Việt Nam có né được “mùa đông kinh tế thế giới 2023”?

© Ảnh : Nguyễn Vũ Thành Đạt - TTXVNViệt Nam thu hút gần 16,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2022
Việt Nam thu hút gần 16,8 tỷ USD vốn đầu tư nước ngoài trong 8 tháng năm 2022  - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.09.2022
Đăng ký
Theo TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia, hệ thống kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã chống chọi lại bất ổn thế giới tương đối thành công, nhưng bây giờ cần phải nghĩ, trước “mùa đông kinh tế 2023”, Việt Nam sẽ ứng phó như thế nào.
Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa nhấn mạnh, Việt Nam cần hết sức thận trọng cảnh giác với tỷ giá hối đoái và chưa nên nghĩ đến việc nới lỏng chính sách tiền tệ.

Việt Nam và “mùa đông kinh tế 2023”

Liệu Việt Nam có bị ảnh hưởng bởi “mùa đông kinh tế 2023” được dự báo sẽ bao trùm khắp thế giới hay không?
Phát biểu tại Hội nghị về giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng và đảm bảo các cân đối lớn của nền kinh tế trong tình hình hiện nay hôm 12/9 với Thủ tướng và lãnh đạo Chính phủ, các bộ, ban, ngành, cùng nhiều định chế tài chính, TS. Trần Du Lịch, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia đã có một số phân tích xoay quanh vấn đề này.
Theo TS. Trần Du Lịch, thế giới đang trong thời kỳ bất ổn.
“Chúng ta cũng không biết tình trạng bất ổn sẽ kéo dài đến bao giờ và liệu có bất ổn hơn nữa không”, ông Lịch băn khoăn.
Tuy nhiên, theo thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia của Việt Nam, đối chiếu lại kết quả điều hành kinh tế từ đầu năm đến nay cho thấy tất cả hệ thống kinh tế vĩ mô của Việt Nam đã chống chọi lại bất ổn của thế giới “tương đối thành công”.
“Vấn đề là, thời gian tới chúng ta sẽ chống chịu như thế nào, bởi thách thức sắp tới là rất lớn”, TS. Trần Du Lịch nêu vấn đề.
Nhấn mạnh tinh thần trong điều hành vĩ mô của Việt Nam là "dĩ bất biến ứng vạn biến", TS. Trần Du Lịch đề xuất 3 nội dung ý kiến quan trọng. Thứ nhất, dự báo tăng trưởng kinh tế, GDP của Việt Nam năm nay là 7,5%.
“Tôi cho rằng chắc chắn sẽ thành công”, chuyên gia tin tưởng.
 Thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 22.09.2022
Kinh tế Việt Nam tăng vượt mong đợi, NHNN can thiệp thành công ‘cứu’ tiền Đồng
Tuy nhiên, theo ông Lịch, cái khó là năm tới sẽ như thế nào khi dựa trên nền tăng trưởng cao của năm 2022? Những nền tảng ổn định mà Việt Nam tạo được trong năm 2022 thì năm tới sẽ như thế nào?
“Có nhiều ý kiến cho rằng năm 2023 thế giới là "mùa Đông kinh tế 2023", trong bối cảnh đó, những nền tảng chúng ta tạo dựng được từ xuất khẩu, thu ngân sách… sang năm 2023 sẽ còn dư địa nào để phát triển?”, TS. Trần Du Lịch nêu ra hàng loạt câu hỏi.
Thành viên của Hội đồng tư vấn chính sách tiền tệ Quốc gia cho rằng, đã đến lúc Việt Nam phải chuẩn bị kịch bản cho năm 2023 trên tất cả các lĩnh vực.
Thứ hai, TS. Trần Du Lịch cho rằng, nền kinh tế Việt Nam hiện nay cần vốn, nhưng cái cần hơn, cấp thiết hơn là phải làm sao để hấp thụ vốn. Theo đó, cần phải phối hợp tốt giữa chính sách tài khóa và chính sách tiền tệ.
Một vấn đề đặt ra hiện nay là có cần nới tín dụng hay không, trong đó có vốn cho thị trường bất động sản.

“Tôi nghĩ là không cần. Vấn đề quan trọng là nguồn vốn ưu tiên cho lĩnh vực bất động sản nào? Tín dụng bất động sản phải ưu tiên cho các dự án nhà ở xã hội, hạ tầng công nghiệp”, ông Lịch nói.

Vấn đề thứ ba, Việt Nam phải phát triển cân đối thị trường chứng khoán, trái phiếu và cả thị trường tiền tệ, chứ không phải đẩy gánh nặng vốn trong trung và dài hạn cho chính sách tiền tệ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cần thận trọng với cung tiền

Phát biểu về các chính sách ổn định kinh tế vĩ mô của Việt Nam, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện Trưởng Viện Nghiên Cứu và Quản lý Kinh tế Trung ương (CIEM), nêu quan điểm, Việt Nam không nên hy sinh cái này để chọn cái kia.
Làm rõ hơn vấn đề này, theo ông Thành, thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô phải đi cùng với đảm bảo an sinh xã hội. Lựa chọn của Việt Nam phải là cả 3 thành tố chứ không phải hy sinh cái này để chọn cái kia. Nguyên lãnh đạo CIEM cho rằng, cần phải nhìn nhận lại cả 3 động lực tăng trưởng là: tiêu dùng, đầu tư và xuất nhập khẩu.
TS. Võ Trí Thành lưu ý, từ cuối năm nay 2022 và trong cả năm 2023, động lực cho xuất khẩu của Việt Nam sẽ suy giảm đáng kể. Chính vì vậy, cần phải tập trung vào giải pháp đa dạng hóa thị trường, mở rộng thị trường.
“Ví dụ như với Hiệp định EVFTA thì thị trường chính của chúng ta vẫn là các thị trường cũ, do đó ngay trong EVFTA thì Việt Nam cũng cần nghiên cứu các giải pháp để có thể mở rộng thêm thị trường và tham gia sâu hơn vào thị trường này”, ông Thành chỉ rõ.
Trao đổi về đầu tư, TS. Võ Trí Thành hy vọng trong năm nay và năm sau, đầu tư công là khâu quyết định chiếm 1/3 tổng đầu tư xã hội cả năm.
“Bây giờ mình đang giải ngân chậm thì đầu tư công sẽ là cú huých cho cả năm sau”, ông Thành nhắc.
Về mảng tiêu dùng TS. Võ Trí Thành cho rằng, mức tiêu dùng năm tới của Việt Nam sẽ không được như năm nay, bởi vì người tiêu dùng một phần sẽ thắt chặt chi tiêu.
“Bên cạnh đó, việc tiêu dùng kiểu "trả thù" (sau 2 năm dịch bệnh) cũng bớt dần, việc du lịch cũng giảm đi. Như vậy nền kinh tế sẽ phụ thuộc nhiều vào tiêu dùng từ du khách quốc tế. Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi các chính sách visa để thu hút được thêm du khách quốc tế là việc quan trọng”, ông Thành lưu ý.
Một động lực nữa cho tăng trưởng kinh tế, theo TS. Thành là thu hút đầu tư FDI (bên cạnh thu hút đầu tư tư nhân). Cho đến nay các nước châu Âu chưa phê chuẩn Hiệp định về bảo hộ đầu tư (EVIPA) nhưng rõ ràng việc thu hút FDI chất lượng chưa được như kỳ vọng.
Do đó theo chuyên gia, cùng với vấn đề hạ tầng, giải phóng mặt bằng, nhân lực, thể chế ưu đãi thì có 3 điều quan trọng mà Việt Nam cần làm trong thu hút FDI chất lượng đó là môi trường đầu vào phải xanh, môi trường số phải tốt, môi trường sống cho các chuyên gia phải tốt thì mới hy vọng thu hút được FDI có chất lượng trong thời gian tới.
Trong vấn đề điều hành kinh tế vĩ mô, TS. Võ Trí Thành lưu ý, Việt Nam nên thận trọng với cung tiền. Ông Thành phân tích, với tốc độ tăng tín dụng, giả sử năm nay là 14% thì năm sau cũng là 14%, đây là con số không thấp.
Trong điều hành chính sách tiền tệ của Việt Nam, ông Thành cho rằng, cần quan tâm đến các vấn đề như quản lý nợ xấu, tăng vốn cho ngân hàng thương mại, tỷ lệ tín dụng trên GDP, quản lý tỉ giá, lãi suất…
Ngành công nghiệp logistics Việt Nam thu hút đầu tư hạ tầng  - Sputnik Việt Nam, 1920, 17.09.2022
“Kinh tế Việt Nam đang tương đồng với Nhật Bản thập niên 1970”
Cùng với đó, để đảm bảo vốn cho nền kinh tế, cần nhanh chóng sửa đổi Nghị định 153 về phát hành trái phiếu cũng như trong những năm tới có thể chế tốt để phát hành trái phiếu là vấn đề quan trọng.
Tiếp theo, theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam cần phải linh hoạt trong điều hành tín dụng, hướng dòng tiền vào các lĩnh vực sản xuất kinh doanh, vào bất động sản đặc biệt là nhà ở công nhân, nhà ở xã hội…

Ngân hàng Nhà nước cần điều hành linh hoạt hơn, ở đây không có nghĩa là tháng 3 năm nay so với tháng 3 năm sau cũng phải tăng 14%, có thể có tháng lên, tháng xuống cần theo chu kỳ sản xuất của các nhóm mặt hàng quan trọng là con số tổng thể cả năm”, TS. Thành kiến nghị.

Cuối cùng, về cách điều hành, theo ông Võ Trí Thành, Việt Nam đã có tổ điều hành kinh tế vĩ mô, giờ cần thêm mục tiêu đảm bảo an sinh xã hội.
“Nên gọi tổ này là Tổ điều hành kinh tế vĩ mô và quản trị rủi ro và đảm bảo các cân đối lớn, để phạm vi hoạt động của Tổ điều hành này được tăng cường, mở rộng thêm”, TS. Võ Trí Thành nêu quan điểm.

Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ

Theo nhà kinh tế Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng tư vấn chính sách tài chính tiền tệ Quốc gia, Việt Nam phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái trong điều hành chính sách tiền tệ thời gian tới. Ngoài ra, theo TS. Lê Xuân Nghĩa, Việt Nam cũng chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ.
“Trong điều hành chính sách tiền tệ, chúng ta phải rất cảnh giác với tỷ giá hối đoái. Câu chuyện đặt ra là thời gian tới Ngân hàng Nhà nước có nên tăng lãi suất không và nếu không tăng thì đồng nghĩa chúng ta phải bán dự trữ ngoại hối để ổn định tỷ giá hối đoái”, TS. Lê Xuân Nghĩa phân tích.
Ông Nghĩa lưu ý một số vấn đề trong điều hành doanh nghiệp thời gian tới, nhất là liên quan tới điều hành lãi suất, thị trường trái phiếu doanh nghiệp. Bởi từ nay đến cuối năm doanh nghiệp còn khoảng 70 nghìn tỷ đáo hạn, dự báo trong năm tới cần 140 nghìn tỷ đáo hạn.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng về quan điểm về xây dựng một nền kinh tế độc lập, tự chủ, nâng cao năng lực cạnh tranh và chống chịu cao hơn, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng cần hết sức quan tâm đến phát triển hệ thống bán lẻ với các doanh nghiệp trong nước.
“Bởi hiện nay trong hệ thống bán lẻ người Việt chỉ còn sở hữu khoảng 30%, còn lại 70% là sở hữu nước ngoài”, ông Nghĩa nhắc nhở.
Đề xuất giải pháp với lãnh đạo Chính phủ, TS. Lê Xuân Nghĩa cho rằng, để kiềm chế lạm phát, nhiều ngân hàng Trung ương đã tăng lãi suất, nhưng không nhiều ngân hàng Trung ương có thể bán trái phiếu Chính phủ để thu tiền về.
“Điều này cho thấy lạm phát thế giới còn có thể cao. Lãi suất thế giới còn có thể tăng thời gian tới. Vì vậy Việt Nam chưa nên nghĩ tới việc nới lỏng chính sách tiền tệ”, TS. Lê Xuân Nghĩa lưu ý.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала