Hết thời tiền rẻ, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam sẽ có chiến lược mới

© Depositphotos.com / Jamwayđồng Việt Nam
đồng Việt Nam - Sputnik Việt Nam, 1920, 26.03.2023
Đăng ký
Giới phân tích cho rằng, kỷ nguyên “tiền đắt” chưa thể kết thúc. Theo TS. Nguyễn Xuân Thành, thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn.
Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021. Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa tức là còn 8,5%.

Fed tăng lãi suất không gây bất ngờ

Sáng 23/3 (theo giờ Việt Nam), Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) thông báo nâng lãi suất thêm 0,25 điểm phần trăm, qua đó đưa lãi suất từ khoảng mục tiêu 4,5 – 4,75% lên 4,75 – 5%.
Tuy nhiên, động thái tăng lãi suất 0,25 điểm % của Fed không phải điều gì quá bất ngờ bởi đã được dự báo từ trước.
Thế nhưng, điều đáng nói là, sự sụp đổ của một số ngân hàng lớn trên thế giới bắt đầu từ Silicon Valley Bank khiến giới chuyên gia nhận định Fed có thể sẽ không tăng lãi suất trong đợt này.
Giới chuyên gia cho rằng, với đợt tăng lãi suất lần thứ 9 liên tiếp kể từ tháng 3/2022, có thể Fed đánh giá việc sụp đổ của các ngân hàng này không tác động quá lớn với hệ thống tài chính và vẫn ưu tiên cho mục tiêu ổn định lạm phát của nền kinh tế Mỹ.
Chuyên gia kinh tế Phan Dũng Khánh - Giám đốc tư vấn đầu tư của Maybank Investment Bank cho Vietnam+/TTXVN biết: “Fed tăng lãi suất không phải là điều bất ngờ, mà đã được dự báo từ trước. Mức độ ảnh hưởng của kỳ điều chỉnh lần này tác động tới thị trường Việt Nam không lớn, có chăng, tác động chỉ mang tính ngắn hạn. Phía Ngân hàng Nhà nước đã có kế hoạch từ trước và có hành động hạ lãi suất và bơm thanh khoản cho thị trường”.
Theo ông Khánh, trên cơ sở Fed tăng lãi suất và chính sách điều hành của FED trong thời gian tới, có thể thấy rằng kỷ nguyên ‘tiền đắt’ vẫn chưa thể kết thúc được, ít nhất trong năm nay. Đối với thị trường chứng khoán một vài phiên tới sẽ chịu ảnh hưởng của quyết định tăng lãi suất của Fed. Dự báo, ít nhất trong trung hạn năm nay vẫn là một năm vất vả với thị trường chứng khoán.
“Tôi kỳ vọng, nửa cuối năm 2023, mức tích cực sẽ nhiều hơn, cần lưu ý tốt hơn ở đây là so với mức xấu nhất, chứ không thể về mức mơ ước như năm 2021”, chuyên gia bày tỏ.
Phân tích tình huống này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Hữu Huân, Giảng viên Trường Đại học Kinh tế TP.HCM nêu dự báo với Doanh nghiệp và Kinh doanh cho hay, trong năm nay, Fed sẽ chỉ tăng lãi suất khoảng một, hai lần nữa và giữ nguyên ở đỉnh do mức lãi suất hiện nay đã tương đối cao so với mức lịch sử của Mỹ.
Theo ông Huân, việc Fed dừng tăng lãi suất sẽ tạo dư địa cho chính sách tiền tệ của Việt Nam chuyển từ thắt chặt sang mở rộng.

“Quan trọng là chỉ báo tỷ giá, hiện nay, VND có xu hướng tăng so với đồng USD tạo tín hiệu tốt để cho Ngân hàng Nhà nước tiếp tục mua dự trữ ngoại hối và đồng thời bơm tiền ra cho nền kinh tế”, chuyên gia nhận định.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành, Trường Chính sách Công và Quản lý Fulbright đánh giá, việc Fed tăng lãi suất 0,25 điểm % nhưng USD vẫn không mạnh lên là bởi thị trường nhận định đây vẫn là một phương án nhẹ tay của Fed trong bối cảnh các ngân hàng trung ương khác vẫn phải chạy đua lãi suất.

“Trong các đồng tiền, sắp tới USD sẽ là đồng tăng lãi suất ít nhất điều này khiến tỷ giá không có quá nhiều biến động”, ông Thành phân tích.

Nguyên nhân thứ hai là do những vụ sụp đổ ngân hàng SVB vừa rồi nên thanh khoản đồng USD lại được đẩy mạnh ra bởi các ngân hàng trung ương cam kết nếu như hệ thống ngân hàng trên toàn cầu yếu về thanh khoản USD thì đều có thể tiếp cận. Như vậy, khi thanh khoản USD bơm ra sẽ khiến áp lực lên tiền đồng không lớn.
“Đây là một yếu tố quan trọng để ngân hàng Nhà nước có dư địa bơm thêm tiền ra nền kinh tế”, ông Thành cho hay.
Mặc dù vậy, chuyên gia cũng nhấn mạnh, từ giờ đến tháng 5, nếu hệ thống tài chính của Mỹ ổn định trở lại, lạm phát “nóng” lên thì áp lực tăng lãi suất của Fed sẽ lại mạnh thêm.
Đồng Việt Nam và đô la Mỹ. - Sputnik Việt Nam, 1920, 02.02.2023
Fed ‘hắt hơi’ khó làm Việt Nam ‘sổ mũi’

Hết thời tiền rẻ: Lãi suất tiền gửi có thể hạ xuống 8,5%

Đánh giá chung về mặt bằng lãi suất ở Việt Nam, TS. Nguyễn Xuân Thành dự báo, từ giờ đến cuối năm lãi suất sẽ tiếp tục giảm nhưng không quay về mặt bằng lãi suất như trong thời gian COVID-19.
“Tức là thời kỳ tiền rẻ đã qua và chúng ta buộc phải sống trong mặt bằng lãi suất cao hơn. Đừng mong đợi lãi suất sẽ quay lại mức thấp như thời kỳ 2020-2021”, ông Nguyễn Xuân Thành cho biết.
Chuyên gia cho rằng, thời gian COVID-19 lãi suất tiền gửi khoảng 7,5% và đến thời điểm cuối năm ngoái lên tới 10,5% và giờ hạ được khoảng 1% xuống còn 9,5%.
“Mặt bằng lãi suất tiền gửi năm nay có thể hạ xuống tối đa thêm 1% nữa tức là còn 8,5%. Lãi suất sẽ có tính trồi sụt chứ không phải chỉ theo đà giảm, nhưng chắc chắn khó có thể trở lại mức 7,5% kể cả trong những năm tới”, chuyên gia Nguyễn Xuân Thành dự báo.
Một điểm quan trọng nữa theo TS. Nguyễn Xuân Thành là khả năng tiếp cận tín dụng. Theo ông, Ngân hàng Nhà nước có thể sẽ đưa mức dự trữ ngoại hối lên 100 tỷ USD, khi mua được USD để dữ trữ một phần cũng bơm tiền đồng ra và giúp thanh khoản đỡ khó khăn.
Ông Thành nhấn mạnh, quan trọng nhất là thanh khoản dồi dào thì khi lãi suất tiền gửi giảm, lãi suất cho vay sẽ giảm theo tạo tác động tích cực cho nền kinh tế.

Nới lỏng tiền tệ

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, đây là thời điểm NHNN có thể nới lỏng chính sách tiền tệ từ từ và góp phần giảm lãi suất cho toàn hệ thống, dù vậy, chuyên gia khuyến nghị, bước đi này cần thận trọng và không nên quá nóng vội để giảm lãi suất bằng mọi giá.
“Bởi nếu giảm lãi suất quá mạnh trong khi lãi suất ở Mỹ vẫn đang cao, dòng vốn có khả năng đảo chiều”, ông Huân nói
TS. Nguyễn Hữu Huân lưu ý, dòng vốn đảo chiều sẽ gây ra ảnh hưởng xấu đến tỷ giá và làm cho các biến số vĩ mô của nền kinh tế gặp trục trặc.

“Mặc dù lãi suất trong nước đang khá cao so với sức chịu đựng của doanh nghiệp và người dân, tuy nhiên việc giảm lãi suất không thể theo ý chí chủ quan mà còn phải dựa vào tín hiệu của thị trường”, chuyên gia bày tỏ.

Theo TS. Nguyễn Hữu Huân, động thái của NHNN hiện nay là phù hợp, giảm từ từ chứ không phải giảm đột ngột. Tuy nhiên, cần xem xét hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thương mại nhỏ bởi hiện đang có một sự phân hoá về thanh khoản giữa các nhóm ngân hàng.
“Sau vụ việc của SCB, một lượng vốn lớn từ các ngân hàng thương mại (NHTM) nhỏ đã chạy sang ngân hàng lớn”, chuyên gia lưu ý.
Điều này làm cho các ngân hàng thương mại nhỏ đang khó khăn về thanh khoản lại càng khó khăn hơn. Ngược lại, các ngân hàng lớn thanh khoản hiện đang rất dồi dào.
Vì vậy, theo chuyên gia, Ngân hàng Nhà nước nên cân nhắc thêm để bổ sung thanh khoản cho các NHTM đang khó khăn để hạ mặt bằng lãi suất của cả thị trường. Chỉ khi các ngân hàng lớn giảm lãi suất còn các ngân hàng nhỏ không giảm thì gây ra hiện tượng khách hàng phải chi thêm hoa hồng ngoài, chi phí vay vốn của doanh nghiệp và người dân vẫn cao.
“Chỉ khi lãi suất của tất cả hệ thống ngân hàng đều giữ một mặt bằng thấp chung thì người dân, doanh nghiệp và nền kinh tế mới thực sự được hỗ trợ”, TS. Nguyễn Hữu Huân nhận định.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước Việt Nam giảm một loạt lãi suất điều hành, Phó Thống đốc Thường trực Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết, mặc dù nhận thấy vẫn còn nhiều khó khăn do chính sách tài chính, lãi suất của các nước trong đó có Mỹ, nhưng nền kinh tế cũng phát đi tín hiệu tích cực trong kiểm soát lạm phát và Chính phủ đang triển khai đồng bộ, quyết liệt hiệu quả các chính sách, Ngân hàng Nhà nước thấy rằng, điều hành chính sách tiền tệ có thể tiếp tục linh hoạt, trước mắt giảm một số lãi suất điều hành.
Quyết định này nhằm tạo thông điệp cho các ngân hàng thương mại giảm lãi suất cho vay đối với các doanh nghiệp. Từ đó, giảm chi phí vay vốn, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp khắc phục những khó khăn, nhanh chóng khôi phục, nhất là lĩnh vực động lực của nền kinh tế.
“Thời gian qua các ngân hàng cũng đã cố gắng tiết giảm chi phí hoạt động để có thêm nguồn lực giảm lãi suất cho vay hỗ trợ doanh nghiệp. Và trên cơ sở Ngân hàng Nhà nước hạ lãi suất điều hành, các ngân hàng lại có thể tiếp tục giảm lãi suất cho vay trong thời gian tới”, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết.
Ngân hàng TMCP Sài Gòn - Sputnik Việt Nam, 1920, 06.03.2023
Lãi suất SCB dẫn đầu hệ thống, Ngân hàng Nhà nước theo dõi sát biến động
Giới chuyên gia dự kiến Ngân hàng Nhà nước có thể cố gắng giữ nguyên chính sách điều hành hiện hành với mức lãi suất điều hành hợp lý nhằm hỗ trợ phát triển kinh tế.
Tuy nhiên, trong trường hợp xấu nhất (lạm phát tiếp tục duy trì ở mức cao tại Mỹ), Ngân hàng Nhà nước có thể tăng dần lãi suất điều hành (nhất là lãi suất tái cấp vốn) thêm 0,5%-1% trong cả năm 2023 để hỗ trợ đảm bảo mục tiêu ổn định tỷ giá.
Tin thời sự
0
Để tham gia thảo luận
hãy kích hoạt hoặc đăng ký
loader
Phòng chat
Заголовок открываемого материала