Sau nỗ lực ngoại giao của Việt Nam, Malaysia thả 37 ngư dân Quảng Nam

Sau hơn 3 tháng bị phía Malaysia bắt giữ (từ 11/6/2022), 37 ngư dân tàu cá QNa 95005 TS đã được thả tự do và về Việt Nam an toàn.
Sputnik
Theo dữ liệu sơ bộ, các ngư dân tàu cá Quảng Nam này đã thực hiện khai thác thuỷ hải sản trong vùng ranh giới cho phép của Việt Nam nhưng lại bị giới chức Malaysia bắt giữ với cáo buộc vi phạm Luật Thủy sản 1985 của chính quyền Kuala Lumpur.

Malaysia trao trả 37 ngư dân Việt Nam

Rạng sáng nay (23/9), 37 ngư dân tỉnh Quảng Nam trên tàu câu mực QNa 95005 TS về đến nhà an toàn, theo ông Võ Văn Hùng, Chủ tịch UBND huyện Thăng Bình, Quảng Nam.
Như vậy, sau hơn 3 tháng bị giới chức Malaysia bắt giữ vì vi phạm Luật Thủy sản 1985 của nước bạn, các ngư dân Việt Nam đã được trả tự do và được hỗ trợ hồi hương.
Theo thông tin từ nhà chức trách, 37 ngư dân trên tàu QNa 95005 TS bị Malaysia bắt giữ hôm 11/6/2022.
Đến chiều tối qua (22/9), sau khi được cảnh sát Malaysia trao trả, 37 ngư dân đã về đến sân bay Tân Sơn Nhất, TP.HCM và đến hơn 22 giờ tối cùng ngày, các ngư dân đã về đến sân bay Đà Nẵng.
Để hỗ trợ ngư dân, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cùng các ngành chức năng đã đón và hỗ trợ phương tiện đưa 37 ngư dân về nhà sum họp với gia đình vào rạng sáng nay ngày 23 tháng 9.
Đại diện lãnh đạo tỉnh Quảng Nam cùng ngư dân tập trung trước sảnh chờ nhà ga hành khách quốc nội Đà Nẵng. Nhiều người bật khóc, ôm chầm lấy người thân trong ngày chở về đầy nước mắt của 37 ngư dân Quảng Nam.
Tàu cá ngư dân Việt Nam bị Malaysia bắt giữ, Quảng Nam nhờ Bộ Ngoại giao can thiệp
Chủ tịch huyện Thăng Bình cho hay, địa phương đã hỗ trợ chi phí mua vé máy bay cho 37 ngư dân từ TP.HCM về Đà Nẵng. Ngoài ra, địa phương cũng hỗ trợ thêm mỗi ngư dân một phần quà nhỏ trị giá 500.000 đồng.
Đại diện Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam thông tin tình hình hiện sức khỏe của 37 ngư dân Quảng Nam cho biết, tất cả đều ổn định, đơn vị phối hợp với chính quyền địa phương động viên để các ngư dân ổn định tinh thần.
“Chúng tôi đã liên hệ và thống nhất với chính quyền địa phương để các ngư dân nghỉ ngơi vài ngày, ổn định tinh thần rồi mới phối hợp làm rõ vấn đề này. Sau đó có biện pháp tham mưu cho UBND tỉnh Quảng Nam và Bộ Ngoại giao trong việc bảo hộ công dân”, - theo đại Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam.

Can thiệp ngoại giao

Tàu cá QNa 95005 TS ra khơi hôm 25 tháng 4 với 42 ngư dân. Tuy nhiên, đến ngày 11/6 thì họ bị giới chức Malaysia ngăn chặn và bắt giữ tại khu vực Tanjung Simpang Mengayau Kudat với cáo buộc vi phạm luật thủy sản 1985 của nước này.
Theo văn bản ngày 29/6 của UBND tỉnh Quảng Nam, hệ thống giám sát của Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh ghi nhận tàu QNa 95005 TS hoạt động cách bãi đá Công Đo thuộc quần đảo Trường Sa, chủ quyền Việt Nam, khoảng 9 hải lý về phía đông nam thì bị cảnh sát biển Malaysia bắt.
Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh Quảng Nam cũng xác nhận, từ ngày 25/4 đến ngày 11/6/2022, thời điểm bị bắt giữ, tàu cá QNa-95005 TS chủ yếu hoạt động ở vùng biển phía Nam - Tây Nam thuộc quần đảo Trường Sa mà Việt Nam cũng tuyên bố chủ quyền.
Dữ liệu giám sát hành trình của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Quảng Nam cũng khẳng định, từ ngày 25/4 đến 11/6, tàu QNa 95005 TS hoạt động trong vùng ranh giới cho phép khai thác thủy hải sản của Việt Nam.
Biển Đông
Cấm đánh bắt cá ở Biển Đông làm gia tăng nguy cơ đụng độ giữa tàu Việt Nam và Trung Quốc
Ngay trong ngày 29/6, UBND tỉnh Quảng Nam đã có công văn gửi Bộ Ngoại giao về việc đề nghị hỗ trợ ngư dân trên tàu cá QNa-95005 TS bị Malaysia bắt giữ. Sở Ngoại vụ tỉnh Quảng Nam đã phối hợp với các cơ quan liên quan xác minh vùng hoạt động của tàu cá QNa-95005 TS để cung cấp cho cơ quan chức năng liên quan.
Sau nhiều nỗ lực từ phía Bộ Ngoại giao Việt Nam, tỉnh Quảng Nam và các cơ quan liên quan, 5 ngư dân tuổi vị thành niên và người có bệnh nền đã được giới chức sở tại giải quyết thủ tục đưa về nước vào ngày 14/7 vừa qua.
37 người còn lại tiếp tục bị giam giữ để giới chức Malaysia điều tra. Đại sứ quán Việt Nam tại Malaysia cũng đã triển khai các biện pháp bảo hộ công dân, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của công dân Việt Nam.
Đến ngày 30/8, phía Malaysia đưa vụ án liên quan đến các ngư dân tàu cá QNa-95005 TS ra xét xử để khép lại sự việc. Theo bản án của toà, thuyền trưởng tàu cá QNa-95005 TS phải nộp tiền phạt, quy đổi gần 900 triệu đồng tiền Việt Nam, mỗi thuyền viên bị phạt gần 160 triệu đồng. Tổng tiền phạt lên đến hơn 5 tỷ đồng đối với đoàn ngư dân tàu câu mực này.

Việt Nam và Malaysia cần thoả thuận đánh cá chung?

Những năm qua, trước tình trạng nhiều tàu cá Việt Nam bị cảnh sát biển nước ngoài bắt giữ, chuyên gia luật Hoàng Việt cho rằng, có thể cần phải xem xét đến một thoả thuận đánh bắt cá chung của hai nước ở khu vực còn chồng lấn.
Theo chuyên gia, Việt Nam với Malaysia có phân định vùng thềm lục địa, nhưng còn vùng đặc quyền kinh tế chưa phân định được, mới dừng ở thỏa thuận. Thậm chí, cho đến bây giờ việc giải quyết chủ yếu bằng biện pháp ngoại giao, vì sự việc xảy ra ở giữa biển, không có bên thứ ba để xác định.
Thông thường khi cảnh sát biển bắt ngư dân Việt sẽ đưa về cho tòa án và phán quyết ngay lập tức theo pháp luật của họ. Tuy vậy, các mức phạt thường gây tổn hại rất lớn cho ngư dân.
Tàu cá Việt Nam bị ca nô “lạ” bắn, cướp tài sản ở quần đảo Trường Sa
Do đó, Thạc sĩ Hoàng Việt đề xuất một giải pháp chung lâu dài hơn. Cụ thể, để tránh tình trạng ngư dân bị bắt giữ, phạt rất nhiều tiền khi đánh bắt ở vùng biển khơi xa, các quốc gia, trong đó có Việt Nam và Malaysia, cần thỏa thuận vùng đánh cá chung ở nơi còn chồng lấn.
Hai bên cũng cần có cơ chế phối hợp tuần tra chung trên biển, nếu phát hiện ngư dân nước nào vi phạm thì cùng xử lý.
Liên quan đến vụ việc này, hôm 25/8 tại họp báo thường kỳ Bộ Ngoại giao, người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng cho biết, Việt Nam đã liên lạc với Malaysia để xác minh và hỗ trợ tàu cá QNa 95005 TS.
Cơ quan ngoại giao của Việt Nam tại nước sở tại cũng đã thăm hỏi, động viên các ngư dân đang bị giữ. Việt Nam cũng đề nghị Malaysia đối xử nhân đạo, sớm xử lý sự việc và tạo điều kiện để các ngư dân được về nước an toàn.
Thảo luận