Bộ Xây dựng thôi gói tín dụng 110.000 tỷ đồng và động thái từ Ngân hàng Nhà nước

© Ảnh : SBVNgân hàng nhà nước.
Ngân hàng nhà nước. - Sputnik Việt Nam, 1920, 03.03.2023
Đăng ký
Sau khi Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói tín dụng 110.000 tỷ đồng cho nhà ở xã hội, với sự chỉ đạo của Chính phủ, NHNN sẽ triển khai gói 120.000 tỷ đồng từ vốn của 4 ngân hàng quốc doanh gồm Vietcombank, VietinBank, BIDV và Agribank.
Theo đó, mức lãi suất của gói tín dụng này thấp hơn mức lãi vay bình quân trên thị trường của các ngân hàng 1,5-2% với người xây dựng và mua nhà.

NHNN sẽ thực hiện đúng chỉ đạo gói tín dụng 120.000 tỷ

Chiều 3/3, tại phiên họp báo Chính phủ thường kỳ, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Phạm Thanh Hà đã trả lời về quan điểm thống nhất thống nhất giữa Ngân hàng Nhà nước và Bộ Xây dựng về các gói hỗ trợ đối với thị trường bất động sản và đối tượng của gói 120 nghìn tỷ đồng.
Ông nói thẳng, khó khăn của thị trường bất động sản có nhiều nguyên nhân, có thể đến từ khía cạnh pháp lý, có thể từ khía cạnh thị trường như mất cân đối cung cầu thị trường các loại bất động sản khác nhau cũng như liên quan đến vấn đề về vốn. Đối với thị trường bất động sản có nhiều nguồn vốn, trong đó có nguồn vốn từ ngân hàng.
Hiện, Bộ Xây dựng đang xây dựng dự thảo Nghị quyết về một số giải pháp tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững.
“Sau khi Chính phủ ban hành nghị quyết này, Ngân hàng Nhà nước sẽ thực hiện theo đúng chỉ đạo của Chính phủ về việc thực hiện gói 120 nghìn tỷ đồng và lãi suất thấp hơn từ 1,5-2%”, ông Hà cho hay.
Với việc hỗ trợ tín dụng cho phân khúc nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, Ngân hàng Nhà nước đã họp với 4 ngân hàng thương mại Nhà nước và thống nhất dành một gói tín dụng cho lĩnh vực này trị giá 120 nghìn tỷ đồng với lãi suất cho vay cả người xây dựng và người mua nhà thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.

“Sau khi phân tích với điều kiện hiện nay và cân nhắc với tình hình thực tế, NHNN đã bàn với 4 ngân hàng thương mại có vốn Nhà nước là Vietcombank, Agribank, BIDV, VietinBank và 4 ngân hàng đã đồng ý thống nhất gói tín dụng quy mô 120 nghìn tỷ đồng với nội dung mỗi ngân hàng sẽ dành khoảng 30 nghìn tỷ đồng cho 2 đối tượng là nhà ở xã hội và nhà ở cho công nhân. Trường hợp có thêm các ngân hàng thương mại đủ điều kiện tham gia thì quy mô gói này có thể tăng lên”, đại diện NHNN nêu rõ.

Ngân hàng Nhà nước sẽ giao đơn vị theo dõi, tổ chức, triển khai chương trình này và thông báo cho các ngân hàng khác, nếu các ngân hàng khác tham gia thì gói này có thể sẽ được nhiều hơn.
Ngân hàng Nhà nước Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 21.02.2023
Đằng sau động thái hút tiền về của Ngân hàng Nhà nước

Bộ Xây dựng thôi đề xuất gói 110.000 tỷ đồng

Trước đó, ngày 2/3, Bộ Xây dựng thông tin về đề xuất gói tín dụng hỗ trợ doanh nghiệp và người mua nhà ở xã hội.
Theo Bộ Xây dựng, để thúc đẩy, phát triển nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, bền vững do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, Bộ Xây dựng đã đề xuất dành gói tín dụng khoảng 110 nghìn tỷ đồng cấp cho các ngân hàng thương mại để cho các chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay theo phương thức tái cấp vốn (giống như gói 30 nghìn tỷ đồng đã thực hiện rất tốt trong giai đoạn 2013-2016 trước đây).
Trong đó, dành khoảng 50% gói tín dụng cho chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân vay ưu đãi và dành khoảng 50% gói tín dụng còn lại cho khách hàng cá nhân là người mua, thuê mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân.
Tuy nhiên, tại hội nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã đề xuất một gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng dành cho xây dựng dự án nhà ở xã hội, nhà ở công nhân với lãi suất cho vay với người xây dựng và người mua nhà sẽ thấp hơn từ 1,5-2% lãi suất cho vay bình quân của các ngân hàng trên thị trường trong từng thời kỳ.
Sau hội nghị, Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết về phát triển thị trường bất động sản an toàn, lành mạnh, bền vững, trong đó có nội dung về gói tín dụng về nhà ở xã hội.
“Do đó, sau khi có quyết nghị của Chính phủ, Bộ Xây dựng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước Việt Nam triển khai gói tín dụng 120 nghìn tỷ đồng”, Bộ Xây dựng khẳng định.
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Trần Văn Sơn thông tin, gói 120 nghìn tỷ này chủ yếu tập trung cho nhà ở xã hội và nhà ở công nhân ở các khu công nghiệp và khu kinh tế. Nhà ở xã hội có một số chính sách ưu đãi.
Theo đồng chí Phó Thống đốc NHNN là lãi suất giảm so với lãi suất cho vay khoảng từ 1,5-2%, chưa tính đến là khi triển khai, tiền sử dụng đất cũng được Nhà nước miễn hay một số chính sách khác nữa với mục tiêu 1 triệu căn nhà ở xã hội sẽ được triển khai trong thời gian tới.
“Việc này Chính phủ đã bàn nhiều và Chính phủ sẽ ban hành Nghị quyết liên quan đến việc tháo gỡ, thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh trong thời gian tới”, ông Sơn khẳng định.

Chính phủ chỉ đạo giảm lãi suất, gỡ khó thị trường bất động sản

Phát biểu tại cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 2 sáng nay ngày 3/3, Thống đốc Nguyễn Thị Hồng cho biết, hiện nay, kinh tế thế giới đang phục hồi chậm, bước đầu đã tránh được nguy cơ suy thoái, nhưng vẫn còn diễn biến phức tạp.
Đặc biệt, trên thị trường tài chính quốc tế, xu hướng tăng lãi suất của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) vẫn đang diễn ra, do đó, các ngân hàng trung ương trên thế giới (kể cả châu Á) vẫn đang tiếp tục tăng lãi suất. Từ đầu năm đến nay, đã có thêm 36 lượt tăng lãi suất trên thế giới. Điều này khiến USD bắt đầu tăng giá trở lại từ giữa tháng 2/2023. Ngày hôm qua (2/3), chỉ số USD Index ở mức 104.49 điểm, tăng 7,29% so với cùng kỳ năm 2022.
Thống đốc Hồng cho biết, diễn biến của USD đang tạo áp lực lên điều hành chính sách tiền tệ, ngoại hối của Ngân hàng Nhà nước, bởi cơ quan này vừa phải phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất, vừa phải nỗ lực ổn định tỷ giá.
“Trong điều kiện nền kinh tế mở, việc ổn định thị trường ngoại hối, tỷ giá rất quan trọng. Vì vậy, điều hành chính sách lãi suất phải thực hiện hài hòa với đảm bảo ổn định thị trường ngoại hối và tỷ giá”, Thống đốc nhấn mạnh.
Từ đầu năm đến nay, thị trường ngoại hối, tỷ giá trong nước ổn định, các giao dịch trên thị trường ngoại tệ thông suốt. Từ đầu năm đến nay (3/3), VND chỉ mất giá 0,6% so với cuối năm 2022, đây là mức mất giá thấp so với các đồng tiền trong khu vực.
Trong khi tỷ giá ổn định, thì lãi suất và tiếp cận vốn là vấn đề khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng. Về vấn đề này, Thống đốc cho biết, thời gian qua, Ngân hàng Nhà nước đã có sự chỉ đạo các tổ chức tín dụng giảm lãi suất và thực tế lãi suất trên thị trường đã bắt đầu giảm.
“Lãi suất cho vay bình quân phát sinh mới đã giảm 0,43%. Đã có 22 ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay bình quân. Thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ tiếp tục điều tiết theo hướng phấn đấu giảm lãi suất”, bà Hồng khẳng định.
Về tín dụng, Thống đốc cho biết, hiện tăng trưởng tín dụng tính tới hết tháng 2/2023 rất chậm. Đầu năm nay, Ngân hàng Nhà nước đặt mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 14 - 15%, cao hơn năm 2022 và có điều chỉnh tùy theo diễn biến thị trường. Trong tháng 2/2023, Ngân hàng Nhà nước cũng đã thông báo chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các ngân hàng thương mại. Tuy nhiên, tính tới 28/2, tín dụng toàn hệ thống vẫn tăng trưởng thấp.
Kết luận tại phiên họp, Thủ tướng Phạm Minh Chính giao Ngân hàng Nhà nước nghiên cứu, tổ chức thực hiện giảm mặt bằng lãi suất, tăng khả năng tiếp cận vốn, tăng trưởng tín dụng hướng vào các động lực tăng trưởng (tiêu dùng, đầu tư, xuất khẩu) và các lĩnh vực ưu tiên đã xác định.
Ông Phạm Minh Chính đề nghị NHNN nghiên cứu, điều hành lãi suất hợp lý, hiệu quả, phù hợp với kiểm soát lạm phát.

Thực hiện cắt giảm lãi suất thực chất, khơi thông thị trường liên ngân hàng. Tập trung xử lý hiệu quả các ngân hàng yếu kém theo chỉ đạo của Bộ Chính trị, bảo đảm an toàn thanh khoản và hệ thống”, người đứng đầu Chính phủ nêu rõ.

Lãnh đạo Chính phủ cũng nhấn mạnh, Ngân hàng Nhà nước cần chú trọng việc xử lý nợ xấu và hạn chế phát sinh nợ xấu mới. Đồng thời rà roát, có giải pháp tín dụng phù hợp, góp phần tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản và các thị trường nói chung.
Những người đang đi xe máy qua trụ sở Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ở trung tâm thành phố Hà Nội - Sputnik Việt Nam, 1920, 15.02.2023
‘Nước cờ nhanh’ của Ngân hàng Nhà nước
Đối với Bộ Xây dựng, Thủ tướng yêu cầu chủ trì, hoàn thiện nghị quyết của Chính phủ về tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản, thúc đẩy chương trình 1 triệu căn hộ nhà ở công nhân, nhà ở xã hội.
Thủ tướng quán triệt tinh thần tất cả các chủ thể đều phải có trách nhiệm, không ai đổ lỗi cho ai, không một mình ai làm được, điều hành không tạo sự thay đổi đột ngột, giật cục.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала