5/5 giữa Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà với ông Wang Chuanfu, Chủ tịch kiêm nhà sáng lập BYD, hãng xe Trung Quốc cho biết họ đang lên kế hoạch sản xuất xe điện tại Việt Nam và mong Chính phủ hỗ trợ.
Ông Wang mong muốn Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để BYD hoàn thành các thủ tục đầu tư, nhanh chóng bắt đầu sản xuất ô tô điện để bán ra tại thị trường trong nước và xuất khẩu sang các quốc gia Đông Nam Á khác. BYD cũng dự định xây dựng chuỗi cung ứng tại Việt Nam.
Trao đổi với Bloomberg, đại diện BYD cũng cho biết về kế hoạch sản xuất tại Việt Nam. Tuy nhiên, BYD không tiết lộ thêm chi tiết đầu tư nào liên quan tới kế hoạch này.
BYD là công ty sản xuất xe điện lớn nhất Trung Quốc có trụ sở ở Thâm Quyến. Ngoài Việt Nam, hãng xe này vừa qua đã đầu tư tại Thái Lan và đang cân nhắc xây dựng nhà máy mới ở Indonesia, Philippines.
Trước đó, ngày 18/2, TMT Motors thông báo, hôm 12/1, TMT Motors đã ký kết hợp tác chiến lược với liên doanh General Motors (GM) - (SAIC - WULING), để sản xuất, lắp ráp và phân phối độc quyền ô tô điện của GM - (SAIC - WULING) tại Việt Nam.
TMT Motors là công ty chuyên sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng xe thương mại với khoảng 47 năm kinh nghiệm tại Việt Nam.‏ Trong khi đó, GM - (SAIC - WULING) là liên doanh ô tô có doanh số bán ra hơn 25 triệu xe. Liên doanh này là sự góp sức của ba cổ đông gồm: hãng General Motors của Mỹ với gần một nửa cổ phần, cùng SAIC Motor và Wuling Motors.
Theo chiến lược hợp tác được công bố, liên doanh GM - (SAIC - WULING) cung cấp linh kiện, ủy quyền cho TMT Motors độc quyền sản xuất, lắp ráp và phân phối các dòng ô tô điện thương hiệu Wuling tại Việt Nam.
Sản phẩm đầu tiên sắp được triển khai và ra mắt ở Việt Nam là dòng ô tô điện mini Wuling HongGuang MiniEV. Đây là mẫu xe hơi điện mini bán chạy nhất thế giới giai đoạn 2020 - 2022.
Ô tô điện Wuling HongGuang MiniEV - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.03.2023
Điểm yếu của ô tô điện giá rẻ Trung Quốc ở Việt Nam
Mẫu xe này sẽ được lắp ráp tại nhà máy ô tô của TMT tại huyện Văn Lâm, tỉnh Hưng Yên, với công suất 30.000 xe/năm và có thể được gia tăng trong tương lai. TMT Motors cũng đang nghiên cứu và cân nhắc giới thiệu thêm các mẫu ô tô điện chất lượng khác, theo lộ trình hợp tác chiến lược với liên doanh GM - (SAIC - WULING).

Xe điện Trung Quốc chỉ mạnh ở thị trường trong nước?

Trên thực tế, việc các nhà sản xuất xe điện Trung Quốc tiến ra thị trường nước ngoài không hề mới. Trước khi sang Việt Nam, cả BYD hay SAIC đều từng có thời gian bán xe ở một số thị trường khác.
Dù vậy, các thương hiệu xe điện Trung Quốc lại chưa quá nổi trội ở các thị trường bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc. Ví dụ, dù BYD là nhà sản xuất xe điện số một năm 2022 về doanh số, vượt qua cả Tesla của Elon Musk, nhưng thực tế phần lớn doanh số bán xe điện của BYD là tại thị trường quê nhà. Trong khi đó, chính Tesla, một công ty xe điện có trụ sở tại Mỹ, lại là đối thủ cạnh tranh gay gắt với BYD ngay tại Trung Quốc.
Theo The Conversation, nhiều chuyên gia cho rằng, dường như Trung Quốc đã giành chiến thắng trong cuộc đua xe điện, nghĩa là cuộc đua giành sự thống trị toàn cầu của loại phương tiện này. Tuy nhiên, nhận định này có vẻ vẫn còn hơi sớm.
Đa phần các ý kiến đều tập trung vào thế mạnh của Trung Quốc trong công nghệ và sản xuất xe điện, hoặc quy mô thị trường xe điện của Trung Quốc. Tuy nhiên, họ lại bỏ qua các yếu tố quan trọng sẽ ảnh hưởng đến cách thức và việc liệu xe điện của Trung Quốc có được áp dụng trên toàn thế giới hay không.
Trên thực tế, trong bảng xếp hạng 10 nhà sản xuất xe điện hàng đầu thế giới về doanh số bán xe năm 2022, chỉ có 3 đơn vị đến từ Trung Quốc, gồm BYD, GM incl. Wuling và Geely Auto Group. Có thể thấy, con số này là chưa đủ để độc chiếm bảng xếp hạng.
Bên cạnh đó, một số nhà sản xuất xe điện Trung Quốc cũng đang dần cảm thấy áp lực trong cuộc chiến về giá cả, vốn đang ảnh hưởng tới tiềm năng về doanh số và doanh thu của nhiều đơn vị.
Ví dụ, Zhejiang Leapmotor Technology là một trong những công ty khởi nghiệp về xe điện ra mắt cách đây không lâu. Trong 4 năm qua, Leapmotor ghi nhận khoản lỗ ròng liên tiếp và tăng lên đến 5,1 tỷ nhân dân tệ (742 triệu USD) vào năm 2022, hầu hết là do chi phí bán hàng cao hơn.
Hay như hãng Leapmotor niêm yết tại Hong Kong đã bán được 111.168 xe vào năm 2022, tăng trưởng 118% so với năm trước. Tuy nhiên, trong cùng kỳ, Tesla đã giao 711.000 xe. Tháng trước, Leapmotor buộc phải giảm giá mẫu sedan hàng đầu của mình là C01 xuống 1/5 so với giá ban đầu để phù hợp với xu hướng thị trường.
Ngay cả những công ty khởi nghiệp xe điện đã thành danh cũng chịu sự cạnh tranh ngày càng gay gắt.
"Việc nhiều đơn vị trong ngành xe điện bị “đào thải” chỉ mới bắt đầu. Những công ty có doanh số hàng năm là 3 triệu chiếc sẽ đủ điều kiện tồn tại, và hiện chỉ có 8 công ty chính có thể tồn tại trên thị trường trong 10 năm tới”, Doanh nghiệp và Kinh doanh trích lời He Xiaopeng, CEO Xpeng, phát biểu hôm 16/4.

Ô tô Trung Quốc còn nhiều việc phải làm ở Việt Nam

Trước BYD và SAIC-Wuling, một số thương hiệu ô tô Trung Quốc cũng từng tìm cách thâm nhập thị trường Việt Nam, nhưng các chiến dịch này lại chưa thực sự thành công như mong đợi.
Ví dụ, hãng xe Great Wall Motor (GWM) từng tìm cách mở rộng tầm ảnh hưởng của mình tại khu vực Đông Nam Á khi đầu tư xây dựng nhà máy tại Thái Lan, từ đó làm bàn đạp vươn ra các thị trường khác trong khu vực ASEAN, bao gồm cả Việt Nam.
Tại Việt Nam, GWM tập trung vào dòng sản phẩm SUV Hybrid, được nhập khẩu nguyên chiếc từ Thái Lan, giống như cách MG Việt Nam đang thực hiện. Tuy nhiên, GWM sau đó đã hủy bỏ kế hoạch thâm nhập thị trường ô tô Việt Nam, theo Vietnamnet.
Chery, một nhà sản xuất ô tô nổi tiếng khác ở Trung Quốc, cũng từng hé lộ kế hoạch trở lại thị trường Úc và cả Việt Nam vào năm 2022. Tuy nhiên, từ khi kế hoạch này được công bố, Chery vẫn chưa có động thái nào cho thấy sẽ ra mắt các sản phẩm tại Việt Nam.
Một số thương hiệu ô tô Trung Quốc khác như Beijing, Hongqi cũng từng được quảng cáo rầm rộ, nhưng chưa thực sự tạo ra đột phá tại thị trường Việt Nam. Số lượng xe bán ra cũng chưa thực sự lớn.
Riêng với BYD và SAIC-Wuling, những đơn vị có vẻ sẽ tập trung vào phân khúc xe điện đang phát triển tại Việt Nam, dường như sẽ có nhiều cơ hội hơn bởi lượng đối thủ cạnh tranh sẽ không nhiều như trong mảng xe xăng.
Tuy nhiên, một vấn đề quan trọng với xe điện là cơ sở hạ tầng trạm sạc tại Việt Nam có thể sẽ là bài toán nan giải đối với các hãng xe điện Trung Quốc. Chưa kể, các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc còn phải cạnh tranh với các dòng xe điện mới từ những tên tuổi phổ thông hơn, ví dụ như The all-new BMW i7 vừa ra mắt thị trường Việt Nam hồi tháng 4.
Do đó, các thương hiệu ô tô điện Trung Quốc sẽ còn rất nhiều việc phải làm nếu muốn thực sự bứt phá và có được vị thế vững chắc tại thị trường ô tô nói chung và xe điện nói riêng ở Việt Nam.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала