Chống rửa tiền ở Việt Nam và những kẽ hở cần khắc phục

© iStock.com / Richard DarkoĐồng Việt Nam
Đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.10.2023
Đăng ký
Bản thân luật pháp của các quốc gia EU cũng luôn luôn “đi sau” hành vi của tội phạm. Vì vậy, việc EU đòi hỏi Việt Nam và một số quốc gia khác hoàn thiện ngay lập tức hệ thống pháp lý để phòng chống tội phạm rửa tiền là đòi hỏi vô lý, thiếu thực tế.
Theo một tài liệu được công bố trên tạp chí chính thức của EU, EU đã liệt Cameroon và Việt Nam vào danh sách các nước thứ ba có mức độ rủi ro cao và thiếu sót chiến lược trong các chế độ chống rửa tiền và chống khủng bố của họ.
Hiện có 27 quốc gia trong danh sách, bao gồm Afghanistan, Yemen, Syria, Cameroon, UAE, Uganda, Mali và các quốc gia khác.
Vì sao Việt Nam bị đưa vào danh sách nói trên? Luật về chống rửa tiền của Việt Nam có hiệu quả không? Những điểm gì cần khắc phục?
Khách mời hôm nay của Sputnik là ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam.

Kết luận của EU thể hiện cái nhìn thiếu khách quan, thái độ thiếu thiện chí

Sputnik: Thưa ông Nguyễn Hồng Long, ông đánh giá như thế nào về động thái của EU, khi đưa Việt Nam vào danh sách các nước thứ ba có mức độ rủi ro cao và thiếu sót chiến lược trong các chế độ chống rửa tiền và chống khủng bố?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam:
Ở đây chúng ta cần tách bạch hai vấn đề. Đó là phòng, chống tội phạm rửa tiền và phòng, chống tội phạm khủng bố.
Từ đầu thế kỷ XXI, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật của Việt Nam đã xác định tội phạm rửa tiền là một loại tội phạm mới rất nguy hiểm, nảy sinh khi cơ chế thị trường phát triển. Phạm vi hoạt động ban đầu của loại tội phạm này là lĩnh vực tài chính - ngân hàng, sau đó lan sang các lĩnh vực khác như bất động sản, đầu tư, chứng khoán, thương mại, công nghệ cao.v.v…
Còng tay - Sputnik Việt Nam, 1920, 31.08.2023
Cựu Giám đốc Bệnh viện TP. Thủ Đức bị đề nghị truy tố tội tham ô, rửa tiền
Không thể tùy tiện xếp Việt Nam và số các quốc gia thứ ba có mức độ rủi ro cao và thiếu sót chiến lược trong các chế độ chống rửa tiền và chống khủng bố. Kết luận của EU (được đăng trong tài liệu lưu hành chính thức của họ) thể hiện cái nhìn thiếu khách quan, thái độ thiếu thiện chí, có thể gây phương hại nhất định cho quan hệ Việt Nam – EU vốn đang tiến triển tốt đẹp sau khi hai bên ký kết các hiệp định EVFTA và EVIPA.

Các luật về phòng chống rửa tiền của Việt Nam

Sputnik: EU còn nói rằng, Luật chống rửa tiền và chống khủng bố bắt buộc EU phải xác định các quốc gia thứ ba có thiếu sót trong chế độ chống rửa tiền và chống khủng bố, gây ra mối đe dọa đáng kể cho hệ thống tài chính của EU. Mục đích của việc biên soạn danh sách là để bảo vệ hệ thống tài chính EU khỏi những rủi ro rửa tiền và tài trợ khủng bố bắt nguồn từ các nước thứ ba. Xin ông cho biết về việc Việt Nam đã đấu tranh chống rửa tiền và khủng bố như thế nào, để có thể chứng minh cho việc EU đưa Việt Nam vào danh sách nói trên là một quyết định thiếu khách quan.
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam:
Nhận thức được tính chất, mức độ nguy hại của loại tội phạm này, ngày 7/6/2005, Chính phủ Việt Nam đã ban hành Nghị định số 74/2005/NĐ-CP về phòng chống rửa tiền. Căn cứ văn bản pháp quy này, các cơ quan Bộ Công an, Bộ Tài Chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Bộ Kế hoạch đầu tư. Viện Kiểm sát Nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao, Thanh tra Chính phủ và các bộ, ngành đều ban hành các thông tư hướng dẫn chi tiết việc thi hành nghị định này.
Ngày 18/6/2012, Quốc hội Việt Nam khóa 13 đã thông qua Luật số 07/2012/QH13 quy định về phòng chống rửa tiền. Ngày 14/11/2022, Quốc hội Việt Nam khóa 15 tiếp tục thông qua Luật số 14/2022/QH15 quy định về phòng chống rửa tiền. thay thế cho Luật số 07/2012/QH13 đã lạc hậu.
Trong Luật số 14/2022/QH15 đã chỉ rõ “Rửa tiền là hành vi của tổ chức, cá nhân nhằm hợp pháp hóa nguồn gốc của tài sản do phạm tội mà có”, xác định rõ đối tượng áp dụng gồm: “Tổ chức tài chính, Tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan, Tổ chức, cá nhân Việt Nam, tổ chức nước ngoài, người nước ngoài, tổ chức quốc tế có giao dịch với tổ chức tài chính, tổ chức, cá nhân kinh doanh ngành, nghề phi tài chính có liên quan; Tổ chức, cá nhân khác và các cơ quan có liên quan đến phòng, chống rửa tiền”.
Trung tướng Nguyễn Văn Hùng, Phó chủ nhiệm Thường trực Ủy ban Kiểm tra Quân ủy Trung ương trình bày báo cáo đề nghị thi hành kỷ luật đối với các tập thể và cá nhân vi phạm pháp luật Nhà nước và kỷ luật Quân đội. - Sputnik Việt Nam, 1920, 19.09.2023
Việt Nam tiếp tục siết kỷ luật Quân đội: 56 tập thể, cá nhân đã ‘vào tầm ngắm’
Tội phạm rửa tiền được quy định cụ thể tại Điều 324 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Đây là tội phạm rất nghiêm trọng, có mức án cao nhất tới 15 năm tù, hình phạt tiền đến 20 tỷ đồng. Ngay cả những người chuẩn bị phạm tội cũng có thể bị phạt tù từ 6 tháng tới 3 năm. Tội phạm rửa tiền có liên quan chặt chẽ với tội phạm tham nhũng được quy định tại Mục 1 (từ Điều 353 đến Điều 359), Chương XXIII của Bộ luật Hình sự và tội phạm chứa chấp hoặc tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có được quy định tại Điều 323 của Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Trong 18 năm qua, Nhà nước và các cơ quan bảo vệ pháp luật Việt Nam đã tích cực đấu tranh, triệt phá nhiều ổ nhóm, đường dây rửa tiền với quy mô lớn, hoạt động tinh vi, trong đó có những vụ rửa tiền dạng xuyên quốc gia.

4 vụ án điển hình

Sputnik: Ông có thể cho biết về những vụ án được khởi tố điển hình trong lĩnh vực chống rửa tiền ở Việt Nam trong những năm qua?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam:
Ngày 25/9/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra, Công an Hà Nội đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố đối với 6 bị can gồm: Phạm Anh Tuấn, Nguyễn Thị Nga, Nguyễn Thị Nguyệt, Nguyễn Văn Thắng, Nguyễn Văn Thực, Nguyễn Thị Hà về tội “Vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới”, quy định tại Điều 189 Bộ luật hình sự. Điều tra mở rộng vụ án, Công an Hà Nội phát hiện Nguyễn Văn Thắng cùng đồng phạm thành lập nhiều công ty để làm thủ tục hồ sơ tạm nhập tái xuất, lợi dụng vận chuyển hàng hóa, tiền tệ trái phép qua biên giới, nhằm che giấu hành vi phạm tội “Rửa tiền”.
Ngày 14/5/2019, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố 10 bị can về các tội danh khác nhau gồm “Buôn lậu” theo Điều 188 Bộ luật hình sự năm 2015 và tội “Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường). Sau quá trình điều tra mở rộng vụ án, ngày 9/7/2019, Cơ quan CSĐT- bộ Công an cũng đã ra quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự số 12/C03-P14, quyết định bổ sung quyết định khởi tố bị can số 21/C03-P14 và Lệnh khám xét số 114/C03-P14 đối với bị can Bùi Quang Huy về tội “Rửa tiền”.
Ngày 19/12/2021, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an Thành phố Hồ Chí Minh đã có kết luận điều tra vụ án “lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền” xảy ra tại Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba, chuyển Viện Kiểm sát Nhân dân TP Hồ Chí Minh đề nghị truy tố Nguyễn Thái Luyện (35 tuổi, ngụ tại Gia Lai, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Cổ phần địa ốc Alibaba) và 22 đồng phạm với các tội danh “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và “rửa tiền”.
Ngày 18/7/2018 của Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Phú Thọ ban hành kết luận điều tra số 829/ANĐT, theo đó, đề nghị truy tố các đối tượng Phan Sào Nam, Nguyễn Văn Dương và đồng phạm đã lợi dụng công nghệ cao, tổ chức 25 “đại lý cấp 1”, gần 6.000 “đại lý cấp 2” với gần 43 triệu tài khoản đăng ký tham gia đánh bạc trực tuyến bằng hình thức game bài RikVip/Tip.Club. Để che giấu số tiền thu lợi bất chính, Phan Sào Nam và Nguyễn Văn Dương cùng đồng bọn đã chuyển khoản số tiền hơn 9.800 tỷ đồng lòng vòng qua nhiều ngân hàng khác nhau để xóa dấu vết. Ngày 30/11/2018, Tòa án Nhân dân tỉnh Phú Thọ đã tuyên phạt Nguyễn Văn Dương (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty Trách nhiệm hữu hạn đầu tư phát triển an ninh công nghệ cao) 5 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc” và 5 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hình phạt là 10 năm tù. Bị cáo Phan Sào Nam (cựu Chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm Giám đốc Công ty VTC online) bị tuyên phạt 2 năm tù về tội “Tổ chức đánh bạc” và 3 năm tù về tội “Rửa tiền”, tổng hình phạt 5 năm tù.
Dẫn ra 4 vụ án điển hình trên đây để thấy rằng cũng như công cuộc phòng chống tội phạm tham nhũng, công cuộc phòng chống tội phạm rửa tiền ở Việt Nam chưa bao giờ ngừng nghỉ. Ngay cả khi những kẻ “rửa tiền” là người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ Việt Nam thì chúng vẫn bị phát hiện và xử lý nghiêm khắc theo pháp luật Việt Nam và công pháp quốc tế.
Doanh nghiệp dệt may Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.09.2023
Rõ ràng Mỹ và phương Tây cố tình phớt lờ yêu cầu của Việt Nam

Không một tổ chức khủng bố nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà không bị phát hiện

Sputnik: Còn về phòng chống khủng bố?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam:
Còn về khía cạnh phòng chống khủng bố thì từ trước tới nay, không một tổ chức khủng bố nào hoạt động trên lãnh thổ Việt Nam mà không bị phát hiện, bắt giữ và xử lý. Việt Nam đã có Luật phòng chống khủng bố và từ lâu đã hợp tác với nhiều quốc gia, trong đó có cả Mỹ và các nước Liên minh Châu Âu để phòng chống loại tội phạm đặc biệt nguy hiểm này.
Ngày 2/10/2023, tại trụ sở Liên hợp quốc ở New York (Hoa Kỳ), Ủy ban pháp lý (Ủy ban 6) của Đại Hội đồng Liên hợp quốc khóa 78 đã khai mạc và tiến hành thảo luận các biện pháp để loại trừ khủng bố quốc tế với sự tham dự, phát biểu của các nước thành viên Liên hợp quốc và các tổ chức quốc tế, khu vực. Tại diễn đàn này, Tham tán Công sứ Lê Thị Minh Thoa, Phó Trưởng Phái đoàn Thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc, khẳng định lập trường nhất quán của Việt Nam là kiên quyết lên án khủng bố dưới bất kỳ hình thức và động cơ nào. Việt Nam ủng hộ các biện pháp chống khủng bố phù hợp với các nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, các nghĩa vụ theo luật nhân quyền và nhân đạo quốc tế. Với ý nghĩa đó, Việt Nam phản đối việc áp dụng tiêu chuẩn kép trong đấu tranh chống chủ nghĩa khủng bố.

Luật phòng chống rửa tiền của Việt Nam phát huy tốt tác dụng

Sputnik: Về chống rửa tiền, Việt Nam có luật và các văn bản rõ ràng. Theo đánh giá của ông, Luật rửa tiền của Việt Nam có thực sự có tác dụng không?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam:
Kể từ năm 2005 đến nay, Việt Nam đã có tới 3 văn bản pháp quy về phòng chống rửa tiền; gồm một Nghị định của Chính phủ và 2 Luật phòng chống rửa tiền (năm 2012 và năm 2022). Cứ sau một thời gian thực hiện, căn cứ vào diễn biến thực tế của tội phạm rửa tiền, Quốc hội đều có sự nâng cấp, điều chỉnh luật hoặc ban hành luật mới cho phù hợp với tình hình. Việc Quốc hội Việt Nam thông qua Luật phòng chống rửa tiền mới ngày 14/11/2022 thay thế cho Luật phòng chống rửa tiền cũ năm 2012 là một bước tiến bộ rất lớn của Việt Nam trong công cuộc phòng chống tội phạm rửa tiền.
Luật phòng chống rửa tiền năm 2022 đã khắc phục nhiều khiếm khuyết của Luật phòng chống rửa tiền năm 2012, cập nhật nhiều thủ đoạn rửa tiền mới phát sinh để điều chỉnh, cung cấp cho các cơ quan chức năng những vũ khí pháp lý mới để tăng cường hiệu lực, hiệu quả quản ý tài chính, tiền tệ, đầu tư, thương mại và công nghệ cao, góp phần nâng cao năng lực phòng chống rửa tiền ở trong nước cũng như tăng cường hợp tác quốc tế về phòng chống rửa tiền.
Ngày 5/8/2022, Thủ tướng Chính phủ Việt Nam đã ban hành Quyết định số 941/QĐ-TTg phê duyệt Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt giai đoạn 2021 – 2025. Theo đó, ngày 29/11/2022, Bộ Công an Việt Nam cũng đã ban hành Kế hoạch số 586/KH-BCA-A04 để triển khai thực hiện. Các kế hoạch hành động này đều căn cứ vào Luật phòng chống rửa tiền và Luật phòng chống khủng bố đang có hiệu lực tại Việt Nam.
Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng phát biểu. - Sputnik Việt Nam, 1920, 07.09.2022
Dân Việt Nam chơi tiền ảo hàng đầu thế giới, báo động nguy cơ rửa tiền
Ngày 12/9/2023, tại Hà Nội đã diễn ra buổi làm việc của Bộ Công an Việt Nam với Đoàn công tác của Ban Thư ký Nhóm châu Á – Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), có sự tham dự của đại diện các tổ chức tài trợ kỹ thuật quốc tế đến từ Ngân hàng Thế giới (WB), Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), Văn phòng Liên Hợp Quốc về chống ma túy và tội phạm (UNODC), Trung tâm phân tích và Báo cáo giao dịch Australia (AUSTRAC). Tại buổi làm việc này, APG đã cam kết hỗ trợ Bộ Công an Việt Nam thực hiện Kế hoạch hành động quốc gia về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố (PCRT/CTTKB) do Lực lượng đặc nhiệm tài chính về chống rửa tiền (FATF) chỉ định trong vòng 2 năm từ năm 2023 đến năm 2025.
Phát biểu tại buổi làm việc, ông David Shannon, Phó Tổng Thư ký, Trưởng đoàn APG chân thành cảm ơn Bộ Công an và Thứ trưởng Lương Tam Quang đã dành thời gian làm việc với Đoàn công tác của APG về những vấn đề liên quan đến phòng, chống rửa tiền. Ông cũng mong muốn Bộ Công an tiếp tục phối hợp với APG trong lĩnh vực phòng, chống rửa tiền. Đồng thời, APG cũng luôn sẵn sàng hợp tác với Bộ Công an về đào tạo và kỹ thuật để Việt Nam thực hiện ngày càng có hiệu quả hơn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm rửa tiền.
Những dữ liệu mới nhất trên đây cho thấy Luật phòng chống rửa tiền của Việt Nam vẫn phát huy tốt tác dụng do được thường xuyên bổ khuyết, khắc phục các kẽ hở bằng các văn bản dưới luật và được thực thi bởi các kế hoạch trung hạn và dài hạn. Việc phòng chống rửa tiền ở Việt Nam luôn gắn liền với với việc phòng chống tham nhũng và các hành vi phạm tội khác về kinh tế. Do đó, phía Việt Nam cần có tiếng nói kiên quyết đề nghị phía EU đưa Việt Nam ra khỏi danh sách mà họ gọi là “các nước thứ ba có mức độ rủi ro cao và thiếu sót chiến lược trong các chế độ chống rửa tiền và chống khủng bố”.

Các quy định pháp lý luôn đi sau thủ đoạn hành động của kẻ phạm tội

Sputnik: Theo đánh giá của ông, trong chống rửa tiền ở Việt Nam còn tồn tại những hạn chế, bất cập gì?
Ông Nguyễn Hồng Long, nhà nghiên cứu về những vấn đề đối nội của Việt Nam:
Cũng như các hành vi phạm tội đưa hối lộ, nhận hối lộ và môi giới hối lộ, hành vi phạm tội “rửa tiền” rất khó bị phát hiện. Trước hết là do ngân hàng không giới hạn việc một khách hàng được mở nhiều tài khoản khác nhau. Mặt khác, việc sở hữu chéo giữa các ngân hàng cũng tạo ra nhiều khó khăn trong việc xác minh, xác định đường đi của những đồng tiền do phạm tội mà có.
Thiếu tướng Nguyễn Văn Thành - Phó Cục trưởng Cục cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế - Bộ Công an (C03) - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.10.2023
3 ngân hàng bị réo tên vì Tân Hoàng Minh, động thái mới vụ Vạn Thịnh Phát
Dữ liệu của khách hàng ở các ngân hàng đều là bí mật cá nhân, được các ngân hàng cam kết bảo vệ nghiêm ngặt. Để tiếp cận được các thông tin này, cơ quan điều tra phải chứng minh được các dấu hiệu phạm tội của đối tượng với các bằng chứng tối thiểu cần có. Trong khi đó thì giới tội phạm tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư có hàng loạt các thủ đoạn để “rửa tiền”, có thể chia thành các nhóm như sau:
Thành lập công ty bình phong để mua bán khống hàng hóa rồi lợi dụng để rửa tiền.
Rút tiền mặt thông qua vỏ bọc là trò chơi trực tuyến có thưởng.
Núp bóng quỹ làm từ thiện, lợi dụng việc đi du lịch.
Lợi dụng quy định về thừa kế của Bộ luật Dân sự để chuyển tiền thừa kế ra nước ngoài cho người được hưởng thừa kế.
Nhờ người thân mua, bán, cho, tặng bất động sản.
Lợi dụng giao dịch cổ phiếu trên thị trường chứng khoán.
Lợi dụng các dịch vụ tiền ảo để hoán đổi, biến tiền thật thành tiền ảo và chuyển vòng vèo qua nhiều dịch vụ rồi cuối cùng, biến tiền ảo thành tiền thật.
Đặc biệt từ khi công nghệ cao như internet, máy tính, dịch vụ trên mạng phát triển, tội phạm rửa tiền đã lập tức lợi dụng nhiều “lỗ hổng” trên không gian mạng và trong luật pháp để thực hiện hành vi rửa tiền, khiến cho việc điều tra thêm khó khăn.
Chỉ trong nửa cuối năm 2020, các cơ quan điều tra của Công an Nhân Việt Nam đã phát hiện ra 5408 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, trong đó có 2540 vụ lừa đảo, chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng, chiếm 46,5% và có rất nhiều hình thức lừa đảo khác nhau.
Trong các năm 2021 và 2022 và đặc biệt là sau khi Việt Nam khống chế, kiểm soát và đẩy lùi được Đại dịch COVID-19. số vụ lừa đảo trên mạng tiếp tục tăng cao. Và đồng biến với số vụ lừa đảo trên mạng là số vụ rửa tiền do phạm tội mà có cũng tăng cao.
Hạn chế đầu tiên phải nhìn nhận chính là một số quy định còn bất cập như Dự thảo Luật Phòng chống rửa tiền quy định cho Ngân hàng chỉ được phép “trì hoãn giao dịch khi có yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền quy định theo các pháp luật có liên quan”.

Rất may mắn là trong Luật Phòng chống rửa mới được thông qua ngày 14/11/2022, quy định này đã được sửa lại chặt chẽ hơn: “Ngân hàng được khóa tài khoản khi có yêu cầu của các cơ quan nhà nước có thẩm quyền tiến hành tố tụng hình sự để phục vụ hoạt động kiểm tra, xác minh tố giác, tin báo tội phạm kiến nghị điều tra truy tố xét xử”.

Người đàn ông vẫy cờ Việt Nam đứng trên đỉnh biểu tượng tiền điện tử bitcoin - Sputnik Việt Nam, 1920, 20.09.2023
Việt Nam bị liệt vào “danh sách xám”, cần sớm hành động
Quy định mới này đã giúp khám phá nhiều vụ án rửa tiền lớn và tinh vi của các ổ nhóm tội phạm trong thời gian gần đây.
Nói tóm lại là về nguyên tắc, các quy định pháp lý luôn đi sau thủ đoạn hành động của kẻ phạm tội. Khi kẻ phạm tội làm phát sinh những thủ đoạn phạm tội mới thì phải sau một thời gian, thực tế đó mới được nghiên cứu để cho ra đời những biện pháp phòng chống tội phạm thích hợp. Bản thân luật pháp của các quốc gia EU cũng luôn luôn “đi sau” hành vi của tội phạm. Vì vậy, việc EU đòi hỏi Việt Nam và một số quốc gia khác hoàn thiện ngay lập tức hệ thống pháp lý để phòng chống tội phạm rửa tiền là đòi hỏi vô lý, thiếu thực tế.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала