Президент Демократической республики Вьетнам Хо Ши Мин в окружении пионеров в Крыму - Sputnik Việt Nam, 1920
Những trang sử vàng
Chủ tịch Hồ Chí Minh lần đầu tiên đặt chân đến Liên Xô vào ngày 30 tháng 6 năm 1923, Người đã có hơn 6 năm học tập, lao động, giác ngộ lý tưởng Cộng sản và lãnh đạo phong trào cách mạng ngay trên chính quê hương của Cách mạng Tháng Mười lịch sử.

Giải mã bí ẩn của những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam

© Sputnik / V. Seleznev  / Chuyển đến kho ảnhĐội viên thiếu niên tiền phong của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh lưu trữ)
Đội viên thiếu niên tiền phong của Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (ảnh lưu trữ) - Sputnik Việt Nam, 1920, 18.09.2023
Đăng ký
Sputnik tiếp tục loạt bài mạn đàm về những giai đoạn đáng nhớ, những sự kiện quan trọng và những con người để lại dấu ấn sâu sắc trong lịch sử quan hệ Nga-Việt.
Chúng tôi đã kể về các hoạt động của Nguyễn Ái Quốc - Hồ Chí Minh tại Quảng Châu, nơi Người được ủy quyền đại diện Ban Thư ký Viễn Đông thuộc BCH Quốc tế Cộng sản để chuẩn bị các điều kiện cho việc thành lập Đảng Cộng sản, về việc trao đổi thư từ với Matxcơva. Vào ngày 10 tháng 7 năm 1926, Hồ Chí Minh đã gửi một báo cáo đến đoàn chủ tịch Quốc tế Cộng sản ở Trung Quốc, trong đó ông cho biết rằng ông đã thành lập một nhóm thiếu niên tiên phong Việt Nam tại Quảng Châu. Mười hai ngày sau, ông hướng tới Ban chấp hành Quốc tế Cộng sản yêu cầu gửi một số thiếu niên yêu nước Việt Nam từ Quảng Châu sang Matxcơva để họ "có thể nhận được một nền giáo dục xuất sắc ở đó".

Hồ Chí Minh mở đường cho họ tới Mátxcơva

Ngày 23/7/1926, Hồ Chí Minh đã gửi một bức thư chi tiết hơn về chủ đề này tới Ủy ban Trung ương Đội Thiếu niên Tiền phong Liên Xô. Ông đã viết:

"Chúng tôi có tại đây (Quảng Châu - Trung Quốc) một nhóm thiếu niên Việt Nam. Các em từ 12 đến 15 tuổi. Đó là những thiếu nhi cộng sản đầu tiên của nước Việt Nam, bị chủ nghĩa đế quốc Pháp áp bức và ở đó mọi việc giáo dục điều bị cấm. Các em đã để cha mẹ ở nhà cách hàng nghìn ki-lô- mét để bí mật đến Trung Quốc. Nhiều em có cha mẹ bị người Pháp bắt giam vì các em bỏ nhà đi ra nước ngoài, như những người cách mạng. Lúc chúng tôi nói với các em về cách mạng Nga, về Lê - nin và về các bạn những chiến sĩ Lê-nin-nít nhỏ tuổi thì các em rất sung sướng và đòi sang với các bạn học tập với các bạn và để trở thành như các bạn - những chiến sĩ Lê-nin-nít nhỏ tuổi".

Và cuối thư Hồ Chí Minh hỏi, nếu đề nghị của ông được chấp nhận, xin thông báo Matxcơva có thể chấp nhận bao nhiêu trẻ em, các cháu sẽ sống theo địa chỉ nào để ông có thể liên lạc với họ. Ông thậm chí còn hỏi khi nào mùa lạnh bắt đầu ở Matxcơva để những em đã quen với khí hậu nóng không bị chết cóng.
Yêu cầu của Hồ Chí Minh đã được hưởng ứng rất tích cực. Và một nhóm thiếu niên Việt Nam đã được thành lập để sang Liên Xô.
Tám đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam
Tám đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 14.09.2023
Tám đoàn viên đầu tiên của Đoàn Thanh niên Cộng sản ở Việt Nam

Những người tiên phong Việt Nam đến Matxcơva khi nào và theo hành trình nào?

Và kể từ thời điểm này, các nhà nghiên cứu lịch sử hợp tác Nga-Việt phải đối mặt với những bí ẩn. Trẻ em Việt rời Quảng Châu khi nào? Họ đến Matxcơva khi nào và theo hành trình nào? Có bao nhiêu người trong nhóm này, và đó là những ai? Ở đây có nhiều phương án lựa chọn.
Họ có thể rời Quảng Châu vào cùng năm 1926 hoặc đầu năm 1927. Bởi vì sau cuộc đảo chính do Tưởng Giới Thạch thực hiện vào tháng 4 năm 1927, tất cả các tổ chức cộng sản và dân chủ ở Trung Quốc, trong đó có Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam, đều hoạt động bí mật, và bản thân Hồ Chí Minh trốn khỏi bị bắt phải đi qua Hồng Kông đến Liên Xô vào mùa hè năm 1927. Còn có phương án lựa chọn thứ hai: nếu nhóm trẻ em Việt Nam không rời Quảng Châu vào cuối năm 1926 - đầu năm 1927 để đến Liên Xô, thì hành trình của họ có thể đi qua Xiêm. Họ có thể đến phía bắc đất nước này tới làng Ban Dong, nơi có nhiều người Việt di cư sinh sống và có một tổ chức lớn của Đoàn Thanh niên Cách mạng Việt Nam hoạt động, hoặc đến phía đông bắc Xiêm, đến Udon, nơi cũng có nhiều người Việt Nam phải khỏi quê hương vì bị thực dân đàn áp.
Cuối năm 1928, Hồ Chí Minh từ Liên Xô đến Ban Dong rồi chuyển đến Udon. Ở đó, ông có thể gặp những người tiên phong Việt Nam và tổ chức cuộc di chuyển xa hơn của họ sang Liên Xô, rất có thể là qua Hồng Kông.
Do đó, những người tiên phong Việt Nam từ Quảng Châu có thể đến Nga vào cuối năm 1926 - đầu năm 1927, hoặc không sớm hơn năm 1930, bởi vì Hồ Chí Minh chuyển từ Xiêm đến Hồng Kông vào cuối năm 1929. Có lẽ phương án lựa chọn thứ hai có nhiều khả năng hơn. Một chi tiết đáng chú ý là trong thành phần nhóm thanh niên này có Vương Thúc Thoại, sinh ở tổng Kim Liên, năm 1911. Em trai út của ông, Vương Thúc Sâm cho biêt rằng, ngay sau năm 1931, một sĩ quan cảnh sát đã gọi mẹ của họ để thẩm. Sĩ quan muốn biết con trai cả của bà đã đi đâu. Bà đã trả lời rằng "con tôi đã chết".
Sinh viên Việt Nam Nguyễn Tấn Thành, khoa Hóa học, Đại học Quốc gia Moskva mang tên Lomonosov. - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.07.2023
Những trang sử vàng
Cách đây trăm năm có bao nhiêu du học sinh Việt Nam ở Matxcơva?
Nhưng, sĩ quan bác lại: con trai của bà còn sống, đang tham gia hoạt động cách mạng và mang tên Lý Thúc Chất. Để chứng minh điều đó, sĩ quan giới thiệu với bà bức ảnh của một chàng trai trẻ đội mũ kiểu châu Âu. Bức ảnh này được chụp vào năm 1929 tại Hồng Kông.
Ông Vương Thúc Sâm hồi tưởng lại, mẹ đã nhận ra con trai cả của bà trên bức ảnh, nhưng, tất nhiên, không thừa nhận điều này với nhân viên cảnh sát. Theo hồi tưởng của ông Sâm, vài năm sau, gia đình đã nhận được một lá thư không có địa chỉ gửi lại của Vương Thúc Thoại nay mang tên Lý Thúc Chất, cha mẹ nhận ra rằng bức thư đến từ Nga và con trai cả của họ đang ở đó. Do đó, không còn nghi ngờ gì nữa, vào năm 1929, Lý Thúc Chất chưa đến Nga mà vẫn còn ở Hồng Kông. Có nghĩa là toàn bộ nhóm thiếu niên Quảng Châu cũng đang ở đó. Vào cuối năm 1929, Hồ Chí Minh có thể đưa họ đến Hồng Kông từ căn cứ của những người di cư Việt Nam ở Xiêm, nơi họ hiện diện sau cuộc đảo chính của Tưởng Giới Thạch ở Trung Quốc vào mùa xuân năm 1927.
Tất nhiên, phải mất một thời gian khá dài mới có thể đưa nhóm này đến Liên Xô. Rất có thể, nhóm thiếu niên Quảng Châu đã đến Matxcơva không sớm hơn năm 1931. Khi đó, các "chàng trai Quảng Châu" đã ở độ tuổi 17-22. Vì thế, không có gì đáng ngạc nhiên khi họ không liệt vào danh sách học sinh của trường nội trú cho con cái của các nhà cách mạng nước ngoài ở thành phố Ivanovo gần Matxcơva. Họ lớn tuổi hơn so với đội ngũ học sinh của trường này. Những người Việt - không còn là trẻ em, mà là những người trẻ tuổi - được đưa vào một trong những ký túc xá sinh viên của Matxcơva, vì điều đầu tiên họ phải làm là học tiếng Nga.
Cảng Odessa - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.06.2023
Những trang sử vàng
Người Việt kéo cờ đỏ trên chiến hạm Pháp cập cảng Odessa

Cuộc tìm kiếm bắt đầu ở Matxcơva đã được thực hiện ở cả Liên Xô và Việt Nam

Tuy nhiên, họ không phải là sinh viên của các cơ sở giáo dục của Quốc tế Cộng sản, cũng không phải là nhân viên của bất kỳ tổ chức nào thuộc Comintern. Vì vậy, còn lại rất ít tài liệu, thông tin về họ. Những người đã bắt đầu cuộc tìm kiếm kéo dài nhiều năm là các nhà Việt Nam học của Liên Xô - Anatoly Sokolov, Evgeny Kobelev, Nikolai Solntsev và nhóm Ban tiếng Việt của Đài phát thanh Matxcơva - tiền thân của Đài Tiếng nói Nga, sau đó là Sputnik hiện nay. Sau đó các cựu nhân viên của Ủy ban Quốc tế Cộng sản, các đảng viên lão thành của Đảng Cộng sản Liên Xô và Đảng Cộng sản Việt Nam, các nhà sử học, các nhân viên bảo tàng và kho lưu trữ của cả hai nước đã tham gia tìm kiếm.
Báo Nhân Dân và báo Pravda đã đưa tin về quá trình tìm kiếm. Các bài viết đã thu hút những người từng tham gia trận chiến ở Matxcơva, các cựu chiến binh Quân đội Liên Xô, các Hội Hữu nghị ở Nga và Việt Nam để thu thập thông tin về những chiến sĩ Hồng quân người Việt. Trong các bài mạn đàm tiếp theo của loạt bài "Những trang sử vàng", Sputnik sẽ nói về những kết quả của cuộc tìm kiếm này.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала