Việt Nam lập kỷ lục xuất nhập khẩu: Ngôi sao đang lên

© AP Photo / Hau DinhContainer vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam
Container vận tải đang được xếp lên tàu tại Cảng Sài Gòn, Thành phố Hồ Chí Minh, Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 10.12.2022
Đăng ký
Là một ngôi sao đang lên, nền kinh tế Việt Nam chứng kiến cú chuyển mình đầy mạnh mẽ, sự lột xác ngoạn mục - trở thành một cường quốc xuất khẩu của thế giới.
Vực dậy từ bao khó khăn hậu chiến tranh, đến năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 toàn cầu. Năm 2022 này, Việt Nam sẽ chứng kiến kim ngạch xuất nhập khẩu cán mốc kỷ lục mới 700 tỷ USD.
Tổng cục Hải quan (Bộ Tài chính) vừa điểm lại những kỷ lục xuất khẩu hàng hoá từ “người gác cửa” nền kinh tế Việt Nam.

Ngôi sao đang lên từ những kỷ lục xuất nhập khẩu

Không bất ngờ khi hàng loạt tổ chức kinh tế, định chế tài chính lớn, các hãng xếp hạng tín nhiệm hàng đầu thế giới gọi Việt Nam là ‘một ngôi sao đang lên’.
Những kỳ tích kinh tế mà Việt Nam đạt được khiến nhiều nước cùng xếp hạng khác phải ganh tị, đặc biệt là trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu nhiều rối ren, biến động như hiện nay.
Hôm 8/12, Tổng cục Hải quan - Bộ Tài chính đã nhìn lại những dấu mốc lịch sử quan trọng với nhiều kỷ lục trên bước đường hội nhập của Việt Nam vào nền kinh tế thế giới thông qua hoạt động xuất nhập khẩu hàng hoá gần 30 năm qua.
Nhiều nội dung chú ý được nêu tại báo cáo “Thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu của ngành Hải quan, Người ghi chép các bước chuyển mình của hoạt động xuất nhập khẩu Việt Nam” của Tổng cục Hải quan.
Theo Tổng cục Hải quan, năm 1995 là năm cột mốc diễn ra nhiều sự kiện đáng nhớ của Việt Nam, đánh dấu tiến trình mở cửa và hội nhập sâu rộng của Việt Nam với thế giới.
Cơ quan này dẫn ra sự kiện Việt Nam chính thức gia nhập Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), tham gia khu vực mậu dịch tự do ASEAN (AFTA), làm đơn gia nhập Tổ chức thương mại thế giới (WTO) và việc bình thường hóa quan hệ Việt Nam – Hoa Kỳ.
Kể từ năm cột mốc năm 1995, gần 30 năm qua nền kinh tế Việt Nam đã có những bước chuyển mạnh mẽ, từng bước thực hiện chính sách đối ngoại đa phương hóa, đa dạng hóa, tranh thủ khả năng hợp tác thương mại, đầu tư, hội nhập, chuyển giao công nghệ, phát triển kinh tế đất nước.
“Đặc biệt hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam đã cho thấy những bước tiến mạnh mẽ, liên tiếp đạt được các mốc kỷ lục”, Tổng cục Hải quan khẳng định.
Trong đó, tổng trị giá xuất nhập khẩu đạt con số 100 tỷ USD vào năm 2007. Chỉ bốn năm sau (năm 2011), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã tăng gấp đôi đạt con số 200 tỷ USD.
Thành phố Hồ Chí Minh: Cần khoảng 70.000 lao động cho giai đoạn cuối năm 2022 - Sputnik Việt Nam, 1920, 24.10.2022
Vì sao Việt Nam đạt kỷ lục xuất nhập khẩu 620 tỷ USD?
Trong thời gian 4 năm tiếp theo (năm 2015), xuất nhập khẩu Việt Nam cũng đã cán mốc trị giá 300 tỷ USD.
Theo Tổng cục Hải quan, với thời gian rất ngắn, chỉ 2 năm sau đó (vào giữa tháng 12/2017), tổng trị giá xuất nhập khẩu đã đạt mức 400 tỷ USD.
Sau đó mỗi 2 năm tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam tăng thêm 100 tỷ USD, theo đó, trị giá xuất nhập khẩu đã cán mốc 500 tỷ USD trong nửa cuối tháng 12/2019, và đạt 600 tỷ USD vào tháng 11/2021.
Đến tháng 12/2022 này tổng trị giá xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ đạt mốc 700 tỷ USD.

Cường quốc xuất khẩu mới của thế giới

Tổng cục Hải quan nêu những dẫn chứng thuyết phục về con đường mở cửa kinh tế, hội nhập sâu rộng với quốc tế thông qua xuất nhập khẩu, giao thương hàng hoá.
Đặc biệt, đến nay, vị thế của Việt Nam trong vai trò một trong những cường quốc xuất khẩu mới của thế giới càng được nâng cao hơn.
Theo xếp hạng của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), Việt Nam liên tục nằm trong nhóm 30 nước, vùng lãnh thổ có trị giá xuất nhập khẩu hàng hóa lớn nhất trên phạm vi toàn cầu.

“Đáng chú ý là trong khi thứ hạng của các nước ASEAN không tăng trong một vài năm qua nhưng thứ hạng của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng vượt bậc”, Tổng cục Hải quan nhấn mạnh.

Cụ thể: Năm 2021, trị giá xuất khẩu hàng hóa xếp vị trí thứ 23 trên thế giới, trị giá nhập khẩu hàng hóa của Việt Nam xếp vị trí thứ 20 trên bảng thống kê toàn cầu.
Kể từ năm 2019, Việt Nam xếp vị trí thứ 2 trong khối ASEAN vượt qua cả Thái Lan và Malaysia và chỉ xếp sau Singapore. Đây là sự tiến bộ đáng kinh ngạc.
Đặc biệt, từ năm 2012, cán cân thương mại hàng hóa của Việt Nam đạt thặng dư liên tục sau một thời gian dài thâm hụt (nhập siêu). Năm 2022 mức xuất siêu thương mại của Việt Nam dự báo đạt trên 10 tỷ USD.

‘Người gác đền’ ghi chép bước chuyển mình của nền kinh tế

Đối với thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu năm 1995 cũng là cột mốc đánh dấu việc chuyển đổi từ việc thống kê dựa trên nguồn số liệu cấp giấy phép xuất khẩu, nhập khẩu theo chuyến sang thống kê dựa trên tờ khai hải quan và việc thực hiện công tác thống kê này được chính thức chuyển giao sang cho Tổng cục Hải quan.
“Hải quan Việt Nam tự hào là người đảm nhận công tác theo dõi, báo cáo ra những con số ghi nhận hoạt động xuất nhập khẩu của Việt Nam suốt gần 30 năm qua”, Tổng cục Hải quan khẳng định.
Kinh tế đất nước phát triển, những năm qua, ngành Hải quan đã có những đổi mới không ngừng. Số liệu thống kê do ngành Hải quan tổng hợp đã góp phần rất lớn vào sự phát triển ngoại thương Việt Nam, vừa thiết thực cho quản lý vĩ mô của Chính phủ, vừa phục vụ quy trình tác nghiệp tự động của ngành Hải quan- chuyển đổi từ phương pháp quản lý thủ công sang phương pháp quản lý hiện đại dựa trên cơ sở quản lý rủi ro.
Công tác thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu, với ý nghĩa là một công cụ phục vụ hoạch định chính sách trong quản lý, điều hành thương mại xuyên biên giới cũng như hội nhập kinh tế quốc tế, luôn nhận được sự quan tâm của Lãnh đạo Đảng, Nhà nước và sự hỗ trợ sâu sát về chuyên môn nghiệp vụ của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư).
Từ năm 1995, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng công nghệ thông tin trong thống kê hải quan trên phạm vi toàn quốc. Nguồn dữ liệu chủ yếu phục vụ công tác thống kê là tờ khai hải quan và các chứng từ liên quan.
“Hiện tại, hơn 99% tờ khai hải quan đã được số hóa phục vụ quản lý hải quan và thống kê hải quan. Đến nay, về cơ bản, Tổng cục Hải quan đã ứng dụng hoàn toàn công nghệ thông tin trong công tác thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu từ thu thập đến phổ biến thông tin thống kê”, cơ quan này cho biết.
Hiện nay, Tổng cục Hải quan đã có một hệ thống gần 30 báo cáo thống kê hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu định kỳ hàng ngày, hàng tuần, 15 ngày, hàng tháng, hàng quý và năm, các Niên giám Thống kê hải quan đối với hàng hóa xuất khẩu, nhập khẩu (bản tóm tắt và chi tiết) và các báo cáo thống kê chuyên đề.
Sầu riêng - Sputnik Việt Nam, 1920, 09.12.2022
Kim ngạch xuất khẩu nông sản Campuchia sang Trung Quốc bỗng vụt sáng, Việt Nam đang bị vượt mặt?
Các báo cáo trên từ Tổng cục Hải quan luôn nhận được sự phản hồi tích cực và đánh giá cao từ người sử dụng. Dữ liệu thông tin được đăng công khai trên Cổng thông tin điện tử Tổng cục Hải quan phục vụ rộng rãi cho mọi đối tượng sử dụng.
Trong thời gian tới, nghiên cứu kinh nghiệm của hải quan một số quốc gia tiên tiến như Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ cho thấy số liệu thống kê về xuất nhập khẩu được cập nhật hàng ngày, phục vụ cho hoạt động sản xuất kinh doanh của cộng đồng doanh nghiệp, để công tác thống kê hải quan hiệu quả, chất lượng, ngành Hải quan nỗ lực xây dựng một cơ sở dữ liệu chứa đựng thông tin giao dịch và vận tải xuyên biên giới của tất cả các bên tham gia giao dịch cũng như các cơ quan quản lý các giao dịch đó (bao gồm cơ quan hải quan và các cơ quan nhà nước có liên quan).
Cơ sở dữ liệu này được lưu trữ và quản lý tập trung, làm nền tảng để xây dựng lên các báo cáo thống kê, ứng dụng công nghệ mới để phân tích, dự báo, chia sẻ cho các bên liên quan. Cũng trên nền tảng này, cơ quan hải quan sẽ xây dựng các sản phẩm thống kê, cung cấp dịch vụ khai thác, chia sẻ dữ liệu lại cho tất cả các bên liên quan.
Để đáp ứng nhu cầu ngày càng cao phục vụ việc điều hành kinh tế vĩ mô, vi mô và của người sử dụng thông tin, một số nội dung được tập trung phát triển trong tương lai của ngành Hải quan liên quan đến hoạt động thống kê hàng hóa xuất nhập khẩu.
Thứ nhất, xây dựng các sản phẩm thống kê không chỉ phục vụ cho cơ quan nhà nước mà còn phục vụ các đối tượng dùng tin khác để mở rộng thị trường, xây dựng kế hoạch sản xuất kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh và khả năng hội nhập của nền kinh tế nói chung.
Thứ hai, ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư để tự động hóa các khâu trong thu thập, xử lý dữ liệu thống kê. Hướng tới, ứng dụng dữ liệu lớn, áp dụng các mô hình toán và thuật toán phân tích dữ liệu nâng cao, trí tuệ nhân tạo để phục vụ phân tích, dự báo; hỗ trợ quản lý, điều hành, ra quyết định ở các cấp.
Thứ ba, xây dựng Cơ sở dữ liệu quốc gia về hải quan, trong đó có cơ sở dữ liệu về hàng hóa xuất nhập khẩu; chia sẻ cho các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp trong và ngoài nước để vừa đảm bảo công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động thương mại xuyên biên giới, vừa hỗ trợ khu vực tư trong đầu tư, sản xuất, kinh doanh cũng như thực hiện các cam kết quốc tế của Việt Nam, góp phần thúc đẩy nền kinh tế tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала