Một loạt ngân hàng giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử

© Sputnik / Taras IvanovNgân hàng Vietcombank
Ngân hàng Vietcombank - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.09.2023
Đăng ký
Lãi suất huy động liên tục giảm trong bối cảnh hệ thống ngân hàng tại Việt Nam đang chịu cảnh dư thừa thanh khoản. Các ngân hàng "thừa tiền", ít khách vay khiến tăng trưởng tín dụng ảm đảm.
Hiện, đã có hai "ông lớn" trong nhóm Big 4 giảm lãi suất huy động về còn 5,5%/năm - ngang mức thấp lịch sử ghi nhận trong giai đoạn Covid-19.

Agribank và Vietcombank giảm lãi suất huy động xuống mức thấp lịch sử

Kể từ ngày 14/9, ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) và Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (Agribank) đồng loạt điều chỉnh biểu lãi suất huy động mới nhất với mức giảm từ 0,2% - 0,3% ở nhiều kỳ hạn.
Đáng chú ý, lãi suất cao nhất tại Vietcombank và Agribank hiện chỉ còn 5,5%/năm áp dụng với tiền gửi kỳ hạn từ 12 tháng trở lên, giảm 0,3% so với trước đó.
Hai nhà băng này cũng duy trì biểu lãi suất giảm từ 0,2% xuống còn 4,5%/năm với kỳ gửi từ 6-9 tháng. Lãi suất cho thời hạn 3 tháng xuống rất thấp chỉ còn 3,5%/năm (giảm 0,3%).
Đối với các kỳ hạn còn lại, Vietcombank, Agribank giữ nguyên lãi suất cũ ở mức 3%/năm với kỳ hạn 1 tháng, 0,2%/năm với kỳ hạn 7 và 14 ngày và chỉ 0,1%/năm với tiền gửi không kỳ hạn.
Với đợt điều chỉnh mới nhất, lãi suất huy động 12 tháng ở hai ngân hàng lớn trong nhóm Big 4 này đã về mức thấp nhất từng được ghi nhận trong giai đoạn dịch bệnh Covid-19.
Hiện trong nhóm 4 ngân hàng quốc doanh, Vietinbank và BIDV vẫn chưa công bố biểu lãi suất huy động mới nhất và vẫn đang niêm yết các kỳ hạn 12 tháng ở mức 5,8%.
Tuy vậy, động thái giảm lãi suất xuống mức thấp lịch sử của Agribank và Vietcombank là tín hiệu cho khả năng thị trường sẽ bước vào đợt cắt giảm lãi suất ồ ạt tiếp theo. Cần phải lưu ý rằng, Agribank và Vietcombank là hai nhà băng quốc doanh có mạng lưới giao dịch lớn nhất Việt Nam với đông đảo các phòng giao dịch phủ khắp các tỉnh/thành phố trên cả nước. Hai ngân hàng này cũng có quy mô tiền gửi khách hàng lớn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện tại.
Thống kê cho thấy, tính đến cuối quý 2/2023, Agribank đang nắm giữ số dư tiền gửi khách hàng lên tới 1,686 triệu tỷ đồng, tăng 3,8% so với đầu năm. Xếp thứ hai là BIDV với gần 1,546 triệu tỷ đồng, Vietcombank đứng thứ 3 với gần 1,327 triệu tỷ đồng. Đứng thứ 4 là Vietinbank với 1,310 triệu tỷ đồng.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.09.2023
Trần lãi suất Việt Nam sẽ tiếp tục giảm

Đua nhau giảm lãi suất

Tính từ đầu tháng 9 đến nay, hàng loạt ngân hàng Việt Nam đã giảm lãi suất huy động từ các ông lớn Nhà nước đến tư nhân.
Các ngân hàng lớn bé như Eximbank, Nam A Bank, BacA Bank, PG Bank, Saigonbank, MB, OCB, SHB, GPBank, Techcombank, ACB, KienLongBank, TPBank, CBBank, MSB, VietA Bank, Sacombank đều có động thái hạ lãi suất.
Như BacABank, kể từ ngày 13/9, nhà băng này đã điều chỉnh giảm từ 0,25-0,3%/ năm với các khoản tiền gửi từ kỳ hạn 6 tháng trở lên, lãi suất cao nhất tại nhà băng này chỉ còn ở mức 6,4% với khoản tiền trên 1 tỷ đồng, kỳ hạn từ 13 tháng. Trong khi đó, nếu gửi dưới 1 tỷ đồng thì lãi suất cao nhất chỉ là 6,2% cho cùng kỳ hạn.
PVcomBank đã giảm 0,3% lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng về mức 6,4%/năm, giảm 0,2% lãi suất các kỳ gửi từ 12-15 tháng về mốc 6,5%/năm. Ở kỳ hạn dài hơn từ 18-36 tháng, nhà băng này tiếp tục giảm 0,1% đưa lãi suất xuống còn 6,8%/năm.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn Công Thương (Saigonbank) cũng giảm lãi suất huy động thêm 0,3%/năm cho kỳ hạn tiền gửi từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động cao nhất tại nhà băng này hiện xuống dưới 6,3%/năm đối với kỳ hạn 13 tháng.
VietaBank cũng vừa công bố biểu lãi suất mới hôm 13/9. Kỳ hạn 12-13 tháng hiện chỉ còn 6,5%/năm, kỳ hạn 15-36 tháng có kỳ hạn 6,8%/năm. Trong khi đó, tại kỳ hạn tiền gửi 7-11 tháng còn 6,4%, đối với tiền gửi 6 tháng, lãi suất xuống chỉ còn 6,3%/năm.
CBBank cũng đã công bố biểu lãi suất mới, với mức niêm yết từ cao nhất thị trường hiện tại 7%/năm cho kỳ hạn từ 12 tháng trở lên xuống còn 6,7%/năm. Nhà băng này cũng công bố mức giảm 0,3%/năm đối với các kỳ hạn từ 6 tháng trở lên từ ngày 15/9.
Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TP.HCM. - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.08.2023
Lãi suất ở Việt Nam diễn biến lạ, Ngân hàng Nhà nước bắt đầu mạnh tay
Ngân hàng BaoViet Bank cũng có động thái giảm 0,2% lãi suất huy động các kỳ hạn 6-36 tháng. Theo đó, lãi suất kỳ hạn 6 tháng còn 6,1%/năm, kỳ hạn 7-8 tháng là 6,15%/năm, kỳ hạn 9 tháng là 6,3%/năm, kỳ hạn 10 - 11 tháng là 6,2%/năm, và kỳ hạn từ 12-36 tháng là 6,5%/năm cho hình thức giao dịch online.
Hiện tại, ngân hàng Đông Á đang là nhà băng có biểu lãi suất tiết kiệm thuộc top cao nhất thị trường. Mức 7,05% được duy trì theo khung 365 ngày/năm được niêm yết cho các khoản tiền gửi kỳ hạn 9 tháng áp dụng cho khoản gửi từ 1 tỷ đồng trở lên. Với các kỳ hạn 19, 24, 26 tháng, nhà băng này niêm yết lãi suất cao nhất là 7,5% khi khách hàng tính lãi cuối kỳ.
Xếp ngay sau Đông Á Bank là ngân hàng NCB với mức lãi suất niêm yết khi gửi tiết kiệm An Phú là 6,85%/năm, khách tính lãi cuối kỳ.
Ở kỳ hạn 12-13 tháng, ngân hàng niêm yết lãi suất cao nhất ở mức 6,9%/năm, tính lãi cuối kỳ khi gửi tiết kiệm An Phú.

Thừa tiền

Giới chuyên gia nhận định, các ngân hàng ồ ạt giảm lãi suất huy động được thúc đẩy bởi tình trạng dư thừa thanh khoản hệ thống.
Như Sputnik đưa tin, phát biểu gần đây, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú cho biết hiện nay toàn hệ thống ngân hàng đang phải chữa bệnh thừa tiền và điều hành tín dụng chưa bao giờ khó như bây giờ.
Việt Nam đồng. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.09.2023
Giải quyết khó khăn cho hệ thống ngân hàng
Dù ngân hàng Nhà nước cùng toàn hệ thống liên tục tổ chức các hội nghị, nỗ lực kêu gọi cắt giảm lãi suất cho vay nhưng việc cung cấp tín dụng cho nền kinh tế không đạt hiệu quả như mong muốn.
Theo báo cáo của NHNN, tính đến ngày 29/8/2023, tín dụng nền kinh tế đạt khoảng 12,56 triệu tỷ đồng, tăng 5,3% so với cuối năm ngoái, thấp hơn nhiều mức tăng đến 9,87% cùng kỳ năm 2022. Ba năm trở lại đây, mỗi năm tín dụng tăng bình quân khoảng 1 triệu tỷ đồng mỗi năm.
Tăng trưởng tín dụng thấp làm gia tăng áp lực giảm lãi suất nhằm hỗ trợ tăng trưởng tín dụng và từ đó hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế trong những tháng còn lại của năm 2023.
Trước đó, như Sputnik đề cập, NHNN cũng đã yêu cầu các tổ chức tín dụng, ngân hàng thương mại tiếp tục giảm thêm lãi suất cho vay từ 1,5-2%/năm trong tháng 8. Lãi suất huy động giảm sẽ tạo tiền đề để giảm lãi suất cho vay từ nay đến cuối năm.
Theo đánh giá của Chứng khoán Bảo Việt (BVSC), mặt bằng lãi suất huy động hiện tại đã tiến sát mức thấp nhất lịch sử trong giai đoạn đại dịch. Tuy nhiên, tăng trưởng tín dụng vẫn ở mức thấp.
"Điều này làm gia tăng áp lực giảm lãi suất để hỗ trợ tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng kinh tế trong những tháng cuối năm", - BVSC lưu ý.
Trong bối cảnh ấy, dư địa giảm lãi suất điều hành và huy động của Ngân hàng Nhà nước không còn nhiều.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала