Liệu ASEAN có bị chia rẽ vì Myanmar?

Cuộc gặp của các Ngoại trưởng ASEAN đã phải hoãn lại trong bối cảnh bất đồng về Myanmar. Phương Tây có thể lợi dụng mâu thuẫn trong ASEAN để gia tăng sức ép đối với các nước Đông Nam Á. Singapore kêu gọi Chủ tịch ASEAN tác động tới tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Myanmar.
Sputnik
Thái độ không rõ ràng trong ASEAN trước chuyến thăm của Thủ tướng Campuchia Hun Sen tới Myanmar có thể là một trong những nguyên nhân khiến cuộc gặp của các ngoại trưởng ASEAN bị hoãn. Sự kiện lẽ ra cần tiến hành những ngày 18-19 tháng 1 tại Siem Reap, và là diễn đàn đầu tiên như vậy của Hiệp hội do Campuchia chủ trì. Ngày 12 tháng 1, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong thông báo hoãn họp do nhiều Bộ trưởng ASEAN gặp khó với hành trình tham gia sự kiện.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Campuchia Koy Kuong
Nhà ngoại giao từ chối thông báo chi tiết. Trong khi đó, đến thời điểm hiện tại, ít nhất là Malaysia, Singapore và Philippines vẫn chưa hoàn toàn ủng hộ sứ ​​mệnh của ông Hun Sen tới thăm Myanmar, thậm chí còn gián tiếp chỉ trích ông.
Ông Hun Sen đã hội đàm với người đứng đầu chính quyền quân sự Myanmar, Thống tướng Min Aung Hlaing, nhưng không tiến hành bất cứ cuộc gặp nào với các đại diện phe đối lập, kể cả bà Aung San Suu Kyi. Trong tương quan này, khi trả lời phỏng vấn của các nhà báo vào cuối ngày 13 tháng 1, Ngoại trưởng Malaysia Saifuddin Abdullah nêu giả thiết rằng ông Hun Sen với tư cách là Chủ tịch ASEAN chắc hẳn đã tham vấn với các nhà lãnh đạo khác của Hiệp hội và trưng cầu quan điểm của họ về những gì ông nên làm ở Myanmar. Như Bộ trưởng lưu ý, trong ASEAN có những ý kiến ​​khác nhau về chuyến thăm này. Một số nước lo ngại rằng chuyến thăm có thể coi như là sự công nhận của khu vực đối với giới quân sự cầm quyền. Ngoại trưởng Saifuddin Abdullah trả lời phủ định với câu hỏi - liệu ông có đánh giá chuyến thăm này là đạt kết quả xây dựng hay không.
“Việt Nam, ASEAN xem Myanmar là thành viên trong gia đình”
Hôm thứ Bảy, Bộ Ngoại giao Singapore thông báo rằng trong các cuộc đàm phán thông qua liên kết video một ngày trước đó, Thủ tướng Lý Hiển Long đã hối thúc tân Chủ tịch Hiệp hội Khu vực tác động với tất cả các bên tham gia xung đột ở Myanmar, bao gồm cả đảng bị lật đổ của bà Aung San Suu Kyi. Ông Lý Hiển Long lưu ý rằng tất cả các đề xuất của Campuchia với tư cách là Chủ tịch ASEAN cần được các Ngoại trưởng ASEAN thảo luận chi tiết. Ông bày tỏ hy vọng rằng Campuchia sẽ tính đến quan điểm của Singapore và các nhà lãnh đạo khác trong ASEAN.
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long.
Philippines cũng bày tỏ lập trường tương tự như Malaysia và Singapore qua thông báo của Ngoại trưởng Teodoro Locsin hôm Chủ nhật tuần trước. Ngoại trưởng coi bà Aung San Suu Kyi là nhân vật tham gia «không thể thiếu» trong bất kỳ cuộc đàm phán nào giữa các bên ở Myanmar, bất chấp việc bà bị tòa tuyên án 4 năm tù. Tuyên bố này được báo The Philippine Star đăng tải. Ngoại trưởng cho rằng việc tiếp cận của đặc phái viên với tất cả các bên hữu quan không nên kèm theo bất kỳ điều kiện nào. Ông Teodoro Locsin còn thông báo dự định làm việc với các đồng nghiệp từ ASEAN vào những tuần tới để đạt được đối thoại giữa tất cả các bên liên quan ở Myanmar và tiến bộ thực chất về “đồng thuận 5 điểm” đã được nhất trí trong ASEAN.

Sẽ phải thương lượng

Chuyên gia của Trung tâm ASEAN tại MGIMO, TSKH Lịch sử Viktor Sumsky cho rằng ASEAN sẽ phải đàm phán về Myanmar, bởi nếu không thì các thế lực bên ngoài mong muốn chi phối sự hỗn loạn có kiểm soát sẽ lợi dụng những mâu thuẫn nội bộ trong Hiệp hội.
“Ở Myanmar đã nảy sinh vấn đề dài hạn. Khó hình dung một giải pháp nhanh chóng nào đó trong ASEAN. Dù sao chăng nữa, không ngẫu nhiên mà Campuchia giữ lập trường như Thủ tướng của họ đang thể hiện. Ông không chỉ bộc lộ thái độ cá nhân, bởi Thái Lan và Lào cũng có phần mềm mỏng hơn với Myanmar. Trong khi đó, một kiểu nhân nhượng nào đó trong ASEAN vẫn sẽ được tìm thấy. Bởi trái lại, mọi thứ có thể đi đến chỗ xuất hiện rạn nứt đó trong ASEAN mà không thể nhanh chóng khắc phục, thậm chí dẫn đến sự phân hoá chia rẽ trong ASEAN. Bằng cách nào đó, các nước ASEAN sẽ phải thỏa thuận với nhau về Myanmar, nếu không, những cố gắng của các thế lực bên ngoài xoáy vào mâu thuẫn bên trong của nước này sẽ ngày càng tăng mạnh. Myanmar không chỉ một năm nay bị cuốn vào cuộc đối đầu toàn cầu; lá bài Myanmar đã xuất hiện trong cuộc chơi hơn 20 năm kể từ khi Myanmar gia nhập ASEAN. Phương Tây liên tục sử dụng các sự kiện ở nước này, thông qua việc gây sức ép với Myanmar để gây áp lực với toàn khối ASEAN. Điều đó cần thiết đối với những kẻ liên tục kích động các ổ nóng căng thẳng ở Myanmar và Đông Nam Á nói chung, tạo ra hoặc cố tạo ra sự hỗn loạn có kiểm soát».
Bộ Ngoại giao Nga: ASEAN có tiềm năng tốt để làm trung gian liên quan đến Myanmar
Một trong những tờ báo hàng đầu của Myanmar là The Irrawaddy gần đây đã thừa nhận rằng chuyến thăm của ông Hun Sen đến Myanmar đã khơi lên nhiều đánh giá trái chiều ở cả Myanmar và nước ngoài do các tiếp xúc với chính quyền quân sự. Trong bối cảnh đó, tờ báo Myanmar ghi nhận những nỗ lực của Trung Quốc trong việc hỗ trợ sự tương tác giữa Myanmar và ASEAN nhằm giải quyết cuộc khủng hoảng chính trị ở nước này. Cụ thể, báo trích dẫn tuyên bố của người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc Uông Văn Bân, lưu ý rằng Trung Quốc đánh giá cao việc Myanmar sẵn sàng tạo điều kiện thuận lợi để Đặc phái viên ASEAN hoàn thành trách nhiệm còn về phần mình, Trung Quốc đang nỗ lực để đạt đồng thuận giữa «bản đồ lộ trình 5 điểm» của Myanmar với sự «nhất trí 5 điểm» của ASEAN.
Ý kiến trong bài viết là quan điểm của tác giả, không nhất thiết phản ánh quan điểm của Sputnik.
Thảo luận