“Việt Nam bất ngờ trở thành người chiến thắng”

© AP Photo / Alex BrandonCuộc gặp của Tổng thống Hoa KỳJoe Biden và Chủ tịch CHND Trung Hoa Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Indonesia
Cuộc gặp của Tổng thống  Hoa KỳJoe Biden và Chủ tịch CHND Trung Hoa Tập Cận Bình bên lề hội nghị G20 tại Indonesia - Sputnik Việt Nam, 1920, 04.01.2023
Đăng ký
Việt Nam nổi lên như một cơ sở sản xuất thay thế cho Trung Quốc trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới Mỹ - Trung.
Việt Nam đã bất ngờ trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vì các nhà sản xuất coi đây là một cách để tránh hàng loạt chi phí phát sinh dưới nhãn mác “Made in China”.
Chính sách Zero Covid của Trung Quốc bất ngờ kích hoạt làn sóng quan tâm mới của giới đầu tư vào Việt Nam như thế nào?

Làn sóng chuyển dịch từ Trung Quốc sang Việt Nam

Khi Việt Nam tuyên bố mở cửa đất nước, sẵn sàng thích ứng linh hoạt, một làn sóng chuyển dịch sản xuất đã bắt đầu trong khi Trung Quốc vẫn một mực đóng cửa khép mình với thế giới.
Tờ Bưu điện Nam hoa Buổi sáng (SCMP) đánh giá, Việt Nam là một trong những nước hưởng lợi chính từ thương chiến Mỹ-Trung, với xu hướng thành điểm đến của nhiều doanh nghiệp đa quốc gia tìm kiếm địa điểm thay thế cho các nhà máy của mình nhằm tránh thuế quan tốn kém, cũng như áp lực từ chính quyền Washington.
Tại một nhà máy ở tỉnh Tây Ninh, miền đông nam Việt Nam, giáp biên giới với Campuchia, 400 người làm việc theo ca suốt ngày đêm để biến những cuộn chỉ trắng thành dải băng có logo đầy màu sắc thường thấy trên quần áo thể thao.
Giám đốc nhà máy Max Lee cho biết băng thành phẩm, được ủi và xếp ngay ngắn vào thùng, được xe tải chở đến cảng Sài Gòn ở Thành phố Hồ Chí Minh để giao cho khách hàng.
Nhà máy được khai trương vào năm 2019 và đã tăng gấp bốn lần lực lượng lao động chỉ trong vòng ba năm dưới tác động của cuộc chiến thương mại Hoa Kỳ-Trung Quốc nổ ra vào năm 2018 và chính sách khuyến khích các nhà sản xuất có trụ sở tại Trung Quốc chuyển một số hoạt động sản xuất sang Việt Nam.
Nhà máy thuộc sở hữu của một công ty Hồng Kông được thành lập vào những năm 1980, đã từng đặt toàn bộ hoạt động sản xuất tại các tỉnh Quảng Đông và Giang Tây của Trung Quốc, nhưng nay câu chuyện đã khác.
Năm 2019, sau khi chiến tranh thương mại dẫn đến làn sóng tăng thuế đối với hàng nhập khẩu của Mỹ từ Trung Quốc, công ty Hồng Kông này đã quyết định mở rộng sản xuất sang Việt Nam.
“Sản lượng đang tăng nhanh và chúng tôi hy vọng sẽ xây dựng một nhà máy khác trong tương lai gần”, Giám đốc nhà máy Max Lee nói, chỉ vào một khu đất trống ngay bên cạnh nhà máy.
“Chúng tôi hy vọng sẽ mở rộng quy mô lực lượng lao động ở đây từ 400 lên 1.000 nhân công. Quy mô như vậy sẽ lớn bằng nhà máy chính ở Giang Tây”, ông nói thêm.
Ông Dương Thành Công, Phó tổng giám đốc Công ty Cổ phần Thuận Hải, cho biết toàn bộ khu công nghiệp Tây Ninh được tạo ra từ chính hệ quả của cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung.

“Khi chúng tôi đến Tây Ninh vào năm 2015, ở đây chẳng có gì cả – chỉ toàn đất trống,” ông nói. - “Nhưng khi quay trở lại 5 năm sau, nhà máy san sát mọc lên. Có thời điểm, Tây Ninh là khu công nghiệp lớn nhất Việt Nam”.

Nhiều người ở Việt Nam nói rằng cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đã tạo ra dòng chảy đầu tư và xu hướng sản xuất lớn nhất của đất nước từ Trung Quốc.
Cuộc chiến thương mại bắt đầu vào tháng 7 năm 2018, khi tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là Donald Trump áp đợt thuế quan đầu tiên đối với hàng hóa Trung Quốc trị giá 34 tỷ USD. Trong 15 tháng sau đó, ba vòng trừng phạt bổ sung với tổng cộng hơn 360 tỷ USD hàng nhập khẩu từ Trung Quốc đã phải chịu mức thuế cao hơn khi vào Mỹ. Chính quyền Trung Quốc cũng đáp trả bằng việc tăng thuế đối với hơn 110 tỷ USD hàng hóa của Hoa Kỳ.
Hàng chuối trên xe đạp ở Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 01.11.2022
Nguyên nhân khiến xuất khẩu chuối Việt Nam sang Trung Quốc tăng mạnh

Người chiến thắng

Zhang Dien Sheng, Tổng Giám đốc Công ty Cổ phần Tập đoàn Đầu tư Quốc tế Hằng Sinh, một công ty ở Thành phố Hồ Chí Minh đã giúp hàng trăm nhà máy Trung Quốc chuyển một số hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam kể từ năm 2006, cho biết, đây là thời điểm bận rộn.
“Hơn 1.200 công ty đã đến để được tư vấn trong những tháng đó. Cuối cùng, hơn 150 nhà máy đã được mở tại Việt Nam”, ông Zhang nói.

“Việt Nam đã bất ngờ trở thành người chiến thắng trong cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới vì các nhà sản xuất coi đây là một cách để tránh các chi phí phát sinh vì nhãn mác “Made-in-China”, chuyên gia cho biết.

Năm 2018, đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng 9,1% lên 19,1 tỷ USD, trong đó lĩnh vực chế biến và chế tạo chiếm 46,7% tổng đầu tư, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam.
Năm tiếp theo, FDI từ Trung Quốc vào Việt Nam tăng khoảng 62% lên 4,1 tỷ USD và từ Hong Kong nhảy vọt khoảng 150% lên 8,17 tỷ USD. Phần lớn mức tăng là do tác động của cuộc chiến thương mại.
2020 là một năm mà vốn đầu tư vào Việt Nam chững lại vì đại dịch COVID bùng phát, bằng chứng là FDI giảm 24% so với năm trước đó. Sang năm 2021, FDI vào nước ta đã phục hồi và bật tăng 25,2%.
Sau thương chiến, các công ty nước ngoài lại một lần nữa quan tâm đến Việt Nam khi nước ta mở cửa trở lại hoàn toàn từ tháng 3/2022.
Xu hướng dịch chuyển sang Việt Nam được kỳ vọng sẽ tiếp tục khi các doanh nghiệp có nhà máy tại Trung Quốc - trong nhiều lĩnh vực từ công nghệ cao đến các ngành cấp thấp hơn - thay đổi chiến lược kinh doanh.
Các nguồn tin thân cận của SCMP cho rằng Trung Quốc vẫn sẽ là một trung tâm sản xuất quan trọng đối với hầu hết doanh nghiệp.
Tuy nhiên, họ nhấn mạnh rằng nhu cầu đa dạng hoá sản xuất của các nhà đầu tư quốc tế đang rất lớn bởi thuế quan, dịch bệnh và rủi ro địa chính trị tiềm ẩn với chuỗi cung ứng.
Ông Zhang cho biết việc tiếp tục áp dụng mức thuế cao có nghĩa là sẽ có nhiều khách hàng hơn cho công ty của ông tại Việt Nam.
“Nếu châu Âu và Bắc Mỹ tiếp tục đánh thuế suất cao đối với các sản phẩm do Trung Quốc sản xuất, các doanh nghiệp Trung Quốc sẽ tiếp tục chuyển sang nước khác. Nhưng nếu thương chiến ngưng lại, những công ty này cũng sẽ khó chuyển đi (rời Việt Nam)”, ông Zhang nhận định.
Tuy nhiên, Bruno Jaspaert, Giám đốc điều hành của khu công nghiệp DEEP C, một trong những KCN lớn nhất của Việt Nam, cho biết ngày càng có nhiều yếu tố hơn và các nhà đầu tư đang rất chiến lược và động thái chuyển dịch sản xuất của họ có ý nghĩa lâu dài.
Khu công nghiệp ở Hải Phòng là nơi đặt nhà máy của gã khổng lồ sản xuất điện tử Đài Loan Pegatron, nhà cung ứng cho Apple, xây dựng cơ sở sản xuất trị giá 1 tỷ USD. Pegatron cũng có nhà máy ở Trung Quốc.
“Sự đứt gãy trong chuỗi cung ứng và hậu cần gần đây, do cả Covid-19 và các cảng quá tắc nghẽn, đã khiến giới chuyên gia chuỗi cung ứng nhận thức rằng việc xây dựng một vài nhà máy lớn và vận chuyển mọi thứ từ đó chỉ tiết kiệm chi phí”, ông Bruno Jaspaert nói và đặt vấn đề, nhưng câu hỏi đặt ra là – liệu thế giới có ổn định mãi trong vòng 10 đến 15 năm tới hay không”.

Vấn đề Đài Loan

Ông Marko Walde, Trưởng Đại diện Phòng Công nghiệp và Thương mại Đức tại Việt Nam (AHK Việt Nam) cho biết:

“Nếu có điều gì đó xảy ra liên quan đến đảo Đài Loan, mọi công ty hoạt động ở Trung Quốc [Đại lục] sẽ phải đối mặt với áp lực khủng khiếp, phải hạn chế sản xuất và rút lui”, chuyên gia nêu kịch bản xấu nhất.

Ông cho biết Việt Nam đã mở cửa hoàn toàn biên giới cho các doanh nhân vào ngày 15 tháng 3 và ngay ngày hôm sau, một nhóm doanh nhân Đức có cơ sở sản xuất tại Trung Quốc đã bay đến để tìm cách đa dạng hóa sản xuất.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài vào Việt Nam trong 11 tháng đầu năm nay ước tính đạt 19,68 tỷ USD, tăng 15,1% so với cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi các nhà đầu tư từ các quốc gia như Đức, nơi đã mở cửa biên giới vào tháng 3, có thể đến Việt Nam ngay lập tức, thì các nhà đầu tư Trung Quốc chậm tham gia hơn vì họ khó ra nước ngoài vào thời điểm này.
Nhu cầu chuyển sản xuất sang Việt Nam thì vẫn còn đó và công ty của ông Zhang đã tổ chức các buổi tư vấn trực tuyến với các khách hàng tiềm năng ở Trung Quốc.
“Khoảng 30 doanh nghiệp bày tỏ ý định mở nhà máy ở Việt Nam vào năm 2022 nhưng chỉ có năm chủ công ty có thể đến tìm hiểu đầu tư vì các quy tắc chống Covid rất nghiêm ngặt ở Trung Quốc”, vị doanh nhân tiết lộ.
CEO Jaspaert của DEEP C cho biết thêm rằng quyết định “di cư’ của các công ty công nghệ lớn như Pegatron có tác động mạnh vì họ sẽ khuyến khích các chuỗi cung ứng liên quan dịch chuyển sang Việt Nam.
Cảnh tượng những người công nhân đang xây dựng một nhà máy mới đối diện cơ sở của Pegatron tại Hải Phòng đã chứng minh nhận định của ông Jaspaert là đúng. Đây là cơ sở của một trong những nhà cung ứng của Pegatron.
Pegatron không phải tên tuổi lớn duy nhất đầu tư vào Việt Nam. Hai gã khổng lồ Apple và Samsung, cùng các công ty lớn khác, cũng đã có nhà máy tại Việt Nam.
Vào tháng 6, chủ tịch Liao Syh-jang của Pegatron cho biết công ty lắp ráp một số mẫu iPhone cho Apple, sẽ chú trọng hơn nữa vào việc mở rộng ra bên ngoài Trung Quốc đại lục.
Jaspaert cho biết DEEP C đã chứng kiến “sự thay đổi rất lớn” không chỉ về số lượng giao dịch mà còn cả quy mô trong 4 năm qua.
“Trước đây, khách hàng thường chỉ mua các lô đất diện tích khoảng 1, 2 hoặc 3 ha. Bây giờ, họ sẽ mua 10, 20 hoặc 30 ha, điều này là khá phổ biến”, CEO của DEEP C - một trong những công ty bất động sản khu công nghiệp lớn tại Việt Nam bày tỏ.
Cần nhấn mạnh rằng, những động thái nhằm đa dạng hóa chuỗi cung ứng không chỉ giới hạn ở các nhà sản xuất tên tuổi, mặc dù họ nhận được nhiều sự chú ý nhất. Walde cho biết 12 nhà sản xuất Đức đã thành lập cơ sở sản xuất tại Việt Nam với sự giúp đỡ của AHK Việt Nam kể từ tháng 3 năm nay đều có quy mô trung bình.

“Những công ty hạng trung như vậy thực sự là xương sống của nền kinh tế Đức và thường dẫn đầu thế giới trong một lĩnh vực rất chuyên biệt”, ông Walde cho hay.

Ông từ chối cung cấp thông tin chi tiết về quy mô của các nhà máy Việt Nam do tính nhạy cảm thương mại, nhưng cho biết tất cả 12 công ty đều đang đầu tư dài hạn và hướng tới tương lai ít nhất 30 năm.
Trong khi chính phủ Việt Nam ưu tiên chào đón các nhà sản xuất công nghệ cao, các nhà sản xuất cấp thấp hơn cũng tiếp tục vào nước này trong năm nay. Nhưng ông Dương Thành Công, người có cơ sở khách hàng lớn nhất là các nhà sản xuất cấp thấp từ Trung Quốc, cho biết số lượng đã giảm vào năm 2018.
“Những người đến sau khó hơn vì việc chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc hiện bị hạn chế rất nhiều và việc xin giấy phép từ chính phủ Việt Nam khó khăn hơn nhiều, đặc biệt đối với các ngành tạo ra nhiều khí thải như dệt may”, ông nói.
Theo SCMP, tăng đầu tư vào Việt Nam không có nghĩa là các nhà sản xuất đang rời khỏi Trung Quốc, Walde và Zhang nói rằng họ chưa thấy một công ty nào chuyển toàn bộ hoạt động sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Nhưng Jaspaert lưu ý rằng, Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với một thời điểm khó khăn hơn để thu hút thêm đầu tư.
“Trung Quốc có thể sẽ tồn tại lâu hơn nữa với tư cách là cơ sở sản xuất lớn nhất và tiên tiến nhất trên thế giới. Tuy nhiên, đây là lần đầu tiên sau 20 năm tăng trưởng, tôi tin rằng Trung Quốc hiện đang phải đối mặt với tình thế tiến thoái lưỡng nan giống như phần còn lại của thế giới. Làm thế nào để thuyết phục nhà đầu tư mới rót vốn vào nước mình mà không phải là nước khác?”, chuyên gia đặt vấn đề.
Cô gái với điện thoại thông minh - Sputnik Việt Nam, 1920, 29.10.2022
Xuất khẩu điện thoại sang Trung Quốc tăng mạnh, Việt Nam vươn lên thứ 2 thế giới
“Những nhà đầu tư lớn, thông minh đã đến Việt Nam từ rất sớm và giờ họ được hưởng lợi. Họ có những miếng bánh ngon”.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала