Việt Nam là cường quốc xuất khẩu của thế giới nhưng còn một điểm yếu quan trọng

© Depositphotos.com / XuanhuonghoСảng Cát Lái
Сảng Cát Lái - Sputnik Việt Nam, 1920, 27.08.2022
Đăng ký
Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới, xếp hạng 24 toàn cầu, tuy nhiên, đằng sau đó vẫn tiềm ẩn nhiều yếu tố chưa bền vững, theo chuyên gia.
Thống kê của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho thấy, vốn FDI đổ vào Việt Nam từ các nhà đầu tư nước ngoài đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021. Điều này tiếp tục khẳng định niềm tin của các doanh nghiệp quốc tế vào Việt Nam.

Vốn FDI tiếp tục đổ về Việt Nam

Theo thống kê mới nhất của Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, tính đến ngày 20/8/2022, tổng vốn đăng ký cấp mới, điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần, mua phần vốn góp của nhà đầu tư nước ngoài (ĐTNN) đạt gần 16,8 tỷ USD, bằng 87,7% so với cùng kỳ năm 2021.
Trong đó, theo cơ quan quản lý nhà nước, tuy vốn đăng ký mới chưa hồi phục hoàn toàn sau sự gián đoạn của các biện pháp chống dịch năm 2021, song vốn điều chỉnh và góp vốn mua cổ phần tăng lần lượt là 50,7% và 3,6%. Vốn thực hiện của dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021.
Cụ thể, theo Cục Đầu tư nước ngoài, có 1.135 dự án mới được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (bằng 100% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký đạt trên 6,35 tỷ USD (giảm 43,9% so với cùng kỳ).
Cô gái làm việc tại nhà máy Samsung ở Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.06.2022
Dòng tiền vẫn đổ về, tỉnh nào thu hút nhiều vốn FDI nhất Việt Nam?
Lý giải về mức giảm này, Cục Đầu tư nước ngoài lưu ý, dù vốn đăng ý mới trong 8 tháng vẫn giảm so với cùng kỳ song số dự án đầu tư mới đang tăng lên theo từng tháng kể từ đầu năm và đạt mức cao nhất trong tháng 8. Đặc biệt, số dự án đăng ký mới của 8 tháng năm nay đã bằng với 8 tháng năm ngoái.
“Việc vốn đăng ký mới giảm chủ yếu là do 8 tháng qua không có nhiều dự án có vốn đầu tư lớn trên 100 triệu USD như cùng kỳ năm 2021. Riêng các dự án quy mô lớn đã chiếm tới 62,3% tổng vốn đăng ký mới của 8 tháng năm 2021”, - Cục Đầu tư nước ngoài nêu.
Thêm vào đó, năm 2021, Việt Nam còn đón các dự án tỷ USD như Nhà máy điện khí hoá lỏng LNG Long An I và II, vốn đầu tư trên 3,1 tỷ USD, Nhiệt điện Ô Môn II, 1,3 tỷ USD. Nhưng ở 8 tháng đầu năm 2022, chỉ có một số ít dự án đầu tư mới có quy mô vốn trên 100 triệu USD và chỉ chiếm 38,9% tổng vốn đầu tư của 8 tháng.
Ngoài ra, theo Cục Đầu tư nước ngoài, các chính sách kiểm soát dịch Covid-19 đã làm cho các nhà đầu tư nước ngoài gặp khó khăn trong việc di chuyển tới Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư cũng như thực hiện thủ tục đăng ký dự án đầu tư mới trong các tháng cuối năm 2021. Điều này đã ảnh hưởng đến số lượng dự án đầu tư được cấp mới trong các tháng đầu năm 2022.

“Ấn tượng”

Tuy nhiên, trái với xu hướng đăng ký mới, 8 tháng của năm 2022 vừa qua, tại Việt Nam có 676 lượt dự án đăng ký điều chỉnh vốn đầu tư (tăng 5,8% so với cùng kỳ), tổng vốn đăng ký tăng thêm đạt trên 7,5 tỷ USD, tăng 50,7% so với cùng kỳ.
Có 2.425 lượt góp vốn mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài (giảm 10,8% so với cùng kỳ), tổng giá trị vốn góp đạt trên 2,9 tỷ USD (tăng 3,6% so với cùng kỳ). Cục Đàu tư nước ngoài nhấn mạnh, mức tăng 50,7% tuy giảm 8,3 điểm phần trăm so với 7 tháng song vẫn là “con số khá ấn tượng”, khẳng định niềm tin của các nhà đầu tư nước ngoài vào nền kinh tế, vào môi trường đầu tư của Việt Nam hiện nay.
Cục Đầu tư nước ngoài cho rằng, tốc độ tăng về số lượt dự án điều chỉnh vốn sau khi chậm lại trong 7 tháng cũng đã tăng trở lại, đạt mức xấp xỉ so với 6 tháng đầu năm.
Quy mô điều chỉnh vốn bình quân/dự án tương đối cao so với cùng kỳ, đạt gần 11,1 triệu USD/lượt điều chỉnh, cao hơn nhiều so với con số này trong cùng kỳ năm 2021 là 7,8 triệu USD/lượt điều chỉnh. Tín hiệu đáng mừng là nhiều dự án sản xuất, chế tạo các sản phẩm điện tử, công nghệ cao được tăng vốn với quy mô lớn trong 8 tháng đầu năm.
Khách hàng giao dịch tại Chứng khoán Bảo Việt, số 8 Lê Thái Tổ, Hà Nộ - Sputnik Việt Nam, 1920, 11.02.2022
Hé lộ nhà đầu tư nước ngoài sẽ đổ hàng nghìn tỷ vào cổ phiếu Việt Nam
Như Sputnik đã thông tin, có nhiều dự án được nhắc đến nhiều trong thời gian qua như dự án Samsung Electro-mechanics Việt Nam (Thái Nguyên) tăng 920 triệu USD và 267 triệu USD, dự án Công ty TNHH Điện tử Samsung HCMC CE tăng trên 841 triệu USD, dự án nhà máy chế tạo điện tử, phương tiện thiết bị mạng và sản phẩm âm thanh đa phương tiện (tại Bắc Ninh, Nghệ An và Hải Phòng) tăng lần lượt gần 306 triệu USD, 260 triệu USD và 127 triệu USD…
Về tổng giá trị góp vốn, mua cổ phần đạt trên 2,9 tỷ USD, tăng 3,6% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, số lượt góp vốn, mua cổ phần chỉ là 2.425 lượt, giảm 10,8% so với cùng kỳ, theo Cục Đầu tư nước ngoài.

Nhà đầu tư nước ngoài đổ tiền vào các lĩnh vực nào của Việt Nam?

Theo số liệu mới nhất từ Cục Đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư nước ngoài rót vốn FDI vào 18 ngành trong tổng số 21 ngành kinh tế quốc dân của Việt Nam.
Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đạt trên 10,7 tỷ USD, chiếm 63,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Ngành kinh doanh bất động sản đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư trên 3,3 tỷ USD, chiếm 19,9% tổng vốn đầu tư đăng ký. Tiếp theo lần lượt là các ngành hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ; thông tin truyền thông với tổng vốn đăng ký đạt lần lượt là gần 620,8 triệu USD và 518,9 triệu USD.
Một góc Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore (VSIP) mở rộng ở thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương. - Sputnik Việt Nam, 1920, 25.08.2022
Việt Nam thuộc nhóm 20 nước có độ mở kinh tế lớn nhất thế giới
FDI đổ vào 53 tỉnh, thành phố trên cả nước trong 8 tháng đầu năm 2022. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu với tổng vốn đầu tư đăng ký trên 2,7 tỷ USD, chiếm 16,1% tổng vốn đầu tư đăng ký và tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2021. Bình Dương đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư gần 2,64 tỷ USD, chiếm 15,7% tổng vốn, tăng 57,9% so với cùng kỳ. Bắc Ninh xếp thứ ba với tổng vốn đầu tư đăng ký gần 1,75 tỷ USD, chiếm 10,4% tổng vốn và tăng gấp gần 2,4 lần so với cùng kỳ năm 2021.
Trong khi đó, nếu xét về số dự án mới, các nhà đầu tư nước ngoài vẫn tập trung đầu tư nhiều tại các thành phố lớn, có cơ sở hạ tầng thuận lợi như thành phố Hồ Chí Minh, Hà Nội. Trong đó, thành phố Hồ Chí Minh dẫn đầu về số dự án mới (42,2%), số lượt góp vốn mua cổ phần (67,3%) và đứng thứ hai về số lượt dự án điều chỉnh vốn (14,2% sau Hà Nội là 17,9%).

Hàn Quốc vẫn là đối tác đầu tư hàng đầu

Thống kê của nhà chức trách Việt Nam cho thấy, đã có 94 quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư tại Việt Nam trong 8 tháng đầu năm 2022.
Trong đó, Singapore dẫn đầu với tổng vốn đầu tư trên 4,53 tỷ USD, chiếm 27% tổng vốn đầu tư vào Việt Nam, giảm 27% so với cùng kỳ 2021. Hàn Quốc đứng thứ hai với trên gần 3,5 tỷ USD, chiếm gần 21% tổng vốn đầu tư, tăng 43,7% so với cùng kỳ. Nhật Bản đứng thứ 3 với tổng vốn đầu tư đăng ký gần trên 1,49 tỷ USD, chiếm 10,8% tổng vốn đầu tư.
Tuy nhiên, nếu tính theo số lượng dự án, Hàn Quốc vẫn là đối tác có nhà đầu tư quan tâm và đưa ra các quyết định đầu tư mới cũng như mở rộng dự án đầu tư và góp vốn mua cổ phần nhiều nhất trong 8 tháng năm 2022 (chiếm 21,9% số dự án mới, 36,8% số lượt điều chỉnh và 34,9% số lượt góp vốn mua cổ phần) tại Việt Nam.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.12.2019
Hàn Quốc đầu tư hơn 15 tỷ USD vào Hà Nội
Xét về số lượng dự án mới thì bán buôn bán lẻ, công nghiệp chế biến chế tạo và hoạt động chuyên môn khoa học công nghệ là các ngành thu hút được nhiều dự án nhất, chiếm lần lượt 30,3%, 25,3% và 16,1% tổng số dự án. Tính lũy kế đến ngày 20/8/2022, cả nước có 35.539 dự án còn hiệu lực với tổng vốn đăng ký trên trên 430 tỷ USD. Vốn thực hiện lũy kế của các dự án đầu tư nước ngoài ước đạt 264,4 tỷ USD, bằng 61,5% tổng vốn đầu tư đăng ký còn hiệu lực.
Cũng theo Cục Đầu tư nước ngoài, vốn đầu tư thực hiện trong 8 tháng đầu năm đã đạt 12,8 tỷ USD, tăng 10,5% so với cùng kỳ năm 2021 và tăng 0,3 điểm phần trăm so với 7 tháng đầu năm 2022.
“Điều này cho thấy các doanh nghiệp đang không ngừng phục hồi, duy trì và mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh”, - Cục Đầu tư nước ngoài cho biết.

Tăng trưởng xuất khẩu phụ thuộc vào FDI

Thống kê từ Hải quan Việt Nam cho thấy, cán cân thương mại hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7/2022 đạt thặng dư 2,51 tỷ USD, lũy kế 7 tháng/2022 đạt mức thặng dư 18,74 tỷ USD. Tổng cục Hải quan cũng ghi nhận, tổng trị giá xuất nhập khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài trong tháng là 42,29 tỷ USD, giảm 4,7% so với tháng trước, đưa tổng trị giá xuất nhập khẩu của khu vực FDI 7 tháng/2022 lên 299,26 tỷ USD, tăng 15,3% (tương ứng tăng 39,8 tỷ USD) so với cùng kỳ năm 2021.
Trong số này, theo cơ quan Hải quan, xuất khẩu hàng hóa của khối doanh nghiệp FDI trong tháng 7 là gần 22,4 tỷ USD, giảm 6,5% so với tháng trước, qua đó nâng trị giá xuất khẩu hàng hóa trong 7 tháng/2022 của doanh nghiệp FDI lên gần 159 tỷ USD, tăng 16,3% (tương ứng tăng 22,23 tỷ USD) so với 7 tháng/2021 và chiếm 73,2% tổng trị giá xuất khẩu của cả Việt Nam.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm Phát triển xuất khẩu bền vững trong bối cảnh thực thi các Hiệp định thương mại tự do (FTA) gần đây, ông Lê Quốc Phương, chuyên gia kinh tế đánh giá, xuất khẩu đã trở thành động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam và có những bước tiến lớn.
“Việt Nam là một trong những cường quốc xuất khẩu của thế giới, với xếp hạng thứ 24 xuất khẩu trên thế giới trong số 240 nền kinh tế. Dù trong bối cảnh Covid-19, năm 2021, kim ngạch xuất khẩu vẫn đạt 336 tỷ USD, tốc độ tăng trưởng thuộc nhóm cao nhất thế giới”, - chuyên gia nhắc lại.
Cà phê của tỉnh Đắk Nông sản xuất theo bộ tiêu chuẩn quốc tế phục vụ xuất khẩu - Sputnik Việt Nam, 1920, 05.05.2022
Cần có phương án quản trị rủi ro đối với hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam
Ngoài ra, trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu tiếp tục tăng trưởng 2 con số. Báo Đầu tư dẫn ý kiến ông Phương lưu ý, xuất khẩu tăng trưởng cao và rất tích cực nếu nhìn vào con số nêu trên nhưng đằng sau đó vẫn tiềm ẩn yếu tố chưa bền vững. Cụ thể, xuất khẩu mới tăng trưởng mạnh về số lượng nhưng chất lượng chưa theo kịp, giá trị gia tăng trong xuất khẩu thấp.
“So với các nước ASEAN như Thái Lan, Singapore, Indonesia, giá trị gia tăng của chúng ta thấp hơn nhiều. Trong đó, 86% tỷ trọng xuất khẩu từ công nghiệp chế biến chế tạo, nhưng vẫn gia công, lắp ráp là chính, lĩnh vực nông lâm thủy sản thì xuất thô còn nhiều, chế biến sâu vẫn hạn chế”, - chuyên gia lưu ý.
Điểm hạn chế lớn thứ 2 theo ông Lê Quốc Phương khiến xuất khẩu chưa bền vững là phu thuộc quá lớn vào doanh nghiệp FDI, chiếm 3/4 xuất khẩu, còn lại là doanh nghiệp nội.
“Ngay với ngành dệt may, da giày, trên 60% đóng góp bởi FDI, lĩnh vực điện tử, máy tính FDI còn chiếm gần 100%. Những con số này để thấy phụ thuộc rất lớn vào FDI, dù thành tích xuất khẩu cực lớn”, - ông Lê Quốc Phương bày tỏ.
Chuyên gia kinh tế nhấn mạnh rằng, ngay cả xuất siêu cũng do FDI, doanh nghiệp trong nước nhập siêu rất lớn. Rõ ràng, chất lượng xuất khẩu chưa đạt như mong muốn. Số liệu mới nhất của nhà chức trách Việt Nam cũng cho thấy, kim ngạch xuất khẩu của khu vực đầu tư nước ngoài tiếp tục tăng trong 8 tháng đầu năm 2022 với mức tăng cao hơn 7 tháng.
Xuất khẩu (kể cả dầu thô) của Việt Nam ước đạt trên 184,66 tỷ USD, tăng 17% so với cùng kỳ, chiếm 73,9% kim ngạch xuất khẩu. Trong khi đó, xuất khẩu không kể dầu thô ước đạt gần 183 tỷ USD, tăng 16,6% so với cùng kỳ, chiếm 73,2% kim ngạch xuất khẩu cả nước. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu của khu vực FDI ước đạt 161,26 tỷ USD, tăng 14,2% so cùng kỳ và chiếm 64,9% kim ngạch nhập khẩu cả nước. Tính chung trong 8 tháng đầu năm 2022, khu vực FDI xuất siêu trên 23,4 tỷ USD kể cả dầu thô và xuất siêu trên 21,7 tỷ USD không kể dầu thô. Trong khi đó, khu vực doanh nghiệp trong nước nhập siêu trên 21,8 tỷ USD.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала